Sinh sống trên miền đất mới hàng chục năm nay, người Thái ở huyện Đức Trọng vẫn giữ được những nét văn hóa rất riêng của mình. Họ vẫn mặc trang phục truyền thống, nói tiếng của dân tộc mình, vẫn hát, múa xòe, ném còn… Để duy trì văn hóa Thái, họ tụ họp lại thành một CLB để sinh hoạt, múa hát cho thỏa nhớ mong.
Sinh sống trên miền đất mới hàng chục năm nay, người Thái ở huyện Đức Trọng vẫn giữ được những nét văn hóa rất riêng của mình. Họ vẫn mặc trang phục truyền thống, nói tiếng của dân tộc mình, vẫn hát, múa xòe, ném còn… Để duy trì văn hóa Thái, họ tụ họp lại thành một CLB để sinh hoạt, múa hát cho thỏa nhớ mong.
|
Những người phụ nữ Thái lớn tuổi quấn khăn Piêu cho con cháu mình |
Cụ Lò Thị Lanh - 84 tuổi, sống tại thị trấn Liên Nghĩa cho hay: “Văn hóa Thái có nhiều thứ lắm, nói cả ngày không hết, nhưng khi vào sinh sống ở đây, không thể giữ cách sinh hoạt như ngoài Bắc nhưng bà con luôn cố gắng giữ gìn những thứ tinh túy của văn hóa Thái như các món ăn, chơi đàn tính tẩu, đan lưới, trang phục và những lễ cúng đầu năm, cúng cầu an”. Còn cụ Bạc Thị Hiến, 82 tuổi - người phụ nữ thường xuyên tham gia đánh trống trong các lễ hội của người Thái nơi đây kể rằng: “Mình dạy con, dạy cháu gìn giữ văn hóa Thái bằng chính những sinh hoạt hàng ngày, nhất là những bữa cơm gia đình.
Bà Hiến đãi chúng tôi bữa cơm đặc trưng của người Thái với rất nhiều món như món Nhắm pỉnh (thịt nướng), Pa pỉnh tộp (cá nướng), Cá mọ (cá hấp trong chõ gỗ), hay món Pa giảng (cá um khói) ăn với xôi nếp… Và tất nhiên bữa ăn này không thể thiếu Món chéo - loại nước chấm đặc trưng trong bất kỳ bữa cơm nào của người Thái.
Mỗi năm đến rằm tháng giêng, khi lúa sắp chín người ta lại thấy phụ nữ Thái mang trang phục truyền thống múa xòe, múa quạt, nhảy sạp, chơi ném còn trong các lễ hội. Lễ hội rằm tháng giêng ở thác Pongour - Đức Trọng những điệu múa của người Thái đã làm say lòng biết bao du khách.
Người Thái nơi đây đã quây quần thành lập nên câu lạc bộ mang tên “CLB Bản sắc văn hóa Thái tại thị trấn Liên Nghĩa”. Họ gặp nhau, sinh hoạt, nói chuyện bằng ngôn ngữ Thái, múa hát cho đỡ nhớ mong.
Không chỉ vậy, người Thái ở Đức Trọng còn giữ văn hóa qua cách ăn mặc của mình. Những người Thái lớn tuổi họ xem trang phục truyền thống của dân tộc mình như là bộ lễ phục cao quý, đó là bộ cánh họ dùng để chưng diện khi đi tham dự lễ hội hay những việc lớn ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Cô dâu người Kinh lấy chồng người Thái, áo cô dâu cũng là chiếc áo truyền thống của người Thái màu hồng. Cô giáo mầm non Lò Thị Khánh Mai (22 tuổi) chia sẻ: “Có lẽ người con gái Thái sẽ đẹp nhất khi mặc trang phục truyền thống. Những người phụ nữ Thái còn trẻ, họ đã tự đặt may trang phục của họ dựa trên mẫu váy áo của người Thái cách điệu”.
Bà Lương Thị Nguyệt Linh - Phó Chủ nhiệm CLB Bản sắc văn hóa Thái cho hay: “Hiện nay khi sống chung với các dân tộc anh em, người Thái ở Đức Trọng tiếp nhận thêm những văn hóa của các dân tộc khác nên các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái ở phía Bắc không còn thuần túy và đậm chất. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực giữ gìn, nhất là khuyến khích thế hệ con cháu học những truyền thống văn hóa của người Thái với mong muốn chúng không quên văn hóa gốc của dân tộc mình”.
P. Nhân - N. Ngà