Lữ thứ với Trần Ninh Hồ

09:06, 12/06/2014

Hồ Xuân Hương thứ bảy. Gió, sóng, trăng và… tôi. Phía bàn đối diện là nhà thơ Trần Ninh Hồ - người nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012, mới từ Hà Nội vào Đà Lạt. 

Hồ Xuân Hương thứ bảy. Gió, sóng, trăng và… tôi. Phía bàn đối diện là nhà thơ Trần Ninh Hồ - người nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012, mới từ Hà Nội vào Đà Lạt. 
 
Nét đẹp cổ xưa. Ảnh: Thanh Toàn
Nét đẹp cổ xưa. Ảnh: Thanh Toàn
 
Nhà thơ Trần Ninh Hồ cất giọng đặc sệt làng Mật Ninh khê nồng: “Trong uất hận ai xưa từng bẻ bút/ Xin về đây vách đá đợi đề thơ/ Sông thành mây và núi thì hóa ngọc/ Buồn như lau cũng một thuở làm cờ”. Đấy là bài “Với Trương Hán Siêu” một trong một loạt bài tứ tuyệt mà Trần Ninh Hồ đã viết về danh sĩ, danh tướng đời Trần - Trương Hán Siêu, đứa con của quê hương sông Vân, núi Thúy. Tương truyền sông Vân, núi Thúy, núi Ngọc Mỹ Nhân ở Ninh Bình là do Trương Hán Siêu, tác giả Bạch Đằng giang phú đặt tên.
 
Trần Ninh Hồ là bút danh ghép của hai làng Mật Ninh - quê mẹ và Sen Hồ - quê cha, mà Trần Hữu Hỷ chọn để xưng danh, xưng nghiệp với đời. Cả hai địa danh trên đều ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Trần Ninh Hồ từng làm lính văn nghệ ở Chiến trường B2, thời kỳ trước năm 1975, trong vai trò phóng viên mặt trận của tờ Văn nghệ Quân giải phóng, rồi Văn nghệ Giải phóng khi nước nhà thống nhất. Từ năm 1977 đến 1996, ông là Trưởng Ban Văn xuôi, Trưởng Ban Thơ, Trưởng Ban Phóng viên qua 7 đời Tổng Biên tập, quyền Tổng Biên tập ở Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Thơ Trần Ninh Hồ là thơ thiên về cảm xúc trí tuệ, triết lý theo cách riêng kiểu Trần Ninh Hồ. Ví như: “Chợt nhớ một thời thơ/ Chưa kịp viết đã cũ/ Chợt nhớ những chồng vợ/ Không một ngày tình nhân”. Rồi: “Người ta bảo khi rắp tâm chiếm hữu một thứ gì/ con người rất hay xưng danh và nói dối/ Tôi đã bật cười buồn trước cái điều triết lý/ rất đáng buồn cười kia/ Khi ngẫm lại những ngày thật lòng yêu em/ và cưới em làm vợ/ Cuộc “chiếm hữu” này chẳng biết nhân danh ai!”. Và: “Bây giờ năm tháng vẫn qua/ Xót thương lần lữa lại là xót thương/ Bây giờ lật khúc đoạn trường/ Mới hay xưa cũng dặm đường đó thôi”. Hay: “Riêng cái chết của nhà thơ không phải lúc nào cũng quá buồn đâu nhé/ ấy là khi nhà thơ đã tự né mình đi cho ánh sáng tràn vào/ Đầy trang sách. Không một dòng khuất lấp/ Bởi cái bóng - nhà - thơ - thế - tục đã che đi!”. Hoặc: “Cả thế gian bao la có thể/ Vào sống nhờ trong một câu thơ/ Nhưng khi một câu thơ lâm nạn/ Cả thế gian bao la không chốn nương nhờ”…
 
Trước khi đến với thơ, Trần Ninh Hồ đã nhận giải nhì Cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn nghệ 1970 - 1971; giải thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1973, 1975; giải thưởng truyện ngắn hay 10 năm Báo Văn nghệ giải phóng. Nhưng thơ mới là địa hạt Trần Ninh Hồ đặt nhiều tâm huyết nhất. Trần Ninh Hồ tuyên ngôn về thơ: “Thơ là điện tâm đồ được vẽ bằng chữ, có nhạc nổi, nhạc chìm. Thơ quan trọng đến nỗi, trong lịch sử sáng tạo văn học nghệ thuật, nó đồng nghĩa với cái đẹp, với tất cả niềm khát khao hoàn mỹ của một trung tâm tỏa sáng”. Ông đã cho xuất bản gần chục tập thơ. Trong đó, tập “Thấp thoáng trăm năm” được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng năm 1996. 
 
Đứng về mặt thi pháp, thơ Trần Ninh Hồ nghiêng về trường phái tân cổ điển, mà theo cách gọi của ông thì nó là phục hưng mới, vừa truyền thống, vừa cách tân. “Trong sáng tác, tôi rất thích quan niệm của Viên Mai, một học giả đời Thanh ở bên Trung Quốc: Trong thơ, ý tứ như ông chủ, còn ngôn ngữ chỉ như đầy tớ. Một khi không có ông chủ thì lũ đầy tớ mặc quần áo đẹp để làm gì!” - Trần Ninh Hồ chia sẻ. Quan niệm là vậy, song trước trào lưu thơ tân hình thức, hậu hiện đại, Trần Ninh Hồ vẫn có cái nhìn khá thông thoáng. Ông nói: “Tôi yêu sự tìm tòi mới mẻ, trẻ trung nơi những người trẻ. Phẩm chất đáng yêu này sẽ đem đến cho độc giả và những thế hệ cầm bút trước nhiều cách cảm, cách nghĩ khác. Các bạn trẻ gợi đến sự “đổi mới hay là chết” và khát vọng đổi mới thật đáng khích lệ”.
 
Trần Ninh Hồ là vậy, luôn lữ thứ với con người và với cả những kẻ sáng tạo.
 
TRỊNH CHU