Chuyện bây giờ đã trở thành quá khứ. Nhưng nó vẫn ẩn nấp ở một nơi nào đó trong tâm tưởng để rồi nhiều lúc làm cho trái tim tôi thổn thức, đau đớn, xót xa...
Chuyện bây giờ đã trở thành quá khứ. Nhưng nó vẫn ẩn nấp ở một nơi nào đó trong tâm tưởng để rồi nhiều lúc làm cho trái tim tôi thổn thức, đau đớn, xót xa...
|
Minh họa: Phan Nhân |
Đó là những năm chiến tranh ác liệt, tổ trinh sát của tôi đang trên đường đi tiền trạm chuẩn bị cho chiến dịch thì bị bọn thám báo phục kích. Đạn từ đối phương bắn xối xả vào đội hình chúng tôi. Do có phương án tác chiến từ trước, mỗi người chúng tôi đều giữ một khoảng cách nhất định, vì vậy, kịp triển khai đội hình chống trả, quyết tiêu diệt bọn này để đảm bảo bí mật của chiến dịch. Một lúc sau thì tiếng súng im bặt. Hình như có tiếng chân chạy về phía tôi:
- Đạt, mày có sao không?
Tôi mơ màng nghe tiếng gọi của đồng đội. Mọi người hoảng sợ khi thấy máu từ bụng tôi chảy ra thấm ướt áo. Tôi ngất đi không còn biết gì nữa.
Cho đến ngày đầu tiên tỉnh lại, tôi hé mắt ra và nhìn thấy một nữ y tá mặc blu trắng đang chăm sóc vết thương cho mình. Cái màu trắng của chiếc áo ấy trắng lóa suốt đời tôi. Tưởng như mình đã chết, bây giờ được sống lại, nhìn thấy cái gì đầu tiên cũng thường rất ngỡ ngàng và không thể nào quên được. Người nữ y tá lau rửa và băng lại vết thương cho tôi. Nét mặt cô đầy vẻ lo lắng và tỏ ra thương cảm. Cho đến hôm nay cái áo blu ấy vẫn hiện về trong những giấc mơ đêm đêm của tôi. Thậm chí cả ban ngày, những lúc ngồi một mình, nhìn vào một không gian vô định, tôi vẫn hình dung ra bóng dáng của em trong ngôi nhà bạt dã chiến của trạm quân y trung đoàn giữa rừng xanh đại ngàn đầy bí ẩn của chiến dịch.
Là người cùng trung đoàn nên tôi cũng biết Tín, người nữ y tá ấy, nhưng chưa có điều kiện nói chuyện với nhau. Đơn vị đông mà phụ nữ rất ít, vì vậy, nữ chiến sĩ quân y như những "mì chính cánh" của đơn vị và hình như không ai giám thổ lộ tình yêu với họ. Kỷ luật chiến trường rất nghiêm ngặt, thương vụng nhớ thầm chẳng ai biết đó vào đâu, chứ nếu công khai yêu nhau thì hoàn cảnh chưa cho phép. Những người lính thường đùa với nhau câu nói cửa miệng: "mang nặng trong lòng mối tình câm". Tình cảm của tôi với Tín cũng trong hoàn cảnh như vậy.
Tôi nhớ, một lần đi ngang qua con suối thì gặp ba nữ quân y đang đùa vui dưới dòng nước trong suốt. Họ cười nói vui vẻ lắm. Tôi đứng lại bên bờ suối muốn tỏ thái độ thân tình. Nhưng tôi không nói được gì, chỉ nhìn chăm chăm vào Tín. Tôi thấy Tín đẹp quá. Có lẽ trong số các cô ở đây thì Tín nổi trội hơn cả. Tín nhìn lên bờ thấy tôi, vẻ mặt có vẻ kênh kiệu (đấy là tôi nghĩ như vậy thôi). Tín nói:
- Nhìn gì?
