Phim hoạt hình có đổi mới nhưng chưa vươn được tầm khu vực

08:06, 05/06/2014

NSND Phạm Minh Trí và vợ là NSND Phương Hoa đều là đạo diễn phim hoạt hình xuất sắc. Họ đã đoạt "Cánh Diều vàng" các liên hoan phim Việt Nam và là những nhà quản lý điện ảnh.

NSND Phạm Minh Trí và vợ là NSND Phương Hoa (con gái duy nhất của đạo điễn, NSND Trần Vũ và nghệ sỹ Đức Hoàn) đều là đạo diễn phim hoạt hình xuất sắc. Họ đã đoạt “Cánh Diều vàng” các liên hoan phim Việt Nam và là những nhà quản lý điện ảnh. NSND Minh Trí mở đầu cuộc trò chuyện: 
 
Tôi rất muốn chuyển về đề tài Yersin, đã đọc khá nhiều tài liệu ở Nha Trang trước khi lên Đà Lạt. Câu chuyện tôi ấp ủ này vừa thực vừa mang tính cổ tích. Trước đây, đã có hoạt hình Trường ca Đam San, Xinh Nhã rồi. Tây Nguyên có những mảng văn hóa rất hay, tôi nghĩ, các địa phương nên khai thác nhiều hơn mảng này thông qua văn hóa nghệ thuật, sẽ có tác động mạnh. Những ngày tôi ở Đà Lạt, đến các di tích cảm thấy bồi hồi…
 
NSND Phạm Minh Trí
NSND Phạm Minh Trí
 
PV: Khai thác mảng đề tài Tây Nguyên như anh nói, hoạt hình sẽ đạt được sự bay bổng, điều mà rất ít phim làm được. Nội dung phim hoạt hình của Việt Nam vẫn thiên về bài học nặng nề, thiếu chất tươi mát, dí dỏm, ngây thơ, sự cường điệu,… Là đạo diễn gạo cội, anh nói gì với lớp trẻ? 
 
Phim hoạt hình là tươi mát, nhẹ nhõm, hài hước, hình hài nhân vật phải ngộ nghĩnh…, rút ra được thông điệp gọn gọn. Lớp trẻ họ làm được. Vấn đề là nội dung, phải làm sao nhẹ nhõm. Điều này liên quan đến phông văn hóa, sự tinh tế… Đúng là cần có sự kết hợp giữa thế hệ đi trước và thế hệ sau, đặc biệt là sự tiếp xúc, lắng nghe nhau còn rất ít, các cửa để thông nhau còn đóng lại. Trẻ cũng có những yếu tố tiềm năng nhưng họ ở trong môi trường chưa chuẩn thì phát triển chậm, sẽ mai một. Nguồn nhân lực nói chung còn thiếu, phải dồi dào mới tuyển chọn để đi xa được. 
 
PV: Nói về đội ngũ phim hoạt hình, chúng ta còn thiếu nhiều biên kịch, chủ yếu tay ngang. Đạo diễn cũng không được đào tạo bài bản về hoạt hình mà từ họa sĩ tạo hình, họa sĩ diễn xuất?
 
Đúng như thế. Bây giờ có công nghệ số hỗ trợ rất tốt cho hoạt hình. Vấn đề xã hội cần tạo cho nó phát triển mới là khó. Nhiều bạn trẻ thích hoạt hình nhưng trụ lại thì ít, họ “nhảy” sang quảng cáo, game… kiếm được nhiều tiền hơn. 
 
PV: Phải chăng vì vậy mà ở một số phim, từ đề tài đến cách tạo hình nhân vật, phối cảnh khi xem không biết của Việt Nam hay nước ngoài, đôi chỗ giống như quảng cáo, rõ hơn là phim sản xuất ở phía Nam? 
 
Anh nhận xét cũng đúng đấy. Nhu cầu phim hoạt hình của người xem ngày càng cao, họ xem phim hoạt hình nước ngoài nhiều, có quyền so sánh và đòi hỏi. Để nâng cao chất lượng còn nhiều băn khoăn: số lượng tác phẩm đòi hỏi nhiều nhưng đội ngũ, cơ sở vật chất… không đáp ứng nên với khu vực, phim vẫn chưa vươn ra được. Theo tôi, phát triển được phải là con người, từ lãnh đạo, nhà quản lý đến cơ chế, đội ngũ… phải đạt được một yêu cầu nào đó. Hoạt hình Việt Nam chưa đi sâu vào chính luận, thường xuất phát từ tranh biếm họa, có sức công phá và hiệu ứng xã hội lớn. Tôi đang cố vấn và duyệt chương trình “Quà tặng cuộc sống” trên VTV nhưng vẫn còn chỉ là những khơi gợi…
 
PV: Khách quan thì phim hoạt hình Việt Nam cũng đã có những đổi mới, từ dung lượng, độ dài, cách chọn đề tài, hình thức thể hiện chứ? 
 
So với ngày xưa thì bây giờ khác hẳn, hiện đại hơn, chất lượng tốt hơn nhiều. Giờ có công nghệ 3D, xưa chỉ làm thủ công thôi. Độ dài và cách thể hiện cũng hơn. So với phim truyện, phim tài liệu, về hình thức, phim hoạt hình đã đổi mới rất rõ, mình mong muốn tốt hơn là khi so với khu vực. 
 
PV: Có nhận xét: Hoạt hình Việt Nam dành cho thiếu nhi còn chứa quá nhiều lời nói thô tục, hình ảnh bạo lực, đánh đấm, yêu đương người lớn, ý kiến của anh? 
 
Phải hiểu đây là sự phát triển chung của xã hội, vấn đề là nền giáo dục như thế nào. Dĩ nhiên phim hoạt hình nước ngoài có cái kết là giải trí, nhân văn. Hiện thực bao giờ cũng có ánh sáng và bóng tối, không né tránh, vấn đề là xã hội luôn có hệ thống những giá trị nhân văn. Phải ứng xử nhân văn, có kỹ năng sống tốt, mặc dù đối diện với những cái bạo lực hàng ngày, chứ không phải lảng tránh… Những giá trị mới cần được tôn vinh, cần vun đắp. Mình hội nhập còn rất ít, đã lâu phim hoạt hình có tham gia liên hoan phim quốc tế đâu. 
 
PV: Thời gian gần đây, nhiều phim tư nhân đã đoạt các giải liên hoan, anh nhận xét gì về hướng xã hội hóa này?
 
Chất lượng kỹ thuật của phim tư nhân đã ngang tầm khu vực và thế giới, phim Nhà nước còn lẹt đẹt. Đây là yếu tố hết sức cần thiết để tham gia liên hoan phim. Mặc dù nội dung phim tư nhân còn phải phấn đấu nhiều. Phim tư nhân họ làm theo hướng giải trí, càng không làm phim chính luận để thu lãi đã. Theo tôi, dần dần phải hướng tới tính thẩm mỹ, phải nghiêm khắc tính rẻ tiền, chạy theo lợi nhuận thuần túy, nhưng muốn phát triển điện ảnh phải xã hội hóa. 
 
PV: Có một hướng để phát triển phim hoạt hình là đề tài lịch sử, nhưng phải khẳng định mảng phim này chưa gây ấn tượng, chưa làm khán giả nắm được cái hồn của lịch sử? Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Đừng biến phim hoạt hình lịch sử thành những bộ sử hoạt hình, mà phim phải là những cảm hứng lịch sử, những niềm yêu lịch sử thật sự”. Anh quan niệm thế nào? 
 
Càng nhiều thể loại làm đề tài về lịch sử càng quý, tất nhiên phải tôn trọng tính lịch sử, tính nghiêm cẩn của nó. Tuy nhiên, trong nghệ thuật phải có hư cấu mới hấp dẫn được. Ví dụ phim “Người con của rồng” (Cánh Diều vàng 2010-MĐ) của tôi chẳng hạn, vừa chính sử vừa giả sử, đây là phim sử dụng hình ảnh 3D đầu tiên. Vấn đề là các nhà sử học và văn học cùng thống nhất. Lịch sử Việt Nam phong phú nhưng chân dung các anh hùng để lại không nhiều, muốn phản ánh lịch sử còn nhiều khó khăn, do đó cần có quan điểm rộng rãi để tái hiện quá khứ huy hoàng của dân tộc. Tôi cũng thừa nhận còn thiếu vắng những tài năng so với lịch sử dân tộc. Nhưng vẫn phải làm, từ những cái nhỏ, làm dần, chưa làm đại cảnh. Vấn đề đầu tiên là kịch bản, đầu tư kinh phí nhiều thì mới có tác phẩm chất lượng. Theo tôi, hình thức giới thiệu lịch sử và cách kể như thế nào là quan trọng nhất. 
 
PV: Phim hoạt hình Việt Nam hiện không có “sân diễn” rộng, thời lượng phát sóng trên tivi cũng không nhiều. Là UV BCH Hội Điện ảnh Việt Nam, anh trăn trở điều này?
 
Tất nhiên tôi cũng có trách nhiệm, cũng đề nghị rồi nhưng khó, còn tùy thuộc nhiều yếu tố lắm. Xưa “Những bông hoa nhỏ” có nhiều khung giờ đẹp, thời lượng nhiều… nhưng nay khó. Phát sóng phim hoạt hình trên tivi tốn kém kinh phí lắm, không như chương trình khác. Mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phê duyệt Đề án đổi mới và phát triển ngành điện ảnh Việt Nam, trong đó phim và truyền hình cần kết hợp lại với nhau, không tách ra như thời gian qua. Hy vọng là sẽ chuyển biến nhiều. 
 
PV: Xin cảm ơn anh!
 
MINH ĐẠO (thực hiện)