Đàn đá nhìn từ... cồng chiêng

08:09, 18/09/2014

Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Cơho, người Mạ... thuộc ngữ hệ Môn Khơ Me ở Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên biết sử dụng đàn đá trước khi có loại hình cồng chiêng xuất hiện. Nhìn dưới góc độ âm nhạc dân tộc học, hai loại nhạc khí này là hai đại diện tiêu biểu cho hai thời kỳ đồ đá và đồ đồng (cự thạch và kim khí) nối tiếp nhau trong lịch sử phát triển của loài người...

Bộ đàn đá của các dân tộc thiểu số thuộc ngữ hệ Môn Khơ Me (Mạ, Cơho...) ở Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng - tương đối định hình. Trong khi đó, đàn đá - nhạc cụ được xem là “bố đẻ” của cồng chiêng, cũng của các dân tộc này lại tỏ ra... phức hợp. Điều đặc biệt hơn, cho đến lúc này, thật khó mà tìm ra những bằng chứng thuyết phục khi nói rằng bộ cồng chiêng của các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên thuộc ngữ hệ Môn Khơ Me chính là sự tiếp nối cơ bản của đàn đá. Song, nếu bảo rằng đó là hai loại nhạc khí hoàn toàn không có mối liên hệ nào với nhau thì lại hoàn toàn không đúng.
 
Bộ đàn đá Di Linh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng
Bộ đàn đá Di Linh hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng
 
Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, người Cơho, người Mạ... thuộc ngữ hệ Môn Khơ Me ở Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên biết sử dụng đàn đá trước khi có loại hình cồng chiêng xuất hiện. Nhìn dưới góc độ âm nhạc dân tộc học, hai loại nhạc khí này là hai đại diện tiêu biểu cho hai thời kỳ đồ đá và đồ đồng (cự thạch và kim khí) nối tiếp nhau trong lịch sử phát triển của loài người. Nói cách khác, cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên, trước khi biết sử dụng nhạc cụ cồng chiêng thì nhạc cụ được chế tác bằng đá tự nhiên là thứ nhạc cụ phổ biến và chủ đạo trong đời sống âm nhạc của cộng đồng xã hội này. 
 
Trước hết, cần nhấn mạnh, bộ cồng chiêng của các dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên có tính thống nhất khá cao: Bộ chiêng đặc trưng của người Mạ, người Cơho... thuộc ngữ hệ Môn Khơ Me là bộ cồng chiêng định âm với biên chế 6 chiếc từ lớn đến nhỏ có tên là vàng, rđơm, dờn, thoòng, thơ và thi (ngoài ra, vẫn còn một số tên gọi khác nhưng biên chế luôn luôn 6 chiếc). Thang âm của bộ chinh droòng (tên gọi chung cho cả bộ chiêng) này là giống nhau hoàn toàn - từ chiếc lớn nhất đến chiếc nhỏ nhất luôn có cao độ từ trầm nhất đến cao nhất với những khoảng cách bất biến; đặc biệt, trong đó có cao độ của một chiếc chiêng luôn không nằm trong hệ thống bình quân luật (chiếc thứ ba từ thấp nhất trở lên có tên gọi là dờn). Điều đáng ngạc nhiên hơn, không chỉ thống nhất về mặt âm thanh (cao độ của từng chiếc) mà bộ chinh droòng còn luôn thống nhất với thang âm của nhiều nhạc cụ khác như mbuốt (hoặc mboắt...), đinh điở... Sự thống nhất này còn thể hiện ở chỗ, có thể bộ chiêng ấy có cao độ thấp hơn chiếc mbuốt nhưng luôn luôn thấp hơn với một thang âm hoàn toàn thống nhất, hoặc thấp hơn một quãng 8 (octave) cũng với thang âm đó. Nói cách khác, nhiều nhạc cụ của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên đều được chế tác dựa trên một thang âm thống nhất - khoảng cách giữa các nốt luôn luôn thống nhất và đặc biệt là luôn luôn có cao độ của một nốt không nằm trong hệ thống bình quân luật như âm nhạc phương tây. 
 
Nếu hiện nay, nhạc cụ cồng chiêng khá phổ biến trong đời sống xã hội người dân tộc thiểu số bản địa Nam Tây Nguyên (và cả Tây Nguyên) thì ngược lại, nhạc cụ đàn đó hầu như hoàn toàn vắng bóng. Lịch sử nghiên cứu âm nhạc cho thấy, trước khi nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas phát hiện bộ đàn đá đầu tiên - bộ goòng lú (đá kêu) Nduliêng Krat ở một buôn làng nay thuộc ranh giới giữa tỉnh Lâm Đồng với Đăk Nông vào năm 1949, thì hầu như trên thế giới này không một ai biết đến một loại nhạc cụ có tên là “đàn đá” (cũng vì vậy mà hiện bộ goòng lú Nduliêng Krat đang trưng bày tại Bảo tàng Paris được xem là bộ đàn đá tiền sử trên thế giới lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam). Điều đáng lưu tâm là, bộ đàn đá do GS Condominas phát hiện này là bộ đàn đá gồm 11 thanh với 11 cao độ khác nhau. Sau bộ goòng lú Nduliêng Krat, nhà dân tộc học người Pháp này tiếp tục phát hiện một bộ đàn đá khác (phát hiện cùng với một nhà dân tộc học khác tên là Boulbet) tại vùng dân tộc Mạ ở Lộc Bắc (nay là huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) và ông đặt tên cho nó là “đàn đá Bù Đơ” (buôn Bù Đơ, xã Lộc Bắc). Theo mô tả của hai tác giả Condominas và Boulbet trên tạp chí “Nhân chủng” của Pháp thì đây là bộ đàn đá “thứ ba được phát hiện ở Tây Nguyên của Việt Nam” và là bộ đàn đá gồm 6 thanh, do dòng họ Ksiêng ở buôn Bù Đơ lưu giữ qua nhiều đời. Tuy nhiên, do khâu bảo quản không tốt nên bộ đàn đá Bù Đơ đã bị gãy bể mất 3 thanh, hiện chỉ còn lại 3 thanh (đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng). Về sau, nhạc cụ đàn đá được phát hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh lân cận như Bình Thuận (đàn đá Khánh Sơn phát hiện tại huyện Khánh Sơn), Đắk Nông (đàn đá Đăk Kar phát hiện tại huyện Đăk Rlấp)... 
 
Nhìn chung, những bộ đàn đá Nam Tây Nguyên và cả Tây Nguyên được phát hiện từ trước đến nay đều có thang âm không thống nhất và biên chế cũng hoàn toàn không giống nhau - có bộ thì 5 thanh, 6 thanh, 9 thanh, 20 thanh, hoặc có “bộ” lên đến 30 thanh (như “bộ” đàn đá Hòa Nam ở Di Linh của tỉnh Lâm Đồng được phát hiện vào năm 2003)... với cao độ của từng chiếc trong cùng một bộ (thang âm) cũng rất khác nhau. Thoạt nhìn, những bộ đàn đá được phát hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ trước đến nay khác xa với bộ ching droòng về mặt âm nhạc học. Tuy nhiên, vì điều này mà bảo rằng giữa chúng (đàn đá và cồng chiêng) không có mối liên hệ nào thì xem ra không đúng. Có thể từ trước đến nay, việc đầu tư nghiên cứu đàn đá chuyên sâu về âm nhạc học chưa đúng mức nên cho đến lúc này, các nhà nghiên cứu chưa có điều kiện để “giải mã” các bộ đàn đá, đặc biệt là chưa tìm thấy bằng chứng thuyết phục về mối liên quan giữa goòng lú với chiêng, đặc biệt là bộ chinh droòng. 
 
Rõ ràng là hiện nay và trong tương lai, việc tìm hiểu mối quan hệ giữa đàn đá và cồng chiêng Nam Tây Nguyên - hai đại diện của hai giai đoạn phát triển của cộng đồng cổ dân Lâm Đồng từ cự thạch đến kim khí - đang là vấn đề được đặt ra một cách cấp thiết!
 
KHẮC DŨNG