Thành phố Đà Lạt nằm trên cao nguyên lộng gió, bốn mùa đầy hoa, nhiệt độ dao động từ 200C đến 250C, tạo nên một vùng khí hậu mát mẻ trong lành. Nơi đây là khu nghỉ dưỡng du lịch dã ngoại, mặt khác không khí phù hợp với những cuộc hội thảo, hội nghị khoa học...
Thành phố Đà Lạt nằm trên cao nguyên lộng gió, bốn mùa đầy hoa, nhiệt độ dao động từ 200C đến 250C, tạo nên một vùng khí hậu mát mẻ trong lành. Nơi đây là khu nghỉ dưỡng du lịch dã ngoại, mặt khác không khí phù hợp với những cuộc hội thảo, hội nghị khoa học. Vì thế, nên những năm cuối thập niên 70, đầu những năm 80 thế kỷ trước, Đà Lạt thường đón tiếp những vị yếu nhân - lãnh tụ trong nước cũng như những chính khách nước ngoài.
|
Đại tướng và tác giả (bên trái) |
Thường những lần đón tiếp lãnh đạo Trung ương, tôi được cử đi chụp ảnh tư liệu. Cũng cần nói thêm một phóng viên ảnh ở một tỉnh lẻ như tôi ít có điều kiện tiếp xúc gần gũi với các vị lãnh đạo. Do đặc thù của vùng đất nêu trên, là cơ duyên đưa tôi đến và được tiếp xúc với các vị lãnh đạo Trung ương như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…
Kỷ niệm trong lần đi chụp ảnh đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc bấy giờ Đại tướng về làm Ủy ban Dân số kế hoạch Nhà nước, lãnh đạo và nhân dân Lâm Đồng tổ chức đón tiếp Đại tướng ở sân bay thật trọng thị, thật nghiêm túc. Tôi còn nhớ rất rõ buổi sáng hôm ấy, tại khu nhà ga Sân bay Liên Khương rợp bóng cờ hoa. Khoảng 9 giờ 45 phút, thông báo của chỉ huy sân bay báo máy bay Đại tướng sắp hạ cánh. Các ông Nguyễn Trung Tín - Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Xuân Du - Chủ tịch UBND tỉnh, Phạm Thuần - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng và các ban, ngành địa phương ra tận chân cầu thang máy bay để đón chào Đại tướng và phu nhân.
Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện ở cửa máy báy, những tiếng vỗ tay, những lời hoan hô và hàng trăm cánh tay, cờ hoa chúc mừng Đại tướng. Xuống hết cầu thang máy bay, việc đầu tiên Đại tướng và phu nhân nhận được những bó hoa tươi của những cô gái trong tà áo dài màu sặc sỡ, sau đó Đại tướng ôm hôn lên trán những cô gái, một cử chỉ nhỏ của một vị lãnh đạo nhà nước tôi chưa từng thấy bao giờ, một việc làm rất văn hóa thể hiện một tấm lòng nhân hậu, thiết tha. Về phần tôi, chen chân trong cánh phóng viên chỉ biết bấm máy và bấm máy không để một cử chỉ nào của Đại tướng lọt ra ngoài ống kính.
Ngày hôm sau, tôi được phân công tiếp tục phục vụ đoàn ở Dinh II (Dinh Bảo Đại). Tôi đến để theo đoàn của Đại tướng đi vào thăm Viện Hạt nhân, lúc này chị Võ Hồng Anh - con gái đầu của Đại tướng từ Viện Khoa học Trung ương đang vào làm việc ở Viện. Tại đây, đoàn được các anh trong Viện tiếp đón niềm nở như một người anh trong nhà, đưa Đại tướng đi thăm Lò phản ứng hạt nhân, thăm cơ sở nuôi cấy mô các loại phong lan, sau đó là buổi nói chuyện trước hàng trăm nhà trí thức trong và ngoài nước.
