Lời ca trong vắt, giọng hát ấm trầm, tiếng guitare gỗ… khiến tôi đã ngấm từ ngày đầu đặt chân lên vùng đất mới này khi chưa cầm bút sáng tác. Nhưng thật lạ, một hôm bên dòng thác Yaly kỳ vĩ, tôi lại nghe nhạc sĩ Hà Huy Hiền hát nhân dịp Liên hoan Âm nhạc miền trung Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam tại Gia Lai tháng 3/2014...
“Mênh mông quê tôi miền đất mới Madaguôi
Xanh xanh cao nguyên dòng suối mát trôi êm đềm…”.
Lời ca trong vắt, giọng hát ấm trầm, tiếng guitare gỗ… khiến tôi đã ngấm từ ngày đầu đặt chân lên vùng đất mới này khi chưa cầm bút sáng tác. Nhưng thật lạ, một hôm bên dòng thác Yaly kỳ vĩ, tôi lại nghe nhạc sĩ Hà Huy Hiền hát nhân dịp Liên hoan Âm nhạc miền trung Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam tại Gia Lai tháng 3/2014. Vẫn cung bậc ấy, cảm xúc ấy, nguyên vẹn như hồi nào len giữa suối ngàn mùa khô Đạ Kho, Đạ Kộ rồi ngược dòng lên Đạ M’Rí, Đạ P’Loa tựa lưng đèo ngắm hoa chuối đỏ, những buổi trưa hè vắng lặng chúng tôi theo mây trắng trôi về Madaguôi chói sáng mặt trời chứa chan tình nắng.
|
Nhạc sĩ Hà Huy Hiền và vợ đóng phim tài liệu 110 năm Đà Lạt |
Thật ra, tôi đã gặp nhạc sĩ Hà Huy Hiền cuối mùa đông năm 1976 ở Trường Âm nhạc Việt Nam khi ông từ Hà Giang về Hà Nội thăm con - nhạc sĩ Hà Quang Chính lúc ấy đang theo học kèn Trompett tại đó. Không hiểu duyên tình, duyên nhạc gì mà đầu năm 1981 tôi cùng ông về Phòng Văn nghệ, Ty Văn hóa Thông tin Lâm Đồng. Thế là mùa xuân năm ấy, ông đi ngay về huyện Đạ Huoai xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng và trình làng một lúc 3 tác phẩm: Nam Tây Nguyên nhớ Bác, Madaguôi quê hương tôi, Giã gạo đêm trăng. Đây là những tác phẩm có chung một thể loại, nhưng âm nhạc thì tương phản hoàn toàn. Tính chất ngợi ca, dân gian phát triển, đồng dao cộng đồng chia đều cho mỗi ca khúc. Các làn điệu dân ca dân vũ, cung quãng lời ru, hát nói, chuyện kể; tiếng khèn bầu, tiếng đàn tre, tiếng trống da trâu của dân tộc Stiêng, Châu Mạ… cứ lồng vào trong từng tác phẩm.
“Nam Tây Nguyên nhớ Bác”, viết lời chung với nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lâm Tuyền Tĩnh, “Ơ… lời thơ dâng Bác… Bắc Nam chung về cùng một nhà”…
Mở đầu tự do (Abli…) dàn trải mênh mông, thiết tha, giai điệu là chuyện kể mong nhớ, kính yêu, đến phần điệp khúc bỗng sáng bừng, cứng rắn hướng vào thiêng liêng hướng về dân tộc. Ở đoạn cuối, câu nhạc lặp lại nhiều note luyến láy càng gợi rõ sự ngợi ca, tôn kính. Thông thường bài hát có tính sử thi nghiêm trang như thế, nhiều tác giả chọn thể trưởng (Majeur), đằng này, nhạc sĩ Hà Huy Hiền lại viết giọng La thứ (Am), vô cùng mạnh mẽ, khỏe khoắn. Tôi là người luyện tập “Nam Tây Nguyên nhớ Bác” đầu tiên cho Đội Văn nghệ thị trấn Madaguôi. Người lĩnh xướng ngày ấy là một cô gái - ca sĩ Hoàng Dung dáng thanh thoát, suối tóc mềm óng mịn, đôi mắt lúng liếng hiền; giọng chị mượt có tố chất ca đoàn trong hợp xướng nhà thờ. Sau đó bài hát lan tỏa rất nhanh. Cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang đơn vị nào cũng chọn dàn dựng, tham gia các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn, hầu như đâu đâu cũng đạt huy chương vàng, huy chương bạc.
“Madaguôi quê hương tôi” thì khác, cấu trúc có vẻ tréo ngoe bởi điệu Valse rất Tây phương là chủ thể ban đầu, nhưng âm giai tiết tấu, phách mạnh phách nhẹ, nhịp nội nhịp ngoại sau đó chuyển sang văn hóa bản địa đa dạng, đa phong cách. Bừng sáng bức tranh quê mới, trên mảnh đất Nam Tây Nguyên trùng trùng hưng phấn: “Chim én gọi xuân về tiếng ca hát vang lừng”… Âm hình chủ đạo phần nhạc dạo (Intro…). Lất phất đâu đó tiếng suối, tiếng lá khô dạt mùa hanh nắng, tiếng miền hoang Đạ Tẻh, Cát Tiên; tiếng chim én gọi xuân về, trai gái vui say vun trồng bông lúa mới… Đoạn kết (Coda), chủ thể nhắc lại, “Madaguôi… Madaguôi quê hương tôi”. Bài thứ 3 độc đáo bản sắc, bởi đây là một khúc đồng dao nhè nhẹ, quyến rũ. “Giã gạo đêm trăng. Giã nhanh tay giã đều tay. Tiếng chiêng vui trong câu hát đêm nay”... Chất liệu xuất phát từ bộ chiêng 6 dân tộc Mạ “Đón nhà mới - Mừng ngày hội”. Giai điệu khai thác triệt để từng cung bậc: Thi (6) Thơ (5) Thoàng (4) Me (1) Dun (2) Don (3), bậc 3 lơ lớ, âm 6 chông chênh, quãng 4 quãng 5 đúng. Từ đầu đến cuối câu nhạc tiết nhạc đậm màu dân ca dân vũ. Hát lên là múa. Múa, thì chiêng trống đồng điệu ngay. Cái tài tình, kinh nghiệm của nhạc sĩ Hà Huy Hiền là thế, tôi dõi theo và hằn trong trí nhớ, mãi sau này những sáng tác âm nhạc của tôi vẫn còn đôi chút ảnh hưởng.
Năm tháng ấy, chúng tôi rong ruổi khắp các huyện vùng sâu vùng xa, nơi nào khó là mang đàn, xách ba lô khoác bụi trần đi đến. Hợp xướng “Chúng tôi là công nhân ngành chè” ra đời dạo đó. Hợp xướng gồm 2 chương giọng nam giọng nữ xen kẽ lĩnh xướng, chia ra 4 bè đầy đủ, các bè đối âm, phức điệu, đuổi (canon) vang lên luân phiên, thôi thúc hoành tráng. Hợp xướng này được anh chị công nhân ngành chè Lâm Đồng biểu diễn trong liên hoan văn nghệ quần chúng toàn tỉnh và đoạt Huy chương Vàng năm 1982. Nhạc sĩ Hà Huy Hiền đến địa phương nào ông cũng dành tình cảm đặc biệt về vùng đất đó. Nhiều ca khúc của ông sáng tác đã được đón nhận và lưu lại trong lòng công chúng, như: Xuân Sơn quê hương tôi, Như chim đại bàng tung cánh, Di Linh vang khúc tình ca, Chiều tím Chư Prông, Say mê khát khao…
Thời ông chuyển qua Đoàn Nghệ thuật Lâm Đồng, vì những chuyến đi lưu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa trong ngoài tỉnh dài ngày, dọc miền trung Tây Nguyên vài tháng ròng rã, nên giai đoạn này ông ít sáng tác hơn. Nhiều đêm, tôi cùng ông uống rượu ôm đàn say gần sáng. Những lần như vậy, tôi rất thích và cứ thế nâng cốc nhấp chén, ngả nghiêng nét nhạc lạ âm điệu hay cùng ông. Tôi ấn tượng nhất là tấu khúc cải biên của dân tộc Dao đại bản. “Phàng pàng pế nin guya”… Không hiểu lời ca nói lên điều gì nhưng qua giọng hát và ngôn ngữ thang âm, tôi mường tượng một khoảng trời yên bình thanh thản, dải núi mờ sương khi bình minh đỏng đảnh phiên chợ Hoàng Su Phì; các sơn nữ nón cói, váy xòe, khăn piêu, ô lá cọ, lóng ngóng bên mỏm đá tai mèo, soi chiều ven bờ Nho Quế tuyệt mộng. Giọng ông buồn buồn u uẩn, hát rồi nói, nói rồi khóc, nuối tiếc, nhớ thương như muốn tìm về dòng sông mẹ ngàn đời cổ tích, tìm về câu ca điệu lý đưa nôi ngày đầu. Ông tự sự chuyện tình, lẽ đời, nguồn sống, phận mình, nghe xa xót… Ông gốc Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cầm tinh con ngựa. Sau Cách mạng Tháng Tám gia nhập đội thiếu niên tiền phong, được vào Bắc Bộ Phủ đón Bác Hồ. Năm 1947, ông chuyển lên Tuyên Quang, Hà Giang. Ở đây ông khai thác nhiều chất liệu âm nhạc các dân tộc miền núi H’Mông, Lô Lô, Dao đỏ… Các ca khúc: Ngày thống nhất Bác sẽ vô Nam, Lượn xuân trên nương lúa. Chiều biên giới, Hà Giang biên cương anh hùng, Anh em ơi hãy quay về với chính phủ… Khoảng 10 năm sau ông về Hà Nội, làm việc ở Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), về Trường Âm nhạc Việt Nam làm phiên dịch cho chuyên gia nước ngoài dạy các môn học: Sáng tác, hòa âm phối khí, hình thức âm nhạc… Trong đó có những nhạc sĩ tên tuổi, như: Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Vũ Trọng Hối, Doãn Nho… Phía Trường nhạc có các nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Hồng Đăng, Tô Ngọc Thanh, Vĩnh Cát… Rồi ông ngược lên miền núi phía Bắc lần nữa. Lúc này, ngoài việc quản lý Đoàn Văn công Hà Giang, ông còn sưu tầm cải biên, nghiên cứu, chỉ huy, nâng cao nhạc cụ dân tộc, sáng tác nhiều thể loại, nhiều đề tài dựa trên nền âm nhạc các tộc người như: Tày, Nùng, Dao đại bản.
Qua từng thời kỳ hoạt động, đóng góp nghệ thuật, ở đâu ông cũng trọn vẹn nghĩa tình, nhạc sĩ Hà Huy Hiền đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen của Nhà nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa Thông tin; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huy chương “Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng”, Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật”, Kỷ niệm chương Hội Nhạc sĩ Việt Nam… Để có những thành công như vậy, không thể không kể đến người bạn đời hiền thục, sâu nặng tình yêu, quắt quay kỷ niệm, sớt chia nỗi buồn niềm vui và cả đớn đau, trong quá khứ lẫn hiện tại…
Năm 1990, ông xin về hưu trước tuổi. Thời gian này, ông đi nhiều nơi làm nhiều công việc: Mở quán café, quán nhậu, bán than, cuộn thuốc lá, mài dao kéo, chụp ảnh, quay vidéo, đóng phim, giảng dạy lý thuyết, luyện thanh ca sĩ, xây dựng phong trào văn nghệ địa phương... Phải nhìn nhận rằng, giai đoạn này ông rất “sung”. Nhất là mảng sáng tác, sự kiện nào nóng là ông nhiệt tình, viết ngay. Tác phẩm của nhạc sĩ Hà Huy Hiền cân chỉnh, gọn gàng, gợi thức, có lúc hô hào tụng ca nhưng trên hết đều là những bản tình ca biến thể. “Đà Lạt thành phố anh hùng”- khúc quân hành được biểu diễn dưới mọi hình thức, như: Hát múa, hợp xướng trong liên hoan, hội diễn. Hòa tấu dàn nhạc, hợp tấu kèn đồng những ngày lễ lớn.
Ngoài ra, ông còn có “Bưu điện anh hùng”, thể loại hành khúc, tráng ca và những ca khúc khác, như: Chiều tím Chư prong, Bài ca Điện Biên Lâm Đồng. Đây là thể loại ca khúc nghệ thuật (Romance) phức hợp giai điệu, nhiều bè chồng chéo và phải có phần đệm Piano. Rồi đoản khúc (Ballade) lãng mạn như: Tam Đảo một nỗi nhớ. Đà Lạt chiều vàng, Tình khúc Pongour…
Những ngày còn lưu lại thành phố Pleiku - nơi gần đây ông sang sống với con cháu, tôi và anh Nguyễn Chí Long - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng có đến thăm chúc thọ lần thứ 80 ngày sinh nhạc sĩ. Chúng tôi mong ông mãi dồi dào trí lực, để cống hiến sự nghiệp âm nhạc và sáng tạo cho đời nhiều giai điệu đẹp. Khi chia tay ra về, tôi nghèn nghẹn không dám nhìn thẳng. Ông gửi lời thăm học trò, bạn hữu và anh chị em văn nghệ sĩ Đà Lạt - Lâm Đồng. Chợt nụ cười trên môi ông rưng rưng, ánh mắt đăm chiêu, mái tóc bồng phiêu trắng xõa. Tôi rung cảm… Phía đại ngàn dòng Yaly vẫn gầm gào cuồn cuộn… Phàng pàng pế…ế .. phàng pàng pế …ế…!
NS ĐÌNH NGHĨ