Gặt với sao mai, chân dung làng Việt

03:04, 09/04/2014

Việt Nam, trăm năm trước có thể gọi là một nước thuần nông. Đô thị hóa mới chỉ bắt đầu rất gần đây thôi, thành thử trong mỗi người con dân Việt, dù sinh ra ở thành thị vẫn mang tâm thức làng, và mỗi góc khuất trái tim đều ẩn chứa một làng quê của riêng mình: Làng tôi. Tập thơ "Gặt với sao mai" (NXB Hội Nhà văn 2014) của Vương Tùng Cương đã đụng được vào miền thẳm thiêng liêng này.

Việt Nam, trăm năm trước có thể gọi là một nước thuần nông. Đô thị hóa mới chỉ bắt đầu rất gần đây thôi, thành thử trong mỗi người con dân Việt, dù sinh ra ở thành thị vẫn mang tâm thức làng, và mỗi góc khuất trái tim đều ẩn chứa một làng quê của riêng mình: Làng tôi. Tập thơ “Gặt với sao mai” (NXB Hội Nhà văn 2014) của Vương Tùng Cương đã đụng được vào miền thẳm thiêng liêng này.
 
Tranh Họa sĩ Đỗ Sơn – Thăng Long Galler
Tranh Họa sĩ Đỗ Sơn – Thăng Long Gallery
 
“Trăm năm nguyên sơ/ vườn nhà dâu biếc/ Lối ngõ tường rêu đá chất/ Những ngôi nhà ngói xỉn dáng xiêu/ Bụi tầm xuân rực tím nắng chiều” (Làng xưa). Làng đấy, mộc mạc và dung dị, lặng lẽ ngấm sâu vào lòng người, trở thành một phần máu thịt của tính cách. Cảm xúc làng của mỗi người giống nhau, vì hồn làng, chân quê vốn vậy, nhưng cái cớ để hồn làng nhen nhóm, bừng cháy trong mỗi người lại khác biệt, muôn màu muôn vẻ. Với Vương Tùng Cương thì: “Âm thanh làng thức với sao khuya/ Tiếng tằm ăn dâu sa quay mải miết/ Ngoài sân đình trẻ nô đùa hò hét/ Tới tàn trăng lăn ngủ trước hiên nhà” (Làng xưa). Chỉ kể thôi, kể rất chân thành mà cảm động. Đó là cái tài trong thơ Cương. Có những câu rõ là khẩu ngữ mà đọc lên rất thơ: “Bề bộn rơm phơi vàng nắng/ Thóc tãi khắp thềm kín cả sân/ Người ra đồng hết làng yên ắng/ Một tiếng chim khôn hót rất gần” (Trước hoa).
 
Làng trong thơ Vương Tùng Cương có lúc hiện lên như một bức tranh tả thực đầy màu sắc, lúc lại sống động với những âm thanh, hương vị quen thuộc đến nao lòng, lúc toàn cảnh, khi đặc tả, không một nét thừa. Ai đã gặp tác giả đều không khỏi ngạc nhiên vì những câu thơ rất thật, giản dị ấy lại là đứa con tinh thần của một người có vẻ khôn và sắc. Đến nỗi, có những người không ưa Vương Tùng Cương vẫn yêu và thuộc thơ anh. Không sắc sảo sao được, một thời từng là giám đốc Công ty phát hành sách của tỉnh Hà Bắc. Lúc ấy còn mải buôn sách, buôn giấy, buôn lịch, đâu đã nghĩ đến thơ. Thế rồi sau những thăng trầm của đời sống và gia đình… mới có những đêm thức trắng nghe âm thanh làng: “Gà gáy loang dần chó sủa bóng xa/ Đêm trở giời cá động ao bì bõm/ Nghe hoang vắng tiếng vạc xa tìm bạn/ Người kéo vó khuya nghe thúng thắng tuổi già”. Làng quê ở đây mang nặng thân phận kiếp người.
 
Mất mát trả người ta lại với chính mình. Và, anh nhập đồng, làm thơ như điên, mười năm ra 5 tập liền: “Lửa tầm xuân” (1997), “Hoa lối sau chùa” (1999), “Mùa xưa” (2001), “Phía gió sương” (2005) và “Giấc mơ lửa ấm”… Anh phải chịu ơn cả nỗi buồn. Đó là yếu tố âm trong sáng tác, cái mất trong đời là cái được trong thơ. Làng luôn dang tay đón đợi những đứa con tất tả mưu sinh rã rời sau bao ganh đua lập danh lập nghiệp trở về: “Em như hoa ké nguyên màu tím/ Vẫn nở bình yên trước ngõ nhà/ Anh là cánh bướm bay lạc lối/ Xin được về tạ lỗi trước hoa” (Trước hoa).
 
