Bá Hảo là cháu ruột của nghệ sĩ nhiếp ảnh Bá Mậu, một cây cổ thụ trong làng ảnh ở xứ sương mù Đà Lạt. Anh đến với nghề ảnh của dòng tộc bắt đầu từ một cầu thủ đá banh ở Bảo Lộc. Tuy là một nhà nhiếp ảnh mang đẳng cấp quốc tế, nhưng có lần tôi thấy anh ngồi câm lặng trước màn hình, khi nhìn lại những tấm ảnh một thời anh bấm máy trong tâm trạng bẽ bàng...
Bá Hảo là cháu ruột của nghệ sĩ nhiếp ảnh Bá Mậu, một cây cổ thụ trong làng ảnh ở xứ sương mù Đà Lạt. Anh đến với nghề ảnh của dòng tộc bắt đầu từ một cầu thủ đá banh ở Bảo Lộc. Tuy là một nhà nhiếp ảnh mang đẳng cấp quốc tế, nhưng có lần tôi thấy anh ngồi câm lặng trước màn hình, khi nhìn lại những tấm ảnh một thời anh bấm máy trong tâm trạng bẽ bàng. Tuần trước, anh điện thoại bảo tôi cùng về lại buôn Rui Đăng để thăm mộ bà Ka Ài, một cây Kơ Nia cổ thụ ở Nam Tây Nguyên đã từng là người mẫu của rừng già. Người mẹ vang bóng này, đã có lúc Bá Hảo đưa máy ảnh lên rồi bật khóc.
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bá Hảo |
Rui Ðăng là tên buôn làng của người Mạ nằm ở thượng nguồn sông Ðồng Nai, nay thuộc huyện Bảo Lâm. Hơn chục năm trước, tôi và Bá Hảo đi xe máy lang thang vào đầu nguồn để tìm lại dấu ấn thời gian. Ngày ấy, đến được Rui Ðăng gần như là một cuộc đọ sức với đại ngàn. Lối rẽ vào buôn là con đường đất, đá lởm chởm dài gần 30km chỉ dành cho các loại xe reo, xe công nông chạy ầm ập, rù rù bò lê từng chục mét. Trên đường gặp các sơn nữ gùi củi, gùi măng rừng lầm lũi bước thẳng hàng. Mỗi lần lạc lối chúng tôi dừng lại hỏi thăm đều nhận được tiếng trả lời “Ơ gít” (không biết) rồi lạnh lùng bước, đôi khi quay mặt lại bằng đôi mắt tò mò.
Biết chúng tôi đi tìm dấu tích xưa, nên chính quyền giới thiệu đến gặp một cụ bà người Mạ đã sống gần cả trăm mùa rẫy. Qua lời giới thiệu của già làng, ông K’Ðúk gần 50 tuổi dẫn chúng tôi vào gặp mẹ ông, bà Ka Ài. Lúc ấy bà đang nằm co ro trên nhà sàn quay mặt vô bếp, lơ thơ vài ba ngọn lửa leo lét như đời người chuẩn bị trở về với đất. Trên người khói và tro bếp phủ lên lốm đốm nhập nhòe, bà nằm bất động đôi mắt nhắm lại như một vật thể không ai còn nhớ. Hình như bà đang ngủ, vóc dáng nhỏ thó của bà hiện ra hình hài mang hồn của núi. Cái lưng trần nhăn nheo, tóp lại như quả đười ươi khô và dưới lớp da màu tối ấy ẩn hiện những chiếc xương sườn khẳng khiu buồn thảm. Trong khoảnh khắc ấy, Bá Hảo nhìn bà rồi quay mặt vào vách tre bật khóc. Tôi biết anh xúc động khi nghĩ đến phận người với cảnh đời hoang vắng. Anh K’Ðúk nói một tràng thổ ngữ, cụ bà lẩy bẩy ngồi dậy nhìn chúng tôi hốt hoảng. Có lẽ người mẹ sống giữa rừng này chưa bao giờ nhìn thấy những người chụp ảnh xa lạ mang đồ nghề lỉnh kỉnh trên vai. Nhưng khi K’Ðúk giải thích, đôi mắt người mẹ trở nên hiền lành, bà nói câu gì đó qua hơi thở với nét mặt vui hơn, anh K’Ðúk nói nhỏ “Bà bảo ngồi đó nói chuyện cho vui”. Bà Ka Ài không biết tiếng phổ thông nên mọi việc phải nhờ con trai phiên dịch. K’Ðúk cho chúng tôi biết bà đã sống gần cả trăm mùa bông bí nở, chồng đã chết từ lâu. Trong vài chục phút nói chuyện, bà luôn ở tư thế ngồi xổm hai tay chống về phía trước. Hình ảnh của bà hiện lên như cây Kơ Nia cổ thụ duy nhất còn lại giữa rừng, bà trở thành của quý hiếm, là nhân chứng cho một bộ tộc đã từng sống du canh, du cư, lấy thần rừng làm niềm tin và hộ mệnh cho mình. Trong lịch sử các sắc tộc ở thế giới, từ bờ Amazon đến sông Nile, những người sinh ra và lớn lên từ rừng bao giờ cũng thích nghi để tồn tại. Và thủ lĩnh của họ luôn giống nhau là trên đầu gắn lông chim, lông chim càng nhiều là chức sắc càng lớn. Bà Ka Ài sinh ra và lớn lên ở đầu nguồn sông Ðạ Ðờn, nơi vừa thung lũng, núi đá và rừng rậm nên dáng người của bà cũng hội tụ hình bóng của rừng thiêng. Ðôi tai trần dài ra còn in rõ một thời đeo ngà voi, đôi mắt có hồn mang nét kỳ bí hoang dã thích nghi với bóng đêm của rừng núi… Hình ảnh mang bóng thời gian trên người của bà đã minh chứng khả năng sinh tồn trong thời kỳ hái lượm.
