Mùa người (truyện ngắn)

04:10, 29/10/2014

Trong làng, cứ nhà nào có đám ma chay cưới hỏi là y như rằng, sai con cháu sang nhà cụ Tín mượn con dao chặt thịt gà. "Cơm gà quả na", miếng thịt gà ngày xưa quan trọng lắm, nó là át chủ bài của mâm cỗ. Chỉ cần đánh mắt vào đĩa thịt gà đủ đánh giá gia chủ về nhiều mặt...

Trong làng, cứ nhà nào có đám ma chay cưới hỏi là y như rằng, sai con cháu sang nhà cụ Tín mượn con dao chặt thịt gà. “Cơm gà quả na”, miếng thịt gà ngày xưa quan trọng lắm, nó là át chủ bài của mâm cỗ. Chỉ cần đánh mắt vào đĩa thịt gà đủ đánh giá gia chủ về nhiều mặt. Đó là nền nếp gia phong, là công dung ngôn hạnh, thậm chí cả truyền thống đẳng cấp nữa. Lại được Khổng Tử căn dặn, miếng thịt gà chặt không vuông vức không đụng đũa, cái chiếu trải không ngay ngắn không ngồi. Chuyện nhỏ mà hệ trọng, đố dám coi thường. Con dao cụ Tín gần chuôi có chạm chữ T là của ông ngoại tôi thành dao chung của cả làng. Cả làng cầm mòn tay thuộc mắt chẳng ai dám nghĩ đến chuyện lấy cắp làm của riêng, song ông vẫn căn dặn người mượn dùng xong đem trả ngay để người khác cần đến khỏi phải đi tìm. Người nhà cụ Nghị ỷ y mới mua được con dao Tây, làm gì phải mượn của ai. Vậy mà một nhà Nho hay viết báo Quốc Ngữ ngồi vào mâm quở ngay, chặt thịt gà là cứ phải dao cụ Tín. Công bằng mà nói, miếng thịt chặt ra cũng một chín một mười, không đến nỗi da tróc thịt nát giập xương ống, nhưng nó chưa được khôn mắt, vuông vành sắc cạnh bằng. Phải tinh lắm mới thấy.
 
 Minh họa: PHAN NHÂN
Minh họa: PHAN NHÂN
 
Tiên chỉ làng bên nổi tiếng kỹ tính. Việc làng người ta đội cỗ xôi con gà lên đình, bước đến bậc tam cấp ông chặn lại, thấy xôi trắng bong không một hạt ruồi, véo chút vê vê trên mấy đầu ngón tay không bị dính, đưa lên mũi ngửi được mới cho đem vào. Con gà mổ moi, Tiên chỉ lật đi lật lại xem da có bị xước chỗ nào, nứt một tí trả lại, một vết đen tím trả lại, da gà phải vàng ươm đều từ trên xuống dưới. Vết cắt tiết cổ, lỗ da rách chỉ được phép bằng hạt ngô, há quá một phân trả lại. Con gà ông gật, nhưng đĩa thịt chẳng bao giờ ưng, chỉ tội thiếu một con dao nghiêm chỉnh đúng nghĩa. 
 
- Mới! - Ông gọi thằng mõ đã ba đời. 
 
- Dạ!
 
- Sang cụ Tín đặt một con dao hẳn hoi, giá bao nhiêu cũng được. Cấm mặc cả. 
 
Không được mặc cả thì cũng phải hỏi giá trước đã. Hai đồng! Trong khi người ta tiêu tiền trinh tiền xu, hai đồng con dao phay thì chết. Mõ ngỡ mình nghe lầm vì tiếng đe búa át cả tiếng người nói. Hai đồng là bằng mười cỗ xôi con gà. Thấy Mõ Mới không nói gì, cụ Tín dừng tay búa hất hàm ngước lên: “Hai đồng”, cụ nhắc lại lần nữa.
 
- Vâng… Thế thì cụ làm cho cháu một con.
 
