Thịt cóc

04:07, 23/07/2014

Cho đến bây giờ sắp đến tuổi 49 tôi vẫn thèm ăn thịt cóc. Con cóc là cậu ông  trời, vậy mà tôi vẫn ăn nó. Nhìn con cóc xấu xí và có vẻ bẩn bẩn mà thịt cóc thật ngon.

Cho đến bây giờ sắp đến tuổi 49 tôi vẫn thèm ăn thịt cóc. Con cóc là cậu ông  trời, vậy mà tôi vẫn ăn nó. Nhìn con cóc xấu xí và có vẻ bẩn bẩn mà thịt cóc thật ngon.
 
Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh
 
Chả là vì cái năm 1973 của thế kỷ 20, tôi đã 8 tuổi nhưng thân hình còi cọc như trẻ lên 4. Đầu to, mắt lồi. Bố mẹ sinh sáu chị em, trên tôi là năm chị. Những năm còn bao cấp, chỉ có ai làm trong cơ quan nhà nước mới có tem phiếu thịt, sữa, đường, mì chính, nước mắm. Dân làm ruộng – làm hợp tác xã nông nghiệp, làm công điểm, nhiều ăn nhiều, ít ăn ít. Bố đau dạ dày mãn tính, làm được ít, chỉ có mẹ, 365 ngày một năm thì có 362 ngày có mặt ngoài đồng. Cả năm có ba ngày tết là được vài miếng thịt do hợp tác xã phân phối cho xã viên, mỗi lao động năm lạng. Nhà tôi có bố, mẹ được 1kg, mẹ sợ các con còi cọc vì không có chất bổ. Đến gạo, sắn khoai còn không đủ no thì làm gì có chất. Mẹ đã có sáng kiến là mỗi buổi làm đồng về, mẹ ở lại ngoài đồng bắt con cua, con tép đem về, tối giã cua làm canh với rau muống. Tép nấu với chuối xanh. Các chị tôi ăn được sắn khoai, lại có cua cá quanh năm nên béo tốt khỏe mạnh. Tôi còi cọc vì không ăn được khoai sắn, chỉ có tí cơm trắng do mẹ, chị gằn từ nồi cơm độn sắn khoai phần tôi.
 
Tôi sợ con đỉa, con sên, sợ cả con ếch. Nhìn con lươn cũng sợ, trông nó giống con rắn. Mẹ om lươn với chuối, mùi thơm ngậy mũi mà tôi không dám ăn, cho nên tôi còi cọc. Ấy vậy mà tôi hay nghịch cóc. Bắt con cóc, tôi buộc dây chuối vào giữa thân mình, rồi kéo lê nó đi. 
   
Bà bảo cóc là cậu ông trời, cháu có sợ trời đánh không? Tôi vẫn nghịch. Có hôm đang nghịch cóc, thấy bà nội, tôi nhét nó vào túi.
 
Trong xóm có ông lang cắt thuốc bắc nói với bà bảo nó đừng nghịch cóc, mủ cóc vào mắt sẽ bị mù. Tôi vẫn không sợ, nhưng cũng có lần ông nói trẻ con còi cọc suy dinh dưỡng, ăn thịt cóc sẽ tốt. Mẹ tôi hỏi ông cách làm thịt cóc, ông nói lột da, chặt đầu, moi hết gan ruột (Không được ăn gan kẻo mà chết đấy)… Sau đó rửa thật sạch, băm với lá lốt, hoặc lá xương xông rồi cho vào chảo, rán (chiên) giòn lên, cho ăn với cơm. Nhưng thời nay mỡ hiếm, thì nướng lên cũng tốt.
 
Mẹ tôi sợ cả nhà ghê, nên đã đem số cóc bắt được ở bãi ngô sông Hồng đem về nhà bà ngoại mổ, băm kỹ, rồi mang về  nhà mình nướng lên, nói dối là thịt bò, cả nhà khen ngon. Tôi ăn những ba miếng to bằng quả trứng gà. Chị và bố chỉ được một miếng bằng nửa quả trứng. Mẹ sợ chồng con bị ngộ độc thịt cóc, mẹ ăn truớc rồi thấy không sao mới cho chồng con ăn. Sau này tôi mới biết việc đó.
 
Nhưng rồi các chị tôi không dám ăn bởi không biết đứa nào con nhà cậu ở  bên bà ngoại nói mẹ các chị chiều nào cũng băm thịt cóc ở nhà em. Mẹ tôi nói các em ở nhà cậu nó trêu các con đấy.
 
Nhưng các chị dứt khoát không ăn. Mẹ sợ tôi biết, sẽ bỏ thì tôi sẽ còi cọc suốt đời. Nhưng không, tôi lại thích ăn thịt cóc. Và từ đó, tối nào tôi cũng ăn cơm với thịt cóc. Bữa nào mẹ không bắt được cóc, thế là bữa ăn ấy tôi ăn không hết 1/2 bát cơm, hoặc có bữa chỉ ăn một bát vì thịt cóc hôm ấy quá ít, chỉ có những viên nhỏ bằng đồng 5 xu.
 
Tôi không thể tả được thịt cóc ngon thế nào, chỉ thấy nó béo ngậy, bùi bùi, thơm, không có mùi tanh. Trong một năm, có mấy tháng chắc không phải là mùa cóc sinh sôi nên bãi ngô sông Hồng thuộc xã tôi, rồi lại cả bãi sông Hồng xã bên cạnh không có cóc. Tôi thèm lắm, chả bù cho nhiều lần mẹ bắt được một rổ to, mẹ đem vào nhốt vào cái chậu sành, đậy cái mâm lên, mỗi bữa lấy 6 – 7 con, mổ sạch, băm nhỏ, nặn thành viên, tôi đứng xem, mùi thơm xộc vào mũi, kích thích tuyến nước bọt, phải nuốt nước bọt liên tục.
 
Mùa hiếm cóc, thấy có con cóc nhảy từ hố xí ra, tôi reo lên, mẹ ơi cóc. Mẹ tôi chạy ra vồ luôn. Mẹ nói, nó ở nhà xí nhưng chỉ ăn muỗi, không ăn cứt. Với lại mổ bỏ gan ruột, rửa sạch, nướng trên than thì vi trùng nào cũng cháy thành… than…
 
Vì ăn thịt cóc, hai năm sau, tuổi lên 10, tôi đã cao to bằng đứa bạn cùng tuổi, học cùng lớp, cao nhất lớp. Mặc cho chúng ê…ê…thằng Dẹo ăn cả cóc trong nhà xí,…ê…ê… Tôi mặc kệ. Tôi vẫn ăn. Ăn cho đến lúc bãi sông Hồng không còn một con nào, cóc trong nhà xí cũng không còn một con nào. Mẹ phải dỗ dành, không có thịt cóc, con chịu khó ăn thịt lợn, thịt gà nhé. Ba người chị lớn của tôi đã lấy chồng, về nhà thăm bố mẹ hét lên: Lớn rồi, 18 tuổi rồi, không phải chiều nó, không ăn thì chết! Vài bữa nữa đi học chuyên nghiệp, cóc ở đâu mà ăn? Kệ, tôi cứ thích ăn thịt cóc, không có cóc tôi chấp nhận ăn cơm rau muối.
 
Rồi tôi thi đỗ vào trường trung cấp thực phẩm. Vận may với tôi, nơi tôi học cũng có cóc. Dù không nhiều nhưng cứ 3 – 4 ngày tôi lại được ăn một bữa, do chính tôi tự tìm cóc, tự làm lấy. Tôi không băm nhỏ với lá lốt rồi nặn thành viên như mẹ tôi đã làm, mà tôi lột da, mổ bỏ ruột gan, rửa sạch, đem xuống bếp sinh viên mà nướng. Trước năm 1988, nhà nước còn bao cấp cho học sinh, sinh viên. Tiêu chuẩn 15kg gạo 1 tháng, thỉnh thoảng mới có một, hai miếng thịt. Tôi không ăn, nhường cho bạn. Trong hai năm học trung cấp, cứ một tháng, mẹ tôi gửi cho tôi một lọ thủy tinh có dung tích khoảng 1000cm3 (1 lít) là thịt cóc băm nhỏ, sao vàng, thật kỹ.  
 
 Tôi nhận mà thương mẹ, vì tôi biết, bây giờ làm gì còn nhiều cóc khi mà thuốc sâu, thuốc diệt cỏ tràn lan. Để có một lọ này, mẹ phải tích cóp một tháng trời. Thương mẹ, tôi học thật giỏi. Khi tốt nghiệp, tôi được phân công về sở công nghiệp thực phẩm tỉnh nhà, sau này đổi thành sở khoa học công nghệ. Mẹ vẫn giữ thói quen, hàng tháng gửi cho tôi một lọ thịt cóc. Mẹ đạp xe lên đưa cho tôi, bởi từ thị xã lên tỉnh cách quê tôi có 20 km.
 
Rồi tôi lấy vợ sau 4 năm làm công chức nhà nước. Vợ tôi biết tôi ăn thịt cóc, nàng ghê sợ nói, nếu biết anh nghiện thịt cóc, em sẽ không lấy anh. Bây giờ lỡ rồi, thì…, sau những lúc… với nhau, anh phải ngủ riêng phòng. Tôi đành chấp nhận, vì từ còn lúc trẻ con, tôi vẫn trêu bạn gái bằng việc bắt cóc rồi cầm dứ dứ vào mặt bạn, nhiều bạn khóc ré lên. Con gái, đa số sợ chuột, sợ cóc nhà.
 
` Vợ tôi để riêng cho tôi một cái bát ăn cơm, một đôi đũa, một cái tô đựng canh, một cái thìa to, một cái thìa nhỏ, một đĩa đựng rau, một đĩa đựng thịt cóc và một cái xoong nhỏ để nấu thịt cóc. Ăn xong tự tôi phải rửa những thứ đó và để riêng một chỗ dưới bếp. Ấm để nước sôi, ấm nhỏ pha trà, cốc ly uống nước và uống ruợu, vợ tôi cũng sắm riêng cho tôi.
 
Cũng chỉ vì ăn nhiều thịt cóc nên mồm tôi thối như… cóc chết, không ai ngồi gần, mặc dù thịt cóc làm sạch, rồi, ăn xong, dù có xỉa răng, đánh răng bằng kem PS, Ngọc Lan…v…v… vẫn có mùi hôi ở miệng. Chả thế mà, hồi còn học phổ thông, rồi học chuyên nghiệp, tôi mang tên là Dẹo thối mồm.
 
Những năm chín mươi của thế kỷ 20, có phong trào đeo khẩu trang vì đi xe máy, tôi cũng đeo khẩu trang. Đến công sở bỏ ra, nhưng nói với anh em, mùi thối bay ra. Họ ý tứ bịt mũi, tôi biết vậy nên khi nói, tôi phải quay ngang, lấy bàn tay che mồm, không dám trực diện với người nghe. Lúc nói chuyện với vợ cũng phải đeo khẩu trang…Khổ thế, được cái nọ mất cái kia, ăn thịt cóc bổ dưỡng, có sức khỏe, từ lúc 8 tuổi đến nay hơn 48 tuổi, tôi không hề bị cảm cúm, xổ mũi, nhức đầu, chưa dùng một viên thuốc chứ đừng nói là ra bệnh viện, nhưng cái mất là ở chỗ miệng thối.
 
                                                               ****
 
Trở lại chuyện thịt cóc. Biết vợ tôi ghê cóc, mẹ tôi lên ở với tôi trông cháu nội. Buổi trưa, buổi chiều vợ chồng tôi ở cơ quan về là bà đưa con cho vợ tôi, bà đi bộ vào các hẻm phố tìm cóc. Bây giờ, nhà ai cũng có nhà vệ sinh tự hoại, công trình khép kín, làm gì còn cóc? Bà nghĩ cách bắt chúng tôi thuê ô sin, bà về quê để tìm cóc. Cóc hiếm quá, bà bảo tôi một tuần cố được lấy một bữa thôi con ạ. Tôi đồng ý, dù sao, tôi cũng có tuổi, có vợ con rồi đừng bắt mẹ khổ nữa. Tôi nghĩ, có thể làm giả thịt cóc, chỉ cần nhà bác học nào đó nghĩ ra một loại dược liệu có mùi cóc là được! Nhưng chả ai người ta làm việc đó chỉ vì một mình tôi, vì một cái sở thích mà vợ tôi cho là quái đản!
 
Năm tôi 45 tuổi thì mẹ tôi mất. 
 
Bà ra đi ở tuổi 80. Trước lúc mất, mẹ thều thào nói, mẹ thương con quá… vắng mẹ, ai làm thịt cóc cho con. Tôi khóc hu…hu…Vừa khóc vừa hứa với mẹ con sẽ tự làm được.
 
Nhưng có cóc đâu mà làm. Thị xã mở rộng lên cấp thành phố. Cưỡi xe máy về nông thôn tìm cóc cũng xa. Mặc dù tôi đã đặt sẵn tiền cho một người quen ở quê. Nếu có cóc thì gọi điện hoặc gửi theo xe khách lên cho tôi, nhưng mỗi tháng, may ra có được 20 con. Ít còn hơn không.
 
Một hôm, sau ngày mẹ tôi ra đi ba tháng, chủ nhật, theo thói quen, tôi về quê, quê tôi cũng lên thị xã, không còn cóc ở hố xí như ngày nào. Tôi lang thang ra bãi ngô sông Hồng, cả một ngày chủ nhật không bắt được một con nào. May thay trên đường về, có một con cóc nằm giữa đường. Con cóc to như con ếch, nặng đến gần nửa kg. Tôi dựng xe tìm cách vồ nó, nhưng nó đứng yên, thì ra là con cóc chết. Tôi cầm lên, đã có mùi khó ngửi. Không sao, bọn gian thương chế biến hàng chục tấn thịt thối bán cho dân kia kìa, có ai chết đâu. Tôi vì học ngành chế biến thực phẩm, tôi biết cách khử mùi thịt thối kể cả thịt có dòi! Con cóc này tuy chết nhưng chưa thối nát nên rất dễ khử mùi.
 
Tôi sướng quá, đem về nhà, tất nhiên vợ tôi không quan tâm.
 
Tôi mổ, rửa sạch, băm viên, trước khi dùng phèn chua, chanh, muối, tẩm vào cho cóc hết mùi. Bây giờ, dầu chiên, mỡ không thiếu, tôi cho ngập mỡ, viên thịt cóc dày khoảng 2cm, to bằng ba ngón tay người lớn… thơm lừng. Tôi nhâm nhi với một ly rượu. Tuyệt cú mèo. Thật ngạc nhiên, khi ăn xong, xỉa răng xúc miệng xong chuẩn bị đeo khẩu trang để nói chuyện với vợ, thì vợ tôi bảo không đeo, tôi hỏi vì sao. Vợ tôi bảo mọi ngày, anh cách xa em 5m, anh thở đã có mùi thối. Nay, em đi qua trước mặt anh, không có mùi. Nàng nói xong liền để mũi vào mồm tôi. Đúng không có mùi, anh ạ. Tôi chưa tin, vội sang nhà mấy anh hàng xóm, chìa mồm vào gần mặt họ mà nói, họ vui vẻ mời tôi xơi nước, chứ từ hôm qua trở về trước họ ý tứ bịt mũi khi ngồi hoặc đứng đối diện với tôi.
 
Tôi kể với vợ tôi. Chuyện con cóc chết, mới đầu nàng hoảng sợ nhưng tôi nói với nàng cái bài cũ rích là mọi đồ ăn, cứ cho vào lửa hoặc mỡ sôi lâu thì không còn vi trùng nào hết, kể cả vi trùng Sida! Thịt cóc bổ dưỡng và ngon, nếu chịu mất công đi tìm thì không mất tiền mua thực phẩm!
 
Không hiểu ai nói tôi nghiện thịt cóc mà lão Tùng, chủ lò mổ heo lớn nhất thành phố này mò đến nhà tôi vào sáng chủ nhật, lúc đó 8 giờ. Tùng bấm chuông. Gã ăn mặc lịch sự. Trong tay cầm một hộp kín, bên trong chứa gì đó, tôi không rõ. Tôi hỏi bác là ai, gặp tôi có việc gì ạ? Tùng nói, anh cứ cho em vào nhà đi đã nào, em là người ở đây chứ đâu phải là kẻ cướp.
 
Tất nhiên tôi biết gã, tôi chỉ giả vờ hỏi thôi. Tôi mời gã vào phòng khách, gã nói em mới về quê, có mấy con cóc, tặng bác. Gã mở ra: Chao ơi, tôi hoa mắt, cái hộp bìa cắt tông hình lập phương, có lẽ to bằng cái tivi 46 in, đầy những cóc tía, cóc vàng còn sống, con nào con ấy béo nhẫy, hai mắt nhìn tôi hiền từ. Tôi dù thích nhưng tỏ ra bình tĩnh, nói với Tùng anh mua chỗ này bao nhiêu, tôi trả tiền. Tùng nói biếu anh thôi, nếu anh không chê, mỗi tuần em tìm cho anh một ít.
 
