Sáng tác, biểu diễn âm nhạc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa - đôi điều ghi nhận

08:08, 28/08/2014

Với lối sống khác nhau, tập tục khác nhau, tâm lý và sự nhận thức về thiên nhiên, về đời sống con người cũng có phần khác nhau đã làm nên tính đa dạng về văn hóa, trong đó được thể hiện qua 2 lĩnh vực là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần...

Lâm Đồng có 43 dân tộc anh em từ 63 tỉnh, thành trong cả nước hội tụ và sinh sống; trong đó, tộc người Mạ, K’Ho, Chu Ru là ba dân tộc bản địa sinh sống lâu đời nhất (chiếm khoảng 24% dân số của tỉnh). Sự hội tụ văn hóa các vùng miền cộng với văn hóa người bản địa đã tạo cho bức tranh văn hóa Lâm Đồng được dệt bởi nhiều màu sắc rực rỡ, có bản sắc vô cùng đặc sắc. Đặc biệt, Không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng cùng các tỉnh Tây Nguyên đã được Unesco công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” rất đáng được giữ gìn và phát huy trong công cuộc đổi mới đất nước. 
 
Với lối sống khác nhau, tập tục khác nhau, tâm lý và sự nhận thức về thiên nhiên, về đời sống con người cũng có phần khác nhau đã làm nên tính đa dạng về văn hóa, trong đó được thể hiện qua 2 lĩnh vực là văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Khi nói đến văn hóa tinh thần, người ta không thể không nhắc đến những lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa, đây là một trong những nét đẹp văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng luôn được quan tâm gìn giữ, lưu truyền. 
 
NS Đình Nghĩ (bên phải) và nghệ sĩ đường phố
NS Đình Nghĩ (bên phải) và nghệ sĩ đường phố
 
Theo các nhà nghiên cứu, bản sắc âm nhạc truyền thống của các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng thể hiện một số đặc trưng cơ bản sau: Với người K’Ho phần lớn là các điệu hát, điệu ru và âm nhạc được hòa quyện âm thanh cồng ba, chiêng sáu với giai điệu man mác, mơ màng trầm buồn… Sự hừng hực của âm nhạc thể hiện ở trong nội tâm (trong lòng), trong ánh mắt của người biểu diễn. Cũng có nghiên cứu nhận xét rất hình tượng: Nhạc cụ cơ bản của người K’Ho chủ yếu là chiêng boor (chiêng sáu), kèn M’buốt (kèn bầu) thuộc bộ hơi. Nếu tiếng chiêng của đồng bào dân tộc bản địa Gia Rai, Ê Đê vươn theo chiều ngang vượt qua chín sông, bảy núi; tiếng chiêng Ba Na chui sâu vào lòng đất thì tiếng chiêng của người K’Ho vọng lên trời (có giai điệu chủ đạo và tiết tấu đan xen, chồng lấn trong từng mạch chuông), đứng nghe trên đồi cao mới thẩm thấu hết ý tiếng chiêng… Âm nhạc Chu Ru cũng man mác, song giai điệu thể hiện cao tính âm nhạc dân vũ với âm thanh cồng ba, trống da trâu. Điệu múa Aria của người Chu Ru mang tính độc lập trong khi múa xoang của người K’Ho, Mạ lại nghiêng về tính cộng đồng. Câu hát của người Chu Ru bay bổng, vút cao và với người K’Ho, Mạ thì nghiêng về kể sử thi nên tiết tấu trầm trầm… Đa dạng quý giá như vậy, song thực trạng công tác sưu tầm, nghiên cứu và phát triển yếu tố âm nhạc bản địa trong sáng tác, biểu diễn ở Lâm Đồng như thế nào?
 