Khách nào cũng vậy, thoạt nghe phát giá thì hoảng. Làm gì có chuyện hai đồng con dao, có mà làm bằng vàng. Người lẳng lặng bỏ đi, kẻ quay lại đặt thêm vài ba con nữa. “Dùng rồi mới biết cụ ạ, hai đồng còn là rẻ. Vàng bạc thì dễ, chứ kiếm được con dao này…”. Cụ Tín rít một điếu thuốc lào bằng điếu bát, thả se điếu xuống chõng tre ngửa mặt nhả khói tủm tỉm, gằm mặt, gườm gườm nhìn Mõ Mới qua khoảng trống trên cái gọng kính sừng trâu cũ kỹ. Cụ chống gối đứng lên khó nhọc. Hình như ngồi lâu các đốt sống dính lại làm lưng thẳng đơ. Cụ nhấc đít khỏi chiếc ghế thấp tè làm bằng những thanh tre cật nhẵn bóng đã lên nước màu đồng rồi đi vào góc nhà trong. Áo may ô cháo lòng đầy bụi than, sũng mồ hôi, dính sát vào da lưng ngăm ngăm. Cái nghề lò rèn này nó thế, “ngồi lấm lưng, quệt ngang nhọ mũi”. Ô kìa, bả vai và cánh tay phải to hơn hẳn bên trái. Mỗi cái đánh tay về phía sau, người lại xiêu sang trái. Lưng gập xuống buộc đầu và cổ phải ngỏng lên, vì thế cứ như ngoi trong không khí.
 
Xó tối này là kho báu của cụ Tín. Vâng, với người trần mắt thịt nó chỉ là đồng nát sắt vụn, nhưng với cụ nó có tên có tuổi, có lý lịch hẳn hoi. Đây là khúc đường ray xe lửa, kia là tấm ghi sân bay dã chiến, thanh thép cong cong này là nhíp ô tô, lại một mắt xích xe tăng, cái cò súng máy, chẳng biết kiếm đâu ra cả cái chông bốn mũi của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Chiến tranh cho cụ quá nhiều chiến lợi phẩm. Những thứ giết người ấy là kết tinh từ đỉnh cao khoa học và văn minh nhân loại. Với chiếc búa con trong tay, tất cả cất lên tiếng nhạc bổng trầm. Khúc nhạc dạo đầu đánh giá chất lượng thép kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ. 
 
- Anh có biết cái gì đây không? - Cụ chìa ra ống sắt bằng đoạn khăng đen sì.
 
Mõ Mới lắc đầu.
 
- Nòng súng kíp của người Mèo. Họ đổi cả cân thuốc phiện đấy. Kỹ thuật tôi sắt của người Mèo đâu phải vừa.
 
Cụ Tín vùi những thanh sắt khó hiểu vào lò, nung đỏ, đánh chập vào nhau. Lại vùi trong than hồng, lại đặt lên đe, búa quai liên tục.
 
- Thế này thì bao giờ mới xong hả cụ?
 
Cụ Tín vẫn oải tay quai búa không trả lời. Đến khi thanh sắt được dát thành miếng mỏng mới vừa đánh nhè nhẹ vừa lên tiếng.
 
- Mai. Nay thế là nhanh đấy, may mà tìm được đủ thứ.
 
Sớm hôm sau Mõ lại đến. Cụ Tín chìa ra đoạn thép mảnh như chiếc cặp ba lá.
 
- Anh có biết cái gì đây không?
 
Lại lắc.
 
- Đoạn dây cót đồng hồ Tây đấy. “Đồng hồ Tây có bao giờ sai” là nhờ cái dây cót này này. 
 
- Cụ làm thế nào mà có được? 
 
- Thế mới tài. Tôi đổi con dao lấy cái dây cót. Một cái dây cót lại thành nhiều con dao.
 
