Thật bất ngờ khi về Phước Cát I, huyện Cát Tiên tôi được biết đến những làn điệu hát Then, đàn Tính trong một không gian mang màu sắc Cao Nguyên vô cùng hấp dẫn...
Thật bất ngờ khi về Phước Cát I, huyện Cát Tiên tôi được biết đến những làn điệu hát Then, đàn Tính trong một không gian mang màu sắc Cao Nguyên vô cùng hấp dẫn. Ấy chính là câu lạc bộ “Hát then, đàn Tính xã Phước Cát I” được thành lập trên cơ sở nhu cầu và sở thích của những người dân tộc Tày, Nùng đi lập nghiệp tại vùng đất mới xa xôi. Đây là quê hương thứ hai của họ, bên cạnh việc ổn định kinh tế, đồng bào còn mong muốn giới thiệu, duy trì và gìn giữ nét đẹp tinh thần mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Vào những năm 1990, rất đông đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc vào định cư, lập nghiệp ở xứ Cao Nguyên Lâm Đồng. Trong đó, Phước Cát I là một trong những địa bàn được bà con người Tày, Nùng sống tập trung nhiều nhất. Trải qua hơn 20 năm phát triển, ổn định kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu, bà con đã thích nghi và bắt đầu yêu mảnh đất quê hương thứ hai, lúc này cũng là lúc điệu hát Then, tiếng đàn Tính ngân vang, dìu dặt và được cất lên trong đời sống xã hội. Vì nhớ cây đàn Tính, một vài người dân đã tự làm đàn Tính bằng quả bầu, dây cước, kết hợp với dụng cụ lắc nhạc bằng tay, thử hát và thế là một bản hợp xướng vang lên, họ hát khi lên rẫy, ra đồng, hay tối về quanh bếp lửa. Hát khi có lễ mừng thọ, mừng đám cưới, mừng nhà mới… và rồi hàng chục cây đàn Tính xuất hiện, nhiều bộ trang phục người Tày, Nùng được di chuyển từ phía Bắc vào, góp phần hoàn thiện một đội nghệ nhân hát Then của Phước Cát. Hoạt động từ rất lâu, nhưng mãi đến đầu năm 2014, Câu lạc bộ “Hát Then, đàn Tính Phước Cát I” mới ra đời trên cơ sở đề xuất của hàng chục nghệ nhân yêu thích môn nghệ thuật này. Câu lạc bộ gồm 36 thành viên trong độ tuổi từ 30 - 60 tuổi, do ông Nông Viết Kín làm Chủ nhiệm câu lạc bộ, bà Hoàng Thị Biên làm Phó Chủ nhiệm.
Ngồi lắng nghe từng điệu hát Then tha thiết, đằm thắm tôi mới thấy hết sự tinh tế, nhưng mộc mạc, dung dị của bà con nơi đây. Chị Hoàng Thị Biên chia sẻ: “Chúng tôi rất yêu điệu hát Then của dân tộc mình, nó dường như không thể thiếu trong cuộc sống của người Tày chúng tôi, bất kể ở vùng đất nào. Đến bây giờ, mặc dù đã ở tuổi ngũ tuần, đôi lúc vợ chồng cũng giận nhau, không nói được với nhau, những lúc đó, điệu hát Then lại là trung tâm hòa giải tốt nhất. Khi lời hát Then được cất lên, mọi mệt nhọc, vất vả tan biến, chỉ còn lại tình yêu thương mà thôi…”. Hát Then quả có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng người Tày, Nùng… và gắn với đời sống tâm linh, ông Nông Viết Kín - người hát Then nổi tiếng trong làng và là Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Then” nghĩa là “Thiên” - khúc hát Then là khúc hát thần tiên. Là cầu nối tâm linh mang theo lời thỉnh cầu, mong ước của con người tới thần linh, mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc. Ngày nay, chúng tôi hát Then vào những dịp lễ hội, mừng đám cưới, mừng thọ cha mẹ với nhiều làn điệu đàn, sáo nhị, phong sư, điệu Phựt lằn, Giá hai, Nàng ới, hát Này Ri (dân tộc Nùng) thể thơ ca. Trong đó, môn đàn Tính vẫn là nghệ thuật được ưa chuộng nhất, hấp dẫn người nghe. Câu lạc bộ chúng tôi hiện nay đã được nhiều người, nhiều vùng biết đến, thường xuyên tổ chức giao lưu với các vùng lân cận như Bình Dương, Bình Phước… Qua đó, tình cảm gắn bó của dân tộc càng được phát huy.
HÀ NGUYỆT