Người Hà Nội trên cao nguyên xanh

08:09, 25/09/2014

Kể từ tháng 4 năm 1976 - lần đầu tiên, 125 thanh niên tiền trạm của thủ đô Hà Nội lên đường vào Lâm Đồng khai hoang lập ấp đến nay cũng gần 40 năm. Một vùng đất rộng lớn của Nam Ban, Tân Hà - Lán Tranh ngày nào còn hoang vu, giờ đây sầm uất, trù phú. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển không ngừng...

Kể từ tháng 4 năm 1976 - lần đầu tiên, 125 thanh niên tiền trạm của thủ đô Hà Nội lên đường vào Lâm Đồng khai hoang lập ấp đến nay cũng gần 40 năm. Một vùng đất rộng lớn của Nam Ban, Tân Hà - Lán Tranh ngày nào còn hoang vu, giờ đây sầm uất, trù phú. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển không ngừng. Đó là một chủ trương chiến lược, trọng yếu và gặt hái những thành quả tốt đẹp trong việc xây dựng thành công Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng mà lãnh đạo Hà Nội và Lâm Đồng hướng đến.
 
Trang bìa ấn phẩm “Người Hà Nội trên cao nguyên xanh”
Trang bìa ấn phẩm “Người Hà Nội trên cao nguyên xanh”

 

Trước khi có vùng đất mới này, người Hà Nội trồng rau, hoa đã có mặt tại Đà Lạt từ năm 1938 với sự giúp đỡ nhiệt tình của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Trọng Phu, Quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý, kỹ sư Lê Văn Định hình thành nên ấp Hà Đông. Một bộ phận cư dân của người Hà Đông, Hà Nội lập làng trên quê mới Đạ Tẻh cũng được ra đời và có khá nhiều người con của thủ đô góp phần không nhỏ trong việc hình thành và phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng trên nhiều lĩnh vực.

 
Những đóng góp của người Hà Nội với mảnh đất này đã được ghi nhận qua ấn phẩm “Người Hà Nội trên cao nguyên xanh”. Một ấn phẩm dày hơn 530 trang với đầy đủ cả 3 thể loại: Văn - Thơ - Nhạc được Ban tổ chức bản thảo đã dày công vận động, tập hợp, biên soạn, sắp xếp.
 
Phần văn xuôi chiếm hơn 300 trang là những tác phẩm khắc họa đậm nét những chuyển biến tích cực của người Hà Nội ở Lâm Đồng trong việc đóng góp công sức cùng với cư dân bản địa xây dựng và phát triển cao nguyên Lâm Viên ngày càng khởi sắc. Người đọc sẽ có dịp biết đến quyết tâm chuyển đổi và tổ chức thâm canh cây cà phê, chè, dâu tằm; mở rộng việc trồng hoa công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa của người Hà Nội ở Lâm Hà. Những con người một thời tình nguyện lên vùng quê mới nay đã có cuộc sống kinh tế vững vàng, giàu có; con cái học hành đỗ đạt cao và góp phần xây dựng đất nước trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Từ câu chuyện kể về những người đầu tiên lên Đà Lạt trồng hoa ở ấp Hà Đông ngày nào, bây giờ đã trở thành làng hoa truyền thống của người Hà Nội ở Đà Lạt. Họ đã đóng góp không nhỏ trong các Festival Hoa của Đà Lạt, tạo ra những điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. 
 
Những người con thủ đô có mặt từ ngày đầu “khai hoang lập ấp” trên quê mới như Phạm Văn Tư, Phạm Văn Cường (Cường Hoàn), Trần Ngọc Lành, Phạm Thị Nguyệt v.v... đến giờ vẫn còn bám trụ và cả những con người từng vượt qua bao gian khó, mặc cảm tội lỗi của cuộc đời vươn lên làm ăn lương thiện như Ngọ “thẹo” đã trở nên giàu có nhờ quyết tâm đổi đời, chọn được hướng đi đúng để có cuộc sống ổn định, giàu có trên quê mới đã được nói đến với sự xúc động đặc biệt của người viết. Sự kết nối thân tình đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế văn hóa của người Hà Nội với đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương trên các lĩnh vực. Hình ảnh của nhiều nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của Hà Nội, Lâm Đồng đã từng về đây trực tiếp chỉ đạo, đề ra chủ trương, phương hướng giúp cho Lâm Hà phát triển. Sự đóng góp không nhỏ và kiên trì của các ông Vũ Hoa Mỹ, Phan Hữu Giản, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Hoàn... trong Ban lãnh đạo Vùng kinh tế mới Hà Nội ngày nào đã làm nên cơ ngơi hôm nay của vùng đất này. Hình ảnh của các văn nghệ sĩ, nhà báo đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và các tỉnh, thành khác đến đây thâm nhập thực tế, tìm cảm xúc để cho ra nhiều tác phẩm có giá trị. 
 
