Cu Ba ơi, mày ở đâu rồi?

04:08, 06/08/2014

Ngày bà Mén sanh thằng Cu Ba cũng là ngày giỗ đầu con Bé Hai. Tiếng thằng Cu Ba toe toe khóc trong buồng hòa với tiếng ông Mén thở dài ngoài này, đốt nén nhang van vái con Bé Hai thương em nó mà cho em nó mạnh khỏe. Hình như, ông Mén thở dài luôn cho cả chuyện người ta đang ra vô bàn tán, rằng, ông đã có được thằng con trai nối dõi tông đường.

Ông Mén run cập cập khi vừa bước xuống xe. Nhìn quanh quất những nhóm người qua lại đang co ro cúm rúm trong áo ấm mong tránh bớt cái lạnh nơi xứ sở chẳng khi nào ấm này. Không có đến một người quen! Ông Mén cười mình, biết trước chả ai quen biết ở đây, mà cứ vừa bước đến là y như rằng ông lại ngó quanh như đang tìm kiếm. Tự dưng, lòng ông dấy lên một thèm muốn lạ thường - dẫu biết, đó là điều không thể xảy ra - rằng, thằng Cu Ba sẽ bất thình lình từ đâu chạy lại rồi chở ông đi về chỗ của nó. Chỗ của nó là chỗ nào? Cu Ba ơi!
 
Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh
Ngày bà Mén sanh con Bé Hai, ông Mén vừa thương thương, vừa chạnh lòng. Quê ông, người ta kỳ cục lắm. Nghèo tới mức không có cái ăn cho tử tế, cái quần mặc cũng vá chằng vá đụp mà cứ con trai trưởng không đẻ được đích tôn đầu lòng là họ lại vào vào ra ra bàn tán. Bà Mén nằm ổ đẻ, khóc rức rức, chả biết đích tôn đích thiếc thì được cái gì mà người ta cứ thích làm um sùm lên?! Ông Mén cười buồn ngoài cửa buồng, nói, thôi kệ, đích tôn đái ngồi.
 
Ngày bà Mén sanh thằng Cu Ba cũng là ngày giỗ đầu con Bé Hai. Tiếng thằng Cu Ba toe toe khóc trong buồng hòa với tiếng ông Mén thở dài ngoài này, đốt nén nhang van vái con Bé Hai thương em nó mà cho em nó mạnh khỏe. Hình như, ông Mén thở dài luôn cho cả chuyện người ta đang ra vô bàn tán, rằng, ông đã có được thằng con trai nối dõi tông đường.
 
Ngày thằng Cu Ba lên ba, bà Mén sanh thằng Cu Tư. Sau thằng Cu Tư, bà Mén xin ông Mén đẻ thêm đứa con gái để bà có người bầu bạn lúc tuổi già, nhưng ông Mén gạt đi, sợ “tam nam bất phú”. Trong ông Mén lúc đó, tự dưng cứ dấy lên một nỗi hoài nghi, có phải vì người ta trọng con trai quá, mà ám vào cả đời ông, suy nghĩ của ông, để con gái ông thậm chí không được hưởng tuổi thơ trọn vẹn, rồi tiếp sau sự ra đi của nó lại là hai thằng con trai? Tự dưng, ông Mén sợ!
 
Điện thoại di động rung bật bật. Ông Mén lúng túng nhìn rồi cố nhớ những gì bà Mén đã chỉ ông - nói thiệt ra là con Bưởi nó chỉ, chớ bà Mén cũng có biết chi mô đâu mà – bấm cái nút màu xanh, áp cái điện thoại vô tai sát tới mức ông nghĩ lát lấy ra, chắc nó dính luôn theo cái lỗ tai của ông.
 
- A lô, ai đó?
 
- Tui chớ ai! - Bà Mén nói, kiểu như hờn dỗi.
 
- Ờ! Tui tới nơi rồi, bà! Giờ tui bắt xe ôm tới địa chỉ đó, hở?
 
Đầu dây bên kia chả thấy tiếng trả lời. Ông Mén chậm chậm lấy cái điện thoại ra khỏi tai, nhìn vô nó, may quá, lỗ tai không dính theo, ông cau mày, rồi kề cái điện thoại vô miệng, nói thiệt lớn:
 
- Sao không trả lời?
 
- Tui gật gãy cả cổ rồi thì có! - Bên kia, bà Mén cũng cố hét thật to.
 
Ngày thằng Cu Ba xách gói bỏ đi, ông Mén ngồi trầm tư hút điếu cày ngoài cửa, chả thèm nói lấy một câu. Thằng Cu Tư nhìn ông vẻ sợ hãi rồi líu ríu kéo tay bà Mén, năn nỉ mẹ giữ anh trai nó lại. Bà Mén cũng chỉ lặng thinh.
 
Thằng Cu Ba đi hơn một năm, ngày nào thằng Cu Tư cũng lên tiếng hỏi. Ông Mén gạt đi, biểu, thân nó chỉ nên nghĩ đến học hành, chuyện không liên quan, cấm nó nói. Bà Mén nhiều khi nén nước mắt, nén thở dài, đêm thẽ thọt nhỏ to nói ông Mén thôi không thương được cũng đừng ghét. Ông Mén giận đùng đùng bỏ đi ra ngoài, hỏi vọng lại, mắc chi con ông mà ông ghét?
 
Rồi có thư gửi từ người lạ với địa chỉ ở một nơi xa lạ - Đà Lạt. Người ta gửi cho vợ chồng ông Mén triệu đồng, nói tiền thằng Cu Ba làm công cho họ, ứng trước gửi về cho ông bà. Ông Mén cầm tờ giấy báo nhận tiền với mấy dòng xa lạ ngắn ngủi phía sau mà trào nước mắt. Bà Mén không dám nói năng gì. Tự ông Mén hôm sau đóng đồ đạc vô cái giỏ lát, nói, để ông vô Đà Lạt tìm thằng Cu Ba.
 
- Nếu nó còn làm cho cô với dượng thì thôi! - Ông Mén tần ngần đặt ly trà xuống bàn - Còn nếu nó nghỉ làm rồi thì… thì… để tui ở lại, làm đợ thay nó, trả tiền nó mượn cô dượng!
 
- Em nó còn làm cho tụi con! - Cô gái trẻ mỉm cười, nói cái giọng Đà Lạt đều bằng nhưng rất ngọt - Chú cứ yên tâm. 
 
- Mà răng, cô dượng lại cho nó mượn nhiều tiền rứa? - Ông Mén khó nhọc lên tiếng - Lỡ nó nghĩ dại…
 
- Cu Ba nó thiệt thà lắm, chú! - Cô gái trẻ lại cười - Làm lụng cũng siêng năng nên tụi con không tiếc gì với em nó đâu!
 
Thằng Cu Ba bật dậy, đầu nó xước một đường, rướm máu, nhưng chừng đó cơn đau không đủ để ánh mắt nó dịu lại trước cha nó - người cứ mỗi ngày có dăm ly rượu vô người là trút lên nó những trận đòn hoàn toàn vô lý. Nó nhìn ông Mén chằm chằm như muốn hỏi – tại sao? Ông Mén nhìn lại nó rồi quày đi ra ngoài, để mặc thằng Cu Ba vẫn trừng trừng đứng nhìn còn bà Mén thì rấm rứt khóc.
 
Nhiều lần, bà Mén hỏi ông Mén, sao ông cứ nhè đầu thằng Cu Ba mà trút những cơn giận không ai hiểu? Mỗi lần vậy, ông Mén chỉ quay đi, giấu những giọt già nua đục ngầu ở mắt ông chực lăn ra, ngó nghiêng lên bàn thờ, nhìn di ảnh của con Bé Hai. Ờ, thằng Cu Ba giống chị nó như tạc!
 
Thằng Cu Ba hình như đã hết giận cha, nên, khi vừa thấy ông Mén, nó quên luôn cả bộ quần áo dơ hầy với đôi ủng da đầy đất sình, chạy thẳng tới, xộc vô nền gạch sáng loáng nhà người ta, hớn hở hỏi bằng cái giọng đặc sệt quê mùa quê nó mà nó vẫn muốn giữ cho mình.
 
- Ba vô khi mô? Răng không nói chi cho con biết?
 
- Ờ… tau… tau… - ông Mén thấy bối rối trước thằng con trai lớn của mình – tau sợ mi bận việc nên… nên…
 
- Thôi! Đi! Đi về dưới phòng con, con nấu cơm ba ăn, hỉ? – Thằng Cu Ba nói, kéo tay ông đi thẳng về con dốc đổ xuống dưới tòa nhà, nơi có dãy phòng trọ nhỏ húm, ẩm mốc.
 
Thằng Cu Tư cứ mỗi lần về thăm nhà khi được nghỉ học, đều đi theo thằng Cu Ba, hỏi, sao anh ba không đi học tiếp mà lại đi làm? Mỗi khi nó hỏi, thằng Cu Ba tỉnh bơ nói, tại mi học giỏi, tau học dốt nên để tau đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ nuôi mi. Giả vờ tỉnh bơ được trước mặt thằng em trai nó thôi, chứ đêm về, nằm một mình trên chiếc giường tre cọt kẹt, thằng Cu Ba hay vắt tay lên trán nghĩ ngợi, nó cũng không dốt nát gì, sao cha nó không cho nó đi học?
 
Ông Mén bàn với thằng Cu Ba, thấy công việc nó làm cũng vừa sức với ông, lại có nhiều tiền hơn ở quê làm quần quật, nên ông quyết định ở lại làm, kiếm tiền gửi về cho bà Mén, cho thằng Cu Tư thoải mái mà học hành. Thằng Cu Ba lo cái lạnh ở đây khiến ông chịu không nổi. Ông Mén cười, hỏi, chớ quê mình ấm áp chi mô?
 
Đêm đầu tiên khi ông Mén quyết định ở lại, thằng Cu Ba đem ra cọc tiền bọc kỹ lưỡng trong mấy lớp ny-lon đưa ông, nói, tiền nó dành dụm để cho thằng Cu Tư đóng tiền học, vì nó nghe đâu học đại học tốn tiền ghê lắm. Ông Mén nhìn thằng Cu Ba bằng cái nhìn không nhiều cảm xúc, nhưng ít nhất không còn hằn học như mọi khi, gật đầu cái rụp rồi nhận luôn bọc tiền, không lại qua lời nào. Thằng Cu Ba cười mà nghe cay cay, nó lủi về giường nằm ngủ. Chỉ mỗi chiếc giường lạnh băng. Nệm và chăn nó đã đem ra ngoài cho ông Mén nằm ấm!
 
Ông Mén đã từng phải trải qua những giấc mơ kinh hoàng – những giấc mơ mà ông biết rõ ràng rằng, vì chính suy nghĩ của ông đã đẩy ông vào đấy – khi con Bé Hai về, trong bộ dạng của một đứa trẻ ngày nó ra đi, đứng ở liếp cửa rách nhà ông mà khóc, nói, răng cha không thương con, không lo cho con, chỉ lo cho thằng Cu Ba như rứa? Những giấc mơ không đầu đũa, không ngọn ngành, chỉ bập vào là hình ảnh của con Bé Hai và tiếng nó khóc khiến ông Mén tỉnh dậy trong những cái nghiến răng kèn kẹt. Không dưng, ông ghét thằng Cu Ba quá chừng trời!
 
Thằng Cu Ba hỏi ông Mén có nhớ bà thì cứ về, nó trong này ráng làm lụng, gửi thêm tiền ra phụ ông bà nuôi thằng Cu Tư ăn học cho đàng hoàng, chứ để bà Mén một mình ngoài đó, gió máy, nó không yên tâm. Ông Mén gạt ngay đi, biểu phải để ông làm, kiếm nhiều tiền, thuê cái nhà đàng hoàng cho thằng Cu Tư nó ở, chớ chật chội, dơ dáy quá, không đủ tinh thần học hành. Thằng Cu Ba không kháng cự, chẳng cãi vã, cứ lặng thinh làm theo. 
 
Lãnh lương - thằng Cu Ba đưa hết cho ông Mén. Được thưởng thêm - thằng Cu Ba cũng đưa hết cho ông Mén. Tới tháng thứ tư, thứ năm gì đó, tự dưng, ông Mén nổi cơn đùng đùng, vứt bọc tiền thằng Cu Ba xuống đất, nạt ngang.
 
- Mi ngu như con bò. Thằng Cu Tư nó xài thẻ xài thiếc, mi đưa xấp bạc như ri, tau làm răng gửi cho hắn?
 
Thằng Cu Ba đứng nhìn cha sững sờ rồi lặng lẽ quay đi.
 
Đêm, ông Mén lọ mọ bấm tới bấm lui rồi cũng gọi được về số con Bưởi. Khi con Bưởi ngập ngừng hỏi thăm thằng Cu Ba, ông Mén nạt ngang, biểu chạy nhanh qua đưa điện thoại cho bà Mén. Rồi, ông kể tội thằng Cu Ba qua điện thoại với cái giọng chưa hết bực mình. Bà Mén lặng thinh nghe, rồi bà chậm rãi nói - hình như để không khóc - rằng, đừng đối xử với thằng Cu Ba như rứa! Đứa được cho ăn học đàng hoàng, đứa phải bỏ dở mà vục mặt làm phụ cha mẹ nuôi em, lý ra phải thương nó hơn mới phải! Ông Mén lặng người đi rồi tắt điện thoại trong vô thức, nằm xuống tấm đệm ấm, ngó nghiêng qua cái giường chỏng chơ mà mỗi tối thằng Cu Ba vẫn nằm. Giờ ni, sao nó vẫn chưa về?
 
Có một lần, con Bé Hai về nhìn vô cửa, không khóc, cũng không trách giận ông Mén nữa. Nó cứ lặng im đứng đó nhìn vô. Tới khi ông Mén tiến ra gần nó, đưa tay cố chạm vào nó mà không thể, vì bàn tay ông cứ đi xuyên qua nó như thể nó chỉ là một mớ sương tạo thành hình con Bé Hai mờ ảo, thì nó mới cười - cười giòn tan mà cay đắng - nói rằng, từ mai, nó không về đây nữa. Ông Mén hốt hoảng hỏi, tại sao. Nó lại cười - vẫn rất giòn và rất cay - nó bảo, tại vì ông thích con trai nên nó sẽ thành con trai cho ông vừa lòng. Sau đêm đó, bà Mén trở dạ sinh thằng Cu Tư. Năm đó, thằng Cu Ba chỉ vừa tròn ba tuổi. Ông Mén cứ tưởng mình có thể quên đi những giấc mơ ấy, nhưng không! Ông nhớ! Thậm chí nhớ rất rõ ràng – rõ đến mức, chẳng cần ngủ, chỉ cần có vài ly rượu vô là ông lại thấy rõ ràng ràng rằng con Bé Hai đã bao nhiêu đêm về đứng ngoài cửa khóc, rằng nó nói, chỉ tại ông ham con trai nên nó thành con trai cho ông vừa lòng…
 
Ông Mén ngồi uống rượu một mình. Đến khi chai rượu chỉ còn vài giọt, thằng Cu Ba lững thững đi về, cúi gằm mặt, không dám ngước nhìn ông. Ông Mén tự dưng thấy thương nó, thấy giận mình, nhất là khi ông nhớ lại những gì bà Mén đã nói qua điện thoại. Nhưng, khi thằng Cu Ba vừa tiến lại chỗ cái giường lạnh lẽo của nó, thì hình ảnh con Bé Hai trong cái áo đầm màu hồng lại ngồi nhìn ra ông rồi bưng tay, bật khóc. Ông Mén dụi dụi mắt cho tỉnh táo lại, nhưng mở mắt ra, thì cứ thấy con Bé Hai trong áo đầm hồng ngồi đó, chưa nín. Không dưng, ông chỉ muốn xé toang cả cuộc đời này – nếu điều đó có thể đem con Bé Hai trở lại, vì như vậy là đem trở lại cho vợ ông ít nhất một nụ cười.
 
Vô thức, ông Mén bật dậy, lao thẳng tới chỗ thằng Cu Ba đang nằm quay lưng ra, nắm đấm của ông cuộn tròn, dộng thịch thịch vô lưng nó. Thằng Cu Ba đau điếng nhưng lần này nó quyết nằm im. Nó càng nằm im, ông Mén càng dộng mạnh. Thằng Cu Ba mở mắt trừng trừng nhìn bức tường loang lổ trước mặt nó, nước mắt chảy vòng quanh. Ông Mén dộng lưng nó chán, nắm cả tóc thằng Cu Ba, dộng thẳng vô tường nhà, nơi bức tường đã bắt đầu bám rêu thẫm thẫm…
 
Sáng, khi rượu trong người vừa giã, ông Mén giật mình khi cô gái trẻ người Đà Lạt – tức chủ vườn nơi ông và thằng Cu Ba làm thuê – hớt hải chạy xuống, kêu ới ới. Ông chưa kịp hỏi có chuyện gì, thì cô gái Đà Lạt đã hỏi trước, là có chuyện gì xảy ra mà sáng nay thằng Cu Ba lên tìm, nói cho nó xin lỗi, rồi đi. Tưởng nó xuống vườn làm sớm, ai dè xuống tìm chả thấy đâu. Ông Mén chết trân, không nói năng được lời nào…
 
Nhiều năm rồi, tháng nào thằng Cu Ba cũng gửi tiền về cho bà Mén, dặn bà phải biểu thằng Cu Tư ráng mà học cho đàng hoàng. Mỗi tháng là một tên người gửi với địa chỉ khác nhau. Ông Mén lần theo tìm nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu không hay biết. Những cái lắc đầu làm dậy sóng trong lòng bà Mén, lòng con Bưởi, lòng thằng Cu Tư.
 
Đà Lạt cựa mình lạnh cái lạnh đầu đông. Ông Mén bủn rủn tay chân bởi mệt, bởi mệt mỏi, bởi lạnh, bởi lạnh lẽo, vắt dây bình tưới lên vai, đổ xuống con dốc đất đỏ nhoèn nhoẹt ướt. Mắt ông ướt. Môi ông ướt. Đà Lạt vào ngày ướt át. Cu Ba ơi, mày ở đâu rồi?
 
Truyện ngắn: TRƯƠNG THANH THÙY