Khóc mướn (truyện ngắn)

03:10, 15/10/2014

Tiếng khóc thật ai oán làm não lòng người. Có lẽ cả cái đám ma ấy chỉ có tiếng khóc của ông là thê thảm, dày vò, đau khổ nhất. Cứ mỗi lần ông khóc là ông lại dập đầu xuống đất đến mấy lần, nhưng chả mấy ai biết ông là con hay là cháu của người quá cố, bởi trên đầu ông không chít một thứ khăn tang nào...

Tiếng khóc thật ai oán làm não lòng người. Có lẽ cả cái đám ma ấy chỉ có tiếng khóc của ông là thê thảm, dày vò, đau khổ nhất. Cứ mỗi lần ông khóc là ông lại dập đầu xuống đất đến mấy lần, nhưng chả mấy ai biết ông là con hay là cháu của người quá cố, bởi trên đầu ông không chít một thứ khăn tang nào. Trong đám người biết tung tích của ông thì họ dửng dưng, kẻ không biết thì thấy lạ, tò mò hỏi xem ông quan hệ thế nào với người quá cố mà kêu khóc, tiếc thương làm vậy.
 
Tôi đã đi xem nhiều đám ma và cũng đã nghe nhiều tiếng khóc ai oán của những người thân trong cuộc chia ly đó, nhưng khi nghe ông Mẹo khóc thì chẳng phân biệt nổi tiếng khóc thuê với tiếng khóc thật có gì khác nhau. Đôi khi tiếng khóc ông Mẹo còn ảo não, lâm li gấp mấy lần những tiếng khóc của con cháu thứ thiệt khóc ông, khóc cha mình. Ông Mẹo khóc mà hai hàng nước mắt cứ ròng ròng, nét mặt héo hắt, nhiều lúc ông giơ cả hai tay lên trời quờ quạng vào không trung rồi lại bấu víu vào cỗ quan tài như níu kéo người quá cố sống lại. Có lần tôi còn thấy ông gào thét, sà tận xuống huyệt như muốn đi theo cùng người đã khuất. Ông khóc đến sưng cả mắt, khóc đến hụt cả hơi và khóc cho đến lúc tiếng khàn đi mà vẫn chưa chịu dứt. Sau mỗi lần khóc thuê, người ông Mẹo gầy rộc đi, cứ như chính nhà ông có đám!
 
 Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Ông Mẹo về sống ở vùng đất này khi tôi còn bé tí. Người làng nói rằng, chả ai biết quê quán, gốc gác ông ở đâu, chỉ biết khi cô Tèo dẫn ông về đây sinh sống thì người làng mới biết tên ông là Mẹo. Cứ trông cái dáng ông cũng biết đây là con người từng trải, song đoạn đời chắc gặp nhiều gian truân nên mới lấy cô Tèo lẩn về vùng thôn quê, quần quật quanh năm chân lấm, tay bùn, lại làm thêm cả cái nghề đưa đám, khóc thuê khóc mướn, kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con. Vợ ông Mẹo, cô Tèo, cũng sinh ra từ mảnh đất lam lũ vùng này. Đói nghèo, bệnh tật, trời đã cướp mất của cô cả cha lẫn mẹ. Tí tuổi, cô Tèo đã phải đi ở đợ cho người chú chỉ biết bòn mót mồ hôi, nước mắt của cháu mình. Cực chẳng đã, Tèo bỏ làng ra đi, nghe nói lên tận giáp ranh biên giới. Rồi đùng một cái dẫn anh chàng có vẻ ghồ ghề về lại căn nhà ọp ẹp của bố mẹ năm xưa để lại và sinh con đẻ cái, làm ăn ở đó…
 
- Bác Mẹo ơi, bác đi đám nào về mà trông người héo queo đi vậy? Tôi gặp ông Mẹo ở ngay đầu làng mà suýt nữa không nhận ra bởi cái dáng đi lòng khòng, uể oải của con người đã ở cái tuổi bên kia dốc.
 
- Ừ, Tâm đấy à! Lâu rồi bác cháu mình không gặp nhau, dạo này chú mày đi đâu thế? Ông Mẹo đon đả hỏi lại, khác với sự mệt mỏi hiện lên trên nét mặt ông.
 
Tôi thân ông Mẹo bởi thấy ông sống thật lòng, nhà tuy nghèo nhưng vợ chồng vẫn tần tảo, tối ngày kiếm tiền nuôi con. Vậy mà thằng con trai độc nhất ấy, giống hệt ông thời trước, nhiều lúc làm ông thất điên bát đảo. Nhưng chính nó lại đánh thức bản ngã của ông tự giày vò lương tâm khi nhớ lại mình đã một thời như nó, làm khổ cha khổ mẹ, và lại cũng chính trại cải tạo đã giúp nó thành người ở cái tuổi ngoài 30 như chính bố nó. Tôi quý ông Mẹo bởi ông có tấm lòng thơm thảo, lá rách vẫn đùm lấy nhau. Nhà tôi cùng ngõ với nhà ông, cứ mỗi lần ông đi đám về là bọn trẻ chúng tôi hay hò nhau kéo đến, đứa túm áo, đứa túm quần, có đứa còn tranh lấy cả chiếc túi cói xách cho ông, miệng tíu tít hỏi chuyện và cùng kéo vào sân để được ông chia lộc. Khi thì nắm xôi, lúc quả chuối, có khi cả thuốc lá thơm và các thứ bánh kẹo đắt tiền nữa. Những khi được quà ngon, tôi thường hỏi ông lấy đâu ra thứ quý hiếm ấy, ông lại nheo mắt cười: Hôm nay, bác vớ được đám xộp. Nhưng có lẽ cái để tôi kính trọng ông hơn vẫn là sự đổi thay bản ngã cuộc đời…
 
- Bác kể nữa đi! Tôi hau háu nhìn vào đôi mắt không còn tinh tường lắm của ông, giục.
 
Ông Mẹo đưa cốc nước chè xanh lên miệng làm một ngụm, từ từ nuốt như vừa nuốt vừa chắt lọc xem có cái gì đang vướng trong cổ. Nuốt xong ngụm nước, ông Mẹo chép chép miệng. Chả biết ông chép chép thế để ngấm vị ngọt hay vị chát của chè, rồi đưa một tay với chiếc điếu cày, tay kia lần gói thuốc lào vê tròn một điếu nhồi vào nõ, que diêm bùng cháy, tiếng sòng sọc vang cả nhà, làn khói dìu dịu bay lên tỏa ra như làn sương buổi sáng. Rít xong điếu thuốc, ông Mẹo vớ cốc nước làm ngụm nữa. Ngụm nước sau điếu thuốc người hút mới cảm nhận được sự thỏa thuê, ngon lành của cái thú nghiện ngập….
 
- Ừ, ông Mẹo chậm rãi, chuyện thiên hạ, chuyện làng chuyện nước nhiều lắm. Chỉ riêng chuyện ma chay đã thấy ối sự đời. Mới tuần trước bác đi một đám ở thành phố, dân phố xá có khác, họ chơi sang lắm, chỉ tính riêng chuyện thuốc lá, chuyện bánh kẹo dễ cũng đong được hàng tấn thóc nơi quê mình. Còn hoa, còn phướn, còn phong bì thì…ôi cha, dân nhà quê chỉ cần tiền một đám đó thì xây được căn nhà ú hụ.
 
- Chắc gia đình ấy sang lắm mới làm được như vậy? Tôi hỏi lại cũng là để góp chuyện.
 
- Gia đình ấy bề thế lắm. Ngập ngừng một lát như để nghĩ chuyện gì, ông Mẹo nói như với chính mình. Khi nhập đám mới hiểu sự tình của người quá cố, hiểu được sự oái ăm càng thấm thía lời các cụ nhà ta nói “Lúc sống nó chả cho ăn, lúc chết làm văn tế ruồi”. Đám ấy, gia chủ thưởng cho bác ối tiền.
 
- Ở đám ấy bác thổi kèn, kéo nhị hay…? Tôi tò mò cắt ngang lời ông Mẹo.
 
- Bác thổi kèn thờ, kéo nhị, đánh được cả trống và nếu gia chủ yêu cầu bác khóc thì tiền khóc gấp mấy lần tiền chơi nhạc hiếu.
 
Ông Mẹo nói chuyện khóc thuê tôi cảm như ông rất thật lòng với món nghề mà xưa nay người ta coi rẻ mạt.
 
- Thế… (tôi định hỏi tiếp để ông nói rõ ngọn ngành vì sao ông khóc thuê mà lại khóc rất thật như chính khóc bố mẹ mình, nhưng ghìm lại được).
 
Như hiểu ý, ông Mẹo nhìn chằm chằm vào mặt tôi một hồi rồi từ từ quay đi chỗ khác buông tiếng thở dài, miệng lảm nhảm: - Chắc thiên hạ khinh bác làm nghề này lắm phải không?
 
Tôi như người bị mắc lỗi, vội vã chỉ thốt ra mấy tiếng: Không, không ạ!
 
Ông Mẹo nhìn tôi thăm dò, giọng thì thào: - Khóc thuê cũng có nhiều loại lắm Tâm à. Cháu hiểu không, nghề khóc thuê đã có từ lâu lắm rồi. Những ai không con, không cháu hoặc gia đình có cảnh éo le… khi chết người ta cần tiếng khóc để an ủi linh hồn, mà thực ra là để an ủi những người đang sống. Các cụ nói “Sống đèn dầu, chết kèn trống”. Người nằm xuống vùng nào không biết chứ vùng mình vắng tiếng kèn trống, vắng tiếng ơi hỡi thì dù giàu, dù nghèo, sang hèn, cô đơn hay con đàn cháu đống đều vô nghĩa. Nghĩa tử là nghĩa tận mà. Tục lệ là như vậy. Bác đã giúp không biết bao nhiêu đám rồi. Nhiều đám xúc động lắm, song cũng không thiếu những đám mượn lễ tang, mượn tiếng khóc để lòe bịp đời. Lúc ông bà, cha mẹ còn sống đối xử bạc như vôi, lúc nằm xuống vội bày ra đủ thứ nào cáo phó, nào bàn thờ hương án, nào mời thầy mời thợ, hoa chất đầy nhà, cờ treo rợp ngõ, tế phúng linh đình ba bốn ngày mới đưa đi an táng. Mượn cái hão, ra vẻ con hiền, cháu thảo. Loại đó chỉ bịt mắt người lạ chứ sao bịt mắt được cả thế gian.
 
Ngừng một lát, ông Mẹo như đắn đo điều gì, ông lại véo một tí thuốc lào tra vào điếu, đưa lên miệng. Nhưng lần này hơi rít của ông bị đứt quãng bởi cơn ho sặc sụa làm ông giàn giụa nước mắt. Ông vứt chiếc điếu đánh bịch làm nó lăn kềnh, nước điếu đổ ra khai như nước đái khỉ. Ông Mẹo nghiêng người, vừa ho vừa kéo chiếc khăn lau. Thấy vậy, tôi vội giằng lấy miếng giẻ cáu bẩn trên tay ông thấm vội đám nước vàng khè đang loang ra nền nhà. Ông Mẹo đứng dậy vươn vai bước ra cửa hít mấy hơi dài, khi cơn ho đã dứt ông lững thững quay vào, từ từ ngồi xuống ghế.
 
- Đấy, cái đám ở thành phố mà bác vừa nói, nhà khá giả lắm, con cháu đuề huề, nghe nói có đứa làm đến ông này bà nọ, đi xe về lọng, vậy mà có bà mẹ ngoài 80 phải sống vật vờ vì đám con đùn đẩy nhau, nay ở nhà này, mai tha đi nhà khác chăn dắt. Sống lay lắt như vậy cụ chịu không nổi nên liều nhắm mắt ra đi. Lúc nằm xuống, thằng cả đứng ra làm tang, khăn trắng khăn xanh nhung nhúc. Vậy mà không nghe được tiếng nấc nào từ trong đáy lòng bọn con cháu ấy!
 
 Kể đến đây ông Mẹo đưa tay quệt nước mắt, không biết nước mắt còn ngấn lại sau cơn ho hay nước mắt từ đáy lòng cám cảnh những số phận mà ông đã từng gặp.
 
- Cháu chịu bác đấy. Tôi làm vẻ thán phục.
 
Ông Mẹo thở dài qua câu nói của tôi.
 
- Hồi còn nhỏ như cháu, bác có cha có mẹ, có quê hương bản quán hẳn hoi, nhưng cái thằng Mẹo khốn nạn thuở ấy có được như thằng Mẹo bây giờ đâu. Mười mấy tuổi rồi mà vẫn không chịu nghe lời bố mẹ, nó hành hạ các cụ đến điêu đứng rồi bỏ nhà ra đi. “Cá chuối đắm đuối vì con”, dù Mẹo hư đốn đến mức nào âu cũng là đứa con duy nhất các cụ đã dứt ruột sinh ra, làm sao mà cạch mặt nó. Lang thang ròng rã tìm con cả năm trời từ rừng xuống biển. Mất con, mất của, cụ ông lâm bệnh đi trước, bà phiền muộn theo sau. Các cụ qua đời mà thằng con đốn mạt ấy cũng không làm được cái bổn phận cuối cùng của nó.
 
- Hồi ấy bác ra khỏi nhà, cứ tưởng thiên hạ rộng vòng tay đón, nào ngờ đường đời là bước trầm luân vào dòng xoáy của cái ác để rồi vào tù ra tội mấy lần. Chính nhà tù, cuộc sống đã mở mắt cho Mẹo cũng là lúc hắn đã ngoài 30 tuổi mới gặp được bà Tèo.
 
- Chú mày biết không, chính trại giam là nơi giúp bác lột xác.
 
- Nghe nói trại giam cháu đã phát khiếp. Bác ở đấy bao nhiêu năm? Tâm đau đáu nhìn ông Mẹo thăm dò.
 
- Bác vào đấy vì tội trộm cắp, đánh lộn. Tội không to nhưng đã có vài tiền án, tiền sự nên lần này người ta cộng vào, tống giam 3 năm. Bác vào trại giam đã vài lần, lần 3 tháng, lần 6 tháng nên bác thạo mọi chuyện. Những lần trước ở tù ngắn hạn nên chả ai cảm hóa được mình. Lần ở tù dài, có một vị quản giáo đáng tuổi cha chú, trông tướng mạo ông ta thật dữ dằn, vậy mà tấm lòng bao dung, độ lượng. Ông ấy tỉ tê kể cho bác nghe về đời tư của mình. Tấm gương người cha trong chiến tranh chống Pháp đã là hình tượng theo ông suốt cả quãng đời binh nghiệp để ông nên người. Thế rồi lúc ông cụ mất, thằng con vì xa nhà không về kịp. Ông nói, cũng từ chuyện đó làm ông đau khổ như đánh mất một cái gì thiêng liêng và cao quý. Ông ta cứ nhắc đi nhắc lại món nợ cha sinh mà trước khi người nhắm mắt lúc giây phút tận cùng ấy, người cha khắc khoải chờ con mà chẳng thấy con về. Người quản giáo ấy cứ tỉ tê mỗi ngày mỗi ý, mỗi tuần mỗi tháng, mỗi câu chuyện về cuộc đời như mưa dầm thấm lâu để thức tỉnh cái thằng Mẹo ngàn lần đáng nguyền rủa này. Hành động cao cả nhất của ông ấy đến già bác vẫn mang ơn và nhớ như in là khi bác bị một con rắn độc chích. Cái chết lấn đến từng phút, từng giây, vậy mà ông ấy ghé mồm vào vết rắn cắn hút ra từng giọt máu có nhiễm độc để cứu bác… Ừ, chính con người ấy, chỉ sau đó một vài tuần ông lâm bệnh, không biết có phải nhiễm độc từ rắn không. Căn bệnh đã hành hạ ông nửa năm rồi cướp ông đi, để lại phía sau người vợ và mấy đứa con. Ông chết, bác khóc đến hàng tuần. Cái chết của ông như mũi dao thọc vào tim bác. Bác mắc tội với bố mẹ mình đã đành, giờ lại mắc nợ, mắc tội với những người như ông quản giáo ấy.
 
Lão Mẹo thở dài, hai khóe mắt lại chảy những giọt nước: - Vậy là cái thiện đã thức tỉnh bác, cũng từ đấy bác cải tà quy chính. Sau ra tù tìm cách kiếm sống lương thiện, rồi trời cho gặp bác gái bây giờ. Kể đến đây, ông như trút sự hận thù vào thằng Mẹo nào đó ngày xưa đã gây biết bao tai ương cho chính bố mẹ hắn. Ông Mẹo kể về thời nhỏ như kể về một kẻ bất lương. Ông hận đời với thằng Mẹo thời ấy, xem nó là một đứa hãm hại bố mẹ mình. Ông run lên vừa như uất hận, vừa như sám hối để trút đi sự dằn vặt bấy lâu nay trong lòng.
 
Tôi nhìn khuôn mặt tái quắt của ông, tỏ vẻ cảm thông:
 
- Bác ơi, cái đã mất khó ai mà tìm lại được!
 
- Mất bố mẹ, xa quê hương, ngay lúc ấy thằng con tội nghiệp này vẫn chưa nhận biết hết cái vô thường của hắn. Chỉ đến khi ra tù vào tội, rồi chung sống với Tèo, sinh con đẻ cái, làm mẹ làm cha, phải chịu cảnh giường cứt, chiếu đái, cảnh chạy đêm chạy hôm, lo thầy, tìm thợ chữa cho con khỏi sài đẹn, ba chìm bảy nổi nó mới thành người. Khi đỏ da thắm thịt, nó phản bội lại mình như chính mình phản bội lại bố mẹ mình ngày xưa, lúc ấy mới thấm thía nỗi đau, ân hận những gì đã xảy ra với người đã sinh thành ra mình. Khi hiểu được câu người đời nói “Vợ con có thể có nhiều, còn bố mẹ chỉ có một” thì đã muộn.
 
Ông Mẹo lại như người trong mơ, nói ra những điều mình suy nghĩ: - Cháu biết đấy, bao năm nay vợ chồng bác như cái cò lặn lội ngày đêm kiếm mồi nuôi con. Những lúc răn đe con cái nghe lời đã vậy, còn lúc nó quay cổ cãi lại mới thấy đau đớn làm sao. Bác gái cứ hay an ủi bác bằng câu “Cha sinh con, giời sinh tính”, song đêm nằm có lúc bác lại nghĩ khác. Bác cho rằng thằng con ấy chính là hiện thân bác thời nhỏ. Đấy chính là quả báo, chứ đâu phải cái sự trời sinh tính đó. Nhiều lúc bác tự an ủi mình bằng sự nguyền rủa “Cũng đáng đời mày Mẹo ạ. Mày, chính mày một thời làm ông nó tàn lụi thì quả ấy bây giờ phải gánh”.
 
- Tâm à, khi đã nhận ra chân lí cuộc đời, những khi tiễn biệt cái chết của một ai đó lại làm bác thức tỉnh ra một chút. Thấy người chết, dù họ là ai, họ thế nào, thậm chí họ là người mình căm ghét thì sự chết ấy cũng là giây phút đau xót có thể xóa đi nỗi hiềm khích, để rồi đến lượt mình, người khác cũng sẽ xóa đi cái gì mà họ thù ghét khi mình còn sống. Tuy nói vậy, cái chết của ai đó không “dây cà, dây muống” với ta thì sự rung cảm sao bằng được lúc người thân quá cố. Sự phản bội của thằng con mình chính là nỗi đau cùng sự ân hận trỗi dậy trong lòng bác để chắt ra những dòng nước mắt nhớ lại và tạ lỗi với các cụ…
 
- Cháu…! Ông Mẹo ngập ngừng rồi nói trong hơi thở: - Cháu tưởng bác khóc thuê là khóc cho người ta ư? Có đấy, nhưng chỉ cho một phần trăm cái chết, còn chín chín phần trăm dành cho bố mẹ mình. Cứ mỗi lần vào cuộc là hình ảnh bố mẹ bác lại hiện ra. Bác thấy trước lúc nhắm mắt, các cụ vẫn gọi tên mình “Mẹo ơi! Mẹo ơi…!”, thế là nước mắt bác lại trào ra. Bác gọi bố mẹ, bác vật vã thương xót bố mẹ mình ngay trong đám tang người khác. Bác đã khóc cho bố mẹ bác qua hàng trăm đám rồi mà sao vẫn thấy còn tội lỗi. Có lẽ, bác phải khóc các cụ đến hết cả cuộc đời này cũng chưa đền đáp nổi công cha sinh mẹ dưỡng. Đấy, khóc thuê của bác là khóc cho chính mình, chứ đâu phải khóc thuê theo kiểu hỡi ơi của kẻ khác để bịt mắt người hoặc để kiếm đồng tiền mưu sinh qua nghề nghiệp. Mà khóc thuê, bác cũng chọn đám nào nên khóc mới khóc chứ đâu phải khóc bừa.
 
Nghe tiếng thở dài kèm theo tiếng nấc của người đối diện, tôi giật mình ngẩng lên nhìn bác Mẹo. Bác Mẹo ngồi đấy như cái xác không hồn, hai hàng nước mắt chảy tràn xuống đôi gò má tóp lại. Tôi biết nước mắt bác Mẹo hôm nay không phải là dòng nước mắt khóc thuê, song qua nỗi niềm bác vừa bộc bạch, tôi đã hiểu ra cái điều sâu thẳm từ con tim của kẻ sám hối. Sự sám hối tuy có muộn mằn qua dòng nước mắt, nhưng tôi linh cảm ở dưới suối vàng bố mẹ bác Mẹo sẽ chừng nào vơi đi sự buồn tủi và tha thứ cho đứa con đã một thời bội bạc.
 
Truyện ngắn: Trần Thăng