Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1969, tốt nghiệp phổ thông, anh được chọn tham gia năm đầu tiên Bộ trưởng Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu tổ chức thi đi học nước ngoài. Anh đậm chất "đồ Nghệ", là dịch giả, biên soạn sách có tiếng trên văn đàn.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1969, tốt nghiệp phổ thông, anh được chọn tham gia năm đầu tiên Bộ trưởng Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu tổ chức thi đi học nước ngoài. Anh đậm chất “đồ Nghệ”, là dịch giả, biên soạn sách có tiếng trên văn đàn.
|
Từ trái qua phải: Dịch giả Đoàn Tử Huyến, nhà thơ Tuyết Nga, tác giả và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán tại Lâm Đồng |
Anh Đoàn Tử Huyến kể, một trong những ấn tượng mạnh nhất trên đường sang Nga học là nghe tin Bác Hồ mất. Suốt quãng đường xe lửa, nhiều lần xuống ga để tham gia cùng người Nga tổ chức những cuộc mít tinh tưởng niệm Bác Hồ trong không khí đẫm lệ... Về nước, Đoàn Tử Huyến giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; sau đó làm biên tập văn học cho Nhà Xuất bản Lao động, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài... Yêu sách, yêu văn hóa, “lão gàn” bỏ ngang, sáng lập Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây (Trung tâm Đông Tây) và làm Chủ tịch Hội đồng khoa học. Thông minh, sắc sảo nhưng kiệm lời và bí hiểm, yêu ghét rõ ràng, trọng nghĩa tình là tính cách của Đoàn Tử Huyến.
- Năm 2014, lần đầu tiên nước mình có Ngày sách Việt Nam. Là người yêu “văn hóa đọc”, say mê làm sách, anh có cảm xúc thế nào? - tôi hỏi.
- Nói cách đơn giản, “văn hóa đọc” là biết cách đọc một cách hợp lý, biết chọn những cái gì mà có lợi cho mình. Kiểu gặp gì đọc nấy theo tôi đấy chưa hẳn là “văn hóa đọc”. Phải đọc có định hướng, đọc những cái gì cần cho mình, đọc những cái gì có ích cho mình, và đồng thời phải có cách đọc. Gọi “văn hóa đọc” đang xuống cấp hay triệt tiêu, theo mình không đúng, nó chuyển đổi từ hình thức cầm cuốn sách đọc sang những hình thức hiện đại khác, vẫn là đi tìm những tinh hoa của thời đại.
- Nhưng thưa anh, để “văn hóa đọc” phát triển trước hết phải có sách hay?
- Đúng, văn hóa trước hết quy tụ vào sách. Sách ta chưa hay là do thả nổi, sách dịch nước ngoài mạnh gì nấy dịch, phần lớn là theo thị trường. Nhà nước phải có chủ trương, có quy hoạch, chọn lọc giới thiệu từ nước ngoài những tinh hoa của nghệ thuật, những tinh hoa của tri thức vào Việt Nam… Có một Ngày sách Việt Nam là tốt, nhưng đấy chỉ là bước khởi đầu, không phải là toàn bộ. Có ngày này để nhắc nhở mọi người một nhu cầu đọc sách. Muốn vậy phải tôn vinh sách, tôn vinh những người làm sách, những người phát hành, những người lưu trữ…; có những biện pháp để biến cái ngày ấy trở thành ngày hữu ích.
Công chúng bạn đọc nhiều thế hệ ở Việt Nam biết đến Đoàn Tử Huyến ở mảng sách dịch từ văn học Nga. Rất nhiều tác phẩm tiêu biểu do anh dịch hoặc cùng dịch có mặt trong giá sách mỗi người. Gần đây, cuốn tiểu thuyết "Nghệ nhân và Margarita" của nhà văn Mikhail Bulgacov được tái bản và nhận giải thưởng Hội Nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến được ghi nhận tại Giải thưởng Sách hay năm 2011 do Tổ chức giáo dục PACE khởi xướng.
Từ những năm 2000, Đoàn Tử Huyến nhường trận địa văn học dịch cho những tổ chức tư nhân khác, chuyển sang công bố những tác phẩm tốt của Việt Nam theo hướng biên soạn. Trung tâm Đông Tây của anh đặt mục đích là truyền bá văn hóa để nâng cao dân trí. Nhờ đó, những bộ sách quý như: Phan Bội Châu toàn tập (10 tập), Thiên Nam ngữ lục, Tuyển tập tác phẩm Vũ Tông Phan, Việt sử địa chí (Phan Đình Phùng), Nguyễn Công Trứ toàn tập...; những tác phẩm của Phan Khôi, Hoàng Cao Khải, Phạm Quỳnh,… ra đời. “Có chủ trương hẳn hoi, cố gắng tìm cách giới thiệu những tác phẩm có giá trị về học thuật, về văn hóa của cha ông chúng ta vì lý do nào đấy mà bị khuất lấp”, anh nói. Mảng sách thứ 3 Đoàn Tử Huyến cùng cộng sự đang làm mà theo anh “hiện nay rất thiếu, rất hiếm, rất cần” là loại sách công cụ, sách để tra cứu. Điển hình là cuốn “108 nhà văn thế kỷ XX - XXI” do Đoàn Tử Huyến biên soạn, NXB Lao động - Trung tâm Đông Tây liên kết xuất bản. Cuốn sách được lựa chọn và xử lý kỹ, tập trung thành 108 mục từ theo một mẫu chung (2.000 - 3.000 từ) nhằm giới thiệu súc tích, khách quan về tiểu sử, sự nghiệp và đặc điểm sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng nhất trên thế giới của thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI (Việt Nam có nhà văn Vũ Trọng Phụng). Anh và các cộng sự tiếp tục cho ra đời những bộ sách công cụ khác như "108 tác phẩm văn học…", "107 nhà văn đoạt giải Nobel" (NXB Kim Đồng), "108 bộ phim…", "108 đồ vật…"…
Tôi lại hỏi anh:
- Tại sao Trung tâm không đưa tác giả Việt Nam ra nước ngoài thông qua sách dịch?
Anh Huyến nói:
- Tôi đã từng trả lời là nếu cho tôi một số cây số đường (ý là kinh phí) thì tôi sẽ làm được hàng trăm cuốn sách. Ý đồ thì nhiều, đội ngũ có, nhưng không có tiền, tôi đảm bảo không xâm hại tiền. Quan trọng nhất là phải có người quản lý tốt. Phải có một quy trình nghiên cứu cùng với người nước ngoài, ở Việt Nam có những sách nào có giá trị, những tác phẩm đó có đưa được ra nước ngoài hay không và đưa vào nước nào là hợp lý? Chúng tôi vừa rồi tham gia biên tập và tổ chức in ấn đưa sang Nga cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, do bên kia có người tài trợ. Phải làm rất công phu, 2 người dịch, 1 người Việt Nam rất giỏi tiếng Nga và 1 nhà Việt Nam học giỏi tiếng Việt, sau đó tôi hiệu đính. Hiện tại chúng tôi đang tham gia đọc đối chiếu cuốn “Truyện Kiều” sang tiếng Nga, trước đây chỉ mới một số đoạn và dịch sai. Một đại gia người Việt ở Nga sẽ trả cho chúng tôi mỗi câu thơ dịch ra tiếng Nga 2 đô la. Quy trình của chúng tôi là: một người Việt giỏi tiếng Nga diễn giải Truyện Kiều ra văn xuôi tiếng Nga cho đúng, sau đó tôi và một người Nga giỏi tiếng Việt kiểm tra lại cho chuẩn, cuối cùng mới đến một nhóm người chuyển thành thơ Nga. Sau đó mới tổ chức hiệu đính và in ấn. Đấy là công việc đáng lẽ Nhà nước phải làm, phải làm kỹ lưỡng, may ra có thể mới có tác phẩm hay, để ai thích dịch cứ dịch thì khó đạt.
- Cũng đang có nhà văn cho rằng Nhà nước không quan tâm, không ưu ái nhà văn, muốn có tác phẩm hay thì Nhà nước phải ưu ái nhà văn. Theo anh, liệu nhận xét này đã đúng?
- Tôi không đồng ý, Nhà nước không nên yêu nhà văn, Nhà nước chỉ có thể yêu các tác phẩm lớn. Không thể nói ưu tiên các nhà văn mà phải nói ưu tiên những tác phẩm có giá trị. Các nước khác không có chế độ ưu đãi các nhà văn đâu, Nhà nước Việt Nam mình còn những chế độ ưu đãi các nhà văn đấy. Nhà nước có thể ưu ái khi anh làm ra những giá trị nghệ thuật thì tạo điều kiện phát hành, công nhận những giá trị ấy để sau này vinh danh. Nhà văn do đó phải tự vươn lên.
MINH ĐẠO