Thứ 2, 07/04/2025, 07:44

Đình Nghĩ trong chiều kích nhung nhớ

04:07, 30/07/2014

Một thời của Hoa Langbian, Say trăng… nhạc sĩ Đình Nghĩ đã khắc được dấu ấn trong lòng công chúng yêu ca nhạc ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Vốn là Trưởng đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng trong nhiều năm nay, anh luôn khao khát mang đến sự hưng phấn cho nghệ sĩ diễn viên trong đoàn đam mê công việc của mình...

Một thời của Hoa Langbian, Say trăng… nhạc sĩ Đình Nghĩ đã khắc được dấu ấn trong lòng công chúng yêu ca nhạc ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Vốn là Trưởng đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng trong nhiều năm nay, anh luôn khao khát mang đến sự hưng phấn cho nghệ sĩ diễn viên trong đoàn đam mê công việc của mình. Là nghệ sĩ, anh muốn chuyển tải được nội dung của cuộc đời và sự kiện vào từng tác phẩm. Những điều đó, anh đã cố gắng trong gần 50 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc.
 
Nhạc sỹ Đình Nghĩ. Ảnh: N.MINH
Nhạc sỹ Đình Nghĩ. Ảnh: N.MINH
 
Một lần bên quán cà phê vắng lặng cùng anh, nhạc sĩ Đình Nghĩ hát mộc cho tôi nghe ca khúc vừa sáng tác, ở đoạn đầu có 2 câu nhạc nhắc lại mỗi câu có 4 tiết cân đối bồng bềnh êm dịu:
 
Sóng vỗ chiều tiếng biển khát xanh xao
Giữa hoàng hôn đại dương ôm đảo vắng
Mây trắng xô nghiêng hồn nhiên đôi bờ 
Dong cánh buồm màu tươi nguyên
Sóng vỗ chiều nhắc điệu lý cho nhau
Thuở hồng hoang Lạc Long là thế đấy!
Năm tháng mơ trôi trầm ngâm con thuyền
Neo dưới vòm trời sao rơi.
 
Anh hát say sưa. Lời ca hòa trong khúc thức nhịp điệu làm lay động lòng người. Một vùng đảo xa của Tổ quốc đang hiện dần trước mắt tôi. Nơi ấy, tiếng biển khát xanh xao của từng cơn sóng vỗ. Nơi ấy, trời cao bao la ôm trọn biển đảo vào lòng. Nơi ấy, hồn thiêng sông núi gợi lên trong từng điệu lý quê hương da diết. Nơi ấy, thuở hồng hoang Lạc Long Quân khai sinh ra nước Việt. Biển ngàn đời thúc giục người đi, trầm ngâm những con thuyền neo mình trong biển vắng dưới vòm đêm thao thức.
 
Nhạc sĩ Đình Nghĩ da diết, đau đáu, thổn thức, quằn quại trong từng câu chữ để khắc họa “cho bằng được” về một nắm ruột quê hương trên biển qua đoạn điệp khúc tiếp theo tương phản hoàn toàn, giai điệu sáng bừng tiết tấu thôi thúc: 
 
Biển mặn mòi quê hương, biển dặm trường yêu thương
Biển vọng trời chớp mắt, 
Thả về nơi xa xăm, ơi rồng tiên linh thiêng
Trái tim Hoàng Sa rựng máu
Biển rộng dài đưa nôi, biển thật gần đấy thôi
Biển mọi thời thức sóng. 
Cõng vầng trăng bay la, cung bổng trầm theo cha. 
Lướt qua Trường Sa lệ ứa.
 
Khi ngân nga những ca từ này, người hát không còn nghĩ đến câu nhạc mà nghĩ đến những vần thơ chan chứa, sâu nặng mà nhạc sĩ Đình Nghĩ muốn gửi gắm vào đó. Những câu chữ của nhà thơ nhiều hơn là ca từ của tác giả âm nhạc: Mặn mòi quê hương, dặm trường yêu thương, vọng trời chớp mắt, rựng máu, Biển mọi thời thức sóng. Cõng vầng trăng bay la, cung bổng trầm theo cha, lệ ứa...
 
Nhạc sĩ Đình Nghĩ không dừng lại ở đó. Anh muốn đi xa hơn, sâu hơn về quê hương, không phải cách mô tả thông thường. Anh nghĩ đến những hòn đảo lớn nhỏ như những ngôi sao trên biển lặng lẽ vươn mình ra biển khơi, là những lấm chấm non sông oằn mình cùng biển cả, hứng chịu bao phong ba bão táp như những người lính tiên phong trên đảo tiền tiêu ngày đêm bảo vệ giang sơn gấm vóc của cha ông.
 
Anh lặp đi lặp lại đoạn kết nhiều lần nhiều bè như nhắc nhở người nghe, người hát về chủ quyền biển đảo của quê hương mà không sử dụng những ngôn từ hô hào, to tát, mà bằng sự rung cảm lãng mạn của người nghệ sĩ. Âm nhạc lúc này được đẩy cao và mạnh mẽ hơn:
 
Sóng cứ lấm chấm non sông
Vươn khơi vươn khơi ngóng chiều
Sóng cứ lấm chấm non sông
Vươn khơi vươn khơi ngóng.. ư.. hư.. chiều…
 
Phía xa kia là đảo, là những ngôi sao lấp lánh trên biển. Những lấm chấm kia là Tổ quốc, là máu xương gắn kết với đất nước; sự hy sinh vô bờ bến của những con người bám biển, bám đảo. Biển trong xanh dường kia. Con sóng ào ạt ngày đêm tung bọt trắng xóa. Hoàng hôn ôm đảo những chiều vẫn không nguôi ngoai đánh thức trái tim của người nghệ sĩ. Đứng trước biển, trước vòm trời quê hương, trước những con người cụ thể đang ngày đêm canh giữ đất trời, nhạc sĩ Đình Nghĩ không thể không bật lên tiếng lòng:
 
Biển mặn mòi quê hương, biển dặm trường yêu thương
Biển vọng trời chớp mắt. Thả về nơi xa xăm
Ơi rồng tiên linh thiêng, trái tim Hoàng Sa rựng máu
Biển rộng dài đưa nôi, biển thật gần đây thôi
Biển mọi thời thức sóng. Cõng vầng trăng bay la
Cung bổng trầm theo cha. Lướt qua Trường sa lệ ứa.
 
Cũng khá lâu lắm rồi, chúng tôi mới ngồi cùng nhau để được nghe anh hát. Những câu hát thô mộc mà đốt cháy trái tim người nghe. Những câu hát phiêu trong từng giai điệu như lôi cuốn người đối diện. Anh hát - nhạc sĩ Đình Nghĩ hát. Không, trái tim anh đang thổn thức, đang oằn mình khi nghĩ về những con sóng ngày đêm trào lên đảo nhỏ; như lời ca của mẹ ru từng điệu lý cho con từng đêm dài đợi ngủ. Những câu hát buốt từng trách nhiệm, khơi mở trái tim về ruột rà quê hương trên biển đang đêm ngày chống chọi với phong ba bão táp, với kẻ thù ngày đêm quấy nhiễu. Trách nhiệm không của riêng ai. Người nghệ sĩ càng không đứng bên ngoài. Nhạc sĩ Đình Nghĩ đã vươn mình trong tâm thức để rồi hòa nhịp cùng mọi người cùng thời cuộc qua khúc hát “Ơi con sóng, biển chiều”…
 
 
TRẦN NGỌC TRÁC