Huyền thoại Đạ K'La

04:10, 22/10/2014

Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có một năm các buôn làng người Mạ ở Nam Tây Nguyên rất vui mừng, phấn khởi vì được mùa lúa. Nhà nào cũng đầy thóc. Thóc xếp ở gầm nhà dài. Thóc xếp ngay ở những cái chòi trên nương. Nhà nào cũng có hàng chục con heo, 9 - 10 con trâu béo núc và hàng trăm con gà. Cuộc sống càng yên bình hơn khi đất nước không có quân xâm lược.

Ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có một năm các buôn làng người Mạ ở Nam Tây Nguyên rất vui mừng, phấn khởi vì được mùa lúa. Nhà nào cũng đầy thóc. Thóc xếp ở gầm nhà dài. Thóc xếp ngay ở những cái chòi trên nương. Nhà nào cũng có hàng chục con heo, 9 - 10 con trâu béo núc và hàng trăm con gà. Cuộc sống càng yên bình hơn khi đất nước không có quân xâm lược. Làng buôn rộn rã tiếng chiêng với nhịp múa xoang của trai gái trong những đêm trăng ven suối. Chuẩn bị cho lễ hội đâm trâu mừng được mùa và mừng năm mới, già làng K’Man của buôn Đạ Sa ra thông báo cho mọi nhà trong buôn ủ rượu cần. Đám con gái phải nhanh chóng hoàn thành trang phục thổ cẩm cho mình một bộ váy áo mới nhất, đẹp nhất. Đám con trai phụ trách đánh chiêng phải luyện tập lại cho dẻo cái tay. Những ai tham gia vào vòng múa xoang cũng phải ăn mặc đẹp. Tốp thanh niên nhận nhiệm vụ đâm trâu trong ngày hội cũng chuẩn bị kỹ, để khi già làng đọc lời tế Yàng xong mà đâm không chết trâu là Yàng phạt cả buôn!
 
Minh họa: Hồ Toàn
Minh họa: Hồ Toàn
 
…Lễ hội năm nay thật vui. Sau khi già làng K’Man đứng trước mâm rượu thịt tế Yàng khấn vái mong Yàng tiếp tục cho mưa gió thuận hòa, lúa trên nương nặng bông, thóc, bắp chạy về đầy nhà; lợn, gà đầy sân, trâu đầy đàn trên những bãi cỏ rộng… là bắt đầu phần hội. Cả 126 nóc nhà trong buôn Đạ Sa, già trẻ, lớn bé không thiếu một ai. Tất cả tập trung ở bãi cỏ rộng - nơi có cây nêu được đẽo gọt, chạm khắc công phu. Đống lửa rừng được đốt lên. Đám múa xoang đứng vòng ngoài. Đội cồng chiêng ở vòng trong, tất cả đi vòng quanh đống lửa, cùng nắm tay nhảy múa theo nhịp chiêng. 
 
Tiếng chiêng trầm hùng vọng tới khoảng rừng xa. Chim rừng như ngừng hót, con nai, con hươu ngơ ngác vểnh tai nghe. Con suối như ngừng róc rách… Tất cả đất trời như cùng vui với lễ hội của người Mạ ở buôn Đạ Sa. Mọi người thay nhau múa hát, đánh chiêng và uống rượu cần với thịt trâu. Tốp này mệt, tốp kia vào, những bước chân nhịp nhàng, bàn tay uốn lượn theo nhịp chiêng không dứt. Cuộc vui kéo từ ngày qua đêm. Những lúc giải lao, thoáng thấy những cặp trai gái trao vòng tay hẹn ước.
 
Trong đám trai tráng của buôn làng Đạ Sa, nổi bật nhất là K’La. Anh mới 19 mùa rẫy. Người cao lớn, vạm vỡ, mắt sáng, giọng âm vang như tiếng chiêng, vồng ngực nở nang, cánh tay rắn chắc như đôi cánh ná (nỏ). Cặp chân rắn như khúc gỗ cây sao, loại gỗ cứng như sắt của rừng Tây Nguyên. Một tay săn thú dữ cừ khôi. Gái trong buôn ao ước có K’La làm chồng, nhưng trái tim chàng đã đập về hướng Ka Len - cô gái tuổi trăng tròn xinh đẹp, múa dẻo, hát hay, dệt thổ cẩm giỏi nhất buôn.
 
Đêm cuối tháng, trăng lên đổ ánh sáng xuống trần gian. Ché rượu cần cạn lại đầy. Hình như ai cũng muốn cuộc vui kéo dài thật lâu, để hưởng chung niềm vui lớn mỗi năm chỉ có một lần.
 
Lễ hội sôi động cả ngày rồi qua đêm cho đến lúc mặt trời lấp ló sau rặng núi Đăng Chil mọi người mới lưu luyến chia tay, hứa hẹn mùa lễ hội sau sẽ đến…
 
*
 
… Già làng K’Man nói: Ta đã sống 80 mùa rẫy chưa thấy năm nào như năm nay. Mùa khô 6 tháng năm nay không có lấy một hạt mưa. Con nước lớn nhất vùng này là sông Đạ Tẻh cũng chỉ ngập kín bàn chân. Các con suối trong rừng cạn trơ tận đáy. Cây lúa, cây bắp không mọc được. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch trong năm. Vậy mà năm nay mùa mưa thành mùa khô hạn. Mọi năm, sáu tháng mưa không thấy mặt trời. Năm nay, mặt trời đỏ như máu. Chả lẽ Yàng phạt dân buôn ta. Mà đâu chỉ có dân buôn ta, các buôn khác trong vùng như buôn Đạ San, Đạ Mí cũng đều khô hạn. Người ta có thể nhịn ăn một tuần lễ, nhưng không thể nhịn uống một ngày. 
 
Người khát khô, lấy đâu nước cho trâu bò uống. Thú dữ trong rừng ra đầy suối, trông thấy người không đuổi như trước, bởi vì ăn xong lấy nước ở đâu. Trâu bỏ đói bởi mặt đất không còn cỏ. Già K’Man họp dân làng lại, tổ chức tế Yàng, nhưng cái mưa vẫn không chịu rơi từ trời xuống. 
 
Không thể để buôn làng chết khát, chàng trai K’La đã nói với cha mẹ và già làng cho chàng đi tìm nguồn nước. Mọi người ái ngại cho K’La bởi biết tìm nguồn nước ở đâu bây giờ. K’La nói:
 
- Đã hơn một con trăng, dân buôn ta đã phải tìm lá cây không độc để nhai lấy nước rồi. Cứ nắng thêm nữa thì lá cây cũng khô hết thôi à. Nhà nào cũng chết hết cả trâu rồi đấy. Người thì không có cơm, chỉ ăn bắp và gạo rang, khát lắm. Con phải đi tìm mà!
 
Già làng K’Man nói: 
 
- Ta tin ở sức mạnh của con, K’La ạ, hãy đi đi. Nhất định Yàng sẽ giúp con!
 
K’La đeo nỏ cùng bao tên lên vai, tay cầm một con dao phát, nhằm hướng Tây Bắc mà đi vì theo lời già làng K’Man dạy thì mọi con sông, con suối đều có nguồn gốc từ núi cao phía Tây, phía Bắc chảy xuống đất thấp ở phía Đông.
 
K’La đi suốt 9 ngày, 9 đêm không nghỉ, vượt qua 99 ngọn núi, 99 con suối cạn trơ đáy. Đói thì đào củ rừng, khát thì ngắt lá non nhai lấy nước. Dọc đường, anh gặp nhiều hổ, báo, hươu, nai nằm chờ chết vì khát. Ngày thường hổ, báo hung dữ, nay nhìn cặp mắt đờ đẫn không còn sức sống, K’La thấy thương chúng. Sáng ngày thứ 10, trước mặt K’La là một vách núi đá sừng sững chắn lối đi. K’La chú ý thấy một vách đá trống trơn nhưng ẩm ướt, nhìn kỹ thấy có nước lăn từ trên cao xuống. Chàng phán đoán có lẽ trên cao kia có nước. Đúng rồi, vách núi đá này cao, rộng, hẳn chưa ai trèo lên tới đỉnh, ta thử trèo xem sao. Tuy nhiên, vách đá rất trơn. Sau một hồi suy nghĩ, chàng đi dọc chân vách đá, vòng sang bên phải, thấy tầng tầng cao cao. Chàng trèo lên một cây cổ thụ cao nhất mọc sát vách đá, chắc nó phải cao tới 50 sải tay, gốc cây 4 - 5 người ôm, tuổi nó phải hàng ngàn năm. Vốn ở nhà quen trèo cây quan sát thú dữ đến phá nương rẫy, nên chỉ ít phút sau K’La đã trèo lên đến ngọn cây. Không thể tin được, trước mặt chàng là một hồ nước mênh mông như không có bờ. Chàng ước tính khoảng cách từ ngọn cây đến mặt nước khoảng mười lăm bước chân. Không chần chừ, chàng nhảy sang mặt nước hồ, uống một bụng nước mà còn khát. Chàng bơi lội vùng vẫy thỏa thuê rồi vào bờ ngồi nghỉ. Sướng cái bụng quá rồi, buôn làng ta và các buôn làng khác trong vùng sẽ không còn thiếu nước. Sẽ xẻ mấy tảng đá ở bờ hồ, nước sẽ tràn từ cao xuống thấp, nước sẽ về với con suối trong khắp các ngả rừng mà về với suối Đạ Sa Me, con suối lớn chảy giữa buôn Đạ Sa của chàng. Giờ này, chắc bố mẹ K’La, anh em trong họ, bà con cô bác trong buôn chắc đang ngóng chờ chàng. Cả Ka Len nữa. Cái vòng tay mà K’La đã tặng, Ka Len đang giữ nó, chờ chàng về. Yàng không bỏ người Mạ ta mà. Chàng muốn reo to như thế cho Ka Len nghe thấy.
 
Nhưng ý nghĩ ấy mới lóe lên thì bỗng có tiếng thét ghê rợn, như tiếng sét trong đêm giông. Mặt nước nổi sóng cuồn cuộn, trời bỗng tối vì mây kéo tới, những tia chớp như dao sắc lạnh rạch ngang dọc không gian. K’La giật mình nhưng trấn tĩnh lại ngay. Chàng còn đang nhìn ra tứ phía xem chuyện gì thì bỗng có tiếng thét rùng rợn như từ âm ty địa ngục:
 
- Kẻ nào dám tới đây phá nhà ta. 
 
Sau tiếng thét là một hình người cao lớn gấp bốn người thường, tay cầm búa. Người đó đứng trên mặt nước, cách chỗ K’La đứng trên bờ khoảng mười bước chân, mặt mũi hung dữ. K’La bình tĩnh hỏi:
 
- Ông là ai?
 
- Ta là thần nước cai quản cái vương quốc chất lỏng này. Nhà ngươi ở đâu mà dám đến đây phá phách. Hãy mau nộp mạng.
 
K’La bình tĩnh trình bày lý do, rồi kết luận:
 
- Hãy cứu buôn làng tôi!
 
Gã cao lớn hét lên: 
 
- Ta với ngươi thử sức, nếu ngươi thắng ta, ta sẽ cho ngươi xẻ bờ đá này thành rãnh lớn để nước chảy về sông suối cho dân làng ngươi dùng. Hoặc không muốn đấu, hãy bó gối quy hàng, ta sẽ tha chết. Nhưng nước thì dứt khoát không được, dù chỉ là một giọt.
 
K’La suy nghĩ rất nhanh: Thà chết mà buôn làng có nước thì chàng sẵn lòng, chứ không quy hàng. Nghĩ vậy, chàng thét lên:
 
- Ta nhân danh con người, quyết không sợ chết. Ngươi đừng cậy lớn xác, to đầu mà quen bắt nạt dân lành. Hãy trông lưỡi dao của ta đây. Nó chỉ là con dao làm nương rẫy, nhưng nó cũng là nỗi khiếp sợ của bao kẻ từng xâm lăng đất này. Nào, ra tay đi.
 
Gã khổng lồ giơ chiếc búa nặng mấy tạ lên bổ xuống. Nhanh như sóc, K’La tránh được. Đường búa bị hụt, bổ xuống mặt hồ làm dựng lên những cột sóng khổng lồ. Sấm chớp nổ ầm ầm. Gã khổng lồ tức giận lao tới, K’La nhanh người ngồi thụt xuống, đúng lúc đó gã nhảy qua đầu chàng, chàng móc lưỡi dao phát vào đúng bộ hạ của gã, gã rống lên khủng khiếp. A a… oắt con, tao mà lại thua mày à. Mặc máu chảy ròng ròng, gã quay người trở lại, giơ búa nhằm đầu K’La bổ xuống. K’La nhanh mắt lại né được. Gã quăng ngang chiếc búa với mưu đồ lưỡi búa sẽ cắm phập vào ngực K’La, nhưng chàng vẫn nhanh thoăn thoắt né được đòn hiểm. Chiếc búa cắm phập vào thân cây cổ thụ, gã khổng lồ trườn tới ra sức lôi chiếc búa ra. Chính lúc ấy, K’La đem nỏ ra, chàng nhằm vào gáy nó và chỉ nghe vút một tiếng, mũi tên xuyên từ gáy ra trước cổ họng. Gã khổng lồ rú lên đau đớn, cố sức vin vào cành cây. Cành cây gãy, hắn rơi từ trên cao xuống chân vách đá (cũng là chân của hồ nước), một luồng khí đen bốc lên từ cái hộp sọ vỡ toác. 
 
Trời bừng sáng rất nhanh, chim chóc từ đâu bay tới hàng ngàn con, chúng thả giọng hát vang dội cả một vùng rừng mênh mông. Nắng lên rực rỡ, mặt trời không còn đỏ như cục máu. K’La thấm mệt, chàng định ngồi nghỉ một chút nhưng nghĩ đến buôn làng đang chờ nước, chàng dùng con dao phát cạy đá ở bờ hồ, tạo thành một vạt thủng dài đến năm sải tay, sâu xuống khoảng một sải tay. Nước từ hồ ào ạt tuôn qua chỗ ấy. K’La bám cây cổ thụ trèo xuống. Ngước lên, một cột nước chảy xuống ào ào, va vào vách đá, tung lên hàng triệu giọt nhỏ như thủy tinh long lanh trong nắng sớm. 
 
Từ chân vách đá, nước tuôn chảy vào những con suối nhỏ. Nước tràn ứ đôi bờ không kịp đổ về suối lớn. Nhưng nước vẫn chạy nhanh hơn cả K’La. Mặc cho K’La vừa đi, vừa chạy, vừa la to dân làng ơi, nước về rồi.
 
Ở buôn Đạ Sa, dân trong buôn tập trung tại nhà già làng, cái bụng ai cũng lo lắng không hiểu K’La đi đâu. Nước đã về đầy con suối Đạ Sa Me chảy giữa lòng buôn làng Đạ Sa mà K’La không thấy. Hay anh đã chết khát dọc đường? Ka Len ôm mặt khóc, nàng quỳ xuống, ngẩng mặt lên trời, hai tay chắp trước ngực thầm khấn Yàng hãy đừng bắt K’La của nàng. 
 
… Nhưng, K’La đã trở về toàn vẹn. Nước chạy nhanh hơn K’La một ngày. Cả buôn làng mở hội ăn mừng, lễ hội lớn nhất xưa nay của buôn làng. Sau lễ hội, là lễ mừng đám cưới của K’La và Ka Len. K’La không kể về chiến công của mình, ai hỏi, anh chỉ nói, đó là do Yàng nghe tiếng kêu khát của ngàn vạn sinh linh dưới hạ giới nên đã đem một khối nước khổng lồ từ trên núi cao. K’La chỉ là người khơi dòng chảy cho nước về với buôn làng. Mọi người reo vui, muốn K’La chỉ cho chỗ khối nước ấy. Chàng nói, nên cắt cử từng nhóm người, đi hết cả buôn thì lấy ai gieo hạt, chăn nuôi.
 
Mọi người nghe theo. Chỉ sau ba con trăng, không ai trong buôn Đạ Sa là không đến đó. Họ đứng bên hồ nước dưới chân cột nước khổng lồ reo lên. Nhiều thanh niên trai tráng trèo lên cái cây cổ thụ mà K’La đã trèo. Họ kinh ngạc trước một hồ nước mênh mông, một cái hồ trên núi đã được K’La khơi dòng cho nước chảy về với buôn làng. Nước về làm hồng đôi má những cô gái, làm săn chắc bắp chân, bắp tay những chàng trai, làm cái thóc, cái bắp chạy về đầy nhà, làm cho những đêm trăng xao động bởi nhịp chiêng, lời hát của buôn làng. 
 
Có ai đó nêu ý kiến nên đặt tên cho thác nước ấy. Già làng họp dân trong buôn lại, ai cũng nói, đặt tên cho nó là Đạ K’La. “Đạ” theo tiếng Mạ là dòng nước, “K’La” là tên chàng trai dũng cảm đã cứu sống buôn làng. Ngày tiếp ngày, năm tiếp năm, thác Đạ K’La vẫn tuôn chảy không ngưng nghỉ, như một bản hòa tấu ngân lên giữa đại ngàn Tây Nguyên. 
 
Ai có dịp về thôn 4A xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng sẽ chứng kiến ngọn thác hùng vĩ có tên là Đạ K’La ngày đêm đổ nước từ vách đá cao xuống. Bên bếp lửa, vừa uống rượu cần, bạn sẽ vừa được nghe già làng buôn Mạ kể về sự tích thác Đạ K’La, chuyện rằng: Ngày xửa, ngày xưa… 
 
(Truyện phóng tác theo lời kể của các già làng người Mạ ở thị trấn Đạ Tẻh)
 
NGUYỄN THANH HƯƠNG