Suốt gần 20 năm qua, anh hăng say gắn bó với văn hoá cơ sở như một "chiến sĩ" xung kích trên "mặt trận" mà anh đã chọn. Bây giờ đã ở vào tuổi 60, những ngày chuẩn bị nghỉ hưu, quãng thời gian đầy ắp những kỷ niệm lại hiện về…
Năm 1985, khi đó mới 30 tuổi, anh Nguyễn Bình Trọng (thôn 3 - xã Mê Linh - Lâm Hà) vào nhận công tác tại xã Mê Linh và được bố trí vào Ban quản trị HTX phụ trách trồng dâu nuôi tằm, rồi anh được giao rất nhiều công việc của xã như phụ trách thu thuế, địa chính, phó xã đội, phó công an xã. Năm 1995, như một mối duyên “trời định”, anh chuyển qua làm công tác văn hoá, xã hội; suốt gần 20 năm qua, anh hăng say gắn bó với văn hoá cơ sở như một “chiến sĩ” xung kích trên “mặt trận” mà anh đã chọn. Bây giờ đã ở vào tuổi 60, những ngày chuẩn bị nghỉ hưu, quãng thời gian đầy ắp những kỷ niệm lại hiện về…
|
Anh Nguyễn Bình Trọng |
Nằm ngay bên cầu Cam Ly Thượng giáp ranh với xã Tà Nung (Đà Lạt), những ngày đầu mới tách ra từ vùng kinh tế mới Nam Ban, xã Mê Linh như càng trở nên sâu, xa hơn vì con đường đèo dốc nối Đà Lạt - Lâm Hà khi đó chỉ là con đường đá, khó đi. Đời sống vật chất còn khó khăn thì có mấy ai còn quan tâm đến đời sống văn hoá tinh thần của chính mình. Vì vậy, người làm công tác văn hoá, xã hội càng khó khăn. Với đặc thù là xã có hơn 30% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số định canh định cư ở 4 buôn làng, tất cả những công việc như: vận động bà con định canh định cư, ổn định sản xuất, sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống sốt rét, phun thuốc xịt muỗi, tẩm màn, vận động trẻ em đến trường, tiêm chủng mở rộng, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản… việc gì cũng đến cán bộ văn hoá, xã hội cơ sở. Thiết bị hỗ trợ cho công tác văn hoá càng thiếu thốn, mỗi lần đi vận động đồng bào chỉ với chiếc loa tay, chiếc xe min-khơ đi khắp các buôn làng, đến hộ gia đình tuyên truyền miệng. Mùa mưa đi tuyên truyền, họp dân vào ban đêm, một cơn mưa bất chợt đổ xuống, đường lầy lội, chỉ còn cách duy nhất là để lại mọi thứ gửi đồng bào, lội bộ 7 - 8 cây số từ Cil Kut (tên gọi chung của 3 buôn dân tộc biệt lập) mà về, đợi nắng ráo lên vào lấy sau.
Những khó khăn cũng qua đi, từ năm 2000, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được anh vận động bà con trong xã triển khai có hiệu quả như một phong trào thi đua sâu rộng vào từng thôn xóm, từng gia đình. Đến nay, 9/9 thôn ở xã Mê Linh đã đăng ký xây dựng thôn văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới, đã có 7/9 thôn được công nhận thôn văn hoá, 1.452 hộ gia đình văn hoá (chiếm 83%).
Đến Mê Linh những ngày này, cùng với màu xanh của cà phê, dâu tằm, chè, đời sống văn hoá cũng được nâng lên một bước mới trở thành nội lực trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, thành quả đó có sự đóng góp tâm huyết của anh Nguyễn Bình Trọng.
QUỲNH UYỂN