Ra đời gần 5 năm, Chi hội Văn học - Nghệ thuật Đức Trọng đã làm được một việc có ý nghĩa: Xuất bản "Liên khúc khai mùa" - một ấn phẩm văn nghệ được trình bày hiện đại, nội dung phong phú, đa phong cách, phản ảnh được đội ngũ lớn mạnh từng ngày của chi hội và sự góp mặt của nhiều cây bút chủ lực trong và ngoài tỉnh viết về vùng đất Đức Trọng.
Ấp ủ đã khá lâu, nhưng suốt 39 năm qua, Đức Trọng chưa một lần có một ấn phẩm văn nghệ quy tụ được nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo như lần này. Ra đời gần 5 năm, Chi hội Văn học - Nghệ thuật Đức Trọng đã làm được một việc có ý nghĩa: Xuất bản “Liên khúc khai mùa” - một ấn phẩm văn nghệ được trình bày hiện đại, nội dung phong phú, đa phong cách, phản ảnh được đội ngũ lớn mạnh từng ngày của chi hội và sự góp mặt của nhiều cây bút chủ lực trong và ngoài tỉnh viết về vùng đất Đức Trọng.
Khác với huyện bạn, Lâm Hà có một bề dày hoạt động văn nghệ với hàng chục ấn phẩm ra đời, thì Đức Trọng lần đầu sinh được một người con tinh thần rất ấn tượng. “Liên khúc khai mùa” giới thiệu 36 tác giả là văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo và các tác giả vốn là những người con của Đức Trọng viết về quê hương yêu dấu của mình.
Người đọc sẽ có cơ hội thấy được một vùng đất R’Chais ngày nào gian khó, bây giờ đổi mới như thế nào trong bút ký “Huyền thoại R’Chais” của Nguyễn Thanh Đạm; những kỷ niệm một thời đi học khó quên của Lại Văn Long (từng đoạt giải nhất Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam với truyện ngắn nổi tiếng “Sát nhân lương thiện”), Bùi Bích Vân, Dung Thị Vân, Nguyễn Thánh Ngã; Kỷ niệm những khi đứng lớp làm thầy giáo gõ đầu trẻ của Phạm Cao Hoàng với những bài thơ, ca khúc gây xúc cảm người nghe như Gửi em Đà Lạt, Bây giờ; Nguyễn Tường Văn, Trần Xuân An, Diệp Vy, Nông Quy Quy… và bây giờ, họ đã trở thành những người viết văn, làm thơ, viết báo, sáng tác nhạc tạo được chỗ đứng trong làng văn nghệ, báo chí của tỉnh nhà.
Người đọc sẽ rất thú vị khi được đọc những câu thơ hay, đầy hoài niệm, những khúc hát thấm đẫm tình yêu về một vùng đất giàu tiềm năng đang được khơi dậy như Đức Trọng của các nhạc sĩ, nhà thơ Trầm Thụy Du, Lê Anh Dũng đến từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi; Phạm Phương Thảo đến từ Hà Nội; Bạch Nhật Phương, Trần Xuân An, Dung Thị Vân đến từ thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thanh Đạm, Vũ Dậu, Xuân Tràng, Trương Xuân Huy… đến từ Đà Lạt; hay như Phú Đại Tiềm, Lê Văn Hiếu, Nguyễn Thánh Ngã đến từ Lâm Hà và các tác giả hiện nay là hội viên của Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Đức Trọng như: Diệp Vy, Nông Quy Quy, Thy Minh, Nguyệt Nhi, Đinh Thời Nguyễn, Trinh Huyền, Túy Tâm, Bắc Phi, Tú Minh, Nguyễn Quang Minh.
Người đọc sẽ tìm thấy tác phẩm của các em học sinh trường huyện ngày nào từng giành giải thơ của Nhà Thiếu nhi tỉnh như Leng Ngọc Nhã Vy, Hoàng Mai Nương, Nguyễn Quỳnh Bảo Linh.
Một tín hiệu đáng mừng là vườn hoa văn nghệ của huyện Đức Trọng đang có thêm nhiều tác giả mới xuất hiện, như: Nguyễn Thị Hồng Chinh, Đỗ Thái, Hồng Uyển, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Khắc Vịnh… góp một phần không nhỏ hình thành nên tuyển tập ấn tượng này.
Từ “Liên khúc khai mùa” - ấn phẩm văn nghệ đầu tiên này sẽ tạo đà cho các hoạt động văn nghệ có ý nghĩa của Chi hội văn học nghệ thuật huyện Đức Trọng trong tương lai; sẽ là cầu nối giữa chi hội với các tác giả trong huyện và trong tỉnh. Ấn phẩm sẽ được giới thiệu trân trọng vào dịp kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay tại Đức Trọng.
TRẦN NGỌC TRÁC