Tôi giật mình trước câu nói của Tín. Tôi thấy ngượng trước hành động thiếu tế nhị của mình nhưng đồng thời cũng cảm thấy như bị xúc phạm. Sao Tín lại nói với tôi một lời có vẻ khinh thường như vậy. Dù sao tôi cũng là một trung đội trưởng trinh sát, là con cưng của trung đoàn, được đơn vị yêu mến, lại có nhiều thành tích trong chiến đấu. Chẳng lẽ Tín không hiểu điều đó sao? Tín muốn giữ kỷ luật của quân đội thời chiến hay Tín coi thường tôi? Nhưng cũng có thể Tín được nhiều người để ý nên tôi chưa là gì trước đôi mắt xanh ấy. Đến hôm nay, tôi vẫn còn nhớ như in câu nói đầy chất "kiêu" của người con gái mà tôi thương vụng nhớ thầm.
Sau cái buổi hôm ấy, vì lòng tự ái dâng đầy, tôi muốn quên hẳn hình ảnh của Tín để cho lòng thanh thản.
Bất ngờ, Tín lại đến trung đội thăm tôi. Ngạc nhiên vô cùng. Tuy bảo quên hẳn người con gái ấy đi, nhưng khi Tín đến, tôi lại thấy bồi hồi. Trái tim cứ đập loạn xạ cả lên. Hôm ấy, tôi không có điều kiện nói chuyện riêng với Tín ngoài những câu vui đùa chung với mọi người. Tôi để ý thấy Tín nhìn tôi hơi nhiều, nhưng khi tôi nhìn lại thì Tín lại quay đi. Thật chẳng hiểu Tín định đến chỗ tôi làm gì.
Chẳng ngờ, khi nằm ở trạm quân y tiền phương thì chính người con gái ấy lại đang chăm sóc cho tôi một cách rất tận tình. Có phải vì tình yêu với tôi hay chỉ là tình đồng đội. Trong chiến tranh tình đồng đội cao cả lắm. Tôi không sao hóa giải nổi những băn khoăn suy nghĩ của mình.
Khi tỉnh hẳn, tôi mới biết, ngoài tôi ra, còn có cả thằng Hoàn, bạn thân của tôi cũng bị thương trong trận hôm ấy. Hoàn còn nặng hơn tôi. Nó có vẻ đau đớn lắm.
Tôi không nói gì với Tín trong suốt những ngày đầu điều trị. Tôi chưa quên được câu nói "kênh kiệu" bên dòng suối thơ mộng giữa rừng ngày nào. Em không thể dùng một lời nào đó tình cảm hơn để nói với tôi hay sao?
Cuối cùng, Tín cũng hỏi tôi:
- Anh bị đau lắm hay sao mà suốt mấy ngày qua, anh không nói với em một lời?
Có lẽ không câm lặng mãi được nữa, tôi đã phải mở miệng:
- Tôi chẳng biết nói gì ngoài sự mang ơn các thầy thuốc đã cứu tôi thoát khỏi tử thần!
- Anh nói hơi quá đấy! Vết thương của anh chưa thấm vào đâu so với anh Hoàn. Tử thần đâu đã có thể cướp được anh!
Tín đứng nhìn tôi rất lâu, rồi có vẻ e dè:
- Em muốn nói với anh một chuyện, có được không?
Tôi hồi hộp đón chờ câu nói của Tín.
- Hình như anh giận em lắm?
Tôi lúng túng chưa biết trả lời thế nào, Tín nói tiếp:
- Em không hiểu sao, từ cái hôm gặp nhau bên bờ suối, anh luôn tránh mặt em. Nếu có gì chưa phải, xin anh bỏ quá cho, đừng nhạt nhẽo như thế, làm em áy náy lắm.
Không nén nổi cảm xúc, tôi nói tuồn tuột những suy nghĩ của mình:
- Thực lòng tôi rất có cảm tình với Tín, nhưng chỉ vì câu nói hôm ấy mà tôi có phần tự ti. Tôi luôn tin rằng Tín chẳng bao giờ quan tâm tới tôi cả. Nên tôi rất buồn. Tôi nghĩ, nên xa Tín là tốt cho tất cả.
