Em tôi

08:08, 07/08/2014

Các cụ sinh ra và nuôi được 5 anh chị em tôi khôn lớn, để đứa vào bộ đội đánh giặc, đứa thoát ly công tác. Khi đất nước thống nhất, mỗi đứa vẫn ở mỗi nơi, đứa Nam, đứa Bắc, duy còn con út ở quê với bố mẹ đến lúc học hết phổ thông nó lại theo anh lên công trường, thế là bố mẹ ở một mình trông vào mảnh ruộng với căn nhà tranh, vách đất ọp ẹp, lam lũ, nương tựa vào nhau để anh em tôi yên bề công tác.

Các cụ sinh ra và nuôi được 5 anh chị em tôi khôn lớn, để đứa vào bộ đội đánh giặc, đứa thoát ly công tác. Khi đất nước thống nhất, mỗi đứa vẫn ở mỗi nơi, đứa Nam, đứa Bắc, duy còn con út ở quê với bố mẹ đến lúc học hết phổ thông nó lại theo anh lên công trường, thế là bố mẹ ở một mình trông vào mảnh ruộng với căn nhà tranh, vách đất ọp ẹp, lam lũ, nương tựa vào nhau để anh em tôi yên bề công tác.
 
Học xong trung cấp, Trần Thị Hồng Ngoãn (em tôi) làm việc tại công trình thủy điện Hòa Bình. Thời bao cấp lương ba cọc ba đồng, con cái, họa chăng về phép có chút quà mọn biếu các cụ gọi là tấm lòng hiếu thảo!
 
Thời gian trôi đi, tuổi bố mẹ mỗi ngày mỗi lớn, sức mỗi ngày mỗi giảm. Vậy mà mấy ông anh trai cứ vô tư "bay nhảy", còn đứa con gái út lại đau đáu nhìn về quê hương nơi có bố mẹ già vẫn còng lưng cày cuốc! Chắc con út nghĩ nhiều lắm, để đến một ngày nó quyết định xin thôi việc rời bỏ công trường về quê làm ruộng, giúp bố mẹ và chăm sóc các cụ khi trái gió trở trời, mặc cho tôi khuyên can đủ chuyện!
 
Em tôi bỏ về quê không chút đắn đo suy nghĩ về tương lai tiền đồ. Nó bỏ về chăm bố mẹ mà không suy bì tị nạnh với các ông anh, bà chị, nó bỏ về cũng chẳng nghĩ đến chuyện chồng con khi còn đang độ xuân thì…  Thế là nó về thật! Nó về, về chăm bố mẹ để các anh chị rảnh tay công tác, yên bề xây tổ ấm.
 
Năm 1992 mấy ông anh trai tuổi đã đứng bóng - ở tuổi ấy "các ngài" đã nếm trải đoạn trường làm cha, làm mẹ. Khi thấu hiểu được nỗi gian truân mới nghĩ về các bậc sinh thành, nghĩ về cội nguồn nơi chôn nhau cắt rốn. Lúc ấy ba anh em trai bàn nhau phải cụm vào một chỗ để có điều kiện chăm lo cho bố mẹ. Thế là một cuộc di chuyển táo bạo từ Bắc vào Nam định cư tại thành phố Đà Lạt, nơi ông cả đã vào đây từ thời kỳ đầu giải phóng.
 
Cứ tưởng anh em con cháu ở gần bố mẹ, ông bà thì con út đỡ vất vả hơn và có cơ hội thay đổi cuộc sống. Nhưng lạ lắm, em tôi vẫn cứ bám riết lấy bố mẹ như một định mệnh ông trời đã định!.
 
Gần nhau nhưng các anh, các chị vẫn sớm tối kiếm kế sinh nhai. Vậy là việc chăm sóc bố mẹ lại một tay con út lo liệu. Làm trai, nhiều lúc tôi dằn vặt lắm, đành rằng mấy anh chị em ai cũng tự giác góp phần vật chất để chăm sóc các cụ, nhưng lại thương con út cứ vất vả hoài...
 
"Một già một trẻ bằng nhau" - Câu nói ấy thật là đúng, chăm người già có khi còn khó hơn chăm con trẻ. Những năm cuối đời, sức khỏe bố mẹ càng ngày càng yếu, cụ bà đã đến lúc không còn làm chủ được mình, rồi đến cụ ông. Từ khi ấy em tôi ngày càng tất bật sáng tối, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác phục vụ các cụ từ giặt giũ, tắm rửa, lau chùi, thay quần áo, xoa bóp, bón từng thìa cơm, thìa cháo... lo ngày lo đêm, nó lo đến từng giấc ngủ của cha mẹ!.
 
Thấy con bé vất vả quá, tôi đã nhiều lần bàn với nó, với ông cả thuê người giúp việc để đỡ đần thêm. Nhưng nó cứ khăng khăng không nhờ mượn ai, bực quá, có lúc tôi gắt lên: "Em cứ quên cả bản thân mình thế này coi chừng mày đi trước các cụ thì làm sao theo đến cùng được?", nó nói cụt lủn: "Không ai chăm bố mẹ bằng con cái, các anh thuê người em bỏ nhà đi" - Vậy là tôi chịu!.
 
Mấy chục năm trong đó có ngót mười năm phục vụ bố mẹ tại chỗ mà em tôi không nửa lời oán thán!. Năm 2010 bố tôi qua đời ở tuổi 101. Khi cụ mất anh em tôi hẫng hụt, con út như đứa mất hồn khóc khô nước mắt vì thương nhớ bố!.
 
Sau khi bố mất, tình thương của út lại đổ dồn hết về phía mẹ. Mẹ tôi cũng đã sang tuổi 100, ngày ngày cụ vẫn nằm đấy để em tôi nâng giấc. Lạ thay, em tôi ốm eo, gầy guộc, không chồng con, không chút tài sản, chỉ đôi bàn tay nhỏ bé của nó mà sao có sức mạnh thần kỳ, dẻo dai chịu đựng cả chặng đường dài, giờ vẫn tiếp cho mẹ nguồn sinh lực để chúng tôi ngày ngày còn được nhìn thấy mẹ!
 
Em tôi - chính em tôi giúp chúng tôi hiểu ra rằng: Bố mẹ mình sống được 100 tuổi đâu phải chỉ nhờ vào đồng tiền bát gạo của con cháu. Các cụ sống vui, sống khỏe, sống lâu chính là nhờ vào tình thương yêu chăm sóc của út, đấy mới là căn nguyên, là đạo lý đem lại hạnh phúc, tuổi thọ cho bậc sinh thành.
 
Cuộc đời bé út không biết rồi sẽ ra sao khi tuổi già ập đến? Tôi luôn cầu mong và tin vào con cháu mình sau này đùm bọc lấy út, coi nó là tấm gương hiếu hòa để cha mẹ, cô dì, chú bác luôn được sưởi ấm bằng tình thương yêu của người ruột thịt!
 
Đến nay bố mẹ tôi đã về nơi vĩnh hằng, đều đại thọ ở tuổi 101. Nhân Ngày lễ Vu lan này chúng tôi xin dâng nén tâm nhang hướng về bậc sinh thành, hướng về cội nguồn, tổ tiên đất nước để giữ trọn chữ hiếu đạo làm con, làm người!.
 
TRẦN THĂNG