Sáng hôm ấy đoàn về đến Dinh II trời cũng đã trưa, Đại tướng đề nghị tôi chụp ảnh các anh em đi theo phục vụ đoàn. Riêng tôi nhờ anh công an bảo vệ bấm máy xin chụp hình riêng với Đại tướng. Đây là bức ảnh tôi thích nhất mà tôi trân trọng giữ mãi đến tận bây giờ. Trước lúc chia tay lên phòng nghỉ, Đại tướng quay lại nói với tôi bằng một giọng nói đậm đà của người quê đất Quảng Bình: “Chiều nay bác cháu mình cùng đi chơi trên Đồi Cù nhé! (lúc này sân golf chưa có sự đầu tư của nước ngoài)”. Sau đó Đại tướng nói tiếp “này cháu lấy phim của bác mà chụp, đừng lấy phim của công chụp chơi nhé”. Nói xong bác chìa tay đưa luôn hai cuộn phim màu kodak ra cho tôi, lúc bấy giờ tôi chỉ biết chấp hành. Một chi tiết nhỏ cho tôi một bài học về tính liêm khiết của một vị lãnh tụ, phim chụp tư liệu bao nhiêu Đại tướng không can thiệp, nhưng việc riêng dù là một cuộn phim chụp hình cũng không đụng đến.
Chiều hôm ấy tôi đến Dinh II, bên trong Đại tướng đang làm việc với lãnh đạo địa phương, tôi chờ đến khi làm việc xong thì tháp tùng theo đoàn đi lên sân golf. Đứng trên đỉnh đồi cao Đại tướng nhìn bao quát thành phố Đà Lạt soi bóng xuống hồ Xuân Hương trong ánh nắng vàng của hoàng hôn hắt lại từ hướng tây thành phố. Khoẳnh khắc ấy tôi chộp ngay không thể bỏ lỡ. Một sắc vàng da cam lóng lánh trên sóng nước hồ Xuân Hương tạo nên những cơn sóng vàng nhấp nhô trên mặt hồ. Bác ngả lưng nằm dài trên thảm cỏ, nhìn lên bầu trời. Nhìn nét mặt bác lúc này sao ung dung, bình dị đến lạ thường, tôi cảm nghĩ đây là một nhà trí thức đúng hơn là một Đại tướng đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp và Mỹ. Bỗng dưng bác gọi chúng tôi lại gần bác nói: “Này các cháu trời hôm nay đẹp quá phải không?”, chúng tôi đồng thanh: “Dạ”. Bác nói tiếp: “Đất nước mình đẹp quá, mình là con cháu của Bác Hồ phải ra sức gìn giữ bảo vệ, đừng đánh mất đi những gì quý giá mà ông cha ta đã đổ xương máu để giành lại độc lập, tự do”. Bác quay lại hỏi tôi: “Này chú phóng viên ảnh, ở đây ngày nào cũng đẹp vậy sao?”, tôi giật mình lúng túng vì câu hỏi đột ngột của Đại tướng. Thưa… bác về mùa này (lúc bấy giờ là trung tuần tháng 11), thời tiết nơi đây đang chuyển sang mùa khô, nên không khí trong lành, sắc nắng hồng tươi rực rỡ, dạ về mùa này cây Dã quỳ (Hoa mặt trời dại) bắt đầu ra hoa báo hiệu mùa mưa chấm dứt. Nhiều và nhiều câu hỏi tôi cố moi hết kiến thức nhỏ nhoi của mình để trình bày với Đại tướng.
Chiều xuống, trời bắt đầu se lạnh, cả đoàn thả bộ xuống chân đồi, xe đã chờ sẵn bên hồ Xuân Hương để đưa Đại tướng về lại Dinh II. Tôi nhớ mãi những ngày phục vụ bên bác Giáp và sau này còn nhiều lần đi theo Đại tướng, mỗi khi người về thăm Đà Lạt. Hơn 40 năm cầm máy, để lại cho đời nhiều tư liệu, tôi thấy mình rất vinh dự khi được đi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
VÕ TRẦN PHÚ