Câu này học giả An Chi đã trả lời như sao chép bên dưới. Tuy nhiên, vì nghĩ rằng trả lời của An Chi chưa thỏa đáng nên tôi xin bàn lại như sau...
Câu này học giả An Chi đã trả lời như sao chép bên dưới. Tuy nhiên, vì nghĩ rằng trả lời của An Chi chưa thỏa đáng nên tôi xin bàn lại như sau:
Trước hết là bài của học giả An Chi
Cóc hay là cáo?
Bạn đọc: Hiện nay có nhiều người chưa hiểu rõ câu “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Rất mong học giả An Chi cho biết ý nghĩa của câu nói trên và nguồn gốc của nó. Xin cảm ơn. Trần Minh Xuân (Vũng Tàu)
Học giả An Chi: Nhiều người chưa hiểu rõ câu “Cóc chết ba năm quay đầu về núi” là phải. Về vấn đề này, trong bài “Tại sao một số thành ngữ, tục ngữ lại khó hiểu?” (Thông tin Khoa học & Công nghệ, Thừa Thiên - Huế, số 3/1996), chúng tôi đã viết như sau (ở đây có chỉnh sửa đôi chút):
“Đó là do người viết văn thời nay đã vô tình hoặc cố ý bóp méo một số thành ngữ, tục ngữ, chủ yếu là thành ngữ, mà làm cho chúng trở nên dị dạng so với hình thức gốc. Những dạng thức mới này thực chất chỉ là những thành ngữ dỏm vì người viết không nắm vững từ ngữ nên đã viết sai một cách vô ý thức hoặc vì người viết tuy có vốn từ ngữ phong phú nhưng lại “cải biên” thành ngữ không đúng điệu, nên cuối cùng cũng làm cho chúng “không giống ai”.
Về câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” thì trên Kiến thức Ngày nay số 304 (10/1/1999), chúng tôi đã viết (có sửa chữa):
“Câu này bắt nguồn ở thành ngữ tiếng Hán “hồ tử thú khâu” [狐死首丘] (cáo chết hướng [về] gò), thường nói tắt thành “thú khâu” 首丘 (= hướng về phía gò). “Hồ tử thú khâu” thực chất là một lối dụng điển vì thư tịch Trung Hoa xưa từng nói đến chuyện này. Thiên “Đàn Cung” trong sách Lễ ký viết: “Người đời xưa có lời nói rằng cáo chết hướng về đúng gò; ấy là nhân vậy” (Cổ chi nhân hữu ngôn viết: Hồ tử chính khâu thú; nhân dã). Bài “Ai Dĩnh” trong phần “Cửu chương” của Sở từ có câu “Cáo chết ắt quay về phía gò” (Hồ tử tất thú khâu). Truyện Khấu Vinh trong Hậu Hán thư có câu “Không bằng cái tình của con cáo chết mà (còn biết) hướng về gò” (Bất thắng hồ tử thú khâu chi tình). Thiên “Thuyết lâm” trong sách Hoài Nam Tử có câu “Chim bay về quê, thỏ chạy về hang, cáo chết hướng gò” (Điểu phi phản hương, thố tẩu quy quật, hồ tử thú khâu). Chữ nghĩa rành rành như thế thì sao lại có thể tùy tiện mà đổi cáo thành “cóc” được?”.
Cách đây 14 năm, chúng tôi đã viết như trên. Lần này xin nói thêm như sau. Với những văn liệu đã thấy, ta khó có thể nói rằng câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” không phải do tích Tàu, sách Tàu mà ra. Có điều là tiền nhân của người Việt đã thêm mắm thêm muối nên làm cho câu thành ngữ càng khó hiểu với hai tiếng “ba năm”. “Hồ tử thú khâu” thì dịch thành “Cáo chết hướng (về) gò” là đủ rồi. Sao phải thêm “ba năm”? “Ba năm” là làm sao? Ba năm thì đã thịt nát xương tan tuyệt tích rồi còn đâu. Mà đây là lấy chuyện thực tế để ví von chứ đâu có phải chuyện vô hình, siêu nhiên mà hòng đem chuyện hồn của con cáo đã chết ra nói! Lại nữa, “khâu” cũng đâu phải là “núi” mà là “gò” và chỉ là một hoán dụ để chỉ cái hang của con cáo mà thôi. Câu thành ngữ này dùng để chỉ những người yêu quê hương, không phải là những kẻ vong bản, những người tuy sống ở tha phương nhưng muốn lúc chết thì được chôn ở quê nhà.
Thế nhưng trên trang tw.myblog.yahoo.com/mchuchen, người ta lại đem câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” ra dịch ngược trở lại sang tiếng Tàu thành “Hồ ly tử tam niên nhưng trạo đầu hướng sơn khâu” [狐狸死三年仍掉頭向山丘] rồi còn giải thích rằng, nó tương ứng với câu “Hồ tử thú khâu” của Tàu nữa! Không biết Tàu đọc đến đó có phì cười hay không, nhất là với hai tiếng “ba năm”?
A.C
Nguồn: http://petrotimes.vn/news/vn/hoc-gia-an-chi-giai-dap/coc-hay-la-cao.html
Như thế là sau mấy lần bàn về câu này, An Chi đã làm rõ nghĩa của câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” trong đó có 4 chi tiết:
1 - Cáo: Chữ nghĩa rành rành như thế thì sao lại có thể tùy tiện mà đổi cáo thành “cóc” được?”.
2 - Nguồn gốc câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”, câu này bắt nguồn ở thành ngữ tiếng Hán “hồ tử thú khâu” [狐死首丘] (cáo chết hướng [về] gò), thường nói tắt thành “thú khâu” 首丘 (= hướng về phía gò).
3- Ba năm: Có điều là tiền nhân của người Việt đã thêm mắm thêm muối nên làm cho câu thành ngữ càng khó hiểu với hai tiếng “ba năm”. “Hồ tử thú khâu” thì dịch thành “Cáo chết hướng (về) gò” là đủ rồi. Sao phải thêm “ba năm”? “Ba năm” là làm sao? Ba năm thì đã thịt nát xương tan tuyệt tích rồi còn đâu.
4- Núi: Lại nữa, “khâu” cũng đâu phải là “núi” mà là “gò” và chỉ là một hoán dụ để chỉ cái hang của con cáo mà thôi.
Tuy bác cả 4 yếu tố trên nhưng An Chi vẫn công nhận câu thành ngữ ấy và giải thích “Câu thành ngữ này dùng để chỉ những người yêu quê hương, không phải là những kẻ vong bản, những người tuy sống ở tha phương nhưng muốn lúc chết thì được chôn ở quê nhà”.
Riêng tôi (người viết) nghĩ rằng người Việt xưa nói “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” chắc có cái lý của nó và vì nó không giống với câu của Trung Hoa nên chắc là không phải lấy từ điển tích của phương Bắc.
Để giải thích câu này theo tôi cũng có 5 vấn đề cần được giải quyết.
1-
Cáo hay Cóc?
2-
Nguồn gốc câu này từ đâu?
3-
Tại sao không phải con gì mà phải là Cáo?
4-
Tại sao không phải là 1,2 hay 4,5 mà lại là 3 năm?
5-
Tại sao không quay về đâu mà lại quay về núi?
1-
Cáo hay Cóc?
Tất nhiên là cáo rồi như AC đã nói, tuy nhiên ở đây tôi thêm đôi ý. Thông thường khi người ta lấy một điển tích nào đó để làm một thành ngữ thì ý nghĩa mà điển tích ấy mang lại phải có tính chân lí, có nghĩa là nó đúng cả quá khứ, hiện tại, tương lai, dù ở đâu, khi nào. Vậy mà lấy chuyện con cóc đem bôi vôi rồi đem thả thì cóc sẽ về lại chỗ cũ thì chẳng có tính chân lí chút nào, vì nếu đem nó từ Đà Lạt mà thả ở Huế hay Paris thì liệu có về được không. Như thế thì làm sao mà đủ tiêu chí để làm một thành ngữ được.
2-
Nguồn gốc câu này từ đâu?
Theo tôi câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” có nguồn gốc từ quẻ CẤN ☶, tượng của Cấn là Núi và đại diện cho nó là con Cáo. Điều này được ghi lại trong câu chuyện "Cóc kiện Trời và Đầm xác Cáo”. Đây là câu chuyện về nguồn gốc Tiên Thiên Bát Quái của người Việt được thể hiện qua chuyện ngụ ngôn và truyền thuyết dân gian. Vì vậy 3 câu hỏi còn lại cũng nằm quẻ Cấn này. Trong bài của AC chỉ nói câu “Hồ tử thú khâu” và các câu khác mà không thấy nói đến căn cứ điển tích nào mà có câu ấy.
|
Vẽ tranh trên đường phố Đà Lạt. Ảnh: PVE |
Xin trích một đoạn:
A-
Ngày xửa ngày xưa, con cóc vẫn sần sùi xấu xí như ngày nay nhưng cóc nổi tiếng giữa muôn loài là một con vật tuy bé nhỏ nhưng rất gan dạ. Gan cóc tía mà lại thông thường năm nào, Ngọc hoàng Thượng đế cũng sai thần Mưa làm mưa cho muôn loài, cây cối, nhưng vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp. Nắng lửa hết tháng này đến tháng khác, hút cạn nước sông ngòi, đầm hồ, mọi cây cỏ đều khô héo cả, đất nứt như một khe vực… Một hôm đi qua một vũng đầm khô, Cóc tía gặp Cua càng ☰ (càn), Cua hỏi Cóc đi đâu. Cóc bèn kể rõ sự tình, và rủ Cua cùng đi kiện Trời. Ban đầu Cua định bàn ngang. Thà chết ở đây còn hơn chứ Trời xa thế đi sao tới mà kiện với tụng…Cua tình nguyện cùng đi với Cóc.
