Hội thảo "Nâng cao hình ảnh quốc gia qua Di sản tư liệu được UNESCO công nhận" vừa được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức tại Đà Lạt. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với bà Dianne Mary Macaskill về những cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong việc sử dụng Di sản tư liệu được UNESCO công nhận để nâng cao hình ảnh quốc gia.
Hội thảo “Nâng cao hình ảnh quốc gia qua Di sản tư liệu được UNESCO công nhận” vừa được Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức tại Đà Lạt. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với bà Dianne Mary Macaskill về những cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong việc sử dụng Di sản tư liệu được UNESCO công nhận để nâng cao hình ảnh quốc gia.
PV: Xin bà cho biết vài nét về Chương trình MOW của UNESCO và Việt Nam?
Bà Dianne Mary Macaskill:
Chương trình Ký ức thế giới (Memoy Of the World - MOW) của UNESCO là một trong 3 chương trình di sản của UNESCO, ra đời năm 1992 với mục đích bảo tồn các di sản tư liệu của nhân loại cho thế hệ tương lai; đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc bảo vệ và tiếp cận các di sản tư liệu thế giới. Những tài liệu Di sản được công nhận đầu tiên vào năm 1997, với 3 cấp độ: quốc gia, khu vực và quốc tế. Mục tiêu của việc công nhận các di sản tư liệu nhằm thay đổi cách đánh giá, bảo quản, sử dụng tài liệu có trong thư viện, lưu trữ và bảo tàng ở mỗi quốc gia, chính phủ, cộng đồng. Đến cuối năm 2013 đã có 84 Di sản tư liệu được đề nghị và đã có 56 Di sản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Việt Nam tham gia MOW từ năm 2006. Đến nay, Việt Nam đã có 4 tư liệu được công nhận là Di sản tư liệu thuộc MOW của UNESCO. Đó là “Mộc bản triều Nguyễn” (2009) hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt), “82 Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc” (2011) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm” (2012, Bắc Giang) và “Châu bản triều Nguyễn” (2014) được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội).
PV: Bà đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong việc sử dụng Di sản tư liệu để nâng cao hình ảnh quốc gia?
Bà Dianne Mary Macaskill:
Việt Nam đang có rất nhiều di sản tư liệu quý. Đây là những bằng chứng về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Từ đó có thể thấy sự đổi thay của Việt Nam thông qua di sản tư liệu. Nói một cách khác, các di sản tư liệu chính là những câu chuyện lịch sử chân thực nhất. Khi các di sản tư liệu được dịch sang tiếng nước ngoài để bạn bè thế giới được biết và tham khảo chính là cách để quảng bá hình ảnh của Việt nam bằng lịch sử dân tộc. Nhưng, không phải di sản tư liệu nào cũng dễ chuyển ngữ, cho nên, cần phải có những phương pháp phù hợp và tiến bộ để tư liệu di sản được quảng bá tốt hơn nữa tới bạn bè thế giới. Ví dụ, hiện nay, du khách tham quan di sản tư liệu dùng điện thoại để chụp ảnh và chia sẻ những thông tin về di sản tư liệu tới bạn bè… Nhưng, những người làm công tác di sản cần nghĩ đến phương pháp lâu dài, bền vững và mang lại hiệu quả cao hơn, như: liên kết các chuỗi di tích để quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua các hình thức thu hút du khách, thu hút giới nghiên cứu và truyền thông, dịch giả và giảng viên…