Bà vẫn ngồi đó với đôi mắt nhìn về xa xăm. Bá Hảo chụp ảnh bà trong nước mắt, đó là tấm ảnh đầu tiên và cũng là cuối cùng của anh về bà Ka Ài, mặc dù sau này anh đã dẫn nhiều thợ chụp ảnh có “số má”, đổ bộ vào buôn để chụp ảnh bà. Trong nghề làm người mẫu, nếu tính bằng thâm niên và số lượng tác phẩm ảnh mà nhà nhiếp ảnh tạo ra nhờ người mẫu, có lẽ không một cô người mẫu nào ở Sài Gòn, Hà Nội bằng già Ka Ơn - Ka Ài ở vùng rừng già heo hút Lộc Lâm. Nhưng có lúc tôi cảm thấy buồn, vì nghệ thuật gì lại vắt kiệt di sản đến thế! Năm ấy bà đã quá yếu, phải bò lê từng bước ngồi gật gù trước một “rừng” máy một cách vô hồn. Nhìn các nhà nhiếp ảnh tác nghiệp, tôi và Bá Hảo nước mắt trào ra khi nghĩ phận người trước ống kính. Tất nhiên, mỗi lần đến thăm hỏi có “đồng ra đồng vào” và tính đến chuyện hậu sự. Cũng có đôi lần vì tức giận, bà đã ném những tờ giấy bạc vào mặt những người chỉ biết dùng tiền ra lệnh. Nhưng rồi suy cho cùng, trong cõi người ta, đâu phải ai cũng có một thời để nhớ. Việc ghi lại hình ảnh của bà là góp phần để lại cho hậu thế biết được thời kỳ hái lượm cuối cùng của thế kỷ thứ 21. Ðiều may mắn của Bá Hảo là tấm hình chụp đầu tiên ấy được tạc vào bia mộ của bà như kỷ niệm đời người cầm máy.
Ngày 6 tháng 2 năm 2007 bà qua đời, hưởng thọ 102 tuổi. Các anh em nhiếp ảnh của ít lòng nhiều đã quyên góp được 5 triệu đồng để lập bia, xây mộ và vào tận buôn làng tiễn đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ðó cũng là tấm lòng, sự tri ân đối với người mình ái mộ.
* * *
Ðường vào Rui Ðăng hiện nay đã tráng nhựa, toàn buôn làng đã phủ điện lưới quốc gia. Tôi và Bá Hảo tìm đến nhà K’Ðúk, bây giờ là căn nhà xây cấp 4 có hoa giấy đỏ ở mặt đường, cháu nội của anh là Ka Gùi và Ka Gòn dẫn chúng tôi vào thăm nơi an nghỉ cụ Ka Ài và Ka Ơn, hai ngôi mộ được xây cẩn thận, nằm lưng chừng trên đồi thông gió lộng suốt ngày. Ðiều khác thường là các ngôi mộ của người mẫu đều khắc hàng chữ “Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam lập mộ”.
|
Chân dung bà Ka Ài do nghệ sĩ Bá Hảo chụp |
Lúc rời nghĩa trang, Bá Hảo vừa vịn gốc thông già vừa bước xuống núi nói với tôi một cách chậm rãi “Gần mười năm trôi qua, tấm ảnh bà Ka Ài của tôi ngoài được tạc vào bia mộ, còn được lồng kính treo tại nhà một cách trân trọng. Và cũng từ dạo bà mất, mọi công việc làm ăn của tôi diễn ra khá thuận lợi. Tôi không biết có phải vong linh bà đã phù hộ cho tôi hay không! Có lúc vợ chồng tôi tĩnh tâm nhìn lại để tìm ra bước ngoặt - Trước đó, chúng tôi kiếm được đồng tiền rất khó khăn, nhưng sau khi chúng tôi vào tận buôn Rui Ðăng đưa tang trở về, từ ấy mọi công việc dường như thuận lợi hơn. Vợ chồng tôi cũng không tin phép mầu từ vong linh của một người không nằm trong gia phả hay dòng tộc của mình nhưng đó là điều có thật. Dù đúng hay sai chưa biết, nhưng trong tâm thức, ngoài bác Bá Mậu của tôi còn có bà Ka Ài. Hình ảnh của Bác và Bà luôn đi theo nghề ảnh của tôi như bóng thời gian.
Ghi chép: TRẦN ÐẠI