Ði được một đoạn nữa, Cóc lại gặp Cọp ☴ (tốn)đang nằm phơi bụng thở thoi thóp. Gấu☵ (khảm) đang chảy mỡ ròng ròng và khát cháy họng. Cóc rủ Gấu và Cọp đi kiện trời. Cọp còn lưỡng lự thì Gấu đã gạt đi mà nói rằng:
Anh Cóc nói có lý, chẳng có lẽ chúng mình cứ nằm ở đây đợi chết khát cả ư... Ta theo anh Cóc thôi. Ðến ngang như anh Cua còn theo anh Cóc được thì tại sao chúng mình không theo.
Cả bọn nhập lại thành đoàn. Ði thêm một chặng nữa thì gặp con Cáo ☶ (cấn) bị lửa nướng cháy xém lông và đàn Ong ☷ (khôn) khô hết mật. Cả hai con vật này cũng hăng hái nhập vào đoàn loài vật đi kiện Trời do Cóc dẫn đầu.
B-
Chuyện Đầm xác Cáo. “Xưa ở phía Tây thành có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên sông Lô Giang. Trong hang, dưới chân núi, có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, có thể hóa thành yêu quái, thành người hoặc thành quỉ đi khắp nhân gian.
Thời đó, dưới chân núi Tản Viên, người Mán chôn gỗ kết cỏ làm nhà. Trên núi có vị thần rất linh thiêng, người Mán thường thờ phụng. Thần dạy người Mán trồng lúa, dệt vải làm áo trắng mà mặc cho nên gọi là Bạch Y Man (Mán áo trắng).
Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Mán, cùng ca hát rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Người Mán rất khổ sở. Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ dâng nước lên công phá hang đá”.
Hồ Tây = Khảm, Đông = Li, Cấn Tây Bắc, Cấn là Cáo. Khôn = Bắc. Theo Tiên Thiên Bát Quái thì lí số hướng Bắc = Trời số 1 sinh nước, Đất thành số 6 (Thiên nhất sinh thủy, địa lục thành chi). Căn cứ vào các số này mà có chuyện Long Quân ra lệnh cho lục(6) bộ thủy phủ dâng lên làm chết Cáo.
3-
Tại sao không phải con gì mà phải là Cáo?
Theo hai câu chuyện trên thì rõ ràng người Việt xưa đã sử dụng hình ảnh những con vật để tiêu biểu cho các quẻ trong bát quái và con Cáo đại diện cho quẻ Cấn. Như vậy đã là quẻ Cấn thì con vật tiêu biểu cho nó là Cáo chứ không thể là con gì khác.
4-
Tại sao không phải là 1,2 hay 4,5 mà lại là 3 năm?
Mỗi quẻ chỉ có 3 hào (3 gạch), quẻ Cấn cũng thế, quá khứ - hiện tại – tương lai chỉ có thế, cũng như con người sinh ra mãi mãi chỉ có một quê hương. Chính vì vậy mà có “ba năm”. Ba năm ở đây không phải là số đếm mà là số tuyệt đối, cũng như ta nói trăm năm hạnh phúc vậy.
5-
Tại sao không quay về đâu mà lại quay về núi?
Theo bát quái quẻ Cấn là tượng trưng cho Núi (Cấn vi sơn) nên dĩ nhiên là cáo phải quay đầu về núi chứ về đâu nữa. Đầu ở đây để chỉ tâm tưởng, sự hướng vọng, chứ nếu là cái đầu không thôi thì đôi khi chết cũng chưa chắc kịp quay về nói gì đã 3 năm.
Như thế ta thấy câu “Cáo chết ba năm quay đầu về núi” là có cơ sở. Nguồn gốc của nó chính là quẻ Cấn, nghĩa của nó là dù đi đâu, ở đâu cho đến khi chết, trong lòng con người cũng chỉ có một cội nguồn để hướng về. Đồng thời người Việt đâu có lấy câu "Hồ tử thú khâu” của Trung hoa rồi thêm mắm thêm muối để dịch thành câu "Cáo chết ba năm quay đầu về núi" đâu, nói vậy e thất lễ với tiền nhân nước Việt. Chính vì vậy so với các câu mà học giả An Chi trích dẫn thì chưa biết ta lấy của phương Bắc hay ngược lại.
VIÊN NHƯ