Cùng Phan Quang & "Đồng bằng sông Cửu Long"

08:07, 24/07/2014

Nhà báo, nhà văn Phan Quang cách đây gần 40 năm, khi ông lần đầu đặt chân đến vùng đồng bằng châu thổ đã thốt lên: "Như vậy đó, hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, đồng bằng sông Cửu Long hiện lên trước mắt ta, ngồn ngộn sức sống".

Nhà báo, nhà văn Phan Quang cách đây gần 40 năm, khi ông lần đầu đặt chân đến vùng đồng bằng châu thổ đã thốt lên: “Như vậy đó, hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, đồng bằng sông Cửu Long hiện lên trước mắt ta, ngồn ngộn sức sống”. Những điều ông viết về đồng bằng sông Cửu Long ngày ấy - bây giờ vẫn tươi mới tính thời sự, lan tỏa và trường tồn với thời gian. 
 
Tác phẩm Đồng bằng sông Cửu Long của tác giả Phan Quang tái bản lần thứ 5 (Nhà Xuất bản Lao Động, 2014) được điều chỉnh, cập nhật, có sức hấp dẫn cả về giá trị nghiên cứu và thực tiễn đời sống, vẫn hiện lên trước mắt ta, ngồn ngộn sức sống, như Phan Quang đã từng nói về vùng châu thổ này. 
 
Trước hết, xin được tỏ bày tỏ sự kính trọng, ngưỡng mộ nhà báo, nhà văn Phan Quang, người cầm bút sắc sảo, cần mẫn, lao động nghiêm túc, trách nhiệm xã hội luôn đong đầy, một trong những đại thụ của báo chí Việt Nam đương đại. Đã ở tuổi xưa nay hiếm mà đều đặn mỗi năm ông vẫn cho ra vài ba đầu sách. Ông từng khích lệ bạn bè, đồng nghiệp:“Viết được gì thì cứ viết. Giả dụ viết chưa được hay để cộng đồng, xã hội cùng đọc, thì viết cho bạn bè, người thân, cho chính mình xem”. Khá nhiều đồng nghiệp lớp ít tuổi hơn đã theo gương ông, viết những điều về bạn bè, đồng nghiệp, về đất nước, con người Việt Nam hào khí. 
 
Phan Quang viết khỏe, viết đều như chính cuộc đời ông sinh ra là để viết. Sắp vào tuổi 90, ông vẫn minh mẫn, uyên bác, trí nhớ tuyệt vời. Đồng bằng sông Cửu Long là tập bút ký chuyên về Nam Bộ, đến mức cố nhà văn, nhà nghiên cứu Nam Bộ Sơn Nam khi được Phan Quang mời đọc bản thảo lần đầu và góp ý điều chỉnh giúp các địa danh Nam Bộ cho thật đúng, đã thốt lên: “Phan Quang đã hóa thân công phu, trách nhiệm, thắm nghĩa tình vào từng con chữ về miệt vườn Nam Bộ”.
 
Phan Quang bước vào nghề báo năm 1948 tại Báo Cứu Quốc Liên khu IV xuất bản hằng ngày thời kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, năm 1954 ông được điều về Báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của Đảng. Những năm tháng làm việc ở Báo Nhân Dân - Trưởng ban Nông nghiệp và Nông thôn, Trưởng ban Kinh tế, Ủy viên Ban Biên tập… Sau đó, ông giữ nhiều trọng trách khác nhau: Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương; Thứ trưởng Bộ Thông tin; Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, v.v. Ở lĩnh vực công tác nào, kể cả khi ông làm nhiệm vụ quản lý báo chí và đối ngoại, nhà báo, nhà văn Phan Quang vẫn mải miết đi và viết. Nếu tính từ bài báo đầu tiên in năm 1948, tập truyện ngắn đầu tay do Nhà Xuất bản Minh Đức ấn hành năm 1954, đến nay Phan Quang đã cầm bút liên tục 66 năm, để lại khối lượng gần bốn chục tác phẩm xuất bản cùng, chẳng ai biết đích xác, bao nhiêu bài báo ngắn, dài. Bộ truyện cổ A Rập nổi tiếng Nghìn lẻ một đêm, và 20 năm sau bộ truyện cổ Ba Tư Nghìn lẻ một ngày do ông chuyển ngữ, đến nay đã tái bản 34 lần (NLMĐ) và 12 lần (NLMN).
 
