Tiếng trống trường vang động

04:09, 03/09/2014

Ngày nay, cứ mỗi lần thấy các cháu lo lắng, chộn rộn chuẩn bị sách vở cho mùa khai giảng niên học mới, tôi lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm một thời đèn sách, nhớ thầy cô, trường xưa, bạn cũ...

Ngày nay, cứ mỗi lần thấy các cháu lo lắng, chộn rộn chuẩn bị sách vở cho mùa khai giảng niên học mới, tôi lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm một thời đèn sách, nhớ thầy cô, trường xưa, bạn cũ...
 
Cô Tam dáng người mảnh mai, gương mặt hiền, phúc hậu. Trông cô giống như một bà mẹ hiền hơn là một cô giáo, một “kỹ sư tâm hồn”. Cô ở trọ cách trường khoảng 100m. Hằng ngày, cô đi bộ đến lớp. Cô thường mặc áo dài trắng hoặc áo dài màu, thời ấy thường gọi là áo lơ-muya (Le mur).
 
Chân dung Nguyễn Tùng Châu
Chân dung Nguyễn Tùng Châu
Cô không xách cặp mà thường ôm tài liệu, giáo án che trước ngực và bao giờ cũng đến trước giờ lên lớp chừng mười, mười lăm phút để đứng nhìn đám học trò đang nô đùa trong sân trường trước lúc vào lớp, ít thấy cô trao đổi, chuyện trò với các thầy cô đồng nghiệp. Chúng tôi ngày càng yêu quý cô giáo mới của mình. Cô chưa bao giờ nặng lời la mắng, quở trách học sinh.
 
Dạy Sử, qua bài giảng, cô đưa chúng tôi về cội nguồn, trở về với quá khứ hào hùng của dân tộc, nhưng là những ca ngợi chung chung, không nêu tên đích thực những nhân vật lịch sử. Cô chỉ chú ý dạy kỹ lai lịch của 13 vị vua triều Nguyễn còn lại là học lịch sử nước mẹ, “mẫu quốc Pháp”.
 
- Các em phải nhớ kỹ ngày, tháng, năm sinh của từng vị vua, ngày đăng quang, tước vị..., tránh không để “phạm húy”. Hôm ấy vừa giảng xong tiết học Sử, cô ngồi xuống, bỗng Trần Anh đứng lên, xin phép được hỏi:
 
- Thưa cô! Sao trong sách lịch sử giáo khoa lại chủ yếu nêu thành tích của các vị vua triều Nguyễn mà ít hoặc không thấy nhắc gì đến các vương triều khác, các anh hùng dân tộc, vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn - Hưng Đạo Đại Vương, Quang Trung - Nguyễn Huệ ạ?...
 
Tôi nhìn thấy mắt cô sáng ngời và liền theo đó là một thoáng lo âu.
 
- Cô hy vọng sau này, khi các em trưởng thành, thành tài, các em sẽ là những người bổ sung, viết lại lịch sử của đất nước, nhưng giờ chưa phải lúc. Cô chỉ được phép giảng dạy những gì đã soạn trong sách giáo khoa và giáo án. Cô không thể dạy khác được. Chuyện này các em không được thắc mắc và phải nói năng cẩn thận, nếu không sẽ mang theo hệ lụy. Các em còn ít tuổi, chưa thể hiểu được.
 
Đáng tiếc, cô Tam chỉ dạy chúng tôi vừa đúng một năm rồi cô có lệnh chuyển đi trường khác.
 
Cô đến cũng lặng lẽ như lúc cô ra đi. Cô chỉ nhắn gửi cho học sinh của mình bằng mấy dòng ngắn ngủi: “Cô mong các em tiếp tục học hành thật giỏi, chăm học và ngoan để thành một công dân tốt, sau này giúp ích cho đời”.
 
Cô Tam đi, thầy Cầm chuyển đến sau cô Huyền dạy Sử độ một tuần. Thầy Cầm rất trẻ, chỉ trên dưới 30 tuổi. Thầy thường mặc com-lê màu trắng, cổ thắt cà-vạt, chân đi giày da bóng lộn, đầu chải mượt, đôi mắt sắc và sâu, gương mặt xương xương. Trông thầy rất nghiêm khắc. Ngoại hình thầy “rất Âu”, “rất Tây”. Thầy giống thầy Thông, thầy Phán hơn là một thầy giáo.
 
Hôm đầu tiên đến lớp, thầy làm quen với đám học sinh chúng tôi bằng một tràng tiếng Pháp. Thầy cố ý cho học sinh biết, thầy sẽ rất nghiêm khắc trong việc truyền đạt kiến thức, trong giảng dạy. Thầy không chấp nhận việc học sinh lười học, không chuẩn bị kỹ bài tập. Thầy dạy môn tiếng Pháp. Tiếng Pháp - một môn học khó xơi với các “ông An nam trẻ” thời ấy. Qua “thông điệp” của thầy, chúng tôi đưa mắt nhìn nhau: sẽ là những tiết học căng thẳng sau này. Thầy bắt buộc học sinh dịch ngược (thème) hay dịch xuôi (traduction) đều phải lưu loát và đúng mẹo luật. Thầy rất quan tâm đến bài tập làm ở nhà của các học sinh, vì thế, buộc học sinh phải chuẩn bị bài thật kỹ, thật tốt. Nếu không sẽ phải hứng chịu bão tố.
 
Hôm ấy, Thanh Hằng là nữ sinh “chịu trận” đầu tiên. Nếu chuẩn bị kỹ thì bài dịch xuôi hôm ấy không có gì là khó. Không hiểu sao Thanh Hằng cứ đứng như phỗng, thầy luôn nhịp thước kẻ thúc giục. Cuối cùng Thanh Hằng cũng à uôm dịch được nửa trang sách nhưng không được xuôi chèo mát mái, nghe không thuận. Nó cứ ngắc ngứ thế nào ấy. Ngồi sau lưng Thanh Hằng, tôi cảm thấy lo sợ cho bạn ấy.
 
Trong mắt thầy Cầm như đang có lửa. Tôi đoán cơn giông và sấm sét sắp xảy ra nhưng không có cách gì cứu được Hằng. Đúng như dự đoán của tôi, thầy quát:
 
- À genoux (Quỳ xuống)! - Một mệnh lệnh khô khốc từ miệng thầy phát ra. Cả lớp im phăng phắc. Không khí trong lớp như đang bị dồn nén, vón cục, khó thở.
 
Thanh Hằng nước mắt giàn giụa, gục đầu như cành hoa đẹp rũ xuống phũ phàng. Dù đang uất ức, tủi thân vì lệnh trừng phạt quá nặng nề của thầy, nhưng Thanh Hằng được sống trong một gia đình khuôn phép với tôn ti trật tự, kỷ cương khắt khe nên từ từ đứng lên vén tà áo dài màu thiên thanh để chuẩn bị quỳ tại chỗ. Thầy Cầm vẫn đang chờ lệnh trừng phạt được thi hành để làm gương, răn đe cả lớp đừng có lơ mơ chểnh mảng học hành.
 
Thanh Hằng là con cháu của một dòng họ được tôn kính, danh gia vọng tộc, sống trên nhung lụa, được chiều chuộng yêu thương từ tấm bé. Với hình phạt này Thanh Hằng sẽ gục, có thể vì xấu hổ mà bỏ học hay nói dại có thể tìm đến cái chết, thì trước đây trường cũng đã xảy ra trường hợp tương tự là gì. Với đường lối giáo dục hiện nay, hình phạt ấy là sự xúc phạm nhân cách nặng nề nhưng với nền giáo dục xưa: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”  là chuyện bình thường.
 
Cả lớp yên lặng, nặng nề, như sự lặng gió trước một cơn bão lớn. Một ý nghĩ vụt ra trong đầu tôi như một ánh chớp. Không! Không thể được! Thanh Hằng sẽ gục ngã. Tôi không hiểu có sức mạnh tiềm ẩn nào đó, một tình cảm mãnh liệt nào đó thôi thúc, tôi vụt đứng lên:
 
- Thưa thầy! Em xin quỳ thay cho bạn Hằng ạ, vì trong việc chuẩn bị bài không tốt của bạn Thanh Hằng cũng có lỗi của em. Tối qua em đã không giúp bạn ấy trong việc chuẩn bị bài tập cho hôm nay.
 
Thầy Cầm hướng ánh mắt sắc lạnh về phía tôi, nhìn chăm chăm như thầy vừa phát hiện ra điều gì ghê gớm xưa nay thầy chưa từng gặp bao giờ.
 
Vừa lúc ấy, tiếng chuông của trường đổ liên hồi báo giờ giải lao giữa hai tiết học. Thầy Cầm nhịp thước kẻ xuống bàn rồi sẵng giọng:
 
- Thôi! Lần này thầy tha cho. Nhớ đừng để xảy ra lần nữa!
 
Cả lớp bỗng vỡ òa, ồn ào xô bàn ghế đứng lên, chạy ùa ra sân. Có bạn khi chạy ngang qua trước mặt tôi còn cố ý đánh tiếng:
 
- Ghê nhỉ! Muốn làm Lê Lai liều mình cứu chúa kia đấy!
 
