Trong 400 di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Do chiến tranh, một số công trình kiến trúc bị hỏng, năm 1954, sau ngày giải phóng Thủ đô, Nhà nước đã trùng tu xây dựng lại. Vào ngày 27/7/2011, 82 tấm bia tiến sĩ ở đây được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Bộ Giáo dục & Đào tạo đang quyết định nhiều vấn đề nhằm hiện thực hóa nội dung Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Giữa lúc Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, tôi trở lại “trường đại học đầu tiên ở Việt Nam” - Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng dòng người nườm nượp. Quần thể di tích quốc gia đặc biệt này hiện còn tổng diện tích hơn 55.000m2, là nơi có nhiều nguyên thủ quốc gia các nước đã đến chiêm ngưỡng.
Trong 400 di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Do chiến tranh, một số công trình kiến trúc bị hỏng, năm 1954, sau ngày giải phóng Thủ đô, Nhà nước đã trùng tu xây dựng lại. Vào ngày 27/7/2011, 82 tấm bia tiến sĩ ở đây được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu.
|
Văn Miếu - Quốc Tử Giám vừa rất đông người Việt đến chiêm bái vừa luôn thu hút du khách nhiều quốc gia thưởng lãm |
Từ đường Quốc Tử Giám, trước “Văn Miếu môn” có 2 tấm bia “Hạ Mã” được đặt trong hai nhà bia nhỏ xây gạch. Xưa, 2 tấm bia này nhắc nhở mọi người, dù công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe, hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ. Đó là hành vi ứng xử văn hóa khi qua Miếu Văn, ý thức “tôn sư trọng đạo”. Bởi, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là biểu tượng của sự trường tồn tinh hoa văn hóa, giáo dục, truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến đức, khuyến tài của dân tộc Việt Nam. Tôi chợt nhớ, cách đây gần 30 năm, khi tôi còn là cán bộ giảng dạy, gặp sinh viên miền Nam, họ đều đứng lại, tay cất nón trên đầu, nghiêm chỉnh cúi chào. Bây giờ, lối giao tiếp văn hóa đẹp đó ít thấy…
Văn Miếu được xây dựng năm 1070, thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam. Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1076, triều vua Lý Nhân Tông, là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Hiện còn 82 tấm bia tiến sĩ dựng trên mai rùa, đặt bên phải và bên trái giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh), còn gọi là ao Văn (Văn trì). Thiên Quang nghĩa là ánh sáng bầu trời - nơi thu nhận tinh túy của vũ trụ, soi tri thức, sáng phẩm chất, kết tinh nền nhân văn. 82 tấm bia ghi 1.307 nhân vật, trong đó, có 17 trạng nguyên, 19 bảng nhãn, 47 thám hoa, 284 hoàng giáp và 938 tiến sĩ. Bia sớm nhất thuộc khoa thi năm 1442, muộn nhất thuộc khoa thi năm 1779. Ở đây, có nhiều tên tuổi từng làm thơm sử sách nước Việt: tiến sĩ khoa thi năm 1442 - nhà sử học Ngô Sĩ Liên, người soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư; nhà bác học Lê Quý Đôn - tác giả của Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ…; tiến sĩ khoa 1775 - nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm, người giúp vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử…
Giá trị và nét độc đáo của 82 tấm bia tiến sĩ khắc trên đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê - Mạc, mà còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam. Có rất nhiều quốc gia dựng bia, nhưng bia tiến sĩ Văn Miếu là độc nhất có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài. Việc dựng bia là tôn vinh và khích lệ những người tài dồn tâm huyết và sức lực hơn nữa chăm lo cho vận mệnh dân tộc. Việc “đèn sách” là khổ luyện, chuyện khoa cử là minh bạch, có như vậy mới chọn đúng được người hiền tài: “Thi Hương, thi Hội, thi Đình đều có sổ sách ghi chép để tỏ ý khuyến khích, khắc đá đề tên để lưu tới lâu dài, soạn bài ký để thuật lại công việc, ghi rõ sự thật. Lựa chọn kẻ sĩ ắt trước hết phải xét đức hạnh văn chương, tức là phép tốt của lệ hương cử vậy” (Văn bia khoa thi năm 1475). Vì vậy, “…Thảng hoặc ai đó có danh mà không có thực, trước trinh chính mà sau hoen ố, thì chỉ làm vết nhơ cho khoa mục, cũng như vết xơ xước trên mặt ngọc vàng, đến nghìn năm sau công luận vẫn còn đó, há chẳng lấy làm răn sao! Thế thì đá này khắc ra đem dựng ở cửa nhà Thái học chẳng phải chỉ để tuyên dương thịnh sự Thánh triều trọng Nho, khoe khoang áng văn đẹp một thời, mà cốt để khích lệ nhân tâm, bồi dưỡng sinh khí, phù trì thế giáo đến vô cùng vậy” (Văn bia khoa thi năm 1652). Có tài đồng thời phải có đức. Dùng tri thức của mình trước hết là để phụng sự đất nước và nhân dân.
Việc ghi tên người đỗ đạt vào bia đá, người xưa không chỉ tụng ca tài năng của người đó, mà hơn thế, nhằm nhắc nhở, cảnh tỉnh con người hãy luôn giữ lấy phẩm giá, nhân cách sống của mình: “Nếu kẻ nào nhờ vào việc thi đỗ để làm cái cầu ấm no, mượn con đường ấy để làm lối tắt ra làm quan, chỉ biết mưu cho thân, không nghĩ đến việc nước thì người ta sẽ chỉ tận tên mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người béo mình, kẻ này hãm hại người thiện, bè đảng với lũ gian, nhơ nhuốc cho khoa mục” (Văn bia khoa thi năm 1478). Đất nước Việt Nam luôn luôn và rất cần “Những người có chức quan vẫn thường nghiền ngẫm trung nghĩa, đồi mài liêm cần, nguyện làm vị Trạng nguyên trung hiếu, làm bậc quân tử ngọc vàng, ngõ hầu không hổ thẹn với các bậc tu thân toàn mỹ đời trước” (Văn bia khoa thi năm 1554). Và, “Như thế tấm đá này dựng lên, chính là trụ đá của nền danh giáo, là nền tảng của cương thường; người nhìn vào đó thì có cái chuẩn đích, người đọc vào đó thì tự thấy ý khuyên răn. Nó sẽ làm cho văn phong nước nhà càng thêm chấn hưng, mệnh mạch quốc gia càng thêm trường cửu mà nền móng muôn nghìn năm vô cùng quyết không thể lung lay được” (Văn bia khoa thi năm 1650).
Thời đại nào con người cũng là điều kiện tiên quyết của sự thành bại và làm nên giá trị bền vững của đường lối: “Thánh nhân tác thành nhân tài, mà hiền tài làm cho nền tri trí được bền vững lâu dài. Cho nên nuôi dưỡng người tài năng ở trường học, dùng khoa mục để tuyển chọn, là để cho họ làm rạng rỡ pháp độ của vua, làm mưu lược được tốt đẹp, há chí cốt làm vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thôi đâu! Lớn có thể làm rường cột, nhỏ có thể làm rui mè. Người dũng sĩ, kẻ tâm phúc không ai không được tin dùng, như vậy mới không phụ ý nuôi dưỡng khích lệ nhân tài của nước nhà!” (Văn bia khoa thi năm 1772). Trước đó 170 năm, tại khoa thi năm 1602, văn bia cũng đã khẳng định triết lý này: “Đạo trị nước không gì quan trọng bằng nhân tài, mà nhân tài thì phải tiến thân do con đường khoa mục”. Đặc biệt, nội dung khẳng định tầm quan trọng của việc khuyến học khuyến tài khắc trên tấm bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (năm 1442): “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp. Vì thế, các bậc đế vương, thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp...”. Những tấm bia tôn vinh hiền tài, người thiện theo đó mà gắng, kẻ ác lấy đó làm răn. Những bài ký vừa nhắc nhở các bậc hiền tài ý thức hơn về trách nhiệm của mình với vận mệnh dân tộc; vừa nêu rõ kế sách thu phục và sử dụng hiền tài của các bậc minh quân…
Nắng chiều rơi nghiêng trên gác lầu Khuê Văn Các, nhưng vẫn còn rất nhiều du khách ngoại quốc chiêm ngưỡng: Pháp, Nga, Canada, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bỉ, Hà Lan…Ông Guillaume đến từ Trường Đại học Paris Diderot nước Pháp nhận xét: “Thủ đô của các bạn có lịch sử hơn 1 ngàn năm với nhiều di sản quý mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một điểm nhấn giá trị, tôi rất khâm phục. Nơi đây là sự biểu thị tinh thần cốt cách và khẳng định vị thế của dân tộc các bạn”.
MINH ĐẠO