Tín cười rất vô tư và nói với tôi:
- Anh đừng nói thế mà em chạnh lòng. Tuy không nói ra nhưng em cũng có nhiều cảm tình với anh đấy. Hãy cố gắng điều trị cho tốt. Rồi cái gì đến sẽ đến.
Đêm ấy tôi không ngủ được. Tín nói thế nghĩa là thế nào? Tôi hy vọng, rồi lại thất vọng. Chắc là Tín chỉ đùa với tôi như vậy để động viên một thương binh mà thôi. Nghĩ như vậy nhưng hình ảnh của Tín lúc nào cũng làm xáo trộn tâm hồn tôi.
Ngày tôi rời trạm quân y tiền phương để đi tiếp vào mặt trận, tôi muốn gặp Tín để tạm biệt, nhưng không gặp được. Tín phải vượt qua khu rừng già đi nhận thuốc ở tuyến trên, mấy ngày rồi mà chưa về. Thôi đành tạm biệt người con gái mà tôi "mang nặng trong lòng mối tình câm". Tôi sang chào Hoàn, người bạn thân đang điều trị ở buồng bên, rồi lên đường cùng đoàn quân tiến về hướng có tiếng súng đang nổ.
Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi gặp lại Hoàn. Chúng tôi ôm nhau mừng vui khôn tả. Hoàn kể về tình cảm của Tín với tôi:
- Tao không ngờ y tá Tín lại yêu mày nhiều đến thế. Tao thấy cô ấy buồn lắm khi biết mày ra đi mà không một lời nhắn lại. Có lúc tao thấy cô ấy ngồi khóc một mình, thật thương cảm. Mà mày cũng ngu lắm cơ. Con gái đứa nào chả có chút ít "kiêu kiêu" trước tình cảm của bạn trai. Chẳng lẽ nó ôm chầm lấy mày ngay đấy à!
Hoàn đưa cho tôi lá thư. Tôi dán mắt vào đọc không bỏ sót một chữ. Tôi bàng hoàng. Trời ơi! Tín ơi! Bây giờ tôi mới hiểu tình yêu của người con gái mà tôi thì ngớ ngẩn chẳng nhận ra, để đến bây giờ xa nhau, tôi mới thấy ân hận và tiếc nuối. Hoàn kể rằng cả đơn vị quân y đều gán ghép Tín với tôi. Tín cũng hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại nhau.
Hoàn nói tiếp:
- Nhưng việc này mới là quan trọng. Bác sĩ trưởng ban quân y nói cho tao biết: Mày bị thương, mất nhiều máu quá, khi phải mổ cấp cứu thì không còn đủ sức. Xét nghiệm cả đơn vị thì chỉ có máu của y tá Tín là hợp với mày. Cô ấy đã đồng ý lấy ngay máu của mình tiếp cho mày. Cô ấy yêu cầu mọi người giữ kín chuyện này không cho mày biết. Cô ấy không muốn ai phải mang nợ mình.
Tôi choáng váng như muốn gục ngã. Nước mắt tôi cứ tự nhiên trào ra không ngăn nổi...
Tôi được về thăm gia đình như bao người lính khác. Chắc giờ này mẹ và gia đình đang mong tôi lắm. Nhưng tôi quyết định về quê Tín trước theo địa chỉ ghi trong thư để biết được tin về Tín và mong được mang thêm niềm vui về cho mẹ.
