Là một tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống - sự đan xen hòa quyện các yếu tố văn hóa này đã tạo cho Lâm Đồng có một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc riêng.
Lâm Đồng có dân số 1,25 triệu người với 43 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 75,9% và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 24,1% dân số toàn tỉnh, trong đó DTTS gốc Tây Nguyên chiếm gần 17%… Là một tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống - sự đan xen hòa quyện các yếu tố văn hóa này đã tạo cho Lâm Đồng có một kho tàng văn hoá dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc riêng.
Những nỗ lực ban đầu
Việc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESSCO công nhận là Di sản văn hoá (DSVH) truyền khẩu và kiệt tác phi vật thể nhân loại ngày 25/11/2005 (tháng 4/2008 đổi tên thành DSVH phi vật thể đại diện nhân loại) đã mở ra nhiều cơ hội để bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa độc đáo này trong tình hình hiện nay. DSVH cồng chiêng của các dân tộc Mạ, K’Ho và Churu… trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là một bộ phận quan trọng của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
|
Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Phan Nhân |
Cồng chiêng Tây Nguyên có những nét độc đáo, dựa trên triết lý sống, tư duy của các dân tộc Tây Nguyên. Đó là sự đa dạng, linh hoạt trong diễn tấu, trong biên chế của dàn cồng, không căn cứ vào độ cao và chức năng của mỗi loại cồng trong khi biểu diễn mà có liên quan tới tổ chức xã hội: có cồng mẹ, cồng cha, cồng con, cồng cháu… Cách gõ cồng cũng hết sức linh hoạt: dùi làm bằng gỗ cứng, gỗ mềm, bọc da, gõ bằng tay phải hay tay trái, trong khi gõ, tay có thể bóp vành cồng tạo nên âm thanh khác nhau…
Trong dàn cồng chiêng, vị trí của mỗi cá nhân cũng hết sức đặc biệt: đối tượng quan trọng nhất bao giờ cũng ở giữa, dàn cồng đi vòng quanh đối tượng từ phải sang trái, ngược chiều kim đồng hồ, với ý nghĩa ngược thời gian trở về dĩ vãng, từ bên ngoài vào trong tim…
Không chỉ là một nhạc cụ, cồng chiêng còn có chức năng như một sợi dây linh thiêng, nối liền giữa con người với thần linh. Cồng chiêng có mặt trong mọi giai đoạn sống của con người: từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến khi giã biệt cõi đời, cũng như có mặt trong mọi hoạt động cộng đồng của người Tây Nguyên: mừng lúa mới, cưới hỏi hay ma chay…
Về mặt ý nghĩa, cồng chiêng của các dân tộc cơ bản là giống nhau: đều là phương tiện truyền tin cho cộng đồng, là vật thiêng để liên hệ với thần linh. Tuy nhiên, về mặt hình thức, mỗi dân tộc đều có một cách thể hiện riêng của mình, có thể hình thức khác nhau, nhưng nội dung là như nhau.
Năm 2009, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng 2009 - 2010 tầm nhìn 2015”. Ngành văn hóa Lâm Đồng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, phương thức khác nhau như: truyền dạy, quảng bá, giới thiệu, tái hiện di sản… nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng.
Hoạt động trao truyền văn hóa cồng chiêng được coi là mục tiêu trọng tâm của đề án. Từ năm 2010 đến nay, các lớp truyền dạy cồng chiêng đã được mở ở khắp nơi trong tỉnh. 45 lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ từ 15 - 32 tuổi ở các địa phương có đông đồng bào Mạ, K’Ho, Churu sinh sống với số lượng 30 học viên/lớp và 8 nghệ nhân truyền dạy… Qua lớp học các học viên đều nắm vững những thao tác diễn tấu và những bài bản chiêng cơ bản của dân tộc mình. Họ trở thành những hạt nhân nòng cốt hình thành nên những đội cồng chiêng ở các thôn, buôn, duy trì luyện tập thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện, phục vụ nhân dân địa phương.
Thời gian qua, Sở VH-TT-DL đã trang bị 12 bộ chiêng truyền thống cho các địa bàn thôn, buôn có khả năng duy trì và phát triển tốt văn hóa cồng chiêng ở các huyện Di Linh, Đam Rông, Đức Trọng, Đạ Huoai, Lạc Dương, Đơn Dương. Hỗ trợ các hoạt động biểu diễn và trang phục biểu diễn cho 2 đội cồng chiêng K’Long (Hiệp An - Đức Trọng), Diom A (Lạc Xuân - Đơn Dương) và giúp các đội cồng chiêng xây dựng thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho các đội cồng chiêng. Tổ chức 2 chương trình liên hoan văn hóa cồng chiêng tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm; hàng năm, duy trì ngày hội văn hóa cồng chiêng các dân tộc tỉnh Lâm Đồng luân phiên tổ chức ở từng huyện (năm 2012 tại Đơn Dương, 2013 tại Cát Tiên, 2014 tại Lạc Dương…) góp phần phát huy di sản. Đồng thời, tại các đợt liên hoan đã tổ chức gặp gỡ biểu dương các nghệ nhân sử dụng chiêng, chỉnh chiêng, truyền dạy cồng chiêng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Năm 2012 đã tôn vinh 20 nghệ nhân, năm 2013 tôn vinh 39 nghệ nhân, năm 2014 tôn vinh 45 nghệ nhân…
Mỗi đợt liên hoan cũng là dịp để ngành văn hóa nhìn nhận, đánh giá được mức độ bảo tồn đối với từng địa phương, qua đó, tăng cường công tác gìn giữ, giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy DSVH cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc bản địa đối với văn hóa truyền thống. Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, duy trì như Lễ Nhô wèr (Uống kiêng cữ - cúng ruộng vào tháng 9 -10 hàng năm của người K’Ho ở Bảo Thuận, Đinh Lạc, Gung Ré, Liên Đầm - Di Linh), Lễ Pơthi (Lễ bỏ mả của người Churu ở Pró, Lạc Xuân, Ka Đô - Đơn Dương), Lễ Bok chu bur (buôn Ma Am - Đà Loan - Đức Trọng)… Các lễ hội truyền thống là điều kiện môi trường thuận lợi để gìn giữ và phát huy DSVH cồng chiêng.
Vấn đề đặt ra
Không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc có liên quan đến hàng loạt các loại hình DSVH khác như kiến trúc (nhà cửa), phong tục tập quán (thói quen sinh hoạt, ứng xử xã hội), tín ngưỡng (đời sống tâm linh), ẩm thực (đồ ăn thức uống)… Hoạt động diễn tấu cồng chiêng cũng gắn liền với trang phục, nghi lễ dân gian, ẩm thực, không gian kiến trúc… Vì vậy, bên cạnh công tác bảo tồn, ngành văn hóa Lâm Đồng đã không ngừng phát huy di sản, đưa văn hóa cồng chiêng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để níu chân du khách khi đến Đà Lạt. Trong đó, Khu Du lịch Lang Biang hàng năm tổ chức từ 200 - 300 buổi giao lưu văn nghệ cồng chiêng cho du khách; 12 nhóm cồng chiêng ở Lạc Dương hàng năm phục vụ hơn 500 ngàn du khách đã làm cho hoạt động tập luyện và biểu diễn cồng chiêng trở thành sinh hoạt văn hóa thường xuyên của đồng bào K’Ho đang sinh sống dưới chân núi Lang Biang. Nhiều khu điểm du lịch như đồi Mộng mơ, thác Prenn, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà… cũng đều đặn tổ chức giao lưu văn hóa cồng chiêng cho du khách.
Hiện nay, các giá trị DSVH đang đứng trước nguy cơ mai một do những tác động tất yếu của quá trình hội nhập và mặt trái của cơ chế thị trường. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị DSVH cồng chiêng trong thời gian tới phải lưu ý các vấn đề sau:
Đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép những bài chiêng, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn bó với cồng chiêng. Ghi âm, ghi hình các tài liệu, tư liệu về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Nam Tây Nguyên để lưu giữ, bảo quản và phát huy lâu dài.
Tiếp tục nghiên cứu khoa học về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Nam Tây Nguyên một cách hệ thống và toàn diện ở địa bàn đông đồng bào dân tộc sinh sống và những vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng.
Nghiên cứu, phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội gắn với vòng đời người và vòng đời cây trồng ở các cộng đồng DTTS tại các địa bàn để tạo môi trường diễn xướng của cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.
Tổ chức biểu diễn, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở các trường học, để nâng cao trình độ thưởng thức của mọi tầng lớp nhân dân về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng dân cư dân tộc Tây Nguyên ở Lâm Đồng. Tổ chức và hình thành các sản phẩm văn hóa du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa cồng chiêng vào mục tiêu phát triển kinh tế - du lịch Lâm Đồng.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tạo mọi điều kiện mở rộng nguồn đầu tư khai khác về tiềm năng vật lực và tài lực trong xã hội tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa. Mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Cần cụ thể hóa hơn một số chế tài đối với các hoạt động khai thác, sử dụng DSVH, kể cả DSVH vật thể và phi vật thể của các dân tộc bản địa Lâm Đồng.
Việc bảo tồn và phát huy DSVH không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy DSVH cồng chiêng các dân tộc Lâm Đồng rất cần sự phối hợp vào cuộc của các ngành, các cấp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chiến lược bảo tồn DSVH các DTTS Tây Nguyên, trong đó có cồng chiêng.
Ths. BON YO SOAN