- Vì Thanh Hằng, chứ vì gì! Vì…Vì… Pour une belle fille! Vì… Vì người đẹp, Ha..ha.. !
 
Minh họa: HỒ TOÀN
Minh họa: HỒ TOÀN
Tan học buổi chiều hôm ấy, tôi "áp tải" Thanh Hằng về tận nhà vì tôi sợ bạn buồn, nghĩ quẩn, làm liều.
 
Thoáng chốc đã đến kỳ nghỉ hè, hai đứa đều được lên lớp trên. Thanh Hằng vui, hớn hở ra mặt.
 
Hè! Mùa nóng bức với ánh nắng chói chang của mặt trời miền Trung, tiếng ve kêu rỉ rả trong hàng cây, hoa phượng vĩ ở sân trường nở đỏ rực như màu lửa. Nghỉ hè được chừng nửa tháng, tôi mới đến nhà Hằng. Hằng vui mừng: - Mình đang mong gặp Nguyễn nhưng chưa biết gặp bằng cách nào thì may quá bạn đến! Thanh Hằng cười tươi phô hàm răng đẹp trắng muốt.
 
- Chào bác ạ!
 
-Chào con! Mẹ Thanh Hằng vẫn luôn gọi tôi như thế. Nửa tháng qua con làm gì và sẽ làm gì những ngày hè còn lại ?
 
-Thưa! Vừa qua, con cũng chỉ giúp mẹ mấy việc vặt trong nhà, còn sắp tới con cũng chưa biết  làm gì.
 
- Thế thì hay quá. Mẹ và em Hằng định đi biển Mỹ Khê đổi gió vài hôm. Con có thể cùng đi. Thanh Hằng sẽ đến thưa với mẹ con, chắc mẹ con cũng đồng tình.
 
- Bây giờ Nguyễn đi cùng Thanh Hằng ra phố có chút việc, được không?
 
- Đi đến đâu và làm gì, Thanh Hằng phải nói rõ cho Nguyễn biết, nếu không Nguyễn sẽ không đi đâu!
 
- Thì đi rồi khắc biết.
 
- Không! Hằng phải nói ngay bây giờ kia!
 
- Thôi! Hai đứa đừng tranh cãi nữa, để mẹ nói cho hai con biết. Mẹ nghe em Hằng kể, hôm Hằng bị thầy phạt quỳ, con đã xin chịu phạt thay em. Nghe chuyện, mẹ lấy làm cảm động và càng thương con nên có ý định thưởng cho con vài ngày nghỉ ở biển Mỹ Khê và trước khi đi cũng nên chuẩn bị tươm tất một chút. Một chút thôi mà, có đáng gì. Con đừng quá e dè, ngại ngần. Mẹ coi con như con đẻ vậy. Nếu con không nhận thì mẹ buồn lắm đấy và em Hằng cũng sẽ rất buồn!
 
-Nguyễn mà không nhận và không đi Mỹ Khê thì năm học tới Hằng sẽ bỏ học, sẽ không đi học nữa cho mà xem! - Thanh Hằng ngúng ngoẩy, hờn dỗi và có ý đe… Hằng đe ai nhỉ?
 
- Thưa! Con sẽ về nhà thưa với mẹ con ạ!
 
- Thế thì tốt quá! Hai con đưa nhau ra hiệu cắt may đi. Còn Hằng đừng thấy Nguyễn hiền mà bắt nạt đấy!
 
Kỳ nghỉ hè ở Mỹ Khê ấy thật là vui. Thanh Hằng hớn hở, nhí nhảnh như con chim sáo sổ lồng được bay lượn trong bầu trời tự do lộng gió. Thanh Hằng trong bộ quần áo tắm cứ kéo tôi xuống nước.
 
- Nguyễn hiền và ngốc lắm. Tắm đi “ông” ngốc ơi !
 
Thanh Hằng lặn hụp trong làn nước biển xanh biếc, tươi tắn, đẹp như một báu vật trời ban tặng cho cõi trần.
 
Thoáng chốc kỳ nghỉ hè đã qua. Niên khóa 1943-1944 bắt đầu. Chúng tôi háo hức được gặp lại thầy cô, trường xưa, bạn cũ.
 
Sau kỳ nghỉ hè Thanh Hằng như bỗng lớn phổng, chín chắn, đặc biệt lại càng đẹp hơn, lộng lẫy, kiêu sa và duyên dáng. Trong niềm vui háo hức ấy, tôi vẫn linh cảm mùi bão tố pha trong gió.
 