Thực tế cho thấy, trước 1975, các công trình nghiên cứu về văn hóa các dân tộc bản địa nói chung, âm nhạc của đồng bào các dân tộc bản địa nói riêng còn nghèo nàn. Sau năm 1975, công tác này được quan tâm và một số người tham gia. Riêng trên lĩnh vực âm nhạc có các nhạc sĩ thế hệ trước như Hà Huy Hiền, Trọng Thủy dành thời gian nghiên cứu, vận dụng giai điệu, tiết tấu, dân vũ - ngôn ngữ âm nhạc của các dân tộc K’Ho, Chil, Mạ, Chu Ru vào sáng tác; kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố dân tộc và hiện đại. Điều đó làm nên thành công của tác phẩm âm nhạc “Nam Tây Nguyên nhớ Bác” (Hà Huy Hiền). Ở phần mở đầu, tác giả vẫn giữ lời ca của dân tộc Mạ theo nghiên cứu, sưu tầm của nhà nghiên cứu văn hóa Lâm Tuyền Tĩnh. Sang đoạn hai, biến tấu nhạc thể hiện sự sôi động, mạnh mẽ của âm nhạc cồng, chiêng mang tính biểu diễn công chúng là đặc trưng của sinh hoạt cộng đồng Tây Nguyên. Tác phẩm “Mađagui quê hương tôi” cũng khai thác đặc trưng của âm nhạc Mạ, song lại thể hiện bằng điệu van-xơ Tây phương ở đoạn đầu, nhưng khi dịch chuyển đoạn 2 vẫn đậm chất dân vũ truyền thống của dân tộc này. Đối với nhạc sĩ Trọng Thủy, có thể điểm đến tác phẩm “Những chiếc gùi”. Ở đây, nhạc sĩ đã tài tình khai thác yếu tố nhạc Chu Ru song được chuyển sang nhạc rốc và tác phẩm này từng được nhận Huy chương Vàng. Nhắc đến cố nhạc sĩ Trọng Thủy, công chúng còn nhớ đến sự thành công khi viết nhạc múa sử dụng đặc trưng âm nhạc Chu Ru trong bài “Lên rẫy” - Đây vốn là thể loại ít người viết. 
 
Sau Hà Huy Hiền và Trọng Thủy phải đề cập đến các nhạc sĩ như Krajan Dick, Krajan Plin, Đình Nghĩ, là những người có nhiều thành công trong nghiên cứu, vận dụng yếu tố âm nhạc và sáng tác thành công nhiều ca khúc.
 
Krajan Dick nguyên là diễn viên đoàn ca múa, có quá trình tự học, được đào tạo; với vốn âm nhạc của người K’Ho, anh đã có tiếp nhận hợp lý cái mới, hợp xu thế của giới trẻ trong sáng tác. Tác phẩm “Nồng nàn cao nguyên” giàu chất âm nhạc Tây Nguyên, tiết tấu ảnh hưởng nhạc rốc. Điểm nổi ở nhạc sĩ, ca sĩ này là bước đầu có sự thành công trong phần phối khí dàn nhạc dân tộc, viết nhạc múa thể hiện được nét chủ đạo âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên. Các tác phẩm như: Chàng trai cô gái, KDung KLang, Tình núi, Lang Bian tình mẹ, Ngất ngây… đã được phát triển từ dân ca bản địa, có những giai điệu, tiết tấu, ca từ dùng lời dân ca cổ được thể hiện nhuần nhuyễn. Theo quan niệm của Krajan Dick: Nghiên cứu, sáng tác nhạc của bản thân tuân thủ 2 nguyên tắc chính; đó là phải đề cập tới Hồn Đất - Tình Đời, Hồn Núi - Tình Người. Ở nhạc sĩ này đã có số lượng lớn tác phẩm nghiên cứu, sáng tác âm nhạc, dàn dựng biểu diễn… đáng ghi nhận: Xuất bản tập ca khúc: Dân ca Mạ, K’Ho (in chung năm 2004), viết chung trong tập “Văn hóa dân gian truyền thống của tộc người K’Ho” (năm 2011); các tác phẩm: Chuyện tình K’Dung K’Lang (Huy chương Vàng 1992), Ơ mờl (dân ca K’Ho, Bằng khen Dân ca Dân vũ Liên hoan PTTH toàn quốc 1994), Nồng nàn cao nguyên (Giải A LH Hội VHNT Việt Nam 2004), Lời suối gọi (Giải C LH Hội VHNT Việt Nam 2008), Sim Kring (Giải B, không có giải A Hội VHNT các DTTS Việt Nam năm 2010)…
 
