Cần có một cơ chế để nhà văn nhập cuộc

04:04, 16/04/2014

Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an phối hợp cùng Hội Nhà văn tổ chức qua 2 giai đoạn (2007 - 2011) và (2012 - 2015) đã trở thành cuộc vận động lớn.

Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp cùng Hội Nhà văn tổ chức qua 2 giai đoạn (2007 - 2011) và (2012 - 2015) đã trở thành cuộc vận động lớn. Tổng kết cuộc vận động (2007 - 2011) đã có 135 tác giả trong và ngoài ngành tham gia với 146 bản thảo tác phẩm, xuất bản và phát hành 60 tác phẩm. Cuộc vận động (2012 - 2015) đến nay đã có 40 tác giả tham gia với 40 bản thảo tác phẩm, trong đó 10 tác phẩm đã được ấn hành. Hãy lắng nghe những trăn trở của các nhà văn - những người “trong cuộc” khi viết về đề tài này.
 
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (UVBTV, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam): Nhà văn và công an tưởng như 2 công việc khác nhau, nhưng chúng tôi gặp nhau ở một điểm chung. Nếu ngành công an, bằng công việc của mình đã bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo nên sự bình yên cuộc sống cho nhân dân thì các nhà văn bằng ngòi bút của mình tạo nên sự bình yên trong lòng người, bình yên trong từng mái ấm gia đình. Sứ mệnh của văn chương cũng giống như sứ mệnh của lực lượng công an nhân dân. Chúng tôi cùng có chung một con đường - con đường tạo nên một xã hội thanh bình, nhân ái và sẻ chia, làm cho đất nước bình yên, nhân dân hạnh phúc. Ở các nước trên thế giới, văn học trinh thám đã phát triển từ rất lâu với những cảnh bạo lực được mô tả rùng rợn, đặc biệt là văn học Mỹ (theo sau là điện ảnh). Nhưng vẫn có một sợi chỉ nhỏ xuyên suốt bảo vệ nhân văn, bảo vệ người vô tội; trong những pha rùng rợn nhất, gay cấn nhất vẫn thấy bóng dáng của lực lượng CIA xuất hiện nhấn chìm bạo lực. Với văn học Việt Nam, về lực lượng công an nhân dân, hình tượng của các chiến sĩ công an không chỉ xả thân vì từng số phận, vì nhân dân mà còn vì quốc gia, vì dân tộc. Với vai trò là Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi, tôi mong muốn sẽ có nhiều tác phẩm hay viết về ngành công an nhân dân được dịch và giới thiệu với bạn đọc Á - Phi, để đưa văn học Việt Nam, trong đó có văn học của ngành công an đến với bè bạn quốc tế. 
 
* Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: Là người có nhiều đầu sách viết về công an, từ thành công cuốn truyện ký đầu tiên “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời” (viết về thiếu tướng, tình báo, anh hùng LLVTND Phạm Xuân Ẩn) gây được tiếng vang trong nước và thế giới, tôi đã viết thêm 3 cuốn sách nữa về những nhân vật, những con người, những tấm gương sáng về chiến sĩ công an đại diện cho con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam. Với Lâm Đồng, gần đây nhất tôi viết về chiến công của Công an Lâm Đồng với những hoạt động khôn khéo của các anh trong cuộc chiến chống Fulro, đồng thời đã đưa được đệ nhất phó thủ tướng Fulro trở về thành Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Ya Duck được nhân dân tin yêu. 
 
Quan điểm của tôi khi đã cầm bút là phải viết những gì người đọc chưa được biết đến nhiều và cần cho họ biết, và có lẽ viết về ngành công an là một đề tài như vậy. Là nhà văn ngoài ngành, tôi gặp không ít khó khăn khi thu thập tư liệu, tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, tiếp cận với hồ sơ. Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình viết tác phẩm “Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời”. Sau 10 năm tiếp cận với nhân vật, thu thập tài liệu, tôi mới bắt đầu viết. Tôi muốn đưa nhân dân Việt Nam như được nói chuyện trực tiếp với nhân vật, và muốn thế giới biết về con người Việt Nam, tâm hồn Việt Nam qua một nhà tình báo vĩ đại tầm cỡ thế giới Phạm Xuân Ẩn qua cuốn sách của tôi… Nhưng ngay khi bắt tay vào viết vẫn có rất nhiều người khuyên tôi không nên viết, khi sắp hoàn thành vẫn có sự ngăn cản vì nhiều quan điểm trái chiều cho đây là tài liệu mật vụ, không nên tiết lộ qua sách, dù chiến tranh đã qua đi hơn 30 năm. Tôi mong, đã đến lúc cần đưa thành luật, thành chính sách giải mật trong hạn định về những vụ án, những hoạt động bí mật trong quá khứ có thể được giải mật để nhà văn được tiếp cận nguồn thông tin chính xác, từ đó giúp cho văn học phi hư cấu phát triển. 
 

* Nhà văn Đỗ Chu: Cả đời cầm bút tôi luôn tin tưởng vào hai lực lượng: bộ đội và công an. Khi chiến tranh, gánh nặng Tổ quốc đặt lên vai bộ đội; khi hòa bình, gánh nặng đó đặt lên vai công an. Phải yêu công an, tin cậy công an thì mới viết được về công an. Sự phối hợp giữa Hội Nhà văn và Bộ Công an để tạo nên những tác phẩm văn chương đích thực cho ngành là một sự gặp gỡ rất quan trọng, mở ra một thời kỳ mới cho văn học công an. Ngành công an không ngừng xây dựng lực lượng để bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn bình yên cuộc sống cho nhân dân thì viết văn cũng phải có tấm lòng, có đạo đức, đạo đức cách mạng phải lớn hơn bất cứ nghề nào. Bằng tài năng nhà văn phải tự làm cho mình lớn lên, không xoàng xĩnh, nhếch nhác. Từ đó có nhiều tác phẩm hay phục vụ cho đất nước và cho nhân dân. Ngành công an cũng cần có chính sách khen thưởng xứng đáng cho nhà văn có tác phẩm hay viết về ngành để động viên, khích lệ các nhà văn ngày càng có nhiều tác phẩm viết về an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.

 
* Nhà văn Nguyễn Khắc Trường (Chủ tịch Hội đồng văn xuôi - Hội Nhà văn Việt Nam): Khi vụ án kết thúc thì văn chương bắt đầu - là nhà văn, muốn viết hay đã khó, viết về công an, về vụ án cho hay càng khó hơn. Nhà văn phải được tạo điều kiện để nhập cuộc, viết đúng, hợp logic để tránh những sai lầm. Nhất là với những người viết văn ngoài ngành trẻ tuổi, vốn sống chưa dày. Với phong trào sáng tác văn học trong công an nhân dân ngày càng lớn mạnh; số lượng cây bút, nhà văn công an trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngày càng tăng lên. Từ khi thành lập chi hội nhà văn công an năm 1997 có 11 nhà văn thì nay đã tăng lên 39 nhà văn, đó là chưa kể các nhà văn khác đang được xét kết nạp. Chi hội nhà văn công an trở thành chi hội mạnh, có nhiều nhà văn nhất. Cùng với những cây bút ngoài ngành, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều tác phẩm mới của các nhà văn trong ngành để cuộc thi tiểu thuyết và truyện ký thành công.
 
QUỲNH UYỂN