Cụ bắt đầu giảng giải về lưỡi dao cho Mõ nghe. Muốn sắc lưỡi phải cứng rắn, mà cứng thì dễ mẻ, mềm thì quằn. Vì thế phải gấp lá thép dẻo lại, kẹp đoạn dây cót vào trong, rắc ít bột gang lưỡi cày, nung đến khi ngọn lửa than xanh tím chuyển sang vàng sáng, rèn tiếp. Lúc mài dao, lưỡi mới lộ ra một đường rất mảnh, không tài nào mẻ được. Mõ Mới sáng mắt, rạng rỡ nghe, đầu gật lia lịa. Con dao đã thành hình, được nhào nặn, bọc lót bằng một thứ hợp kim đặc biệt.
 
- Thế là xong hả cụ?
 
- Chưa. 
 
Nung đỏ, không nhúng nước, cứ để nguội tự nhiên thì mềm, lập tức nhúng nước thì rắn lại. Ấy, cái thứ kim loại nó lạ vậy. Xèo, ục ục,… Cụ Tín từ từ thả con dao đỏ lừ vào chậu nước làm bằng gốc cây khoét lõm, mặt gỗ cháy đen, không nứt, không rò rỉ, thấy từ khi cụ còn để chỏm.
 
- Xong chưa cụ?
 
Mõ Mới sốt ruột vì sắp đến giờ anh phải vác mõ đi rao tin, nhắc nhở các gia đình thu vén bếp núc củi lửa đề phòng hỏa hoạn. Cốc…cốc…cốc… Chiềng làng chiềng xóm… Trên mâm cơm tối nhậm nhuội, mọi người đang bưng bát cơm dừng nhai lắng tai nghe.
 
- Xong là xong thế nào? Mai, mời anh lại đến đây. - Cụ Tín chậm rãi vớt con dao ra bằng chiếc kẹp dài.
 
Tôi vẫn nằm võng nghe hóng. Ông cấm ngặt trẻ con sán đến chỗ làm việc sợ xảy ra tai nạn. Tôi lại hay táy máy. Vừa chạm vào cái gọng kính sừng trâu để trên chõng: “ấy!”, ông giằng lại. Lúng túng nhấc chiếc se điếu xem những mấu sù sì là lạ từ cành cây được ông thông suốt bằng sợi dây thép nung đỏ, ông lại “ấy đừng!”. Dúi đóm tre ngâm vào lò chỉ thấy khói, nhưng vừa rút ra thì lửa phập bùng. “Ấy đừng!”. Búa bằng sắt sao hỏng được, ông cũng ấy đừng…ấy đừng… Có lúc một mình, ông ngâm nga: “Búa đe anh để võng đào anh ru”. Trời, thế là sắt thép biến thành búp bê của ông rồi. Cứ bảo người già đãng trí hay quên, ông tôi nhớ từng mẩu sắt vụn. Có lần tôi suýt bị ăn đòn vì đánh cắp cái “sắc - xờ” để mài bi đá. Một vòng sắt ba lỗ, trẻ con cho cục đá xanh vào, xoáy đi xoáy lại thành hòn bi. Suốt ngày ông lục lọi trong kho báu, ra ra vào vào, vò đầu bứt tai. Cái sắc - xờ đâu không biết? Thì ra nó là cái sắc - xờ, lần đầu tôi nghe tên. Hình như ông cũng không nhớ hết mình có những gì, nhưng cần đến, mất phát hiện ra ngay. Ông vỗ tay lên trán. Rõ ràng hôm qua còn thấy nó. Làm sao ông quên được cái vòng thép càng cua làm băng đạn súng máy. Lại thằng cu Tý! Ông thục tay vào túi quần tôi và bắt được quả tang. Từ đấy tôi cũng không dám kéo bễ để nghe tiếng phì phò nữa, chỉ nằm im thin thít trên võng giả vờ ngủ nghe tiếng búa chí chát. Búa lên tiếng của hàng xóm sát vách, búa gọi búa trả lời xa xa, lắm lúc hòa vào nhau thành bản nhạc rộn rã ru tôi vào giấc ngủ. Bản giao hưởng hoành tráng của làng nghề. Có thể ngựa sắt, áo giáp sắt của Thánh Gióng cũng được cụ kị tổ tiên tôi rèn nên. Vì làng tôi ngay chân núi Sóc Sơn, nối với làng Phù Đổng của Mõ Mới bằng dãy ao chuôm liên tiếp và những bụi tre Đằng Ngà. Ông ngoại tôi mà làm roi sắt thì giặc Ân chỉ có chết. “Roi cụ Tín” kia mà, tôi cứ tin như vậy.
 
