Năm 1922, được lệnh của Pháp, Khải Định - người đứng đầu Nam triều - đến Paris để đi xem Hội chợ thuộc địa ở Marseille (Exposition coloniale de Marseille) - cái hội chợ giúp chủ nghĩa thực dân Lang Sa(1) khoe khoang một cách lố bịch "sự khai hóa" tại các xứ thuộc địa của nó.
Năm 1922, được lệnh của Pháp, Khải Định - người đứng đầu Nam triều - đến Paris để đi xem Hội chợ thuộc địa ở Marseille (Exposition coloniale de Marseille) - cái hội chợ giúp chủ nghĩa thực dân Lang Sa(1) khoe khoang một cách lố bịch "sự khai hóa" tại các xứ thuộc địa của nó.
Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ đang hoạt động cách mạng ở thủ đô nước Pháp đã sáng tác hàng loạt văn phẩm đả kích mạnh mẽ, sâu cay Khải Định: kịch hài hước "Con rồng tre" (Le dragon en bambou), "Những lời than vãn của bà Trưng Trắc" (Les lamentation de Trung Trac), "Vi hành" (Incognito), "Sở thích đặc biệt" (Le goût spécial),...
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc văn phẩm châm biếm (pamphlét) "Sở thích đặc biệt" được đăng trên báo "Người cùng khổ" (Le Paria) - tờ báo của Hội Liên hiệp thuộc địa (L' Union inter-coloniale), một tổ chức cách mạng của nhân dân các thuộc địa Pháp, do Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng của các thuộc địa Pháp thành lập tại Paris năm 1921 - ra ngày 1/8/1922.
Mở đầu "Sở thích đặc biệt", tác giả Nguyễn Ái Quốc viết:
"Từ khi đến Paris, Khải Định, Hoàng đế nước "An-nam" đã thành mục tiêu bao vây theo như thường lệ của một số bà buôn son bán phấn. Họ đã dâng lên Ngài Ngự nhiều bức thư nồng nàn tình tứ và nhiều tấm ảnh khêu gợi. Nhưng Khải Định vốn là bậc hiền triết! Ngài Ngự bèn truyền đem tất cả thư và ảnh ấy vứt vào sọt rác, và ai hỏi, Ngài cũng đều từ chối không trả lời gì hết.
Ông Albert Sarraut đã trả lời một mỹ nhân hỏi về việc đó như sau:
- Ấy, Hoàng thượng Ngài có những sở thích rất đặc biệt.
Bà này rất đỗi ngạc nhiên và muốn hỏi cặn kẽ thêm, nhưng ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa (Ministre des Colonies) đã đánh trống lảng:
- Hoàng thượng Ngài chỉ thích đọc sách thôi.
Bà ta lại hỏi:
- Thế hiện giờ Hoàng thượng đang đọc gì?
Ông Albert Sarraut trả lời:
- Hoàng thượng đang đọc Platon.
(Báo Nghe lỏm).
Những điều trên có xuất xứ từ báo Nghe lỏm (journal d' entendre en cachette). Chi tiết hư cấu (fiction) nghệ thuật này thật độc đáo, ấn tượng, gợi hứng thú cho độc giả đọc tiếp bài văn của Nguyễn Ái Quốc châm biếm Khải Định, Hoàng đế An-nam (Empereur d' Annam).
Tác giả Nguyễn Ái Quốc bình luận: "Bảo rằng Hoàng đế Khải Định là bậc hiền triết, điều đó ta không nghi ngờ gì cả. Nhưng hiền triết thì cũng không phải là không cần lễ độ, và chúng tôi mạn phép kính tâu Hoàng thượng rằng cử chỉ của Hoàng thượng dù uy nghi đến đâu chăng nữa, nhưng vẫn hoàn toàn thiếu lịch sự. Riêng chỉ nghĩ rằng những bà lịch sự kia, vì ham chuộng những chuyện vua chúa mà bị khinh miệt một cách phũ phàng như thế, ắt không khỏi sẽ trút tất cả mối căm thù ghê gớm của các bà vào những thần dân của Hoàng thượng, là người ta cũng đã run lên rồi. Quan lớn Bộ trưởng vốn là một nhà có tài ăn nói. Ông lại rất am hiểu chữ nghĩa của nước ông. Thế mà câu ông trả lời mỹ nhân lại rất mập mờ. Ông dùng chữ "sở thích đặc biệt", thật ra là muốn nói gì nhỉ? Có phải ngẫu nhiên mà, mặc dầu vừa mới chân ướt chân ráo tới cái thành phố ánh sáng này, Đức Hoàng thượng rất ư thông thái và đầy tâm hồn nghệ sĩ đã làm quen được ngay với một nghệ sĩ nổi tiếng và một thi sĩ lừng danh rồi chăng? Đặt câu hỏi như thế, chính là đã trả lời rồi đó. Sau khi mỹ nhân muốn hỏi cặn kẽ thêm, và sau khi Quan lớn Bộ trưởng đánh trống lảng, thì cái câu nói mập mờ rất hùng biện kia vẫn còn tiếp tục thêm rằng: tuy trong chữ Théétète
(2) là có chữ Thé (như Victor Hugo từng nói), chúng ta vẫn không tin rằng Hoàng thượng lại hạ cố đến những tác phẩm của người thầy học của Aristote, vì Hoàng thượng vẫn luôn phải có người thông ngôn mới hiểu được tiếng Pháp (và cả tiếng Hy Lạp nữa) kia mà. Cho nên khi ông Bộ trưởng nói rằng Hoàng thượng hiện đang đọc Platon là ông chưa nói hết cái chữ mà ông định nói: chắc là ông định nói chữ "plato... nique" đấy mà.
Amicus Plato, sed magis amia veritas
(3).
Và chúng tôi xin trả lời:
"Ông bạn Platon ơi, Hoàng thượng Ngài chỉ thích xem thôi".
Chữ "Platonique" tác giả Nguyễn Ái Quốc dùng ở trên dụng ý nhắc tới "amour platonique" (tình yêu kiểu Platon). Nhà triết học cổ đại Hy Lạp này có bàn về một thứ tình yêu cao thượng của nam nữ thanh niên trong sự hòa đồng vào tinh thần thượng đế; đó là một thứ tình yêu thuần túy tinh thần, phi vật chất (thiếu vắng tình dục). Điều này gợi ý cho độc giả hiểu Khải Định đã bất lực về sinh lý, vì ông ta đã quá trác táng trong quan hệ với phụ nữ.
Câu tiếng Hy Lạp "Amicus Plato, sed magis amia veritas" được tác giả Nguyễn Ái Quốc lấy ra từ cuốn "La vie d' Aristote" của Amnonius; câu này có nghĩa: "Tôi rất quý Platon, nhưng đối với tôi, sự thật còn quý hơn nhiều". Tác giả Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh thái độ thượng tôn sự thật của mình khi dẫn câu châm ngôn đó. Bởi vậy, ông Nguyễn Patriote
(4) viết câu cuối cùng của pamphlet "Le goût spécial" là rất chí lý:
"Ông bạn Platon ơi, Hoàng thượng Ngài chỉ thích xem thôi".
Bất lực về sinh lý, Hoàng thượng chỉ có thể xem..., chứ còn có thể làm gì khác được? "Xem" là "sở thích đặc biệt" của Hoàng thượng Khải Định vậy.
Bài văn của Nguyễn Ái Quốc "Sở thích đặc biệt" đáp ứng trọn vẹn thị hiếu thẩm mỹ về humour của độc giả Paris rất sành nghệ thuật; đáp ứng trọn vẹn sở thích thú hài hước, hóm hỉnh, nhẹ nhàng mà sâu cay của những trí thức thông thạo tiếng Pháp, mến mộ văn Pháp khúc chiết, tinh tế lúc bấy giờ ở Việt Nam và ở các thuộc địa khác và chính họ truyền vào nhân dân những nét đặc trưng của ngòi bút châm biếm của Nguyễn Ái Quốc.
Nhà chí sĩ Phan Châu Trinh khi ấy đang ở Paris và liên hệ mật thiết với Nguyễn Ái Quốc, đã viết "Thất điều thư" bằng chữ Hán gửi Khải Định, vạch bảy tội đáng chết của "ông vua An-nam", đòi ông ta xéo ngay về nước. Nhà chí sĩ họ Phan khinh bỉ viết: "Bệ hạ tay cầm hốt ngọc, mình tựa ngai vàng, ngất ngưởng ngồi trên; các quan lớn nhỏ thì mặc triều phục, cúi đầu, nhắm mắt thủ phục ở dưới, trông chẳng khác gì bầy rái tế cá, lũ khỉ làm trò, thiệt không biết sự xấu hổ của loài người là gì". Nhà chí sĩ kết án đanh thép: "Nếu không tìm cách mà trừ bỏ đi thì cũng đến chết với loài yêu quái ấy mà thôi".
(5)
Những văn phẩm của Nguyễn Ái Quốc đả kích Khải Định, "Thất điều thư" của Phan Châu Trinh cùng với sự xua đuổi của Việt kiều ở Pháp và sự khinh khi của dư luận Pháp đối với "Hoàng đế An-nam" khiến thực dân Pháp phải bắt ông vua này kết thúc sớm cuộc "ngự giá nước mẹ".
Trên báo Nhân đạo (L' Humanité) số ra ngày 9/1/1923, Nguyễn Ái Quốc còn tố cáo Khải Định: "Hiện nay chúng tôi chưa biết rõ số tiền mà Đức vua An-nam đã chi tiêu về việc sang du ngoạn bên Pháp đúng là bao nhiêu đồng, nhưng chúng tôi biết rằng, để đợi được ngày tốt cho con rồng tre (ledragon en bambou) xuống tàu, người ta đã phải bồi thường phí tổn cho tàu Portosse về bốn ngày chờ đợi, mỗi ngày 100.000 francs (tức là 400.000 francs. Tiền tàu hết 400.000 francs. Tiền chiêu đãi hết 240.000 francs (không kể tiền lương trả cho bọn cảnh sát để canh gác những người Việt Nam ở Pháp). 77.000 francs để trả tiền ăn ở Marseille cho số lính khố xanh An-nam bồng súng chào cụ lớn Bộ trưởng [Albert Sarraut] và Hoàng thượng".
Về tới nhà, chưa kịp hoàn hồn vì chuyến Âu du đầy sự khốn nạn, Khải Định đã bị chí sĩ Ngô Đức Kế bồi thêm một đòn đả kích:
"Năm ngoái qua Tây ỉa vãi cùng".
Nguyên là năm 1923, Khải Định tổ chức lễ "tứ tuần đại khánh" và thực dân Pháp cùng Nam triều ra nghị định tăng thuế 30%. Nhân dân ta phẫn nộ. Lúc đó, chí sĩ họ Ngô là chủ bút báo Hữu thanh ở Hà Nội, đã vạch tội Khải Định bằng bài thơ bốn khổ "Hỏi Gia Long":
"Ai về địa phủ hỏi Gia Long,
Khải Định thằng này phải cháu không?".
Nhà chí sĩ nêu gốc gác của dòng dõi Khải Định, đánh vào chỗ hiểm nhất của ông ta: tội làm nhục quốc thể; tội vơ vét của dân đang gặp thiên tai; tội ăn hối lộ quan trường. Nhà chí sĩ phơi lên mặt báo việc Khải Định được "cấp nguyệt bổng" (lương tháng) để gọi ông này là "cu-li lớn". Và, rất sắc sảo về chính trị, chí sĩ Ngô Đức Kế hạ bút:
"Bảo hộ trau dồi nên tượng gỗ,
Vua thời còn đó, nước thời không!".
Như vậy, lớp già (Phan Châu Trinh và Ngô Đức Kế) và lớp trẻ (Nguyễn Ái Quốc), ở ngoài nước và ở trong nước, không hẹn mà nên, đã phối hợp đấu tranh bằng văn học. Đây là đả kích chính trị, sự đả kích thẳng cánh, đánh rơi chiếc mặt nạ lừa bịp của thực dân Pháp và Nam triều...
Đà Lạt, 6/2014
(1) Lang Sa, từ Hán - Việt, chỉ Pháp.
(2) Théétète, tên một bài đối thoại (dialogue) của Platon bàn về tri thức và cơ sở của tri thức.
(3) Câu châm ngôn này được các thầy giáo có lương tri người Pháp dạy học ở Việt Nam thời Pháp thuộc dùng để hướng học sinh nước ta nêu cao tinh thần thượng tôn sự thật và chân lý, không chấp nhận sự dối trá, lừa bịp.
(4) Các bạn và các đồng chí Pháp của Nguyễn Ái Quốc thường dùng cụm từ "Nguyen Patri-ote" (Nguyễn Yêu nước, Nguyễn Ái Quốc) để gọi người thanh niên Việt Nam mắt sáng ngời, dáng mảnh dẻ này.
(5) Trần Huy Liệu dịch ra tiếng Việt năm 1925.
LÊ CHÍ DŨNG