Gặp nghệ nhân chế tác khèn bầu

08:06, 04/06/2014

M'boăt (khèn bầu) là một trong những nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS, một loại nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống. 

M’boăt (khèn bầu) là một trong những nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS, một loại nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống. Để lưu giữ nhạc cụ này của dân tộc mình, những năm qua, tuy có gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu để chế tác, nhưng ông K’Dôi (ở thôn Gia Bắc 1, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) vẫn duy trì chế tác nó để góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau. 
 
Nghệ nhân K’Dôi thử Khèn bầu
Nghệ nhân K’Dôi thử khèn bầu
 
Với niềm đam mê những câu hát, âm thanh các nhạc cụ truyền thống của dân tộc và những lời hát ru mượt mà của các cụ già, điều đó như đã “gieo” vào lòng ông K’Dôi một nỗi niềm da diết. Từ những niềm mê say đó, lớn lên ông đã dành nhiều thời gian học cách làm và thổi khèn bầu để gửi gắm nỗi lòng của mình vào nhạc cụ ngân vang khắp núi rừng. 
 
Ông K’Dôi (sinh 1965) là người dân tộc K’Ho - Nộp. Ông rất đam mê với âm nhạc, đặc biệt là các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc thiểu số. Với lòng say mê đó, khi mới 19 tuổi, ông bắt đầu tìm hiểu, tập tành chế tác khèn bầu. Trước đây, gia đình ông, từ thời ông bà rồi đến thế hệ cha, cậu, chú bác đều có truyền thống chế tác khèn bầu và nay đến thời ông K’Dôi. Sau ông, giờ không còn ai “nối” nghề này nữa. Được kế thừa từ các thế hệ đi trước cộng với lòng say mê, nên việc tiếp cận, tìm hiểu và bắt tay để tự mình làm ra được một nhạc cụ khèn bầu không phải là điều khó khăn đối với ông. Tuy nhiên, muốn khèn bầu phát ra những âm thanh thanh thoát, bay bổng và trong trẻo… thì lại là một chuyện khác.
 
Khèn bầu được chế tạo từ các nguyên vật liệu, như: Quả bầu khô, ống nứa, sáp ong, đá vôi, phần bên trong của vỏ đạn... Ông K’Dôi cho biết: “Trước tiên mình phải chọn quả bầu khô, lớn vừa thích hợp. Vì không phải quả bầu nào cũng có thể làm được; sau đó, chặt 6 ống nứa (ding sơkàr) phơi khô, làm lưỡi gà (khài) phát âm thanh. Để hoàn thành được một chiếc khèn cũng mất khá nhiều thời gian, nhất là tìm sáp ong ruồi và làm cái lưỡi gà. Lưỡi gà thường lấy phần bên trong của vỏ đạn để làm và dùng vỏ cây nứa (sơkàr) mài thật mỏng”.
 
Lưỡi gà là bộ phận rất quan trọng vì nó trực tiếp tạo ra âm thanh. Vì vậy, không những đòi hỏi ở nghệ nhân phải có sự tập trung cao độ, làm việc một cách tỉ mỉ, mà còn yêu cầu ở họ phải có bàn tay khéo léo và chỉ có như thế mới cho ra một cái lưỡi gà có độ chuẩn xác cao. 
 
Khèn bầu thường có 6 ống nứa dài ngắn khác nhau; trong đó, có 4 ống đặt ở phía trên và 2 ống phía dưới gần đáy quả bầu. Phần nằm bên trong quả bầu của mỗi ống được lắp đặt các lưỡi gà dài ngắn tùy theo từng ống. Riêng phần bên ngoài của các ống được khoét 6 lỗ nhỏ để thoát hơi và phát ra âm thanh. Các lỗ khoét lên mặt trên hoặc mặt dưới của ống tre là theo nguyên lý cơ bản để vừa giữ và dễ điều chỉnh âm thanh của các ngón tay. 
 
Đến nay, ông K’Dôi đã chế tác hàng chục chiếc khèn bầu vừa thỏa mãn thú đam mê và vừa để làm quà tặng bạn bè, khách quý và để làm vật lưu truyền cho con cháu. Hiện nay, việc chế tác khèn bầu ít được các nghệ nhân quan tâm, vì có những khó khăn nhất định, đặc biệt là việc đi tìm sáp ong ruồi. Với niềm đam mê và làm thế nào để nhạc cụ truyền thống không bị mai một, những năm qua, ông thường xuyên lặn lội khắp rừng sâu để tìm sáp ong ruồi để tiếp tục chế tác hoặc sửa chữa, chỉnh lại âm thanh của những chiếc khèn trước đây. 
 
Không chỉ biết chế tác khèn bầu, ông còn thuộc khá nhiều bài hát được thổi bằng nhạc cụ khèn bầu. Trong 37 bài hát thổi bằng khèn bầu của dân tộc mình, đến nay, nghệ nhân K’Dôi đã thuộc được 12 bài, như: Pơnđiăng yàng kòi, yàng bơnơm, pơnđiăng ùr tir, pơnđiăng oh kòn-kòn sau, jơnau gơboh gơbài, tampla… (Ru thần lúa, thần núi, ru người yêu, ru con cháu, tỏ tình, đối đáp…). Ngoài ra, ông còn thuộc một số bài hát ru của người Châu Mạ, Chru, Noàng.
 
“Tôi rất vui mừng, vì những năm qua đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là cồng chiêng. Tuy nhiên, ngoài cồng chiêng, chúng ta cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn các loại nhạc cụ khác. Hiện nay, nhiều thanh thiếu niên ở vùng đồng bào DTTS không biết thổi các loại nhạc cụ, chứ chưa nói đến việc chế tác ra nó. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa để thế hệ trẻ có ý thức giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống đó của cha ông” – Ông K’Dôi còn đôi điều trăn trở.
 
NDONG BRỪM