Một hôm ông dẫn tôi ra sau vườn. Đó là một khu rừng nhỏ rậm rạp, toàn những cây gỗ còng queo to bằng cây nhãn. Ông bảo đó là những cây sưa hai ba trăm năm tuổi, từ thời Quang Trung đem quân ra Bắc. Ông nội ông trồng để ông có gỗ làm chuôi dao. Những cây ông trồng thì cháu sẽ làm chuôi dao, để có cái chuôi dao như ý phải mất cả trăm năm. Ông bảo tôi trồng tiếp thì đời cháu tôi sau này mới có cái mà dùng. Kỳ công quá, tôi lè lưỡi. Ông lại bảo, cứ trồng đấy rồi quên nó đi, trăm năm cũng nhanh thôi. Sưa lớn rất chậm, càng chậm gỗ càng tốt, có phải rau đâu mà lên nhanh. Thời gian đã làm nên giá trị. Theo năm tháng, nhựa tích lũy trong từng thớ gỗ cứng, khiến nó trở nên dẻo và không bao giờ nứt. Tra chuôi dao nóng đỏ vào, nhựa chảy ra ngậm chặt lấy, phần cháy sém bốc khói mùi trầm. Có người Tàu sang mua dao chỉ cốt lấy cái chuôi đem về đã lãi. Khi cưa gỗ làm chuôi, ông đặt tờ giấy bản xuống dưới hứng mùn cưa gói lại. Mùn cưa, phoi bào gỗ sưa là nguyên liệu làm thuốc và nước hoa cho vua chúa. 
 
- Nhà này thắp hương gì mà thơm thế? - Mõ Mới bước vào sân, gióng quở.
 
Mõ suýt xoa không được chứng kiến tra dao vào chuôi gỗ. Bây giờ cuống sắt nhọn đã xuyên dọc khúc gỗ, thò đầu ra sau. Cụ Tín đánh quặp lại khi nó chưa kịp nguội và thả vào chậu nước. Cái chậu làm bằng gốc sưa khoét lõm hình như cũng được tôi cùng năm tháng. Giờ thì Mõ được phép cầm con dao trong tay, đắc ý thục tay kia vào túi toan moi tiền ra trả.
 
- Ấy chết, chưa được! 
 
Còn làm gì nữa đây? Mõ ngạc nhiên lắm. Thì ra còn thiếu hai cái khuyên nữa để bó hai đầu chuôi gỗ. Khuyên trước to bản, ôm trùm lên thân dao, khuyên sau mảnh hơn bó lấy đầu mút chuôi, đảm bảo không nứt ra được. Khuyên nóng đỏ tra vào lập tức nhúng nước, co thắt lại cứng ngắc. Mõ nắm chuôi dao nóng hổi như gỗ luộc đang bốc hơi rồi đưa tay lên mũi ngửi. Lần nữa lại thục tay vào túi. 
 
- Giờ cụ nhận tiền chưa?
 
- Chưa! Anh đưa con dao đây.
 
Cụ Tín moi trong túi ra cục cánh kiến đỏ. Đó là tổ loài bọ rùa bám trên một giống cây tận vùng núi Sơn La. Mõ biết đàn bà con gái vẫn dùng để nhuộm răng đen cùng với một số thứ khác. Nhựa cánh kiến tráng một lớp mỏng trên men răng bền hơn cả răng vàng răng bạc, có người chết ba năm sang cát vẫn nguyên bộ răng không thiếu một chiếc. Cụ Tín bảo anh dựng ngược con dao, chỉ vào cái kẽ giữa phần sắt và phần gỗ. Cụ hơ nóng cục cánh kiến cho chảy ra, nhỏ giọt vào cái kẽ tối đen như sợi chỉ. Thế này thì bằng đúc rồi còn gì. Kinh nghiệm dân gian ghê thật. Gần trăm năm sau khoa học mới biết đến ưu điểm của nhựa cánh kiến, cứng rắn, dẻo dai, chịu nhiệt, chịu mài mòn, làm vỏ bọc dây biến thế và nhiều chi tiết trong con tàu vũ trụ.
 
Hơ nóng nhẹ con dao vừa mài xong, cụ Tín sai Mõ chém thử cây chuối sau nhà. Vừa xem có sắc không, vừa để nhựa chuối tôi thêm lần nữa. Cụ bảo ngày xưa rèn kiếm còn bôi cả mật lợn vào mới tốt. Còn cái thứ nước nhúng dao trong chậu gỗ sưa thì tuyệt nhiên không nhắc tới. Cụ ngửa bàn tay khôi hài:
 
- Giờ đưa tiền được rồi!
 
Khi công sức xứng đáng với đồng tiền bát gạo thì tiền công thành ra tiền thưởng. Cụ ngẩng mặt đút tiền vào túi, thở phào.
 
Tiên Chỉ tự hào có một con dao không thể chê vào đâu được. Dao này nó không chấp nhận thớt cũ, phải có cái thớt xứng tầm. Ông sai Mõ lên tận Lạng Sơn tìm cái thớt gỗ nghiến. Thớt nặng như đá, dày đúng một tấc, màu đỏ bã trầu, đếm được trên ba trăm vòng vân gỗ.
 
Mõ Mới sửa mình, khai dao. Đúng như phóng sự của nhà Nho viết báo Quốc Ngữ: “…hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp. Mười nhát như một, có khi chỉ lên khỏi mặt thớt độ khoảng một gang, và cách cái ngón tay hắn độ vài ba phân. Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không lúc nào thưa…”. (Ngô Tất Tố - “Nghệ thuật băm thịt gà”).
 
Lưỡi dao cụ Tín ngậm ngọt vào thỏi thịt gà, chỉ khi chạm mặt thớt mới vang lên tiếng cốp nhẹ. Mõ thoải mái để con dao nằng nặng rơi xuống miếng thịt, rồi lại nương nó lên khi nẩy khỏi mặt thớt. Con dao cầm thích tay, không mỏi. Mũi dao lên xuống khua một đường vòng cung xoay quanh cổ tay, cánh tay dường như được nghỉ, bất động. Lúc này Mõ mới nhận ra cái chuôi dao hơi cúp, khiến con dao gù gù chứ không thẳng đuỗn theo sống dao, chỉ cần nhấn bồi thêm một chút, cho nó mổ xuống miếng thịt gà là vừa.
 
Nhà Nho đội khăn đóng có khuôn mặt chữ điền phúc hậu đang ngồi trò chuyện với Tiên Chỉ mắt vẫn không rời “Nghệ nhân băm thịt gà”. Chờ Mõ Mới chặt xong ông lại xem con dao.
 
- Sắp có cuộc đấu xảo đồ thủ công mỹ nghệ của các nước thuộc địa ở Macxây Pháp Quốc. Dao này đem đi được.
 