Đầu năm 1944, quân Nhật kéo vào thành phố càng nhiều. Trong bà con đang xầm xì bàn tán sẽ có điều gì đó lớn lao sắp xảy ra. Thanh niên trai tráng trong làng bí mật tập tành gươm giáo, tập luyện quân sự, nửa kín nửa hở. Thầy cô cũng ít trò chuyện với nhau, các cuộc vui chơi, bóng chuyền cũng giảm dần. Trên nét mặt thầy cô hiện lên sự lo lắng.
 
Rồi, bỗng một hôm Thanh Hằng đến lớp với nét buồn rũ rượi, tôi gợi ý thế nào Hằng cũng vẫn không nói. Mãi đến giờ tan học, Thanh Hằng nắm lấy tay tôi kéo đi như kéo một đứa trẻ.
 
- Bây giờ Nguyễn phải về nhà Hằng. Mẹ đang đợi. Mẹ có điều gì đó muốn nói với Nguyễn.
 
- Con chào mẹ ạ!
 
- Ngồi xuống đây, cả Thanh Hằng nữa. Mẹ giới thiệu: Đây là chú Quảng người bà con vừa mới ở Huế vào được ít hôm. Đây là cháu Nguyễn, bạn học của Hằng.
 
- Thế này các con ạ! Tình hình sắp tới sẽ rất lộn xộn, sẽ có biến cố lớn. Bà con họ hàng ở Huế buộc mẹ phải về Huế gấp. Nhà này sẽ giao cho chú Quảng trông coi. Nếu tình hình yên ổn mẹ sẽ trở vào. Thỉnh thoảng con cũng nên đến thăm nom và cùng chú Quảng chuyện trò cho vui. Con cứ coi nhà này như nhà mình. Việc gấp lắm rồi. Mẹ sẽ ra đi trong nay mai.
 
Nghe mẹ nói xong, Thanh Hằng cúi đầu hai tay bưng mặt khóc nức nở, nước mắt dàn dụa.
 
- Hôm mẹ và Hằng đi, con không nên đến tiễn vì có con, Thanh Hằng sẽ bịn rịn, khó rời nhau! Đấy, điều quan trọng mẹ đã nói hết!
 
Tôi thấy cay cay trong mắt, nước mắt tự nhiên chảy thành dòng xuống hai bên má. Tôi bỗng thốt lên thống thiết: Trời ơi!
 
- Thôi, các con đừng khóc nữa. Lúc này cần phải biết chịu đựng.
 
Hôm mẹ và Thanh Hằng đi, tôi chỉ dám đứng xa xa nhìn theo mà lòng buồn như bị xát muối. Thanh Hằng quay nhìn lại hình như em mong được gặp nhau lần cuối cùng vậy. Sau đó, đã mấy lần tôi trở lại thăm nhà Thanh Hằng để tự an ủi: mọi thứ vẫn hiển hiện. Nhìn quanh như bóng dáng Thanh Hằng còn ở đâu đây. Tôi ra chỗ hiên nhà ngồi lên chiếc tràng kỷ, nơi ngày xưa tôi và Thanh Hằng thường ngồi ngắm những cánh hồng nhung run trong gió và mây xám bồng bềnh bay ngang trời. Tôi hỏi chú Quảng tin tức về mẹ và Thanh Hằng, chú lắc đầu buồn bã.
 
Quân Nhật đảo chính thực dân Pháp. Chẳng bao lâu sau đó Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ, một cuộc cách mạng long trời lở đất. Nhân dân reo hò vui sướng được đổi đời. Cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời. Đến lúc ấy, tôi vẫn không nhận được tin tức gì của mẹ và Hằng.
 
Trước khi thoát ly tham gia kháng chiến chống Pháp, tôi quyết định trở lại biển Mỹ Khê để tìm lại dấu xưa, một thời đã thuộc về dĩ vãng. 
 
Anh lại tìm dấu chân em trên cát/Của tháng năm xưa bồng bột dại khờ / Nhưng sóng biển đã vô tình xóa hết/Chỉ còn anh ký ức và thơ.
 
Tập kết ra Bắc 1954, tôi và Thanh Hằng, hai đứa ở hai cực của địa cầu. Hai đầu thương nhớ. Hai đầu khắc khoải chờ mong.
 
Dù năm tháng qua nhanh, thời gian có phai mờ, nhưng những kỷ niệm về mái trường xưa, thầy cô và bạn cũ vẫn còn hằn sâu trong ký ức. Thầy, cô mỗi người một tính cách, nhưng thầy cô đã ươm mầm hạnh phúc, dìu dắt chúng tôi từ những bước đi chập chững vào đời cho đến ngày nay. Thầy cô, trường xưa, bạn cũ và tiếng trống trường vang động phía sau đê mãi mãi là những kỷ niệm đẹp của một thời học sinh thơ mộng.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU