Phải kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại

09:10, 23/10/2014

Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng" vừa được Sở VH-TT-DL tổ chức với mong muốn tìm ra giải pháp hữu ích nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng.

Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng” vừa được Sở VH-TT-DL tổ chức với mong muốn tìm ra giải pháp hữu ích nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Được thành lập từ năm 1979, đến nay 35 năm phát triển và trưởng thành, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng không ngừng nỗ lực phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hoá, nghệ thuật cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cùng với sự chuyển biến mạnh mẽ của đời sống kinh tế, xã hội; đồng thời đứng trước chủ trương xã hội hoá hoạt động văn hoá, nghệ thuật đã đặt ra cho việc biểu diễn ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng cần thay đổi để thích ứng trong chuỗi giá trị đang từng ngày tiếp biến. Với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Lâm Đồng”, hội thảo đã đi sâu thảo luận về những kinh nghiệm hữu ích trong nghiệp vụ quản lý, định hướng, tổ chức, hoạt động... Qua đó, làm sáng tỏ những việc cần làm ngay như: xây dựng lực lượng, đào tạo đội ngũ diễn viên, tạo cơ chế chính sách, quy định chế độ lương bổng phù hợp, nâng cao chất lượng chương trình biểu diễn dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống các dân tộc bản địa, kết hợp hài hoà giữa dân tộc và hiện đại, từ đó phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. 
 
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật của các bạn trẻ. Ảnh: Thanh Toàn
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật của các bạn trẻ. Ảnh: Thanh Toàn
 
Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu những ý kiến tâm huyết cùng bạn đọc. 
 
TS. Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế: Phải làm cho âm nhạc dân tộc luôn khẳng định chỗ đứng trong đời sống hiện đại 
 
 
Không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử, giá trị nhân văn của nền âm nhạc dân tộc. Đó chính là ý chí Việt Nam, là tâm hồn Việt Nam qua mọi thăng trầm mà vẫn giữ được cốt cách của chính dân tộc mình. Là người làm công tác âm nhạc, ta có quyền tự hào về vốn liếng âm nhạc dân tộc mà cha ông để lại: hát ru, đồng dao, giao duyên, tuồng, chèo, cải lương, ca Huế, chầu văn, quan họ…, các làn điệu hò, vè, ví, lý. Ở đó có đầy đủ chuẩn mực làm cho người nghe rung động, nó mang đặc trưng của ngôn ngữ âm nhạc dân tộc Việt với thế giới, nó là tiếng nói thiêng liêng của giống nòi Việt, là sự sinh tồn, hưng thịnh của ngày mai. Vậy mà thế hệ trẻ hôm nay lại ít thích, thậm chí có người còn không biết; trong khi trào lưu âm nhạc Rock - Jaz - Pop lại được đông đảo giới trẻ đón nhận. Trong những năm qua đã có nhiều nhạc sĩ tâm huyết, trăn trở với âm nhạc dân tộc qua những sáng tác dựa trên cơ sở khai thác chất liệu dân ca, dân vũ, kết hợp giữa dân tộc và hiện đại đã góp phần làm sống dậy nền âm nhạc dân tộc. Trên lĩnh vực đào tạo, chúng tôi đã dành cả tâm huyết, công sức, khả năng của mình cho tiếng nói của âm nhạc dân tộc lắng đọng trong lớp lớp các thế hệ sinh viên. Việc kế thừa và sáng tạo âm nhạc dân tộc là rất cần thiết và là thiên chức hết sức nặng nề, vì nếu không làm tốt với tinh thần cao cả thì vốn liếng âm nhạc của cha ông sẽ mai một dần theo thời gian. 
 
NSND Minh Mẫn - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh - Bình Thuận: Đưa nghệ thuật dân tộc đến công chúng
 
