Cục cưng (truyện ngắn)

09:11, 27/11/2014

Tôi quen biết anh chị Đề La từ ngày tôi mới chuyển vào công tác trong này. Khi tôi vào đến nơi cũng là lúc anh chị vừa tổ chức lễ cưới xong. Anh là cán bộ nhà nước, chị là tiểu thương, buôn bán mọi thứ có thể buôn bán được, từ rau dưa, tương cà mắm muối, khi hàng này ế ẩm thì chuyển sang hàng khác. Chị buôn bán mau lẹ như chiếc máy tính bảng.

Tôi quen biết anh chị Đề La từ ngày tôi mới chuyển vào công tác trong này. Khi tôi vào đến nơi cũng là lúc anh chị vừa tổ chức lễ cưới xong. Anh là cán bộ nhà nước, chị là tiểu thương, buôn bán mọi thứ có thể buôn bán được, từ rau dưa, tương cà mắm muối, khi hàng này ế ẩm thì chuyển sang hàng khác. Chị buôn bán mau lẹ như chiếc máy tính bảng.
 
Minh họa: HỒ TOÀN
Minh họa: HỒ TOÀN

 

Sau khi lấy nhau, anh chị được bố mẹ cho ra ở riêng với một căn nhà nho nhỏ xinh xinh ở ngoại ô, rất thích hợp với cuộc sống của đôi vợ chồng mới cưới đang tuần trăng mật.

 
Phần sân trước anh giăng dây thả hoa móng cọp. Hoa bò đầy giàn, chúng sanh sôi nảy nở thật nhanh. Lúc mới trồng tôi không tin nó có thể sống và phát triển nhanh đến vậy. Góc trong sân, phía cuối giàn hoa anh kê một bàn đá Grannito và mấy cái ghế. Thỉnh thoảng tôi đến chơi, anh lại mang nước ra cái bàn ấy. Chúng tôi vừa uống nước vừa ngắm hoa. Thật là thú vị. Thật nên thơ ở thành phố ngàn hoa này.
 
Những lúc như vậy, anh thường kể chuyện “ngày xưa” cho tôi nghe, chuyện thời đánh giặc Tây, giặc Tàu, nhưng tôi thường lái anh theo hướng khác. Tôi muốn anh kể chuyện về tình yêu giữa anh và chị. Lúc ấy, anh cười hóm hỉnh, nhìn tôi:
 
- Chú mày khôn quá đấy. Muốn học tập kinh nghiệm của anh hả? Chẳng có kinh nghiệm gì đâu, chú mày ạ! Chẳng qua là cái duyên số, với lại kinh nghiệm của anh nếu có thể gọi như vậy là cứ bám riết, bám dai như đỉa đói ấy, cô nào có lòng dạ sắt đá đến mấy cũng phải đổ! - Anh đắc chí cười ha hả, bỗng chị Đề La từ nhà trong bước ra:
 
- Anh vừa nói cái gì đó? Bám dai như đỉa hả? Nếu không có ông già tôi khuyên lơn thì có dai như đỉa cũng sức mấy… Giờ cưới được vợ rồi lại nói khoác.
 
- Thì lúc đó em đi đâu anh bám theo đó, em cũng ngán chớ bộ!
 
Nói xong anh cười ha hả… ha hả… sảng khoái. Anh châm điếu thuốc.
 
- Chú muốn lấy vợ hả? Anh còn cô em út trông cũng khá: Thúy Vân sánh được Thúy Kiều thì không. Ưng không?
 
- Úi! Em chưa tính chuyện đó. Với lại em anh xinh thế, em có xin theo xách dép cô ấy cũng chẳng cho, nữa là…
 
- Chuyện đó chú mày khỏi lo, đã có anh làm “quân sư quạt mo” tay trong. Anh coi tướng chú mày miệng nói thế chứ trong lòng muốn lắm rồi! Vừa nói anh vừa nheo mắt cười cười giiễu cợt.
 