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, ngòi bút Phan Quang thỏa sức tung hoành khắp Bắc - Trung - Nam. Những bút ký báo chí thấm đậm chất văn học của ông, khi ở Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, lúc ở Đà Lạt - Lâm Đồng, Tây Ninh, khi ở TP. Hồ Chí Minh đổi mới năng động, vùng Đồng bằng sông Cửu Long rực rỡ tên vàng. Phan Quang dành nhiều tâm huyết cho quê hương Quảng Trị, vùng đất khói lửa, nghèo khó nhưng rất đỗi kiên trung. Tấm lòng sâu nặng với quê hương, nhiều bài viết về miền quê Quảng Trị da diết, thấm đậm tình người, tình quê, giàu chất thơ ca.
 
Một số lần đến nhà riêng của ông ở quận Đống Đa, Hà Nội, ngắm nhìn những tủ sách của ông, xem cung cách ông làm tư liệu báo chí, tôi và nhiều đồng nghiệp hậu sinh tâm phục, nể trọng về sức làm việc, trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Ông làm tư liệu công phu, tỉ mỉ, khoa học. Cần bất cứ tài liệu gì, chỉ trong vòng dăm ba phút, ông đã tìm được ngay từ đống hồ sơ lưu giữ. Tôi hỏi ông, cuốn sách Đồng bằng sông Cửu Long giàu tư liệu, ngồn ngộn thông tin, bằng cách nào trong một thời gian ngắn, ông đã có những tư liệu đó. Ông trả lời: “Đọc, đi, nghĩ, viết. Có vấn đề gì chưa tỏ ngọn ngành thì vào thư viện tra cứu, tìm đọc qua sách báo nước ngoài”. Ông chỉnh chu, cẩn trọng, tài hoa trong tác nghiệp. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông sử dụng thành thạo công nghệ tin học. Máy tính giúp ông lưu giữ tài liệu, ảnh, viết bài, biên tập, trình bày bản thảo. 
 
Ở nước ta, nhà văn Sơn Nam nghiên cứu rất sâu về Nam Bộ, đất và người đồng bằng châu thổ. Tôi dám chắc, trong giới văn nghệ, báo chí, người am hiểu về Nam Bộ một cách bài bản, lớp lang, có chiều sâu, sau Sơn Nam là Phan Quang và một số rất ít đồng nghiệp khác. Thế giới đương đại, chắc chắn những ai cần tìm hiểu đất và người vùng đồng bằng Nam Bộ, không thể không đọc “Đồng bằng sông Cửu Long” của nhà báo, nhà văn Phan Quang. 
 
Ngòi bút của Phan Quang miêu tả sống động vùng đất mới, giàu tiềm năng: Đồng bằng sông Cửu Long. Những bài viết đặc sắc, giàu thông tin, tự nó đã khẳng định sự phong phú, đa dạng của tập bút ký tràn đầy hơi thở cuộc sống: Dải đất đa dạng ẩn giấu nhiều bí tàng của trời đất; Cửu Long sông Mẹ và những tặng phẩm của thiên nhiên; Vùng lúa hình thành qua nước mắt và mồ hôi; Ruộng và người làm ruộng; Trong cảnh lúa đầy đồng, cá đầy ruộng; Một vùng đầy trái ngược; Qua những tên đất, tên sông; Nghĩ về tính cách con người… Tập bút ký Đồng bằng sông Cửu Long dày gần 500 trang là một công trình lao động nghiêm túc, đầy trách nhiệm, rất tân văn mà cũng rất văn học. Khi miêu tả vùng đất này, tình cảm của Phan Quang dạt dào: “Sông Cửu Long. Đồng bằng sông Cửu Long. Những tiếng quen thuộc ấy từ lâu vang trong lòng mỗi người Việt Nam chúng ta không chỉ như một dòng sông lớn, một châu thổ màu mỡ đầy trái ngọt hoa thơm và quanh năm rực rỡ ánh mặt trời. Đồng bằng sông Cửu Long là Nam Bộ thân yêu, Nam Bộ anh hùng, là miền Nam thành đồng Tổ quốc, là phần đất đi trước về sau, thường xuyên có mặt trong mỗi tâm hồn Việt Nam…” (Trang 21).
 
Trái tim Phan Quang, tình yêu của Phan Quang về vùng đồng bằng châu thổ hiện hữu trong từng con chữ. Miêu tả kết hợp với tư liệu khảo cứu, những số liệu cần thiết xác đáng làm cho những bài bút ký của ông luôn giàu thông tin. Ông miêu tả kênh rạch, cảnh trời mây nước miệt vườn - đặc trưng đồng bằng châu thổ không thể trộn lẫn. Đó là khoảng không gian hào hùng của lịch sử thời mở cõi, truyền thống anh hùng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, nền văn hóa bản địa, phong tục, tập quán, cốt cách con người Nam Bộ, để từ đó ông khái quát thành điểm nhấn về dải đất đa dạng, đan xen quá khứ - hiện tại - tương lai, từ chiều sâu nhân cách, từ cội rễ ngọn nguồn: “Suốt mấy nghìn năm kể từ ngày dựng nước, ông cha ta đã bám chắc mảnh đất quê hương, khai phá ruộng đất, cải tạo thiên nhiên để nuôi sống mình và qua đó từng bước mở mang bờ cõi, xây dựng cơ đồ để lại cho con cháu muôn đời về sau…” (Trang 141) .
 
Nghĩ về tính cách con người (Nam Bộ), Phan Quang khảo cứu, sử dụng cứ liệu lịch sử, đặc điểm cư dân, xuất phát từ điều kiện tự nhiên - xã hội - điều kiện lịch sử một cách biện chứng, từ đó qua phân tích và cảm nhận của mình vẽ nên tính cách - chân dung con người vùng châu thổ có chiều sâu. Năm đặc điểm nổi bật trong tính cách của người nông dân Nam Bộ, theo Phan Quang là: “Lòng yêu nước nồng nàn và kiên định; Dũng cảm, ngang tàng, phóng khoáng; Hiếu khách, trọng nghĩa khinh tài; Sẵn sàng tiếp thu cái mới; Bộc trực, ăn nói thẳng thắn, ít khi văn hoa, rào đón” (Trang 463 - 477).
 
Cửu Long sông Mẹ và những tặng phẩm của thiên nhiên, đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, tôm cá nhiều, cây trái xum xuê. Đồng bằng là tặng phẩm vĩ đại nhất mà sông Mẹ mang lại cho con người. Sức lao động của ông cha suốt mấy trăm năm đã tạo nên bộ mặt của đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Phan Quang nhắc nhở trách nhiệm của con người: “… Chúng ta cố gắng làm sao cho mảnh đất này thêm giàu có, tươi đẹp; chúng ta hướng nó phát triển thuận theo quy luật và hợp với ý đồ của ta chứ không làm thiệt hại đến tiềm năng của nó” (Trang 120).
 
Một bài viết ngắn không thể diễn tả hết giá trị chân - thiện - mĩ của một tác phẩm có tầm nghiên cứu và giá trị thực tiễn cao; càng khó nói hết thành quả đồ sộ của một cây bút lớn. Đành xin dẫn lời nhà văn Tô Hoài vừa quá cố: “Tôi thấy một Phan Quang nhà văn tâm hồn và văn phong chan hòa ruột thịt với phong cách nhà báo. Phải uyên thâm, lão luyện nghề báo nghề văn đến mức thế nào mới sáng tạo được những nét riêng từ cái nghĩ cái chữ như thế” (Báo Văn Nghệ, 29-6-2002).
 
Những năm tháng làm công tác quản lý và đối ngoại, kết hợp những chuyến đi công tác nước ngoài, Phan Quang viết nhiều bút ký lữ hành (du ký). Mấy năm gần đây, do tuổi cao, ít có điều kiện đi xa, Phan Quang cặm cụi thực hiện đề tài ông ôm ấp và tích lũy hơn 40 năm nay, mà ông gọi là bút ký tư liệu.
 
Xin được chúc mừng nhà báo, nhà văn Phan Quang, tuổi cao nhưng sức viết vẫn dồi dào, bầu máu nóng từ con tim yêu nghề - say nghề như ngày nào. Phía trước nhà báo, nhà văn Phan Quang còn bao dự định ấp ủ đang… rượt đuổi thời gian.
 
PHẠM QUỐC TOÀN