Có lẽ ở Lâm Đồng, không mấy người dân tộc thiểu số dám bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua lại những bộ chiêng quý có giá trị đến những hàng chục con bò. Già làng Rơông Ha Tang…
Ở thôn 1, xã Đưng Knớ (huyện Lạc Dương) có một già làng khá nổi tiếng là ông Rơông Ha Tang, năm nay đã 76 tuổi, là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Tìm đến nhà ông, chúng tôi “ngợp” trước dãy bằng khen treo trên vách; từ bằng khen của Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương khen Rơông Ha Tang “Có thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận nhiệm kỳ 2008 - 2014”, đến bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về “Tuổi cao - gương sáng, góp phần phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở địa phương”... Và, điều gây ấn tượng nhất cho chúng tôi khi ngồi trước mặt ông vẫn là cây đàn tre (koòng kla) trong tay khi già làng Rơông Ha Tang tấu bài “Đón khách”.
|
Già làng Rơông Ha Tang biểu diễn bài “Đón khách” bằng koòng kla |
Có lẽ ở Lâm Đồng, không mấy người dân tộc thiểu số dám bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua lại những bộ chiêng quý có giá trị đến những hàng chục con bò. Già làng Rơông Ha Tang bảo rằng, đó là khoản tiền của cá nhân ông chứ không do ai tài trợ.
Trong bộ sưu tập của già làng Rơông Ha Tang, quý nhất có lẽ là hai bộ chiêng gồm 12 chiếc cùng với chiếc ching me (chiêng mẹ) có tổng trị giá đến những 25 con bò. “Cái ching me này mình mua lại với giá 5 con bò. Còn hai bộ này, một bộ 12 con bò, còn bộ kia 8 con bò” - già làng Ha Tang kể một cách thật thà. Nói xong, ông lại nâng chiếc koòng kla (chiêng tre) lên và tấu bài “Kể chuyện con nai”. Đợi ông thỏa mãn cơn “say” với ngón đàn xong, chúng tôi hỏi: “Già làng thì già rồi, lấy bò đâu mà mua nổi những bộ chiêng này?”. Ông bảo: “Tiền mình làm ra từ cái vườn cà phê cả đấy! Hai vợ chồng mình già cả rồi nhưng vẫn phải làm, vẫn phải lao động để không phụ thuộc vào con cháu, không trở thành gánh nặng cho xã hội...”. Già làng Ha Tang nói tiếp: “Trước đây, mình vừa làm vườn và vừa nuôi heo. Hai vợ chồng già cả rồi, ăn uống cũng chẳng bao nhiêu nên hằng tháng, mình để riêng ra một khoản tiền, góp vài tháng thì mua được con bò; góp cả năm thì được vài con bò... Lâu dần, mình có được mấy chục con bò. Lấy bò để đổi chiêng. Trước, một số bà con trong làng vì kinh tế khó khăn nên mang chiêng đi đổi, mình thấy vậy sốt ruột vô cùng. Cứ đổi dần dần như thế thì chẳng mấy chốc buôn làng chẳng còn chiêng...”. Và thế là nếu dành dụm đủ số tiền mua bò, già làng Ha Tang đổi ngay; còn nếu chưa đủ, ông khuyên bà con nên cứ từ từ để lại đó, đừng mang nó ra khỏi buôn làng... Không chỉ cồng chiêng - nhạc cụ quý nhất của người thiểu số Nam Tây Nguyên (trong đó có người Cill của già làng Ha Tang), bộ sưu tập của ông bây giờ còn có khèn mbuốt, trống, đàn tre, đàn gió... Không chỉ có nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên mà trong những năm qua, già làng Rơông Ha Tang còn sưu tầm cả vật dụng lao động sản xuất và sinh hoạt của người Cill như gùi, xà gạt, cuốc nhỏ, chóe các loại, tấm đắp và nhiều sản phẩm thổ cẩm các loại.
Rời chiếc koòng kla, già làng Rơông Ha Tang tiến lại nơi đầu tủ và lấy ra chiếc sổ khổ khá lớn và nói: “Mình phải ghi lại mấy bài hát này chứ không thì mai mốt mình quên mất hoặc ra đi về với ông bà, lớp trẻ không còn biết được”. Ông lật từng trang sổ dày đặc chữ một cách cẩn thận và nói: “Đây là bài “Lơmô Liêng Kơm duh” kể chuyện bà con người Cill ở buôn Đưng Ja Knớ mình hồi xưa đi làm qua suối Đạ Mur gặp và kết bạn với bà con người Lạch ở xã Lát... Còn đây là bài “Tờm rà duh pơtău” kể chuyện về “đóng thuế” cho “chủ đất” bằng những thứ làm ra như gừng, hành, lúa trên rẫy...”. Rồi, ông trầm ngâm nhìn về phía xa xăm: “Trong buôn làng, từ mấy năm nay, năm nào mình cũng dạy cho lớp trẻ biết đánh cái cồng cái chiêng, biết hát những bài hát truyền thống của ông bà mình để lại nhưng có ít đứa say mê... Về chuyện này, có thể thông cảm cho lớp trẻ là họ còn phải lo nhiều việc lắm chứ không phải chỉ có cồng chiêng thôi. Nghĩ đến điều đó, mình bây giờ tuổi cao rồi, nên phải cố gắng truyền dạy cho lớp trẻ càng nhanh càng tốt...”.
Già làng Rơông Ha Tang nói rằng, mai mốt nếu có về với tổ tiên thì mấy bộ cồng chiêng này cùng với bao nhiêu thứ khác của ông cũng phải để lại cho con cháu chứ có mang theo được đâu. Suy nghĩ này của già làng tuy đơn giản nhưng đây lại là “định hướng” để ông tiếp tục cống hiến cho buôn làng bằng tất cả tấm lòng của ông đối với văn hóa của người dân tộc thiểu số Nam Tây Nguyên.
KHẮC DŨNG