Chuyện anh Vênh đã bước sang tuổi ba lăm mà vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai, đối với làng Nga Mi này không có gì là lạ. Anh Vênh xấu trai quá cỡ. Mặt đen. Trán dô. Mắt lác. Đã thế lưng anh lại gù, cộng thêm đôi chân gầy guộc, lòng khòng, càng làm dáng anh xiêu vẹo, dị dạng.
Chuyện anh Vênh đã bước sang tuổi ba lăm mà vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai, đối với làng Nga Mi này không có gì là lạ. Anh Vênh xấu trai quá cỡ. Mặt đen. Trán dô. Mắt lác. Đã thế lưng anh lại gù, cộng thêm đôi chân gầy guộc, lòng khòng, càng làm dáng anh xiêu vẹo, dị dạng.
|
Minh họa: Ngọc Minh |
Cái tên Vênh, bố mẹ đặt cho anh cũng đã như một dự báo về sự khó hòa nhập với cuộc sống bình thường. Quả là thế, thuở đi học hầu như anh không có bạn. Lũ con gái không muốn gần anh đã đành, ngay cả lũ con trai cũng không muốn chơi bời đàn đúm với anh. Anh mang đủ các tên ghép xấu xí: Vênh gù, Vênh còng, Vênh khoèo. Học hết cấp hai, anh quyết định thôi học. Anh bỏ học cũng bởi phần nào mặc cảm với thân phận của mình. Nhưng lý do chính lại do gia đình anh quá nghèo túng, neo bấn. Bố chết sớm, mẹ già ốm đau luôn. Mọi công việc đều đổ lên đôi vai vẹo vọ của anh. Có thể, thượng đế đã quá bất công trong việc dồn chất quá nhiều bất hạnh cho một con người. Nhưng cũng có thể đó chính là sự thử thách của đấng tối cao đòi hỏi con người phải vượt lên để sống. Nhưng anh Vênh không có nhiều thì giờ để so tính về những bất công mang mầu sắc triết lý cao xa ấy. Anh chỉ thấy hơi tủi phận. Nhưng mà rồi anh không tủi mãi. Anh đã vạch được cho mình một con đường. Đó là sự cơ chỉ của một người nông dân trên mảnh đất của mình. Việc đầu tiên, anh cất công đi tới tất cả những vùng quê trong tỉnh có cung cách làm ăn tiên tiến học hỏi kinh nghiệm để ứng dụng vào mảnh đất quê mình. Thật khó ngờ, ba năm sau, cả làng Nga Mi đã phải kinh ngạc về sự thành đạt của chàng thanh niên tật nguyền ấy. Chỉ vài vụ dưa, vài vụ ớt, gia đình anh đã trở nên khá giả nhất làng. Nhà anh lúc nào cũng chật ních người đến học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Anh vui vẻ hướng dẫn dân làng một cách tỉ mỉ. Nhiều gia đình giàu lên. Hình ảnh “chú Vênh” với chiếc mũ lá đội nắng, đội mưa cần mẫn trên cánh đồng đã trở thành một hình ảnh quen thuộc và thân thương đối với bà con Nga Mi. Trước mắt người dân quanh vùng, anh Vênh đã gần giống như một anh hùng rồi. Nụ cười anh Vênh cũng đã tươi hơn trước.
Chỉ có mẹ anh là buồn. Bà không thể dứt khỏi sự phiền não khi khát khao có một đứa cháu nội. Có một thực tế cay nghiệt mà ai cũng biết: mặc dù đám con gái trong làng lòng đầy quý mến, cảm phục anh Vênh nhưng không có cô nào đủ cam đảm làm vợ anh, kể cả những cô kém nhan sắc nhất. Bà mẹ anh bao đêm khóc ròng về tình duyên hẩm hiu của cậu con trai độc nhất. Bà than thân, trách phận. Bà trách trời, trách đất đã nặn ra đứa con yêu quý của bà một vóc hình xấu xí. Thấy mẹ kêu than, Vênh chỉ cười: “Số con nó thế mà u”. Nhìn nụ cười vô tư lự và kín đáo của Vênh, lòng bà những ước ao mơ tưởng biết đâu một ngày nào đó con trai bà lặng lẽ dẫn về cho bà một nàng dâu, dù xấu xí nhưng hiền phục và chăm chỉ. Điều mơ ước ấy cứ cháy âm ỉ trong lòng bà như đám rấm trấu không chịu tắt.
Thế rồi ai ngờ một tai nạn đổ ập xuống đầu anh Vênh: trong một buổi vào rừng chặt nứa về cắm ruộng cà chua, anh Vênh đã cứu một em bé khỏi cây gỗ lớn lăn từ đỉnh núi xuống. Mất đà, anh Vênh ngã đập đầu vào đá, bất tỉnh.
Anh Vênh hôn mê mấy ngày trong bệnh viện. Mẹ anh rũ xuống như tàu cải táp nắng.
Đêm hôm ấy, miệng anh Vênh mấp máy. Đôi môi thấp thoáng một nụ cười mơ hồ. Hình như không phải anh đang li bì trong một trạng thái hôn mê mà đang thiêm thiếp cùng với một giấc mơ đẹp.
Mọi người chợt bàng hoàng khi nghe thấy tiếng anh mê sảng cất lên:
- Châu! Châu ơi... Châu ơi...
Một người thốt lên, vẻ sững sờ:
- Chú ấy gọi ai đấy nhỉ?
Trong đám người - lòng bà mẹ Vênh giật thột nhất. Bà đờ người, nói như rên:
- Châu! Châu! Đứa nào nhỉ? Thế mà nó cứ giấu tôi.
Bằng linh cảm đớn đau của người mẹ, bà hiểu rằng con trai bà đã có người yêu thương. Bà khóc nghẹn ngào: “Vênh ơi! Con ơi! Con cố sống để mẹ đi gọi cái Châu về cho con. U sẽ cưới vợ cho con, rồi u sẽ có cháu nội đầy nhà”. Nước mắt bà lão rơi lã chã.
Anh Vênh vẫn mê sảng:
- Châu! Châu ơi... Châu ơi...
Mỗi tiếng gọi “Châu ơi” lại như một nhát búa đập vào tâm não người mẹ khổ đau.
Bà quyết định, dù vất vả đến mấy cũng phải cất công đi tìm cái cô gái tên là Châu ấy về cho con. Bà mẩm trong bụng: “Chắc nó ở xa nên không biết thằng Vênh bị tai nạn”. Dù xa mấy thì bà cũng tìm bằng được.
Sau khi căn dặn những người ở nhà chăm sóc Vênh cẩn thận, bà tay xách nách mang đi đến tận trường cấp hai trên phố huyện. Bà nghĩ, hẳn cái cô gái tên Châu ấy phải là bạn học của con bà thuở học sinh trường huyện, chứ mấy làng quanh đây chẳng có cô nào tên như vậy.
Các cô giáo ở trường chỉ cho bà một cô Châu ở xã Kim Tân trước đây cùng lớp với Vênh. Bà hớt hải đi ngay.
Một phụ nữ chừng ngoài ba mươi tuổi, nhăn nhăn vầng trán hẹp như cố tìm lại một ký ức mờ xa, rồi nói với bà bằng một giọng buồn tẻ:
- Đúng tên cháu là Châu. Hai mươi năm trước cháu học với anh Vênh. Anh Vênh thì ai cũng biết. Nhưng... sao ạ... bác muốn hỏi...
- Thế… thế… cháu đã… lấy chồng chưa?
Một câu hỏi có phần vụng về. Nhưng đối với bà lão lúc này không còn có câu hỏi nào khác hơn thế.
Người phụ nữ vẻ cũng dễ tính, nhanh nhẩu trả lời:
- Cháu ba nhóc rồi. Vợ chồng cháu vất vả lắm mới nuôi nổi ba cái tầu há mồm đấy bà ạ.
Bà lão như người rơi xuống vực. Quên cả chào hỏi, bà lùi lũi quay người, ủ rũ bước đi trước sự ngạc nhiên của người phụ nữ nọ.
Bà lại dò hỏi thêm được một cô Châu nữa ở một xã xa hơn xã Kim Tân mấy cây số.
Nhìn vóc dáng thô kệch, xấu xí của cô gái, bà lão hi vọng đó chính là cô Châu mà bà đang tìm kiếm. Ấy vậy mà cô gái nọ cũng đã có con học lớp một. Nghĩ mãi cô mới nhớ ra anh Vênh.
Lòng đầy thất vọng, bà lão đành quay về bệnh viện.
Nhìn thân hình đang kiệt dần của người con trai xấu số, bà rớt nước mắt, thầm than thở: “Vênh ơi, u mắt mờ chân chậm không tìm được cái Châu về cho con. U có tội với con!”.
* * *
Bác sĩ nói mười phần, anh Vênh đã nắm chín phần chết. Cả làng Nga Mi truyền nhau cái tin đau buồn ấy. Nhiều chàng trai, cô gái ở làng tình nguyện hiến máu cho anh Vênh.
Bà lão bám sát giường bệnh của con trai trong vẻ mặt úa tàn.
Thỉnh thoảng Vênh lại nói mê, nhắc đi nhắc lại một câu thật da diết:
- Châu ơi… Châu ơi…
Tiếng gọi của anh càng lúc càng làm cho trái tim người mẹ thêm nhói đau. Bà rên rỉ oán trách cái cô gái tên Châu. Cớ sao thằng Vênh bị tai nạn đến cả tuần rồi mà cấm thấy mặt mũi đâu. Người như thế thì cũng bất nghĩa chứ chả báu hóa gì.
Mặt anh Vênh nhợt nhạt dần. Mọi người gọi bác sĩ trực. Bác sĩ đến giường bệnh với vẻ đầy thất vọng, ý tứ nói với người mẹ:
- Cụ chưa tìm được cô Châu cho anh ấy sao?
Anh Vênh oằn người như đang gắng gượng để thoát khỏi tử thần. Cuộc sống của anh tuy chẳng bóng bẩy, hào hoa nhưng anh yêu nó. Hình như nơi ấy vẫn đang có một bàn tay níu giữ, vời vẫy anh.
- Châu ơi…Châu ơi…- Giọng anh khản đặc.
Bác sĩ bảo, tiếng gọi ấy là những tư duy cuối cùng của anh trước khi gặp nạn. Đó là những ngôn ngữ đã khảm sâu vào vỏ não, để lúc mê sảng mới cứ nhắc đi nhắc lại như thế.
Bỗng, tất cả mọi người cùng lặng đi trước tiếng gọi của anh Vênh:
- Châu ơi… Châu ơi… vạt cỏ này non lắm… Châu ơi, lại đây mà gặm cỏ…
Không gian trĩu nặng.
Ai đó thốt lên, vỡ òa:
- Thì ra… chú Vênh gọi con trâu nhà chú ấy. Thế mà cứ tưởng…
Gương mặt mẹ Vênh liệt đi, đờ đẫn như một bức tượng.
Cả làng Nga Mi ai cũng biết anh Vênh yêu quí con trâu nhà mình như thế nào. Hơn mười năm trước, người ta chia cho Vênh một con trâu đực gầy trơ xương, ghẻ lở đầy mình. Thế mà mới hơn một năm nó đã trở thành con trâu mộng dai sức và chăm chỉ nhất vùng. Người làng đùa anh Vênh mê trâu hơn mê gái. Quả có vậy.
Tiếng anh Vênh lại cất lên:
- Vạt cỏ này non lắm…
Bây giờ thì mọi người đã hiểu đúng nghĩa tiếng gọi của anh Vênh.
Nhưng đấy cũng là những tiếng nói cuối cùng của anh. Sau đó giây lát, anh Vênh lịm dần rồi nhẹ nhàng đi vào cõi vĩnh hằng.
Đám tang anh Vênh không lớn nhưng người đi đưa dài từ đầu đến cuối xã. Nhiều người ở mấy làng bên cũng đến đưa tiễn người con ưu tú và xấu số của quê hương.
Khi mộ anh Vênh đắp gần xong, mọi người hấp hoảng nhìn về phía cánh rừng già thấy một con trâu to, đen trũi sầm sầm lao đến. Nhìn kĩ, thì ra là con trâu sừng cong nhà anh Vênh. Đến gần đám người, con trâu bước chậm lại. Nó lầm lũi bước đến cạnh nấm mộ với đôi sừng cong gục gạc một cách đau đớn. Bỗng nó khuỵ chân, phủ phục trước mộ anh Vênh, đầu ngoẹo về một bên. Mắt nó mở trừng trừng. Và, từ đôi mắt đỏ như hai cục than hồng ấy lã chã lăn ra những giọt nước mắt lấp lánh - những giọt nước mắt pha lẫn ánh mặt trời.
Cả đám đông xúm lại. Không phải vì hiếu kì mà bởi sự đồng điệu của đau thương. Nhưng giọt nước mắt của con trâu tuy kì lạ nhưng không làm ai ngạc nhiên.
* * *
Chuyện anh Vênh là thế. Phảng phất mầu huyền thoại. Nhưng người làng Nga Mi không nghĩ vậy. Bởi hôm ấy họ đã tận mắt chứng kiến những giọt nước mắt của con trâu sừng cong khóc anh Vênh.
Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG