Ngân và Trung lớn lên từ thành phố tỉnh lẻ. Mẹ Ngân và mẹ Trung làm cùng một công ty. Khi Mĩ ném bom miền Bắc họ cùng sơ tán theo cơ quan mẹ, trọ trong nhà dân ở huyện lỵ gần miền núi...
Ngân và Trung lớn lên từ thành phố tỉnh lẻ. Mẹ Ngân và mẹ Trung làm cùng một công ty. Khi Mĩ ném bom miền Bắc họ cùng sơ tán theo cơ quan mẹ, trọ trong nhà dân ở huyện lỵ gần miền núi. Thi đậu vào cấp ba lại học chung một lớp, so với bạn bè cùng trang lứa, Trung đĩnh đạc cao lớn hơn nhiều. Trung có gương mặt đẹp rắn rỏi, sống mũi cao, thẳng. Khi nói với ai ánh mắt rất sáng, luôn chiếu thẳng. Bố là thượng tá quân đội, Trung thường được bố nhường cho mặc những bộ quân phục cũ, mùa đông xỏ thêm đôi ủng da cao cổ, nhìn Trung giống chàng sĩ quan điển trai hơn là cậu học sinh cấp ba. Vào học một thời gian, Ngân về khoe: “Mẹ ơi, thằng Trung con cô Hà làm lớp trưởng và bí thư chi đoàn lớp con”. Mẹ giáng ngay một cái tát và mắng: “Hỗn, con bằng từng nào, anh Trung bằng từng nào mà dám gọi thằng Trung?”. Mẹ Ngân hiền, hiếm khi đánh con, vậy mà mẹ nỡ giáng cho chùm đom đóm túa ra mãi vẫn còn cảm giác. Không riêng mẹ nhầm, Trung không hơn tuổi, nhưng cả lớp ai cũng răm rắp “anh Trung”. Cái tát của mẹ điều chỉnh Ngân xưng hô.
|
Minh họa: Ngọc Minh |
Thời bấy giờ tầm nhìn, lí tưởng của tuổi trẻ có cao thêm, xa thêm phần nào cũng nhờ sức hút từ hình mẫu các thần tượng. Họ là anh hùng chiến đấu chống quân thù, hay các nhân vật luôn sẵn sàng dấn thân. Họ như những tượng đài sừng sững luôn hiện lên huyền diệu trong niềm tôn kính. Họ khai sáng tâm hồn, như đốm lửa luôn mồi sẵn trong lồng ngực. Ai đó được ví gọi anh Trỗi hay Paven là bạn bè gửi gắm vào đó niềm tin yêu lan tỏa. Lớp trưởng kiêm bí thư chi đoàn lớp Ngân là hình mẫu một cán sự hoàn hảo, vừa học giỏi vừa nhiệt tình đâu cần Trung cũng có, đâu khó có mặt Trung nên bạn bè tặng chàng thêm biệt danh Paven. Còn Ngân học hết cấp hai được giới thiệu thẳng lên đoàn. Nhưng thời gian ở cấp ba đang chờ kết nạp, từ một học sinh tích cực Ngân rớt xuống thành đối tượng chậm tiến bộ. Biên bản chi đoàn phê: Tác phong không quần chúng, không hòa đồng tập thể. Lãng mạn tiểu tư sản, yêu sớm. Một lần nóng giận, bố Ngân dứt khoát, khoán: “Hết năm học này con vẫn chưa được vào đoàn thì bố mẹ không nuôi con ăn học nữa”. Ngân chạy ra hè ôm mặt thút thít. Họ phê tội yêu sớm… nhưng thực đã kịp yêu ai đâu, dư luận từ chuyện Toàn nhấn cho tơi tả. Vườn nhà Toàn nhiều hoa, thỉnh thoảng đến lớp, nó lấy trong túi áo tung ra vài bông hồng, ngọc lan, hải đường, nhài, tụi con gái hò hét nhào tới chụp. Toàn nhát không dám cho riêng đứa nào sợ bị ghép đôi, ngượng. Rồi Toàn và một số bạn nam có giấy gọi lên đường nhập ngũ. Lớp truyền sổ tay viết tặng lưu bút. Ngân mê hoa cỏ lắm nên trang lưu bút cho Toàn viết dài hơn, có đoạn: “Ước gì còn học với nhau để ngày nào Ngân cũng nhận được vài bông hoa trong vườn nhà Toàn”. Ngay hôm sau trong cặp sách Ngân có túi vải xinh đựng đầy hoa. Mừng rơn, vừa ngước lên thì gặp ánh mắt Toàn đang ngượng ngập nhìn mình, chỉ có thế thôi. Toàn lên đường vài hôm, dư luận ùa về. Đi đâu, gặp ai cũng râm ran chuyện tình Ngân và Toàn. Nào là mấy lần thấy họ hôn nhau ở trường, nào là bắt được quả tang… trên đồi vắng. Bài lưu bút của Ngân không còn nguyên bản gốc, tác giả quần chúng đã pha chế đẫm mùi yêu đương để “tác thật’’ nghe hoảng, không dám ngước nhìn ai. Hậu quả “yêu sớm, gây dư luận xấu” nên ngày vào đoàn treo lơ lửng. Lần đầu tiên Ngân bị dội do dư chấn lời đồn. Một buổi tối trước khi ngủ, mẹ khuyên: “Mẹ đã nhờ anh Trung quan tâm dìu dắt, giúp đỡ con. Anh ấy là người tốt. Con chịu khó nghe lời góp ý, phê bình mà tiến bộ để vào đoàn nghe chưa?’’.Thế là từ đó hễ gặp riêng ở đâu, Trung cứ khuyên Ngân nên cố gắng mặt này, nên chịu khó mặt kia, kết qủa, thấy hai người vài lần sóng đôi ở trường, quần chúng bình loạn “A, anh Paven đang đi với Ngân kìa, đẹp đôi quá chúng mày ơi’’. Trung chỉ còn dám “bồi dưỡng tư tưởng” vào những buổi học nhóm.
Mẹ Ngân đi công tác một tháng tận Hà Nội. Trong nhà, Ngân thường rất buồn nhớ khi người thân có việc phải đi xa đâu đó. Mẹ lên đường đúng vào ngày thứ hai đầu tuần. Ngân lủi thủi đến trường, không dự lễ chào cờ, trốn vào lớp quay quắt nhớ mẹ. Trung đột ngột vào đưa Ngân tờ giấy trắng gấp đôi: “Của mẹ gửi cho Ngân’’. Vội mở ra thấy năm đồng bạc và dòng chữ mẹ viết “Mẹ nhớ con da diết’’. Chắc mẹ đã nhường phần công tác phí ít ỏi, nước mắt lại ứa tràn khuôn mặt Ngân. Trung vội khuyên: “Hết công tác mẹ về, đừng khóc. Tụi nó thấy lại tưởng hai đứa mình có chuyện gì’’. Vừa hết giờ chào cờ, lớp ùa vào như bồ chao vỡ tổ. “Chết nha, hai người hẹn vào đây tâm sự chúng mày ơi”. “Bắt được quả tang lớp trưởng cũng trốn chào cờ nha’’, “A, Paven và Tonhia thương nhau lắm, cắn nhau đau rồi bay ơi…hu…hu’’. Ngân tịt ngay cơn khóc, Trung luống cuống lủi nhanh về cuối lớp. Thầy chủ nhiệm bước vào sắc mặt lạnh lùng quan sát “bầy quỷ dưới bảng đen”, trật tự được thiết lập.
Một lần vào tiết học hóa, Ngân giật bắn người khi tên mình bị xướng lên kiểm tra bài cũ. Rón rén đến gần cạnh thầy, lí nhí thưa: “Dạ, em chưa học bài ạ’’. Thầy liền hỏi: “lí do?’’. Ngập ngừng một lúc, Ngân khai thật: “Dạ…hôm qua nghe tin Mĩ tạm ngưng ném bom miền Bắc, mừng quá, em chạy khắp cánh đồng…ngắm trăng đến khuya ạ’’. Bất ngờ, thầy gật đầu và nheo nheo mắt cười: “À,vậy là…Trưa qua, từ quốc lộ về nhà, thầy cũng gặp đoàn xe ô tô đi ngược chiều đang chở bộ đội. Họ tranh thủ hành quân giữa ban ngày, không phải sợ máy bay, pháo sáng. Xe cứ lao đi vun vút, bụi đỏ cuộn theo mù mịt. Nhìn cảnh ấy thầy như muốn hít no tầng bụi vào ngực mình”. Cả lớp tròn mắt, thầy kể tiếp: “Sáng nay qua sông, thấy cô lái đò mặc áo cánh màu trắng, lâu lắm rồi mới được ngắm màu áo ấy. Thầy cảm thấy vui, đất trời bình yên quá’’. Quay về phía Ngân, giọng thầy rất hiền: “Em về chỗ, nhớ học bài nhé’’. Cảm ơn thầy, Ngân như được bay về chỗ mình ngồi. Dẫu chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi ấy thôi, nhưng Ngân đã mãi mang theo lời thầy cùng kỉ niệm.
Mĩ lại tiếp tục leo thang miền Bắc, miền quê nơi xa thẳm cũng hứng chịu những trận bom tàn phá. Thầy, trò trường Ngân có nhiều buổi đi giúp dân khắc phục hậu quả. Vào ngày chủ nhật, lớp quyên góp tranh tre nứa đến dựng nhà bạn Tú học cùng lớp vừa bị bom đánh sập. Buổi chiều xong việc, gia đình Tú mời bữa cơm để cảm ơn. Thấy cảnh nhà bạn còn ngổn ngang, vất vả, thực lòng không muốn ăn. Ngân lặng lẽ ra gốc chuối ngoài vườn ngồi đợi các bạn cùng về. Trung điểm danh thấy vắng chạy ra tìm: “Ngân vào ăn cùng lớp đi, sao ngồi đây?’’. “Tại, Ngân thích ngồi đây nghỉ’’. “Sao không vào với lớp?’’. “Vì…Ngân không muốn ăn’’. Trung cười cười: “Hay thấy nhà người ta rách nát, sợ bẩn Ngân không dám ngồi cùng?’’. Nghĩ, Trung đùa vì không hiểu được thành ý, liền cáu: “Ừ, Ngân thế đấy. Nhà người ta còn khổ thế, khó khăn thế, giúp xong sao không bảo lớp về, anh không thấy ngại à?’’. Trung hạ giọng: “Tại họ cứ năn nỉ, Ngân không vào người ta cho là không hòa đồng”. “Không hòa đồng, nhưng Ngân đã làm phiền ai chưa? Anh có thấy việc gì của trường, của lớp mà Ngân trốn tránh hay không hoàn thành chưa?’’. Bị hỏi bất ngờ, Trung hạ giọng: “Nói be bé thôi? Chi đoàn mà nghe rắc rối lắm, ai dám kết nạp Ngân vào đoàn nữa?’’. “Không dám kết nạp Ngân, vậy có dám khai trừ những đứa đoàn viên yếu kém không? Khỏi sợ, từ nay anh không phải dìu dắt, giúp đỡ gì nữa hết’’. Ngân vênh mặt về thẳng, Trung ngây ra nhìn. Vừa đi một đoạn nghe sau lưng, tiếng chân Trung đang trút giận vào gốc chuối “bộp, bộp”.
Sống giữa miền quê heo hút cùng những người nông dân chân lấm tay bùn “rặt quê”. Chính tại làng quê này, Ngân lại được đọc những tác phẩm của các văn hào. Đọc đâu thấm đó. Những cái tên như miền Provence, điện Buckingham, đóa uất kim hương, hoa đinh tử hương, ấm samovar…trở nên hấp dẫn và thân thuộc. Ngày bận rộn, tối học bài, khuya, trốn vào hầm chữ chi thắp trộm đèn dầu, ngọn đèn chỉ nhích bằng cỡ hạt đỗ mà ngốn từng trang sách. Nhờ vậy được ngắm thế giới quan rộng mở, vượt qua địa giới làng xã, được tích tụ dần văn hóa sống và vẻ đẹp tinh thần lâu bền. Chẳng nhớ nổi nguồn sách có từ đâu, mượn của ai? Chỉ nhớ, một lần phải qua sông, vượt cái truông rờn rợn những quả bom nổ chậm đang lồ lộ dưới mặt trời chói lóa. Cuốc bộ thêm ba cây số mới đến được nhà bạn mượn trọn bộ “Chiến tranh và hòa bình’’. Rồi lần khác, sau ngày công tác về, mẹ Ngân cầm hai tập “Con đường đau khổ” của Aleksey Tolstoy và nói: “Anh Trung đem sang cho con mượn, đọc xong nhớ trả anh’’. Vui vì có sách đọc và mừng Trung đã hết giận chuyện ở bụi chuối “bộp bộp” rồi. Một đêm rằm, nhóm giải xong bài tập, Trung nhìn Ngân rồi hỏi: “Cho đưa về nhà được không?’’. Lòng mừng thầm vì ở thôn quê nhà nào cũng nuôi chó. Mùa trăng, lỡ một con lên tiếng là lần lượt kéo theo dàn hợp âm gâu gâu, động cả xóm. Trung đưa Ngân về theo lối bờ sông. Ánh trăng lai láng như dát bạc. Gió thì thào lướt qua, mặt sông lóng lánh như muôn ngàn vì sao hát. Ngân mải mê ngắm dòng sông trăng. Thỉnh thoảng quay sang, Ngân cứ gặp ánh mắt Trung ngắm nghiêng gương mặt mình. Cũng mãi về sau Ngân mới hiểu và thèm ước ánh nhìn lưu dấu ấy. Còn thời khắc đó, Ngân chỉ nghĩ dường như đi dưới trăng, ai cũng trở nên hiền hòa, thân thiết nhau hơn. Đó là đêm trăng đã dát ngọc ngà, mà mỗi khi chạm vào, hồn trinh Ngân vẫn mãi tròn rằm. Khi về đến ngõ, Trung bảo: “Sáng mai cho chở Ngân đi học nhé”. Cả lớp chỉ mình Trung có xe đạp đi học, còn lại tự cuốc bộ đến trường. Nghe Trung hẹn, Ngân gật đầu “dạ’’. Sáng hôm sau, vì nghe nhầm chữ “thôi’’ thành “mời” mà… Ngân ngủ quên, khi nghe tiếng Trung gọi ngoài cổng, giật mình, Ngân nói vọng ra: “Thôi, anh đi trước đi’’. Ngân quýnh quáng rửa mặt, chải tóc rồi sải nhanh ra bờ sông. Thấy Trung còn ngóng đò, Ngân reo:
- Hay quá, thế mà Ngân cứ sợ trễ.
- …
- Đò vẫn chưa qua hả anh?
Trung mặt lạnh tanh, hậm hực: - Đúng hôm qua đồng ý chở đi học không?’’. “Dạ đúng”. “Tại sao hôm nay đổi ý? Lại còn nói M…ờ…ời anh đi trước”. “Ơ”. “Còn chối. Ai cũng bảo Ngân điệu, nhưng không ngờ, tôi cũng bị dành cho kiểu lịch sự thật quá đáng”. Ngân thanh minh: “Sợ anh cũng bị trễ nên Ngân chỉ nói thôi chứ đâu nói mời’’. Thế mà hắn ngắt lời: “Tôi ghét Ngân nhất trường này”. Hắn mới thật quá đáng, không nhịn được, Ngân òa khóc tức tưởi: “Anh là thằng điếc. Tôi cũng nói cho anh biết, tôi chưa ghét ai như anh cả”. Sau hôm đó, hễ nghe đứa nào gán ghép với Trung, Ngân nguýt dài: “Đừng nhắc đến tên hắn, tớ ghét”.
Cánh cửa đoàn mở đón gần hết lớp, Ngân mới được vào. Dịp về địa phương thẩm tra lí lịch của Ngân, thầy Phó Bí thư đoàn trường ghé nhà thăm. Chuyện trò cởi mở, thầy hỏi vui: “Dân thành thị cũng biết trồng trọt làm nương như nhà nông? Thầy còn nghe, em thường có mặt theo dân quân xã đi cứu thương? Tích cực vậy, sao không báo về trường?’’. Ngân chỉ biết cười. “Ở nhà siêng năng vất vả vậy, mà sao ở trường lúc nào cũng tha thướt như tiểu thư?”. Biết thầy trêu, Ngân nói vui: “Dạ tại đi học ạ, khi nào đi cấy em mới phải mặc như ở ruộng thầy ạ’’. Nhớ lần được kết nạp đội thiếu niên tiền phong, Ngân vui sướng đến mức suýt làm sập cái chõng tre. Cứ nhảy lên, nhảy xuống rồi lại nhảy lên, nhảy xuống hàng chục lần trong cảm xúc non tươi trong trẻo. Va vấp rồi thì mới ngộ thêm, trường học cũng là một xã hội thu nhỏ. Nhờ bán kính tầm soát từ lớp tới trường mà không bùng phát lây lan những hẹp hòi, đố kị, phá phách. Một thiểu số cá tính lập dị, phải chịu phân biệt đối xử, muốn công bằng phải chọn cách phù hợp với số đông.
Giáp tết năm cuối cấp, trường về xã N tham gia làm hệ thống kênh đào. Tối đó, Ngân rủ Hồng đi xem phim “Nguyễn Văn Trỗi”. Thời điểm đó phim này đang cực “hot”. Nhân vật anh Trỗi, chị Quyên là thần tượng dậy sóng trong lòng khán giả. Khi máy chiếu bắt đầu xè xè, tiếng người thuyết minh: “Mời đồng bào và các đồng chí bắt đầu xem phim”, thì trời đổ mưa, nấn ná một lúc, đành lóp ngóp lội về. Lớp ở cạnh con suối, Hồng rửa chân về lớp ngủ. Ngân mải mê cầm đèn pin soi đàn cá lia thia lượn dọc theo suối trông rất vui mắt. Khuya người ngấm rét, Ngân mới về chui vào chăn nằm cạnh bạn. Lán trại là lớp học thời chiến, đến giờ ngủ, tất cả nam nằm một phía, nữ nằm một phía, ở giữa là đoạn hào trải rơm dành cho thầy chủ nhiệm. Lúc này rét như từ trong ruột rét ra, Ngân rúc đầu vào lưng bạn, tay quờ tìm tay bạn, chân chòi chòi kiếm chân bạn ủ tìm hơi ấm. Vẫn run bần bật Ngân xích sát vào quàng tay ôm chặt bạn. Bị đánh thức, bạn giật mình hỏi lớn: “Ai?” Thầy chủ nhiệm vặn to ngọn đèn dầu, cằn nhằn: “Ngủ đi, mai còn gánh đất”. Ánh sáng rõ dần, Ngân như bị chạm điện, bật văng khỏi chỗ vì nhận ra, người Ngân vừa nằm ôm chặt không phải Hồng mà là…Trung. Cả lớp bị đánh thức, tiếng bạn nữ láo nháo: “A, con Ngân nằm nhầm chỗ tụi con trai rồi”. Tức khắc, ha ha nhiều đứa ôm bụng cười, chúng lăn lộn ra đất vừa cười, vừa hú: “Lớp trưởng sướng thật nha, được em Ngân nằm cạnh ôm, ấm quá nha?’’. Có đứa lem lẻm nhái giọng Ngân: “Thế mà, đừng ghép đôi tớ với anh Trung, tớ ghét, tớ không thích đâu”. Hồng hiểu tình thế, vội lôi Ngân sang giải thích. Thì ra trong lúc đi xem phim, ở nhà mưa dột phía bên nữ, Trung quyết định: “Các bạn trai sang nằm bên ướt, nhường bạn gái nằm bên khô’’. Ngân về trễ, vẫn tưởng nằm phía cũ kiểu úp thìa cho ấm. Ai ngờ, Trung lại nằm ngoài, lần đầu đi ôm một bạn trai, Ngân xấu hổ run cả lòng. Thầy chủ nhiệm cứu nguy: “Thôi, đi ngủ, sáng mai còn gánh đất’’. Nhờ vậy tiếng khúc khích lặn dần theo giấc ngủ.
Cho đến ngày nhận được giấy báo vào đại học, Trung vội vã tìm nói có chuyện muốn gặp. Ngân cười trêu: “Em được vào Đoàn rồi, anh lại muốn nhắc nhở tiếp tục phấn đấu vào Đảng à?’’. Chợt Trung bối rối: “Ngân… Thế Ngân nghĩ anh toàn chỉ muốn chuyện vào Đoàn, vào Đảng thôi sao? Vậy hôm nay nói chuyện tình cảm Ngân có nghe không?”. Ngân tò mò bật hỏi: “Há…nghe…tình cảm với ai?”. Trung nhìn vào mắt Ngân: “Với em”, dồn nén ngập ngừng:“ Anh…Yêu…Em”. Đất dưới chân Ngân như chấp chới rung chuyển, mắt mở tròn, quá bất ngờ, thật khó tin. Mãi một lúc ngượng ngùng Ngân hỏi khẽ: “Yêu…mà sao em không biết?”. Trung nhìn Ngân ấm áp: “Anh muốn giữ gìn, sợ dư luận làm phiền… rồi khổ em”. Trung đưa Ngân ba cuốn sổ tay: “Những gì liên quan đến em suốt ba năm học, anh đều lưu vào ba cuốn nhật ký này, em chịu khó đọc sẽ tin anh”. Thẳm sâu trong lòng, Ngân chưa một lần nào nghi ngờ hay vơi niềm tin về anh ấy. Khi lời tình yêu thốt lên từ môi chàng, Ngân chuếnh choáng ngợp, lòng xôn xao như mình vừa có được cả trời và đất.
Thế mà… Mẹ Ngân mất trong một trận bom vùi. Thế mà... Vì ngu ngơ, khờ dại, Ngân để vuột mất mối tình đầu, vuột mất Trung. Theo thời gian nỗi thương mẹ, nhớ Trung như kết kén trong lòng, lung linh một thời ấu thơ trong sáng đượm buồn. Và trong tiếc nuối, có lúc nghe Ngân nói, hay trời không se làm sao mà kết được?
Truyện ngắn: HUỲNH NGỌC LAN