Gia đình Tín đón tôi rất chân tình. Mẹ Tín khóc khi nhìn lên bàn thờ. Tôi ngước nhìn theo mẹ và bàng hoàng khi nhận ra tấm hình của Tín sau bát hương còn đang tỏa khói. Nước mắt tôi ứa ra, tràn xuống mặt. Mọi niềm hy vọng trên đường đi thế là không còn nữa. Tôi đau đớn vô cùng, bước lại bàn thờ thắp ba nén hương khấn vái và đứng nhìn tấm ảnh của Tín rất lâu, người con gái đã yêu tôi và tôi đã yêu trong mối tình đầu. Trong người tôi có dòng máu của em đang nuôi sống thân thể tôi, để hôm nay tôi trở về trong sự muộn mằn và tiếc thương quá đỗi. Tín nhìn tôi như vừa vui, vừa buồn, và hình như có cả những điều trách cứ:
- Anh đã về đấy ư? Vết thương của anh còn đau nhiều không? Anh có nhớ người con gái này đã yêu anh như thế nào không? Em biết thế nào anh cũng về mà, công em chờ thật không uổng!
Tôi thầm thì với em:
- Tín ơi! Tha lỗi cho anh. Dù không một lời yêu thương trực tiếp nói với nhau, nhưng anh đã hiểu tất cả tình cảm của em. Anh mang ơn em và trong hành trình cuộc đời những ngày còn lại, hình bóng của em luôn ở bên anh!
Mẹ Tín run run lấy từ trên bàn thờ xuống quyển sổ đã bạc màu, đưa cho tôi:
- Đây là cuốn nhật ký của con Tín, trong ấy nó có nói về… Anh hãy đọc đi để hiểu cho tình cảm của nó...
Tôi đỡ quyển sổ trên tay mẹ, ôm vào lòng, dàn dụa nước mắt.
Mẹ kể lại rằng, các anh ở đơn vị khi mang những kỷ vật của Tín về có kể chuyện về sự hy sinh anh dũng của Tín và trao cuốn nhật ký này cho gia đình.
Tín được đơn vị cho ra ngoài Bắc để đào tạo bác sĩ. Nhưng lúc đó thương binh rất nhiều, lại muốn có cơ hội gặp lại tôi, vì vậy Tín đã xin ở lại trạm quân y. Chẳng ngờ, cũng một lần đi lĩnh thuốc, Tín trúng bom rải thảm của máy bay giặc và đã hy sinh.
Tôi mở cuốn nhật ký định đọc vài dòng, nhưng không thể nào đọc nổi vì nước mắt cứ trào ra. Mẹ cho phép tôi cầm cuốn nhật ký về xem, khi nào có điều kiện thì mang lại cho gia đình vì đây là kỷ vật thiêng liêng của một người con đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến tranh vĩ đại của đất nước.
Đối với tôi, Tín vừa là ân nhân vừa là tình yêu đầu đời của tôi. Dòng máu của Tín còn chảy trong huyết quản của tôi. Đó là tình yêu của tuổi trẻ đã cùng nhau chiến đấu trong những ngày ác liệt của chiến tranh.
Chuyện bây giờ đã trở thành quá khứ. Nhưng nó vẫn ẩn nấp ở một nơi nào đó trong tâm tưởng làm cho trái tim bị thổn thức, đau đớn, xót xa...
Trong những ngày hân hoan kỷ niệm chiến thắng 30 – 4 – 1975, tôi khôn nguôi nỗi nhớ về Tín. Tôi đang đứng trên mảnh đất của trạm quân y, giữa cánh rừng đại ngàn của Trường Sơn, nơi em ngã xuống. Nơi ấy bây giờ không còn bom rơi đạn nổ. Tôi tự hào về sự hy sinh anh dũng của em. Nhưng cũng thương lắm, thương đến cung bậc cao nhất của tình cảm con người. Mắt tôi nhòa đi nhưng nhìn thấy em rất rõ. Em như một thiên thần áo trắng đang chăm sóc các thương binh. Nhìn thấy tôi, Tín tươi cười chạy lại. Tôi ôm chầm lấy em trong nước mắt, nước mắt của tình yêu nồng nàn, tình yêu của người lính.
Truyện ngắn: Phạm Đức