Khác với các di sản vật thể, di sản tư liệu phải được bảo tồn trong điều kiện khác biệt và không dễ thực hiện, vì chúng được thể hiện trên những vật liệu khác nhau, như trên giấy, trên đá, trên gỗ… Với mỗi loại vật liệu cần có công tác bảo tồn, điều kiện bảo tồn khác nhau… để lưu giữ và phát huy giá trị của di sản tư liệu. Hiện nay, thông qua việc số hóa, các di sản tư liệu có thể được lưu giữ lâu hơn và giới thiệu rộng rãi hơn tới nhiều đối tượng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhưng, để số hóa được di sản tư liệu, chúng ta cần phải có nguồn lực, cần những con người có kỹ năng, có kiến thức trong việc thực hiện số hóa. Còn để làm tốt hơn công tác phát huy và bảo tồn di sản, thì nước nào có di sản tư liệu cũng đều phải đối mặt chứ không riêng Việt Nam. Cần có mạng lưới liên kết đến các quốc gia có di sản tư liệu để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm công tác bảo tồn, phát huy và truyền lại những kinh nghiệm này cho các thế hệ làm công tác bảo tồn, cũng như truyền lại niềm đam mê học hỏi, tìm hiểu về di sản tư liệu và niềm tự hào có những di sản tư liệu ấy cho con cháu chúng ta… để di sản tư liệu trở thành tài sản quý giá và được yêu mến, trân trọng thực sự… Chương trình Ký ức thế giới chính là sự hỗ trợ đắc lực để Việt Nam bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu và quảng bá di sản tư liệu Việt Nam ra thế giới…
|
Di sản tư liệu Mộc bản được bảo quản ở Đà Lạt |
PV: Qua thực tiễn ở New Zealand bà có thể chia sẻ các kinh nghiệm Việt Nam nên thực hiện trong việc sử dụng Di sản tư liệu để nâng cao hình ảnh quốc gia ra sao?
Bà Dianne Mary Macaskill:
Ở New Zealand, MOW được quản lý bởi một tổ chức từ thiện, có pháp nhân riêng biệt, được Ủy ban Quốc gia UNESCO New Zealand hỗ trợ. Chúng tôi tìm kiếm những di sản tư liệu có ý nghĩa quan trọng về sự hình thành dân tộc và lịch sử dân tộc, như tư liệu về người Maori: có tổ tiên là những thổ dân sống ở miền Đông Polynesia, xuất hiện ở New Zealand khoảng thế kỷ thứ X. Trải qua nhiều thế kỷ bị cô lập, những cư dân Polynesia này đã phát triển một nền văn hóa Maori độc đáo, với một ngôn ngữ riêng (nay là một trong 3 ngôn ngữ chính của New Zealand), một kho thần thoại phong phú, các nghề thủ công và nghệ thuật trình diễn đặc sắc... Tư liệu về cuộc sống và sự nghiệp văn học của Charles Orwell Brasch - nhà thơ, nhà biên tập văn học và nghệ thuật... Tư liệu lưu trữ về đại công dân New Zealand - Edmund Hillary Archive - nhà leo núi, nhà thám hiểm và nhà từ thiện; ông và người bạn Sherpa trở thành người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest vào tháng 5/1953 và được vinh danh là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX…
Ngoài ra, di sản tư liệu ở New Zealand là những câu chuyện quốc tế, với 11 di sản tư liệu về nhân quyền và 7 di sản tư liệu về y học cổ truyền được công nhận, như: Tư liệu lưu trữ về tội ác diệt chủng ở Campuchia, tư liệu về kiến nghị quyền bỏ phiếu của phụ nữ… Chúng tôi đánh giá cao và tập trung vào sự cần thiết và đảm bảo của việc bảo quản di sản tư liệu và tiếp cận tư liệu. Chúng tôi cũng khuyến khích việc công nhận di sản tư liệu ở cấp khu vực và quốc tế đối với những tư liệu nổi bật của New Zealand…
Ở New Zealand, di sản tư liệu mang lại lợi ích tích cực và to lớn cho những cơ quan, tổ chức được lưu trữ và bảo quản di sản ấy. Đó là được nâng cao danh tiếng bởi những mối quan tâm ngày càng tăng của giới nghiên cứu và giảng dạy ở những lĩnh vực liên quan đến di sản; ngoài ra, còn thu hút được nguồn tài trợ cho nghiên cứu và số hóa những tài liệu đang bị đe dọa, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều độc giả dễ dàng tiếp cận với tư liệu hơn… Đó chính là quảng bá và nâng cao hình ảnh đất nước qua di sản tư liệu.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
LÊ HOA (thực hiện)