"Bảo tàng thu nhỏ" về văn hóa Chu Ru

10:10, 29/10/2014

(LĐ online) - Văn hóa Chu Ru luôn có một sức hấp dẫn, độc đáo riêng, khiến những ai lên với vùng đất cao nguyên đều yêu mến và say mê. Không chỉ các nghệ nhân, những hậu duệ của người Chu Ru mà cả những người không mang trong mình dòng máu Chu Ru vẫn đang miệt mài sưu tầm, gìn giữ lâu bền những tài sản ấy.

(LĐ online) - Văn hóa Chu Ru luôn có một sức hấp dẫn, độc đáo riêng, khiến những ai lên với vùng đất cao nguyên đều yêu mến và say mê. Không chỉ các nghệ nhân, những hậu duệ của người Chu Ru mà cả những người không mang trong mình dòng máu Chu Ru vẫn đang miệt mài sưu tầm, gìn giữ lâu bền những tài sản ấy. Bằng tình yêu của mình, họ đã và đang bảo tồn những “báu vật” của cộng đồng người Chu Ru trên cao nguyên Lâm Đồng.
 
Cái “bảo tàng” ấy bắt đầu hình thành từ 16 năm về trước trong khuôn viên nhà thờ Ka Đơn. Khi vào từng thôn buôn của người Chu Ru ở Đơn Dương, tận mắt thấy văn hóa của họ qua cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, linh mục Nguyễn Đức Ngọc đã cùng những người Chu Ru uy tín, nhiều tâm huyết tìm và lưu giữ những dấu ấn xa xưa của người Chu Ru. 
 
Nếu như linh mục Nguyễn Đức Ngọc là người khởi xướng thì chính những người Chu Ru như bà Toueh Nai Chanh (61 tuổi), bà Tou Néh Ma Bio (55 tuổi) sống tại thôn Doom A, xã Lạc Xuân… là những người đi tìm cổ vật. Hàng chục năm qua, ngoài những tài sản mang tính vật thể, bà Nai Chanh còn sưu tầm được rất nhiều truyện dân gian theo tiếng Chu Ru để con cháu của tộc người này không lãng quên mất “linh hồn” của cha ông - bà Nai Chanh chia sẻ. Còn bà Ma Bio - người nổi tiếng với những điệu múa của người Chu Ru, đã tiến hành dịch thành sách những làn điệu dân ca, lưu giữ những điệu múa truyền thống của người Chu Ru. Không chỉ dạy cho con cháu trong nhà, bà Ma Bio còn dạy múa dân gian, dạy đánh chiêng cho nhiều bà con ở thôn Doom A, xã Lạc Xuân. 
 
Khi cuộc sống đang thay đổi từng ngày, không gian và di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đặt trước nguy cơ bị mai một, và dân tộc Chu Ru cũng không phải là ngoại lệ. Bởi thế nên “việc lưu giữ, có lẽ đã gấp lắm rồi” - linh mục Nguyễn Đức Ngọc bộc bạch.
 
Linh mục Nguyễn Đức Ngọc giới thiệu về các đồ vật được trưng bày tại “Bảo tàng thu nhỏ”
Linh mục Nguyễn Đức Ngọc giới thiệu về các đồ vật được trưng bày tại “Bảo tàng thu nhỏ”

Trong “bảo tàng” ấy, ngoài tổng quan lịch sử và văn hóa Chu Ru được giới thiệu bằng chữ còn có những hiện vật có giá trị và đa dạng như: cồng, chiêng, gùi, cây nêu, đàn đá… Mỗi chủng loại có nhiều kiểu dáng khác nhau. Đơn cử như gùi: có gùi đựng lúa, gùi người, gùi đi chợ, gùi đi củi…; Ché có: ché lớn, ché nhỏ xếp hàng chen chúc đứng nép vào vách; Trống lớn, trống bé, kèn môi, kèn bầu xếp sát bên nhau… hay những hiện vật trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Chu Ru như dụng cụ đánh bắt cá, nhẫn bạc, dụng cụ săn bắn, nhà mả... được sắp xếp theo từng chủ đề. Tên gọi của chúng được viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Chu Ru. Mỗi chủ đề có hẳn một bản giới thiệu chi tiết. Ví như tại khu vực để những chóe rượu cần của người Chu Ru, có tấm bản ghi rõ “khi đã có thức ăn, lại chuẩn bị làm rượu cần để uống. Phải lên rừng lấy vỏ những rễ cây đem về xắt nhỏ, phơi khô rồi giã nhuyễn làm men”. Mỗi đồ vật được ghi tên rõ ràng, mỗi khu vực là một câu chuyện về cách thức hay tập tục, quan niệm giúp người Chu Ru hiểu được chính lịch sử dân tộc mình và giúp du khách có thêm nhiều hiểu biết khi muốn tìm hiểu kỹ về đời sống vật chất và tinh thần của người Chu Ru. Hàng ngàn hiện vật đang được trưng bày chật kín căn phòng cũng đủ thấy những con người tâm huyết ấy đã kỳ công tìm kiếm, sưu tầm như thế nào. Đã nhiều khách trong nước lẫn nước ngoài hỏi mua những hiện vật nơi đây nhưng đều nhận được sự lắc đầu từ chối. Còn đối với chính những người Chu Ru như bà Ma Bio, thì “những hiện vật này chính là hiện thực nhắc nhở thế hệ sau nhớ về lịch sử cha ông”. 
 
“Không biết ở đây có bao nhiêu hiện vật, nhưng chắc chắn rằng nó chưa phải là tất cả. Bởi thế, việc tìm lại và gìn giữ những tài sản của cha ông dân tộc Chu Ru vẫn sẽ được con cháu tiếp tục” - đó là suy nghĩ chung của những con người nặng tình với văn hóa Chu Ru này.
 
Bảo tàng Chu Ru thu nhỏ ở giáo xứ Ka Đơn đang ngày một đầy lên bởi ngày càng có nhiều người tâm huyết với nền văn hóa này quan tâm tới việc lưu giữ. Và họ xem “bảo tàng” này là nơi để họ lưu giữ “linh hồn” của người Chu Ru xưa. 
 
N.Ngà