Với sự giúp đỡ của nhà báo, mọi thủ tục giấy tờ nhanh chóng được hoàn tất, con dao cụ Tín có mặt trong hội chợ. Kỹ sư già người Pháp, thành viên ban giám khảo lỏng tay cầm con dao, gõ gõ nhẹ đưa lên tai nghe, bập một nhát xuống thanh sắt non, sờ tay vào vết chém. Ngón tay cái thận trọng lướt nhẹ trên lưỡi dao, lim dim nghe độ bén, tưởng có thể đếm được từng vân tay. Kéo ống quần cạo thử, lông chân rơi lả tả từng búi xuống giày. Cụ Tín nhận lại con dao có đóng dấu “Made in Annam”, bên cạnh chữ T vốn có thêm chữ R, nghĩa là đã đăng ký bản quyền, kèm một cái “Diplome” lồng trong khung kính. Tất cả đặt vào tráp sơn mài được cụ trân trọng gác lên cây kèo dưới thượng lương nhà trên. Nào ngờ cái tráp ấy cứu cả nhà sau này. 
 
Hồi cải cách sợ dính dáng đến thực dân phong kiến, vào một buổi tối cụ Tín ôm tráp định đi cho một người nghèo trong làng. Ra ngõ gặp ngay Mõ Mới lúc này là đội trưởng đội cải cách. “Cụ cứ để đấy, đừng sợ!”, Mõ Mới trấn an. Và hôm sau, giữa cuộc họp nông hội ông hỏi cụ: 
 
- Có người thắc mắc, tại sao Tây đi càn đốt cả làng mà chừa lại nhà cụ?
 
Cụ Tín kể: Thằng Tây sai lính Dõng chất đầy rơm vào nhà, xòe diêm định đốt thì phát hiện ra cái tráp bắt lính lấy xuống. Mở ra xem, ngẫm nghĩ thế nào ra lệnh đặt vào chỗ cũ. Thằng lính thích con dao quá, xin sếp giữ lại liền bị một cái bạt tai: “Mẹcxalù!”, bồi thêm cú đá đít làm nó loạng choạng, tay vẫn khư khư con dao sắc, may mà kịp ưỡn người ra sau giữ thăng bằng. Cái tráp đã được đặt đúng vào vị trí cũ, thằng Tây mới hất hàm, khoát tay ra dấu “đi thôi”. 
 
- Đấy, tôi thấy sao nói vậy. - Cụ Tín dứt lời. 
 
- Cụ lấy tiền đâu mà nhà ngói sân gạch, có dao, có mâm đồng cối đá cho cả làng mượn? - Lại một người khác hỏi.
 
Tiền đâu ư? Lúc này thì không nói được nữa, cụ Tín giơ hai bàn tay ra. Dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn bão, ai nấy ngạc nhiên, bàn tay phải to như tay hộ pháp, bàn tay trái gầy đét, dài ngoẵng giống bàn tay khỉ.
 
Ngoại tôi thế đấy. Lao động sáng tạo ra con người, bằng chứng tiến hóa ngay trên cơ thể ông. Giờ tôi định cư ở Đà Lạt, xuống Sài Gòn thấy con dao khắc chữ T trong một cửa hàng liền mua ngay. Hôm nay “khai dao” mua một con gà thết kỹ sư xây dựng, cháu đích tôn của Mõ Mới vào dự cuộc hội thảo quốc tế. 
 
Cái gì cũng “Tây”, cũng “Tàu”, nhưng gà thì cứ phải là gà “Ta”. Đặt con gà làm sẵn trên thớt mới hay mình bị lừa. Nước da trắng nhợt của gà công nghiệp được nhuộm vàng ươm bằng màu vàng sắt, đẹp, đặc trưng hơn cả “gà thật”. Bắp thịt căng mọng của gà trống thiến ứa ra một thứ nước, lênh láng trên mặt thớt nhựa nhẵn bóng. Dao chữ T, nín thở chém một nhát quả quyết. Thịt nát, xương cứng cắn lấy lưỡi dao, cậy được ra thấy lưỡi mẻ một miếng bằng vẩy cá ở phía ngoài, quằn lại bên trong gần chỗ tay cầm. Vừa tức vừa buồn cười, đã mẻ lại quằn, tài! Cái thớt nhựa trắng dầy bằng cùi dừa trượt trên mặt bàn đá bay thia lia vào góc nhà làm đổ chai nước mắm, may chai nhựa không việc gì. 
 