 
Trong cơ chế thị trường, nghệ thuật cũng là hàng hóa, cũng có sự cạnh tranh, cũng cần đối tác tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật công lập cũng phải được xem là sản phẩm cung ứng cho người tiêu dùng trong đời sống tinh thần và việc đưa sản phẩm đó đến tay người tiêu dùng (công chúng và các đối tác hợp đồng biểu diễn) cũng phải theo quy luật cung - cầu. Muốn vậy, các chương trình biểu diễn không chỉ có chất lượng nghệ thuật cao mà phải đáp ứng được đa dạng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng. Bên cạnh dòng chính “dân tộc truyền thống” qua việc khai thác nghệ thuật dân gian các dân tộc trong tỉnh, Nhà hát chúng tôi đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới và tận dụng tối đa các loại hình nghệ thuật khác như: xiếc, sân khấu kịch làm cho chương trình biểu diễn phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng. Một số người cho rằng, các chương trình ca múa nhạc hiện đại dễ tiếp cận và thu hút người xem nhiều hơn các chương trình ca múa nhạc dân tộc. Điều này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn tuyệt đối; thực tiễn hoạt động biểu diễn của chúng tôi cho thấy: Không phải khán giả không thích xem các tiết mục dân gian dân tộc mà các tiết mục dân tộc nếu được đầu tư dàn dựng, trong đó, khai thác nét độc đáo, riêng biệt của từng dân tộc, phù hợp với cuộc sống thì sẽ có sức hút mạnh mẽ đối với công chúng.
 
Ông Nguyễn Thanh Nhân - Giám đốc Đài PT-TH Lâm Đồng: Truyền thông phải làm cho âm nhạc dân tộc ăn sâu vào đời sống tinh thần
 
 
Âm nhạc truyền thống chính là một phương tiện truyền thông rất hữu hiệu để chuyển tải các giá trị đạo lý, những tâm tư tình cảm tốt đẹp giữa con người với nhau. Từ xa xưa, các làn điệu dân ca là phương cách để tuổi trẻ trao gửi đến nhau tình cảm thầm kín, là cách diễn tả tình yêu thắm thiết với quê hươn, đất nước, chứa đựng đạo lý tốt đẹp, dễ đi vào lòng người. Phải đưa âm nhạc dân tộc vào mọi hoạt động truyền thông, vận dụng những hình thức truyền thông phù hợp, với những phương pháp đổi mới hấp dẫn giúp chuyển tải những giá trị tốt đẹp của âm nhạc dân tộc cho các thế hệ kế thừa. Tự thấy mình có phần trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống, chúng tôi sẽ xây dựng nhiều chuyên mục để tạo điều kiện cho giới trẻ tiếp cận với âm nhạc dân tộc, biết về cái hay cái đẹp, hiểu và yêu âm nhạc dân tộc. 
 
Bà Nguyễn Thúy Châu - Phó Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng - Khánh Hòa: Nghệ thuật biểu diễn phải như là một sản phẩm du lịch
 
 
Những năm qua, cùng với Festival Biển 2 năm một lần, chúng tôi đã tổ chức được rất nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên đường phố phục vụ du khách từ nguồn kinh phí của tỉnh. Du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đã tỏ ra hết sức thú vị với nghệ thuật tuồng cổ và trình tấu nhạc cụ cổ truyền. Và nếu sân khấu hóa một hình thức nghệ thuật dân tộc để giới thiệu văn hóa, nghệ thuật của địa phương cho du khách thì e rằng không đạt được, bởi người ta đến với nghệ thuật dân tộc là để hòa nhập vào không khí cộng đồng chứ không gian ấy không phải dành cho sự trải lòng để thưởng thức. Phải làm gì để mang sản phẩm nghệ thuật đích thực phục vụ du khách? Trong khi hoạt động du lịch phải đáp ứng được hai yêu cầu: giới thiệu đất nước, con người đến với du khách và kinh doanh có lãi. Chính vì thế, nghệ thuật biểu diễn cần phải gắn bó chặt chẽ với du lịch, đầu tư đúng mức trở thành một sản phẩm du lịch đúng nghĩa, phục vụ du khách. 
 
NSƯT Ysan Alio - Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Đam San - Đăk Lăk: Bảo tồn phát huy nghệ thuật độc đáo của cha ông cần phải kiên trì và đầy tâm huyết
 
 
Với xu hướng đời sống phát triển hiện nay việc duy trì sưu tầm, nghiên cứu, gìn giữ và phát huy những giá trị nghệ thuật độc đáo của cha ông trong các buôn làng là việc làm hết sức cần thiết, phải kiên trì bảo tồn, phát triển với đội ngũ làm văn hóa tâm huyết. Muốn làm tốt điều đó: Cần có chế độ ưu đãi đặc biệt để khuyến khích, động viên những nghệ nhân đang gìn giữ tài sản vô giá tại các buôn làng; có chế độ ưu đãi đối với nghệ sĩ, diễn viên đang làm công tác biểu diễn nghệ thuật dân tộc chuyên nghiệp; đầu tư đào tạo, trẻ hóa, tài năng hóa đội ngũ diễn viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp để đi cơ sở biểu diễn phục vụ nhân dân.
 
QUỲNH UYỂN lược ghi