Sống lại với bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên"

04:05, 07/05/2014

"Tin về nửa đêm / Hỏa tốc hỏa tốc / Ngựa bay lên dốc / Đuốc chạy sáng rừng / Chuông reo tin mừng / Loa kêu từng cửa / Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa"...

"Tin về nửa đêm
Hỏa tốc hỏa tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa"...
 
Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm dồn toàn lực tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cát
Ngày 7/5/1954, sau 56 ngày đêm dồn toàn lực tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ,
lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cát
 
Tin Chiến thắng Điện Biên Phủ đến với chiến khu Việt Bắc - thủ đô của cuộc kháng chiến chống Pháp - như vậy đấy! Và, bạn đọc có thể tưởng tượng: vào thời điểm đó, khắp các làng xã của vùng tự do vang vang tiếng loa: "Chiềng làng chiềng chạ, thượng hạ đông tây! Hãy mừng vui nghe tin chiến thắng!". Vào thời điểm đó, ở các làng xã và các đô thị còn bị thực dân Pháp và chính quyền Bảo Đại chiếm đóng, mọi người Việt Nam, với nét mặt hớn hở, thì thào vào tai nhau cái tin động trời: "Điện Biên Phủ thất thủ! Đờ Cát (1) đã hàng Việt Minh!".
 
Xúc động dâng trào, Tố Hữu viết liên tiếp các khổ thơ cảm khái:
 
- Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!
Vinh quang Hồ Chí Minh, Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!
- Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Tên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!
- Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mở lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hòa vui chung.
 
Với bốn khổ thơ trên, Tố Hữu đem đến cho bạn đọc một bài thơ mang hơi thở của sử thi.
 
Hơi thở của sử thi trở nên nóng hổi khi Tố Hữu mô tả trận chiến của bộ đội ta ở Điện Biên Phủ. Nhà thơ đã dồn nén trận chiến năm mươi sáu ngày đêm ấy vào trong 92 tiếng, gây một ấn tượng cụ thể - lịch sử trong lòng độc giả và thính giả về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm:
 
"Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão,
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm,
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.
 
85 tiếng của khổ thơ tiếp theo ngợi ca các anh, các chị đi dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu là một phong trào quần chúng rộng lớn ở đất nước Việt Nam! Và đó là chủ nghĩa anh hùng đầy tràn tinh thần lạc quan:
 
- Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến.
Mấy tầng mây, gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh
Hỡi các chị, các anh
Trên chiến trường ngã xuống!
Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng:
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.
 
Hai khổ thơ trên hợp lại, cho bạn đọc hình dung một cách rõ nét về cuộc chiến tranh nhân dân đã diễn ra như thế nào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Tố Hữu đã đối lập quyết liệt chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam với quân đội thực dân Pháp trên chiến trường này. Điện Biên Phủ đã trở thành "thung lũng của nước mắt và chết chóc" (valley of tears and death), như lời của nhà báo phương Tây Jules Roy, đã trở thành "một góc của địa ngục" (un coin d' enfer), như nhận xét của nhà sử học Pháp Bernard Fall, đối với đội quân Pháp đồn trú nơi đây. Còn Tố Hữu, nhà thơ Việt Nam viết 89 tiếng:
 
- Lũ chúng nó phải hàng, phải chết,
Quyết trận này quét sạch Điện Biên!
Quân giặc điên
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời?
Trời không của chúng bay
Đạn ta rào lưới sắt!
Đất không của chúng bay
Đai thép ta thắt chặt
Của ta, trời đất, đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta!
Chúng bay chỉ một đường ra:
Một là tử địa, hai là tù binh,
Hạ súng xuống, rùng mình, run rẩy
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!
 
Đối lập của nghĩa anh hùng cách mạng của ta với "chủ nghĩa rùng mình, run rẩy" của địch chưa đã, Tố Hữu so sánh thắng trận và bại trận:
 
Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy,
Trên đầu bay, thác lửa hờn căm
Trông bốn mặt, lũy hầm sập đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
 
Bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" dịu xuống, lắng đọng, ngân nga với những vần lục bát về Chủ tịch Hồ Chí Minh:
 
Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày.
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông.
 
Cuối cùng, Tố Hữu nêu bật mối quan hệ giữa đánh và đàm - một truyền thống của đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam đã được thử thách qua hàng ngàn năm lịch sử: chiến thắng quân sự Điện Biên Phủ với cuộc đàm phán của phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève, Thụy Sĩ:
 
- Đồng chí Phạm Văn Đồng (2)
Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành.
Ngày mai, vào cuộc đấu tranh
Nhìn xuống mặt bọn Bi-đôn (3), Smít (4)
Anh sẽ nói: Thực dân, phát - xít
Đã tàn rồi!
Tổ quốc chúng tôi
Muốn độc lập, hòa bình trở lại
Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái
Nước chúng tôi và nước các anh
Nếu còn say máu chiến tranh
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
Tre đã thành chông, sông là sông lửa
Và trận thắng Điện Biên
Cũng mới là bài học đầu tiên!
 
Không gian sử thi đã được rộng mở. Và những lời nói trên bàn đàm phán đã ùa tràn vào thơ, bổ sung cho những khổ thơ tự do (trong đó có cả thơ bậc thang) và những đoạn thơ lục bát. Bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" đậm đà chất sử thi, với tất cả 619 tiếng, đã được Tố Hữu hoàn tất.
 
Gần 60 năm trước tôi đã được nghe đọc bài thơ này qua loa làm bằng vỏ thùng thiếc. Lúc bấy giờ cuộc chiến tranh ở Đông Dương chưa kết thúc. Trên bầu trời quê tôi lúc ấy xuất hiện những máy bay hai thân và những máy bay chở hành khách. Những người lớn nói với bọn trẻ con chúng tôi rằng máy bay hai thân là máy bay Mỹ vừa viện trợ cho Pháp, còn máy bay chở khách thì Pháp trưng dụng của các hãng máy bay ở Đông Dương, tất cả những máy bay đó đều ngày đêm đưa thương binh Pháp ở Điện Biên Phủ về hậu tuyến, sau khi đã được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép. Bọn trẻ con chúng tôi sung sướng lắm... Rồi, hòa bình lập lại trên đất nước chúng ta, bọn trẻ con chúng tôi được đọc những vần thơ cũng của Tố Hữu, trong bài "Ta đi tới" dành những lời tâm sự chân tình, ngọt ngào cho các bà ngoại, bà nội của chúng tôi:
 
"Mẹ ơi, lau nước mắt
Làng ta, giặc chạy rồi
Tre làng ta lại mọc
Chuối vườn ta xanh chồi
Trâu ta ra bãi lên đồi
Đồng ta lại hát hơn mười năm xưa".
 
và dành cho chúng tôi những lời âu yếm:
 
"Các em ơi, đã học chưa?
Các anh dựng cho các em trường mới nữa
Chúng nó chẳng còn mong dội lửa
Trường các em đứng giữa đồi quang
Tiếng các em thánh thót quanh làng".
 
Gần 60 năm đã trôi qua, kể từ ngày xuất hiện bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên". Tác giả của bài thơ này đã qua đời năm 2002. Vị Đại tướng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - "Điểm hẹn lịch sử" (5) giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội thực dân Pháp được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ - cũng đã thanh thản về thế giới bên kia với tổ tiên năm 2013.
 
Tôi bồi hồi nhẩm lại những câu thơ trên của bài thơ "Ta đi tới" và tôi ngân nga trong lòng hai câu thơ lục bát trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên":
 
"Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng".
 
Về sau, Tố Hữu còn viết thơ về Chiến thắng Điện Biên Phủ, cho độc giả thơ của ông thấy rõ hơn tầm vóc lịch sử của chiến thắng này (6):
 
- Chín năm làm một Điện Biên
Nên vàng hoa đỏ, nên thiên sử vàng.
- Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu...
 
(1) De Castries, Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đại tá, trong khi cố thủ ở cứ điểm này được Pháp phong thiếu tướng và bộ quân hàm thiếu tướng phải thả dù xuống mặt đất.
 
(2) Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trưởng đoàn đàm phán nước ta tại Hội nghị Genève, Thụy Sĩ.
 
(3) Bidault, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp tại Hội nghị Genève, Thụy Sĩ.
 
(4) Smith, Thứ tưởng Ngoại giao Mỹ tại Hội nghị Genève, Thụy Sĩ.
 
(5) Lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
(6) Chiến thắng Điện Biên Phủ dẫn tới việc ký kết Hiệp định Genève về Đông Dương, 7/1954, thừa nhận độc lập, thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vĩ tuyến 17 chỉ là ranh giới tạm thời giữa cả hai miền Nam, Bắc, sau hai năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử và đất nước sẽ thống nhất về một mối. Chiến thắng Điện Biên Phủ mở đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam; mở đầu cho sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
 
LÊ CHÍ DŨNG