Đối với nhạc sĩ Krajan Plin, được công chúng ghi nhận thành công qua các tác phẩm: “Ấm bếp lửa hồng”, “Lang Bian Sning” (Mùa xuân Lang Bian) hay tác phẩm “Ka Bing ơi” đã thể hiện giai điệu âm nhạc K’Ho với lời yalyao mềm mại của dân tộc Lạch. Ở tác phẩm “Oh mi” (Tình anh em), Krajan Plin sử dụng thành công chất nhạc của người Ê Đê, biểu diễn rất trẻ trung, sống động…
 
Nhạc sĩ Đình Nghĩ - Trưởng đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng là người tâm huyết với âm nhạc bản địa và anh gặt hái nhiều thành công lớn. Tác phẩm “Hoa Lang Bian” (viết 1982) từ nhiều năm nay đã trở thành nhạc hiệu của Đài PT-TH Lâm Đồng. Tác phẩm này, nhạc sĩ thể hiện sinh động tiết tấu, giai điệu cồng chiêng trong buổi đi săn bắt con nai của cộng đồng người Lạch dưới chân núi Lang Bian huyền thoại. Đối với âm nhạc của người Lạch, âm thanh chiêng, sáo giữ vai trò chính. Chủ đề của tiết tấu, giai điệu âm nhạc của bài chiêng đi săn con nai được kết cấu nhấn ở câu ca cuối: “Hát lên em và cùng em đi khắp núi đồi. Múa quanh vòng và cùng em bên bếp lửa hồng”. Tác phẩm khi biểu diễn đã bừng lên nét sinh hoạt vui tươi, lạc quan của người Lạch qua những giai điệu dân ca, dân vũ tiêu biểu… “Điệu ru mặt trời” mới đây của Đình Nghĩ đạt giải A Liên hoan Âm nhạc miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam 2014 tại Đắc Lắc, một lần nữa ghi nhận sự tâm huyết của anh với nền âm nhạc các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng. Vẫn giữ mạch chủ đạo của âm nhạc Chil, Lạch, song thành công phải điểm đến chính ở cấu trúc tác phẩm là sự tiêu biểu cho thể loại ca khúc. Tác phẩm với hai đoạn đơn có phát triển chuyển dịch (ly điệu) và nếu không có tay nghề cao, tính sáng tạo thì khó trở về ngọt ngào, nhuần nhuyễn với chủ âm ban đầu… Một sự thành công nữa của Đình Nghĩ cũng như của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng là vừa qua, tại Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc toàn quốc tổ chức tại Đà Lạt, với chương trình biểu diễn 45’ gồm 9 tiết mục, Đoàn đã nhận Huy chương Vàng, Huy chương Bạc. Chương trình của Đoàn thể hiện bước phát triển âm nhạc truyền thống mang tính cộng đồng, đối âm và phức điệu có gốc gác âm nhạc, học thuật châu Âu. Tác phẩm “Đồng dao ngày mùa” (Đình Nghĩ) viết tổng phổ hòa tấu nhạc cụ tái hiện sinh động bằng âm thanh mõ trâu, trống da trâu, khèn trâu, Klongput, cồng Chu Ru, chiêng K’Ho. Hòa tấu có 3 chương độc lập, hình ảnh sân khấu có hình tượng cây nêu. Tác phẩm viết riêng cho đàn đá “Suối Tía” thể hiện nhạc Chil, K’Ho pha trộn nửa cung âm nhạc Tây Nguyên. Tại Liên hoan, Trưởng đoàn Đình Nghĩ được trao giải Nhạc sĩ có những tác phẩm tốt trong hội diễn. 
 
Qua thực trạng công tác nghiên cứu, sưu tầm và vận dụng âm nhạc truyền thống của các dân tộc bản địa vào sáng tác và biểu diễn ở Lâm Đồng cho thấy: Công tác này đã được chú trọng, gặt hái nhiều thành công đáng kể, song tính qua gần 4 thập kỷ thì lực lượng hoạt động chưa nhiều, tính chuyên nghiệp vẫn chưa cao, khả năng lan tỏa trong đời sống văn hóa - văn nghệ còn hạn chế. 
 
Vừa qua, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTW Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã ban hành có đặt vấn đề: Điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, văn nghệ. Bổ sung chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế; có chính sách văn hóa đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số”. Đây thực sự là điều kiện thuận lợi để chúng ta đầu tư chiều sâu tốt hơn, hợp lý hơn cho lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác và biểu diễn các tác phẩm âm nhạc đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc bản địa.
 
ĐAN THANH