Người Hà Nội trên quê mới không dừng lại trong ổn định, phát triển kinh tế mà luôn chú trọng đến việc xây dựng đời sống văn hóa mới, duy trì vốn văn hóa truyền thống của người Hà Nội thanh lịch. Sự chuyển biến nội tâm của con người mới, không chịu nghèo khó vươn lên làm giàu trong các bút ký, ghi chép, truyện ngắn, như: Cu Lâu ở xóm đảo hoang, Sư tử chợ giời, Rũ giang hồ thành tỷ phú cà phê, Chuyện “tầm phào” ở Lán Tranh, Giấc mơ màu cà phê... Càng đọc, càng thấy lôi cuốn với những chuyển biến tâm lý, trăn trở, suy tư, dằn vặt và cả những ý thức, cũng như khao khát, quyết tâm xây dựng xã hội mới của những con người trong cuộc. 
 
Bên cạnh những bài viết, bút ký, ghi chép, truyện ngắn rất ấn tượng, sắc sảo của các cây bút về Vùng Kinh tế mới Hà Nội, huyện Lâm Hà... tập sách còn dành nhiều trang viết về Đà Lạt, về những người con thủ đô trên xứ sở Lang Bian này. Những chuyển biến của việc trồng hoa những năm 1938 của người Hà Đông, bây giờ Đà Lạt đã trở thành thành phố ngàn hoa và lan rộng đến các vùng miền phụ cận. Không những ươm hoa mà Đà Lạt còn là nơi ươm mầm phát triển con người. Hình ảnh của cô giáo Vũ Thị Thu Thủy, thầy giáo Chu Văn Đẩu (Trường THPT Dân tộc nội trú Lâm Đồng), Nguyễn Văn Dũng (Giao thông vận tải Lâm Đồng); trung tướng Vũ Lăng (Giám đốc Học viện Lục quân) - “già làng” Hồ Chiến Thắng... là những người con của Hà Nội đã tạo nên những nốt son như thế trên cao nguyên Lâm Viên! Người đọc khá thú vị khi được nhà văn Chu Bá Nam khái quát hành trình khai mở thành phố Đà Lạt của bác sĩ Yersin trong truyện ký của mình. 
 
Ban tổ chức bản thảo đã dành hẳn gần một nửa tập sách để chuyển tải nhiều bài thơ, ca khúc hay viết về Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, về Lâm Hà, thành phố Đà Lạt và thủ đô Hà Nội của các cây bút chuyên và không chuyên trong và ngoài huyện sáng tác. Những bài thơ, những ca khúc rất đỗi gần gũi với cuộc sống đời thường đã được tái hiện. Nhiều tác phẩm đã có đời sống hàng chục năm và được công chúng ghi nhận. 
 
Người đọc có cơ hội tìm hiểu về một vùng đất mà có đến hàng chục ấn phẩm, phim ảnh, các câu lạc bộ và dân ca ra đời. Người đọc có dịp tiếp cận nhiều thông tin, tư liệu bổ ích khi đề cập đến sự vươn lên không ngừng trong việc chọn mô hình sản xuất kinh doanh cũng như làm du lịch của huyện Lâm Hà, thành phố Đà Lạt - trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người con Hà Nội trên mảnh đất này. Những đổi thay bất ngờ đó đã làm cho diện mạo của Lâm Hà, Đà Lạt khác xa rất nhiều so trước đây. 
 
Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội - cách đây 18 năm đã có dịp đến thăm Vùng Kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng - nay trở lại - rất ngỡ ngàng trước những đổi thay ở nơi này. Trong lời giới thiệu cuốn sách, anh tâm sự: “ ...Và đặc biệt đáng nhớ là “chất Hà Nội”, “phong thái thủ đô” trong mỗi con người ở đây, hình như càng đi xa càng có dịp được thể hiện mình rõ nét hơn, càng tạo cho từng người thêm nhiều tự hào và ý chí vươn lên mạnh mẽ, giàu sáng tạo hơn... Sống khẩn trương gấp gáp và đồng thời lại vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, điềm đạm, chu đáo. Sống ào ạt, khai mở nhưng đồng thời lại vẫn giữ được nét tinh tế, thanh lịch, biết kế thừa và phát huy truyền thống cha ông. Biết giữ gìn nền nếp cổ xưa nhưng lại học được cách hòa nhập và thích nghi nhanh chóng với cộng đồng các dân tộc bản địa anh em cùng nhiều vùng miền về tụ hội trên quê hương mới. Đấy là những khía cạnh dễ nhận ra từ một thế hệ người Hà Nội mới, người Hà Nội “ở ngoài Hà Nội”, người Hà Nội biết nối dài những phẩm chất vốn có, biết mở rộng hơn nữa với những gì mình tiếp thu được từ mọi hoàn cảnh và điều kiện đặc thù của vùng đất hoang sơ mà kỳ vĩ này”.
 
“Người Hà Nội trên cao nguyên xanh” là một tác phẩm có giá trị về mặt văn học sử, cũng là ấn phẩm đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm Giải phóng thủ đô (10/10/1954-10/10/2014) và những ngày lễ lớn trọng đại của đất nước.
 
TRẦN NGỌC TRÁC