Giữa năm 2013, trên một số tờ báo in (cả báo mạng) đăng các bài viết phản ánh về luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó lắng xuống những tưởng qua đi song, gần đây chuyện về luận văn này lại được xáo xới và "ầm ĩ" trên nhiều trang mạng khiến độc giả rất bất bình…
Giữa năm 2013, trên một số tờ báo in (cả báo mạng) đăng các bài viết phản ánh về luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó lắng xuống những tưởng qua đi song, gần đây chuyện về luận văn này lại được xáo xới và “ầm ĩ” trên nhiều trang mạng khiến độc giả rất bất bình… Trước đây, Lâm Đồng Cuối tuần từng đăng bài viết “nhận diện” tác hại của luận văn này, nay thiết nghĩ rất cần trở lại thông tin về cái gọi là Nhóm “Mở Miệng” và tính chất phản văn hóa của luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của Nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”!
“Mở Miệng” là ai?
Trước sự quan tâm của dư luận, chúng tôi đã tìm đọc và đọc kỹ bản luận văn này (đã đăng trên mạng). Quả thật, khi đọc xong luận văn của Đỗ Thị Thoan, đề tài: "Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của Nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa", chúng tôi hết sức bức xúc. Và, có lẽ đối với những ai học ngành Văn, giảng dạy văn học, hoặc sáng tác thơ nghiêm túc sẽ cảm thấy bị xúc phạm!
Nhóm “Mở Miệng” là những ai ? Sản phẩm họ “sản xuất” ra là những gì mà đã có “sức hút” để giảng viên trẻ được cho là “thông minh, tài năng” này chọn làm đề tài cho luận văn thạc sĩ của mình gây đình đám hiện nay? Cách đây khoảng 10 năm, một nhóm gồm 4 người: Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy và Nguyễn Quán tụ họp lại và sáng tác những bài (tác giả luận văn gọi là “thơ”); về nội dung hết sức tục tĩu, thô bỉ, bậy bạ; hình thức, câu từ chắp vá thô thiển như thể một thứ hỗn tạp về ngôn từ. Ngoài “lắp ghép” để cho ra thứ sản phẩm gọi là “thơ” ấy, nhóm này còn giễu nhại (nghĩa là từ một số bài thơ chính thống của những người khác, họ “thêm” vào một vài từ…) để phá phách; trong đó, kể cả việc giễu nhại, xúc phạm đến những người mà cả dân tộc Việt Nam và thế giới kính trọng như Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh… Theo tác giả của luận văn, tháng 6.2002, tập “Mở Miệng” gồm những “thi phẩm” của 4 người này xuất bản và nhóm “Mở Miệng” chính thức hình thành. Tất nhiên, với những thứ thơ dơ dáy, rác rưởi vô văn hóa như vậy tự bản thân nó đã không thể chấp nhận thì thử hỏi có báo, tạp chí nào hay NXB chính thống nào chấp nhận để đăng, cấp phép in ấn, phát hành (?). Bởi vậy, một “Nhà xuất bản” Giấy Vụn do chính Bùi Chát đứng ra in bằng hình thức photocopy 50 bản chuyền tay nhau ở Sài Gòn rồi bị thu hồi và tiêu hủy…
Ngoài viết những bài thơ tục tĩu mà chính Bùi Chát - một thành viên trong nhóm “Mở Miệng” đã nhận, đó chỉ là “Nghịch thơ, Thơ rác, Thơ nghĩa địa, Thơ dơ”; nhóm này còn hô hào đòi cách tân thơ, làm mới thơ cả về nội dung và hình thức. Theo họ đó là tự do đưa mọi thứ tục tĩu, rác rưởi vào thơ, tự do phá phách, nổi loạn và “phản ứng lại lối sinh hoạt máy móc của một cơ chế văn nghệ hết sức suy đồi…”, chủ trương tự do làm nghệ thuật. Cái tên “Mở Miệng” đã phản ánh ý tưởng của những người sáng lập ra nó, một thái độ phản ứng về việc không được tự do “mở miệng”, ở đây là không được tự do công bố tác phẩm không qua kiểm duyệt. Bùi Chát bày tỏ: “Bổn thân tôi vốn thích dùng khái niệm Nghịch thơ hơn là Làm thơ”…
Việt Nam là quốc gia thơ (thi quốc), tất cả mọi người đều có quyền tự do làm thơ... Tuy nhiên, cái gọi là “thơ” ấy liệu công chúng có “ngửi” được hay không mới là chuyện khác. Một lần nữa, Bùi Chát - người có nhiều thơ dơ nhất trong nhóm “Mở Miệng” đã thành thật thú nhận: “Nhiều người cho rằng, chúng tôi đang làm cách mạng thơ, thật ngớ ngẩn. Thử tưởng tượng nếu cả nền văn chương mà lại như chúng tôi thì sao, ai mà ngửi cho nổi”…
Không thể chấp nhận một thứ “sản phẩm” rất phản văn hóa
Dòng chảy của cuộc sống có thể ví như một dòng sông, ven bờ dòng sông ấy chắc chắn sẽ có bọt bèo và rác rưởi. Dù có được chấp nhận hay không, những cái lập dị, “khác người”, thậm chí những thứ “rác rưởi” vẫn tồn tại.
Nhóm “Mở Miệng” thực ra chỉ là 4 người có cùng “thi hướng” (làm thơ, nhại thơ, nghịch thơ); có cùng “sở trường” (làm thơ dơ, thơ rác rưởi) và tạm gọi có cùng “chí hướng” (đòi cách tân làm mới thơ, đòi hỏi tự do ngôn luận, phản ứng chế độ, “phá rối trật tự”…). Thật lạ lùng, từ một sinh viên suốt những năm tháng ngồi trên ghế giảng đường ĐH theo đuổi ngành Ngữ văn, rồi trở thành giảng viên giảng dạy ở một trường ĐH có bề dày trong công tác đào tạo bao nhiêu thế hệ cán bộ, giáo viên phục vụ sự nghiệp “trồng người” cao cả, Đỗ Thị Thoan lại chọn nhóm “Mở Miệng” làm khách thể và những thứ rác rưởi kia làm đối tượng đề tài luận văn thạc sĩ - chiếc phao để vào đời của mình (?!).
Theo tác giả Nguyễn Xuân Đức (trong bài viết về luận văn của Đỗ Thị Thoan), thạc sĩ chỉ là người dự bị/tập sự khoa học (chưa phải là nhà khoa học); theo đó, luận văn thạc sĩ chưa yêu cầu là một công trình khoa học (chỉ cần nó có tính khoa học, nhất là phương pháp tiếp cận, xử lý vấn đề); và ông có lý khi lý giải: nếu luận văn là “công trình khoa học” và người viết nó là “nhà khoa học”, chắc chẳng cần có người hướng dẫn? Cứ cho việc Đỗ Thị Thoan làm nghiên cứu khoa học đi, thì theo tác giả Đinh Quang Tốn “việc chọn đề tài nghiên cứu là quyền tự do của mọi người. Đối tượng nghiên cứu có thể là tác giả, tác phẩm, nhóm, trào lưu văn chương tích cực hoặc tiêu cực, nhưng mục đích của việc nghiên cứu thì không thể lẫn lộn…”.
Điều đáng nói ở đây là Đỗ Thị Thoan đã “lẫn lộn” có chủ đích! Từ những “thi phẩm” (cách nói của Đỗ Thị Thoan) là những thứ tạp nhạp, hỗn độn rác rưởi, tục tĩu, quái dị mà bản thân các “cha đẻ” của nó không dám gọi là “thơ” đã bị xã hội phê phán, lên án và rơi rớt đâu đó dưới cống, gầm cầu, vỉa hè…, Đỗ Thị Thoan đã cố công tìm “vớt” lên và “gán” cho nó cái tên rất “thơm tho” - Thơ. Những tác giả của các sản phẩm ấy cũng được Đỗ Thị Thoan “phong” danh hiệu “nhà thơ”, trong khi đó Bùi Chát đã thú nhận: “Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ làm thơ để cố gắng hoàn thiện một bài thơ hay một tập thơ…”. Như đã nói trên, “Mở Miệng” chẳng qua là một nhóm những người bình thường thích làm thơ để “chơi”, để phá phách, để giải trí trong những cuộc tán gẫu nơi quán bar, quán nhậu, quán cà phê, vỉa hè… Cớ chi tác giả luận văn đã hết lời cổ súy, tâng bốc, cường điệu họ một cách quá đáng, gán cho họ những mỹ từ này, danh hiệu kia; khen họ “có tài”, thơ của họ hay và tự tiện cho rằng nhóm “Mở Miệng” là một trào lưu thơ cách tân, hiện tượng văn học, nghệ thuật, một hiện tượng văn hóa có tính đột phá …
Mặt khác, “tiếng nói” của họ cũng chỉ là những tiếng nói đơn lẻ, ý kiến của họ cũng chỉ là ý niệm về thơ nhưng lại được Đỗ Thị Thoan thổi phồng, “đẩy lên” và cho đó là “những tiếng nói ngầm”. Và, bằng lý luận nghèo nàn của mình, Đỗ Thị Thoan cố chứng minh rằng, từ “những tiếng nói ngầm”, từ cái “ngoại biên” này sẽ phá vỡ cái “trung tâm”, thay thế cái trung tâm, đồng nghĩa nó trở thành cái trung tâm. Cái trung tâm ở đây được hiểu là nền văn học cách mạng Việt Nam. Cũng cần nói thêm, từ “vị trí kẻ bên lề” được tác giả luận văn gắn vào thuyết “trung tâm và ngoại biên” rồi tập trung phân tích “giải trung tâm”, cường điệu, thổi vấn đề lên cho to tát, chứ thực ra nhóm “Mở Miệng” họ tự nhận ra vị trí của mình, của thứ thơ dơ, thơ nghĩa địa, thơ rác rưởi ấy chỉ để chơi, để quậy phá chẳng thể đi đến đâu, thay thế cho cái gì (!). Họ chẳng phải đã tự nhận: “Ở khía cạnh nào đó chúng tôi cổ vũ cho cái gọi là tính thiểu số trong nghệ thuật”. “Chúng tôi chấp nhận thế đứng bên lề”…
Đọc luận văn, ngoài một mớ những lý luận, phân tích… (gọi là luận cứ, luận chứng) mà tác giả đưa ra ngồn ngộn, rối rắm, nhất là việc cố ý trích dẫn những bài thơ tục tĩu của nhóm “Mở Miệng” cộng với cá tính thích “nổi loạn”, thích “phá rối trật tự” của tác giả được cộng hưởng đã cường điệu, cổ súy cho nhóm này khiến độc giả rất khó chịu. Đặc biệt, điều khiến người đọc cảm thấy rất thẹn và thực sự ngỡ ngàng trong hàng loạt các trang (66, 67, 68, 69…) của luận văn Đỗ Thị Thoan tràn ngập những từ ngữ hết sức tục tằn nói về vùng kín, bộ phận nhạy cảm của con người và mô tả những cử chỉ ân ái, làm tình quái dị… (xin lỗi, chúng tôi không thể viết ra được). Đồng thời, tác giả tỏ thái độ hứng khởi, say sưa khi phân tích và biểu đạt bằng thứ ngôn ngữ cũng hết sức dung tục, thậm chí dâm đãng! Chả lẽ như thế là cách tân? Là văn hóa? Là “hậu hiện đại”? Thật xấu hổ, giống động vật cái còn biết lấy cái đuôi để che… thì sao con người (mà là con người có học) lại nói huỵch toẹt cái kín đáo kia mà không biết ngượng? Thiết nghĩ, một nữ giảng viên ở một trung tâm văn hóa, một môi trường giáo dục lớn, tuổi đời chưa đến 30 sao lại quá táo tợn và trơ trẽn đến vậy? Có phải tác giả là người không bình thường mới đưa vào “con đẻ tinh thần” của mình những từ ngữ vô cùng bẩn thỉu mà có lẽ chỉ những kẻ vô văn hóa mới “văng” một cách tùy tiện như vậy (!).
Miễn bàn đến những khía cạnh “khác”, một luận văn đã góp nhặt từ những sản phẩm vô văn hóa để nhào nặn, chế biến thành một “sản phẩm” phản văn hóa là điều không thể chấp nhận. Lẽ ra, luận văn này phải được ngăn chặn ngay từ khi nó manh nha chứ không phải để nó được hướng dẫn, bảo vệ và chấm điểm tuyệt đối (!). Vậy nên, thu hồi bằng, hủy luận văn thạc sĩ, cắt hợp đồng giảng dạy đối với Đỗ Thị Thoan là việc làm đúng, tuy hơi muộn…
CHÍNH TÂM