Tôi thừa biết, chả ai cho không ai cái gì. Tùng cũng thừa biết tôi là trưởng phòng thanh tra của sở công nghệ môi trường, phụ trách thanh tra kiểm tra động vật nuôi, động vật giết mổ, tóm lại là vệ sinh an toàn thực phẩm. Chắc anh ta muốn nhờ vả gì, tôi định không nhận nhưng nhìn món cóc hấp dẫn quá, có tới 100 con chứ không ít. Thôi được, cứ nhận rồi tính. Nếu dùng cóc để làm vật trao đổi, vì giá trị con cóc không bao nhiêu, muốn trả cũng dễ.
 
Từ đó, một tuần, Tùng lại cho người đem cóc đến, cũng có lần trong đó có cóc sống, có 1/3  đã chết, thậm chí, có lần, 42 con, chết cả 42 con, nhưng cứ ăn cóc sống mồm tôi lại thối um, ăn cóc chết thì mồm tôi lại thơm tho như xúc miệng bằng nước hoa hồng hảo hạng của Bungari – xứ sở của hoa hồng. 
 
Tôi nghĩ, lạ thật, gã này lấy cóc ở đâu nhỉ. Sau rồi tôi cũng biết gã trả công cho ba người chuyên môn đi bắt cóc cho tôi. Có lần, gã mời tôi đến nhà ăn thịt cóc, phải công nhận gã có tay nghề chế biến thịt cóc hảo hạng. Gã cho tôi xem hắn mổ cóc, rồi băm viên, gã bảo cho vào máy xay thì còn gì là chất nữa, đúng không thủ trưởng? Tôi gật đầu xác nhận, vì chính tôi cũng chỉ băm viên. Cho vào máy, nước cốt chảy hết vào máy, còn gì nữa.
 
Trong bữa ăn, gã nói để cho thủ trưởng đỡ vất vả, em sẽ cho chúng nó làm cẩn thận, thủ trưởng cứ việc nấu nướng tùy ý.
 
Thằng này xỏ lá thật, tuần sau gã đã đem thịt băm kỹ, đến 1 kg, lúc chiên lên, không phải mùi thịt cóc mà là mùi thịt lợn trộn với thịt ếch! Láo thật. Tôi gọi điện cảnh cáo gã. Gã xin lỗi do sơ suất không kiểm tra đàn em, sẽ đền bù cho thủ trưởng.
 
Hôm sau gã đem đến 50 con cóc béo ngậy.
 
Trong ba năm quan hệ với Tùng, Tùng giúp tôi có cóc ăn và cũng trong ba năm tôi vì có sáng kiến để cóc chết mới mổ, nên mồm tôi thơm ngậy. Tôi có nhiều bạn hơn. Họ không phải né tránh khi tôi nói trực diện với họ.
 
Thế rồi, vào tuổi 49, tôi gặp hạn. Ấy là một lần tôi đi vắng, Tùng mang về hơn 2.000 kg thịt thối, cán bộ dưới quyền của tôi với công an bắt quả tang khi Tùng vừa vận chuyển thịt từ xe xuống, chuẩn bị làm cái trò khử thịt thối để bán ra thị trường. Có người theo dõi nên đã tố cáo. Tùng khai ba năm nay nhờ ông Dẹo, trưởng thanh tra của sở tiếp tay nên làm ăn trót lọt nhiều vụ.
 
Tôi bị kỷ luật, bị buộc thôi việc, bị tòa xử hai năm tù giam. Hai năm trong tù, tôi suýt chết mấy lần do không có thịt cóc. Vợ tôi phải nhờ người thỉnh thoảng gửi thịt cóc đã làm sẵn lên cho tôi. Hôm nào mà gửi thịt cóc chết thì ăn xong, mồm tôi béo ngậy, thơm tho, nếu là cóc sống thì mồm tôi lại thối như… cóc chết, để cho không khí trong phòng giam phạm nhân thối um.
 
Ngồi trong nhà giam, tôi nhớ lời bà nội tôi nói, hơn 40 năm trước: con cóc là cậu ông trời, ai mà đánh nó thì trời đánh cho. Có phải vì tôi ăn thịt cóc mà cuối đời, tôi phải chịu tội?
 
Thì ra miếng ăn nuôi sống con người, nhưng ăn không đúng lúc, đúng chỗ, đúng cái ăn… thì sẽ rước vạ vào thân. Trăm cái vạ đều từ miệng mà ra.
 
Truyện ngắn: Nguyễn Thanh Hương