Cũng giống như nhà sàn Mạ, nhà sàn truyền thống, cổ xưa nhất của người Kơho được làm từ các loại vật liệu: tre, nứa, lá. Chúng được kết cấu tương đối giống nhau: nghĩa là cột và các thanh gác sàn bằng gỗ tròn, vách và cửa làm bằng phên.
Nhà sàn truyền thống của người Kơho
Cũng giống như nhà sàn Mạ, nhà sàn truyền thống, cổ xưa nhất của người Kơho được làm từ các loại vật liệu: tre, nứa, lá. Chúng được kết cấu tương đối giống nhau: nghĩa là cột và các thanh gác sàn bằng gỗ tròn, vách và cửa làm bằng phên. Sàn gác một lớp cây lồ ô để tròn, bên trên trải lồ ô đập dập, mái lợp lá mây hoặc cỏ tranh kết tấm.
Nhưng khác với người Mạ, đến giai đoạn cận đại người Kơho đã sớm chuyển từ nhà sàn bằng phên, tre, lá sang kiểu nhà sàn ván. Nhà sàn của người Kơho ở giai đoạn này vẫn sử dụng chủ yếu các vật liệu bằng loại gỗ tròn bóc vỏ (để làm cột, làm lan can, làm cầu thang), ván vách được làm bằng gỗ xẻ chưa có sự bào chuốt, mái vẫn lợp bằng lá mây kết tấm. Nó khác nhiều so với nhà sàn hiện đại của người Kơho mà hiện nay vào các buôn làng chúng ta vẫn còn bắt gặp. Nhà sàn hiện đại thì cột chủ yếu được làm bằng gỗ xẻ: cột vuông; vì kèo, lan can, cầu thang cũng được làm bằng gỗ xẻ có góc cạnh, ván thưng buồng đã được bào chuốt và đặc biệt mái nhà đã được lợp tôn thay cho lá mây hoặc cỏ tranh.
|
Thiếu nữ Kơho dệt vải trong nhà sàn truyền thống |
Cách bài trí bên trong
Bước vào nhà của người Kơho chúng ta sẽ thấy sát bên vách phải nhà là buồng bố mẹ, bên vách trái là buồng con gái (người Kơho theo mẫu hệ nên chỉ có con gái mới ở với bố mẹ). Phần không gian ở giữa nhà là nơi bài trí chính của người Kơho (đây cũng có thể gọi là không gian thiêng).
* Không gian thiêng
Chính giữa nhà (sát vách trong) là bàn thờ để cúng Giàng. Sát vách dưới bàn thờ là một giàn chóe tròn và cồng chiêng. Bên dưới sàn để một hàng chóe lớn. Tiếp theo là bộ Nhồng Ôi và Jroong Klừng. Hai vật này được làm trong dịp cúng lúa mới và có ăn trâu. Nó được dùng với ý nghĩa trang trí nhiều hơn là nghi lễ (Thường trên phần mâm gỗ của Jroong Klừng người ta hay đặt một bát tiết gà và một cái lông gà dùng để phết vào trán những người có mặt trong buổi lễ để làm phép). Nhồng Ôi dùng để trang trí và để vắt các tấm thổ cẩm nhằm khoe sự giàu có của chủ nhà.
Cây nêu rượu cần được đặt ở giữa nhà cạnh bếp tiếp khách. Cây nêu được làm và trang trí rất công phu. Màu đen họ dùng than củi, màu đỏ họ dùng máu trâu bôi vào để mời gọi thần linh. Trên cây nêu trang trí hình chiêng, hình cối giã gạo, hình chim, chân cây nêu trang trí hình mặt người.
* Buồng cha mẹ
Buồng cha mẹ thường được bố trí ở bên phải nhà và bài trí khá đơn giản. Trước đây họ chỉ trải chiếu nằm trên sàn, thường chiếu được trải nằm xong lại cuộn tròn gác treo bên vách. Tấm đắp, quần áo thì có một giàn lửng bằng lồ ô để gác lên. Ná và ống tên treo trên vách ngay đầu nằm của người đàn ông. Bởi họ cho rằng nếu để ở chỗ khác thì sẽ mất thiêng, không săn được thú rừng.
* Buồng con gái
Người Kơho theo mẫu hệ nên chỉ có con gái mới ở với bố mẹ, sau khi trưởng thành người con gái chọn một chàng trai ưng ý và tổ chức “bắt chồng”: đưa lễ vật sang nhà trai làm đám cưới, đưa chàng trai về nhà ở hẳn cùng bố mẹ mình. Buồng của con gái cũng được bài trí tương tự như buồng của cha mẹ, ngoài ra còn có thêm vài vật dụng như chiếc gùi hoa, gùi có nắp để các đồ dùng riêng tư của cô gái.
* Bếp khách
Thường bếp khách được đặt ở xế bên trái cửa ra vào gần với cây nêu rượu cần, nó được dùng để sưởi ấm cho khách và cả nhà. Bếp khách cũng là không gian để tiếp khách, sinh hoạt hội tụ những người trong gia đình sau một ngày lao động mệt nhọc.
* Bếp nấu ăn
Thường được bố trí lùi sâu vào phía bên phải hoặc bên trái nhà cách xa không gian thiêng. Bên trên có giàn bếp bằng tre để hong thịt, thức ăn, hạt giống và các vật dụng cần hun khói như gùi, rổ, rá, cán xà gạt...
Khi còn sinh hoạt chung trong nhà dài thì người Kơho đặt cả bếp khách lẫn bếp nấu chung trong nhà ở nhưng khi tiến lên nhà sàn ván với từng gia đình riêng lẻ thì bếp nấu đã được chuyển ra nhà bếp ở bên hông nhà lớn.
Và cũng giống như nhà người Mạ, các vật dụng gia đình và công cụ sản xuất đều được cài cắm vào các khe ván hoặc xếp gọn vào vách ngoài của ngôi nhà.
Hiện nay, trong các buôn làng của đồng bào dân tộc bản địa ở Lâm Đồng nói chung và người Kơho nói riêng, những ngôi nhà sàn truyền thống không còn nhiều. Đặc biệt cách bài trí bên trong cũng đã thay đổi cùng với những vật dụng mới do ảnh hưởng của sự giao lưu văn hóa và sự du nhập của các tôn giáo.Vì vậy chúng ta cần sớm có những giải pháp cụ thể, thích hợp để bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc trong thời hiện đại để vừa có thể gìn giữ được bản sắc vừa khai thác, phát triển du lịch - một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.
ĐOÀN BÍCH NGỌ