Về với “lấm láp chùm cà cuống/ khói thơm lừng bếp gio”. Về với “cối đá mòn vẹt trôn/ thuở ông bà để lại”. Về với “bát cơm chín mùi rơm rạ/ bếp mẹ cời lửa thức trước rạng đông”. Chữ “thức” và chữ “cời” sao mà đắt, nó đánh thức ký ức cả đời người. Rồi: “Giấc sâu không trở mình/ Bữa cơm đèn nhậm nhuội”. Trong khi người ta tân hình thức, hậu hiện đại, nói những điều khó hiểu, thì Vương Tùng Cương cứ “gánh rơm vào phố”, mặc dù anh không phải là người đầu tiên. Cứ lặn sâu vào làng, nói mãi tưởng đã cạn mà hóa ra vẫn còn, còn nhiều, giống như đào măng giữa lũy tre mà nhà thơ Phạm Tiến Duật có lần nói với anh.
 
Đây là đồng làng: “Gốc rạ lật nghiêng/ sá cày vỡ đất/ đồng khát khô sương muối xót xa chiều”. Rồi: “Đồng giáp hạt đỏ trời hoa gạo/ Chầm chậm tháng ba tay mẹ gieo vừng” (Cánh đồng của mẹ). Lớn lên trong vòng tay mẹ, từ lam lũ cánh đồng, “Giờ xao xác chân mình/ Bước lá vàng thành thị”, thì “Những mùa quê thương nhớ” vẫn “Vời vợi xa sái lòng” (Mùa quê thương nhớ). Đồng làng đủ vẻ mặt, sắc thái cũng dầm mưa giãi nắng như người. Ta “Gặp tháng năm bạc lưng áo trên đồng”, những chiều “Gió heo may trải dịu mặt đồng/ Thoáng óng ả tháng mười/ Đã lùa tím chân trời gió bấc”. Khi ấy “Mẹ gánh nước lội bao mặt ruộng/ Lúc sao mai sáng lạnh ngang đầu”. Chưa hết: “Sà sã đôi vai em/ Bàn chân trần nẻ miếng/ Gánh cả mùa gió sương”. Thế rồi “Những cơn mưa đầu mùa đổ xuống/ Ếch nhân tình gọi bạn mênh mang” (Tuổi thơ).
 
     Vương Tùng Cương vẽ lại tuổi thơ của bao người:
 
     “Níu chân mình suốt nẻo đường quê
     Tiếng cuốc sôi bong bóng mưa hè
     Duối chín rộ lũ chào mào huyên náo
     Trưa dãi nắng cánh chuồn tha thẩn
     Chú bói cá lười ngủ gật cọc ao”.
                                                       (Tuổi thơ)
 
Làng quê vẫn dõi theo bước chân ta, cho dù có lúc ta vô tình lãng quên, Vương Tùng Cương chạnh lòng nhắc nhở: “Có lẽ nào anh quên nắng quê xưa/ Mà biền biệt chưa một lần trở lại” (Nắng quê).
 
Bóng dáng bà là bóng dáng của làng xưa cũ và nhuốm màu cổ tích. Bảy tuổi Vương Tùng Cương theo bà đi chợ. “Tất tả mồ hôi bà gồng gánh/ Tôi chạy gằn níu chặt dảnh quang/ Chiếc bánh đa đội đầu che nắng/ Dọc đường về chân sáo hồn bay”. Bà qua đời “Chẳng mang theo một chút gì/ Mà sao trống lạnh từ khi vắng bà” (Bà ơi). Giờ “Vẫn năm ngày hai phiên chợ Nếnh/ Đâu chợ của bà của tuổi thơ tôi” (Chợ Nếnh). Một cái gì đau xót, hụt hẫng, ta thừ người khi đọc câu thơ này. Nhưng bà vẫn hiện hữu trong “Những lời mưa gió nắng nôi/ Ủ từ tro trấu ấm đời cháu con”. Lớn lên trong kháng chiến chống Pháp, cha mẹ đi hoạt động cách mạng nay đây mai đó, Cương ở nhà với bà ngoại. Gắn bó với bà cũng là với làng. Bài “Bà ơi” anh chọn thể thơ lục bát, trong khi hầu hết là thơ tự do, với số chữ khác nhau tùy cảm xúc.
 
Và mẹ: “Trưa nắng đổ ngọn dâu cao vít hái/ Mắt chong đèn lứa tằm ăn rỗi/ Đêm mau sáng miếng trầu giã vội/ Kén hong vàng nắng nỏ tràn nong”. “Rơm thóc oi nồng nhặm vào giấc ngủ/ Làng ra đồng gặt với sao mai”. Trên trái đất này có làng quê nào lam lũ và đẹp đến thế. 
 
Làng quê đầu tắt mặt tối quanh năm, được bù lại bằng những ngày hội. Hội làng là sinh hoạt văn hóa, tinh thần không thể thiếu của vùng quê Kinh Bắc. “Thương quan họ tháng giêng đời mẹ/ Thuở áo khăn hoa lý hoa đào/ Lời ca nước mắt nhiều đến thế/ Đẫm mối tình lòng mẹ gửi trao” (Lời ca tháng giêng). Đời chị hình như lặp lại đời mẹ: “Biền biệt chồng xa các con nhập ngũ/ Đêm ngóng tin thao thức vợi sao trời”. Làng xưa thường có chuyện xếp đặt, ép duyên gây ra bao bi kịch lứa đôi. Không có chợ tình cho gái trai lỗi hẹn gặp lại như ở miền núi, họ chờ đến hội làng:
 
     “Biết em yên phận không về được
     Anh vẫn cứ mong làng vẫn chờ
     Trùng phùng hội hát ba ngày nữa
     Gửi lời người nhắn tới em chưa”. 
                                                        (Hội hát ngày về)
 
Một khi nẩy ra tứ, Vương Tùng Cương bập vào, đề-pa rất tự nhiên và gieo câu kết như chuông ngân, dư ba chấn động, lay thức hồn người mãi không thôi. Ngôn ngữ không hàn lâm, cũng không véo von nhại ca dao, mà có cái cảm, cái nghĩ của liền anh liền chị, những người làm nên ca dao và dân ca. 
 
Về làng gặp bạn cũ một thời Trường Sơn: “Lưng bình tam xà mới ngấu/ Cốc đầy một hơi chuyền tay/ Câu chuyện dở dang bạn ngáy/ Tôi ngồi dựa cột… lịm say” (Bạn cũ trung du). Uống cùng bạn để “nhớ một thời say chưa biết rượu là gì”. Một thời say lý tưởng, chung lưng trên chiến hào, nhường nhau những giọt nước cuối cùng trong bi đông mà ngỡ như rượu mạnh, cũng còn là một thời yêu chưa biết đến đàn bà. Vì vậy, chân dung làng không thể thiếu em. Em là một phần của làng, của hồn làng, nhất là khi ta đi xa trở về: “Chợt thấy mình nôn nao như say/ Khi một dáng thân quen chiều nay rẽ vào ngõ ấy/ Vẫn lối ngõ có hoa vông đỏ cháy/ Và tiếng chim cây khế cuối vườn” (Ngõ tiếng chim cây khế). Chiến tranh làng ra trận, các cô thôn nữ chịu lắm thiệt thòi. Đâu rồi Thiên Thai một thuở, một thuở bỏ bùa cho nhau dưới gốc đa bến nước, bên dòng sông quan họ:
 
     “Có một Bắc Ninh đêm ấy
     Xôn xao gió sóng sông Cầu
     Run rẩy vầng trăng ngần ngại
     Lời khuya thủ thỉ trao nhau”. 
                                                 (Phía lở)
 
“Rồi sông về với ca dao”, cuộc tình lỡ dở vì chiến tranh, “Ngày anh về trăng gác mái đình xưa/ mẹ đã khuất em không chờ được nữa”. Tình chết đi trong đời để cháy lên trong thơ.
 
Vương Tùng Cương đoạt giải nhất cuộc thi thơ “Mối tình đầu” do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Kiến thức ngày nay tổ chức năm 2000 - 2001. Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: “Về mảng nông thôn, thơ Cương có đóng góp”. Gặp anh ở Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh chỉ mặt: “Hoa như đổ phẩm lối sau chùa”. Đó là một câu trong bài “Chùa Bổ Đà” ở quê anh:
 
     “… Tiếng mõ chợt dừng kinh tụng lỡ
     Sư thầy thu sắn vội sân mưa
     Cây gạo trầm tư tay dâng lửa
     Hoa như đổ phẩm lối sau chùa”.
 
Một bức tranh tươi tắn, hài hòa của âm thanh, màu sắc và chuyển động. Chùa làng nơi cư ngụ tâm linh thiêng liêng mà gần gũi đời thường.
 
Để người ta nhớ được một câu thơ đâu phải dễ, mà “Gặt với sao mai” có nhiều câu như thế. Đặc biệt những từ khó dùng trong thơ như: “Và”, “có”, “một”… nhưng vào thơ Cương vẫn hay.
 
Vương Tùng Cương tự hào là nhà thơ của làng. Đó là làng Mật Ninh, làng của Đỗ Chu, của Trần Ninh Hồ, có chợ Nếnh nằm giữa sông Thương và sông Cầu, cái nôi quan họ nổi tiếng đã đi vào thi ca. Bãi bể nương dâu, nơi tỳ vịn cuối cùng đã ít nhiều đổi thay, lũy tre xanh có phần thưa thớt, ao làng san lấp xây biệt thự nhà lầu, đời sống cũng xô bồ vội vã hơn, song hồn làng chưa thành dĩ vãng. Vương Tùng Cương tiếc xót cho những gì là cội nguồn, là truyền thống, qua tập thơ “Gặt với sao mai” anh nhắc nhở chúng ta, thức tỉnh những tâm hồn Việt, hãy làm ngọn gió xa xôi thổi qua làng. Đừng quên nắng quê xưa, “về thắp lại tháng ngày hương khói vắng/ Cúi mái đầu không một sợi tóc xanh” (Về phía gió sương). Thơ Vương Tùng Cương lấy bao nhiêu nước mắt của người Việt xa xứ khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục đọc lên ở Vacsava, Ba Lan.
 
Cứ bước chân về đến đầu làng, Vương Tùng Cương đã nghe trẻ con đọc thơ mình váng nhà Văn Chỉ, thật bõ công cho anh “Gặt với sao mai”, “gánh rơm vào phố”… Thương và yêu làng đến thế, bằng thơ đã dựng cả bức chân dung làng Việt thì quả là hiếm, rất đáng được trân trọng. 
 
Thơ Vương Tùng Cương đứng được nhờ khả năng khắc họa bằng chữ và giọng kể, tự sự tài tình. Đó là lời của làng xưa, người xưa, lời của đồng đất quê mình. Lặn sâu vào đời sống, đi đến tận cùng của cái thật sẽ bắt gặp cái đẹp của nghệ thuật đích thực. Bài học này không mới, cũng không cũ.
 
Chu Bá Nam
 
 
Cánh đồng của mẹ
 
Đồng giáp hạt đỏ trời hoa gạo
chầm chậm tháng ba tay mẹ gieo vừng
vụ chiêm gặt nhạt nhòa mưa bão
lúa gánh về ướt đẫm vành lưng
 
gió heo may trải dịu mặt đồng
thoáng óng ả tháng mười
đã lùa tím chân trời gió bấc
gốc rạ lật nghiêng
xá cày vỡ đất
đồng khát khô sương muối xót xa chiều
 
mẹ gánh nước lội bao mặt ruộng
lúc sao mai sáng lạnh ngang đầu
vai rạn bỏng chân nẻ răm tê dại
mùa rau nghèo tết đến đằng sau
 
tôi lớn lên từ lam lũ cánh đồng
từ tần tảo chắt chiu khô gầy tay mẹ
tôi đi rộng dài chân trời góc bể
nặng nỗi thương đồng, thương mẹ khôn nguôi.
 
 
Ngõ tiếng chim cây khế
 
Chợt thấy mình nôn nao như say
khi một dáng thân quen
chiều nay rẽ vào ngõ ấy
vẫn lối ngõ có hoa vông đỏ cháy
và tiếng chim cây khế cuối vườn
 
phía chân trời
trăng như mọc sớm hơn
sau cơn mưa chiều vầng trăng tươi sáng quá
vầng trăng chia xa một thời trai trẻ…
 
ngày anh về
trăng gác mái đình xưa
mẹ đã khuất
em không chờ được nữa
gió động rèm
trăng sáng đầy ô cửa
tưởng như em từ ngõ ấy sang nhà
 
dẫu biết rằng em đã đi xa
vẫn cứ tin chiều nay em lại về lối ngõ
nơi có hoa vông cháy lên màu lửa
và tiếng chim cây khế cuối vườn.
 
VƯƠNG TÙNG CƯƠNG