- Dao chẳng ra dao, thớt không ra thớt. - Tôi lầu bầu.
 
- Người chẳng ra người! - Thực khách bước vào, bồi thêm một câu.
 
Anh ta cầm con dao lên:
 
- Ờ, “chữ T” thì đúng là chữ T rồi. Ông lạc hậu quá. Ông tưởng chỉ ngoại ông mới có dao chữ T hả? Cả làng T! Cụ Tín hả? Thế cụ Tin, cụ Tân, cụ Toàn… có T không? TR hả? Cụ Trân, cụ Trang, cụ Trác… có TR không?
 
- Thế thì dán tem vào. - Tôi nói.
 
- Tem? Con dao làm giả được lại không làm giả được con tem? 
 
- Thế thì trên con tem ấy dán thêm con tem nhỏ nữa xác nhận nó là tem thật.
 
- Nhưng nó cũng giả nốt thì sao?
 
Chúng tôi phì cười. “Người làm sao của bào hao làm vậy”, người đã giả thì chịu. Kỹ sư xây dựng kéo tôi ra cửa sổ, chỉ các tòa nhà đối diện: “Đấy, hàng mã, hàng mã hết!”. Thôi được, con dao cái thớt là những vật rẻ tiền mau hỏng đã đành, ngôi nhà, cây cầu, con đường cao tốc, cái đập thủy điện cũng rẻ tiền mau hỏng thì chết. Kỹ sư nói với tôi, có lần giám sát thi công cây cầu bằng vốn ODA, tay kỹ sư Nhật nó lắc đầu: “Chết thật, các ông xây cái cầu cho con cháu các ông mà các ông xây thế này…!”. An toàn đã đành, còn vẻ đẹp của cây cầu, yếu tố thẩm mỹ cũng bị bỏ qua, người ta cho là tốn kém không cần thiết.
 
- Vừa rồi sau hội thảo, - Kỹ sư nói tiếp - tôi đi dạo cùng một nhóm kỹ sư Pháp dọc khu biệt thự cổ. Tôi khen, trăm năm trước người Pháp đã xây dựng đẹp thế này thì chắc bây giờ phải ghê lắm. Họ bảo bây giờ chúng tôi cũng không xây dựng cầu kỳ như cha ông ngày xưa nữa, tiện ích trên hết. Có dịp anh sang Pari tận mắt chứng kiến mảng Pari hiện đại ở phía bắc thành phố mà xem. Đó là những khối hộp đuyra và kính chịu lực chọc trời, có “hộp” lắp kính râm khác nào cục than khổng lồ, nóng như cái lò sấy.
 
Hóa ra toàn thế giới xuống cấp? Những tiêu chí cơ bản đã đổi thay, đã gọi là kỹ năng sống thì lấy đâu ra chân chỉ hạt bột mà ăn chắc mặc bền? 
 
Tôi nhặt cái thớt, để lại con gà chặt dở lên. 
 
- Bây giờ người ta gặm cả đùi, nhai cả cánh, có khi xơi cả con. Dao cụ Tín nhà ông cũng bằng thừa. Ai còn chẻ cái đầu gà ra làm năm, pha cái phao câu thành bốn như bổ chũm cau, những miếng thịt gà mỏng cánh bướm thổi bay xa mười mét như ông nội tôi nữa. 
 
Tất cả đã thay đổi. Có thời người ta sống thế này, có những năm tháng người ta sống thế kia. Người mỗi lứa mỗi khác, như cỏ cây có mùa, năm bội thu hoa tươi hạt mẩy, năm sâu bệnh lép hạt héo hoa. Người cũng có mùa, lẽ dĩ nhiên, có mùa được mùa mất, âu cũng là chuyện thường tình.
 
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM