Tham dự Liên hoan độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc 2014 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng tổ chức, là đơn vị "chủ nhà", từ hơn một tháng nay, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng đã dàn dựng luyện tập để làm nên một chương trình nghệ thuật độc đáo và hoành tráng mang tên "Hoa LangBian".
Tham dự Liên hoan độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc 2014 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng tổ chức, là đơn vị “chủ nhà”, từ hơn một tháng nay, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng đã dàn dựng luyện tập để làm nên một chương trình nghệ thuật độc đáo và hoành tráng mang tên “Hoa LangBian”. 9 tiết mục mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc bản địa Mạ, K’Ho, Churu sống dưới chân núi Lang Bian hùng vĩ mang đến cho người xem từ bất ngờ, đến cảm phục sự lao động sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc với tất cả tâm huyết của tập thể nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng.
|
Tất cả các nhạc cụ dân tộc của các dân tộc bản địa Lâm Đồng đều góp mặt tạo nên bản hòa tấu thanh âm độc đáo trong chương trình biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng. (Ảnh chụp tại buổi tổng duyệt báo cáo chương trình trước khi tham dự liên hoan) |
Đó là những bản hoà tấu, độc tấu, song tấu nhạc cụ dân tộc với tất cả các nhạc cụ truyền thống trên nền bài dân ca gốc của đồng bào và các tác phẩm được sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian, kế thừa những tinh hoa truyền thống của nhạc sĩ Đình Nghĩ và Krajan Plin. Gồm các tiết mục: hoà tấu “Những đoá hồng xinh” (Dân ca Churu), hoà tấu “Hoa LangBian” (Đình Nghĩ - Âm hưởng dân ca K’Ho), hoà tấu “Đồng dao ngày mùa” (Dân ca Mạ - Đình Nghĩ), hoà tấu “Nhịp chiều K’Long K’Lanh (Dân ca K’Ho - Cil), hoà tấu cồng chiêng “Săn bắt con nai” (Dân ca K’Ho - Lạch), hoà tấu “Tình anh em” (Dân ca Cil - Krajan Plin) do cả đoàn biểu diễn; độc tấu đàn goong “Em gọi anh” (Dân ca Churu) Nai Ngân biểu diễn, song tấu đàn T’rưng “Trên đỉnh ngàn reo” (Dân ca K’Ho - Đình Nghĩ) do Nai Ngân, Nai Vy biểu diễn; độc tấu đàn đá “Suối tía” (Dân ca K’Ho - Cil) Nai Vy biểu diễn.
Dàn nhạc với rất nhiều loại nhạc cụ từ bộ gõ đến bộ hơi (vỗ, thổi), từ chất liệu đồng, đá, tre nứa đến sừng trâu, bầu khô đều được sử dụng. Bên cạnh các nhạc cụ quen thuộc nhiều người biết như cồng chiêng, đàn đá, đàn T’rưng, các loại nhạc cụ gõ từ chất liệu tre nứa còn có một số nhạc cụ lạ mà đồng bào vẫn thường dùng trong lao động sản xuất, đời sống tinh thần cũng được sử dụng như: mõ trâu, sừng trâu (tù và)… Tất cả những thanh âm hòa vào nhau tấu lên những giai điệu hòa ca về núi rừng hùng vĩ khiến người nghe như bị mê hoặc, bay lên cùng tiếng cây rừng xào xạc giữa đại ngàn, tiếng suối chảy róc rách không khí rộn ràng của buôn làng vào hội.
Nói đến cồng chiêng, hay cả đàn goong, nhiều người thường nghĩ các nhạc cụ này chỉ dành cho đàn ông và phù hợp với các chàng trai rắn rỏi, nhưng ở chương trình của Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng, các sơn nữ không chỉ múa phụ họa mà còn biểu diễn cồng chiêng, chơi đàn goong trong dáng vẻ duyên dáng thể hiện sự độc đáo, sáng tạo làm nên ấn tượng đẹp.
25 diễn viên của Đoàn tham dự liên hoan đều còn rất trẻ, chỉ có 2 nghệ sĩ Nai Ngân, Nai Vy được đào tạo sử dụng đàn T’rưng bài bản ở trường chuyên nghiệp, còn các nhạc công, nghệ sĩ còn lại đều từ ban nhạc điện tử, ca sĩ, diễn viên múa chuyển qua tham gia biểu diễn. Các nghệ sĩ đã sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc và không kém phần chuyên nghiệp qua học hỏi, tập luyện nghiêm túc, điều đó cũng làm cho chương trình thêm sống động ngẫu hứng, đầy đam mê, biểu diễn hết mình trong khả năng có thể. Không chỉ chơi nhạc cụ dân tộc, những màn múa xoang phụ họa, khung cảnh sân khấu đã tạo ra không gian văn hóa cồng chiêng, để khán giả không chỉ thưởng thức bằng nghe mà còn như được sống lại buôn làng Tây Nguyên trong ngày hội.
Thường để dàn dựng những chương trình lớn để tham dự các liên hoan có tầm quy mô, các đoàn địa phương phải mời những nghệ sĩ lớn từ TW về dàn dựng. Nhưng bằng tinh thần “tự lực tự cường” (theo lời nhạc sĩ Đình Nghĩ - Trưởng đoàn cho biết), tập thể nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng đã cùng nhau tự dàn dựng, tự sáng tác, sưu tầm và biểu diễn. Mỗi diễn viên nhạc công đều đóng góp ý kiến, công sức nhằm tập trung trí tuệ, sáng tạo cao độ của cả tập thể tạo nên một chương trình nghệ thuật hoành tráng.
Chương trình biểu diễn của Đoàn diễn ra trong 45 phút ngay sau lễ khai mạc liên hoan vào đêm 10/6/2014 tại rạp 3/4 (Hòa Bình) Đà Lạt cũng chính là những thanh âm tình cảm của Đoàn Ca múa nhạc và nhân dân các dân tộc Lâm Đồng gửi anh em văn nghệ sĩ đến từ 25 đoàn nghệ thuật trong cả nước tham gia liên hoan và du khách đến với Đà Lạt. Liên hoan sẽ tiếp diễn vào các buổi sáng và tối mỗi ngày từ 11 - 15/6/2014.
QUỲNH UYỂN