Thời gian rỗi chúng tôi ngồi nói chuyện phiếm ngày càng hiếm. Ngoài công việc ở cơ quan, anh còn phải giúp chị trong việc sổ sách buôn bán. Tuy vậy, anh cũng không quên cái nghĩa vụ đàn ông, sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường. Chỉ mới có mấy năm anh đã cho ra đời đến ba mống “vịt trời”, trong đó có một lần sinh đôi. Mỗi lần “vịt trời” ra đời, anh chị lại có cách giải thích khác nhau…
 
- Con nào chẳng là con! Trai gái gì mà nó biết ăn ở hiếu thảo với bố mẹ là được ! - Tôi động viên anh: - Anh đọc và nghe rồi đấy, con gái mà được như bà “đầm thép”, bà Thát - chơ bên sứ sương mù ấy, hay như cái bà Găng-đi ở Ấn Độ, bà Bút-tô ở Pakistan hay như các bà Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Bình thời nay hoặc như các bà Trưng, bà Triệu ngày xưa của ta ấy cũng đáng hãnh diện cho dòng tộc và cả nước lắm chứ!
 
Nghe tôi “thuyết” gương mặt anh giãn ra, thu bớt nếp nhăn, trông mặt anh tươi tắn hẳn lên.
 
- Chú mày nói, anh nghe phải lắm. Nhưng…
 
- Nhưng sao anh?
 
Anh châm thuốc lá rít một hơi dài. Anh có thói quen ấy khi cảm thấy có điều gì đó khó nói:
 
- Nhưng có “cu tí dân quân du kích hay chú bộ đội” vẫn hơn. Nói xong, anh lại nhìn tôi cười cười như mong được đồng tình.
 
Nhưng mà anh hết “tiêu chuẩn” rồi. Anh lại “khởi động” không có kế hoạch, chị lại tiếp tục cho ra đời vịt trời nữa, thì tính… tính sao?  
 
- À! à! Nếu lại một chị vịt trời nữa thì gay thật đấy. 
 
Bẵng đi hơn một năm do bận bịu công việc, anh và tôi không gặp nhau. Hôm ấy vào ngày Chủ Nhật, tôi đang ngồi bên cửa sổ lơ đãng nhìn đám mây trắng xốp đang bồng bềnh trôi ngang bầu trời, bỗng nghe tiếng xe máy giòn dã mỗi lúc một gần. Từ xa anh đã gọi to: 
- Chú Quang! Chú Quang có nhà không đấy?
 
- Có tôi, có tôi đây! Tôi thò đầu ra cửa sổ nói lớn. 
 
- Ôi! Anh Đề La! Có việc gì vậy?
 
Anh dừng xe, tắt máy, bước ngay vào nhà vẻ hồ hởi:
 
- Chú mày, chú mày biết gì chưa? Anh vừa ở bệnh viện về và tạt ngay vào chú đấy!
 
- Có chuyện gì mà anh vào bệnh viện? Chị và các cháu đau ốm, bệnh tật gì à?
 
- Ồ! Không. Không! Chị chú sinh… sinh một “chú bộ đội ” con. Phải! Một chú bộ đội con, chú mày ạ!
 
- Ôi! Chúc mừng! Chúc mừng anh. Tôi nắm lấy tay anh giật giật.
 
- Ở đây, chỗ em chẳng có gì để ăn mừng. Em pha ấm trà Thái Nguyên họ vừa biếu để anh em mình uống mừng vậy. Thế có được không?
 
- Ừ! Ừ! Chú mày pha nước, anh đi kiếm mấy điếu ba số, chè Thái Nguyên phải có anh ba số mới khoái, với lại có cu Tí cũng đáng hút điếu ba số lắm chứ.
 
Thằng bé lớn dần lớn dần theo năm tháng. Năm lên bốn nó đã là đứa bé kháu khỉnh, chân tay mập mạp, cứng cáp. Nó rất thích hóng chuyện. Anh chị đặt tên cho nó là Đa.
 
- Tại sao, anh chị lại đặt tên cháu như vậy, cái tên nghe chẳng sang, chẳng văn vẻ gì cả. Anh bảo:
 
Đời mình cái gì cũng thiếu thốn. Đặt nó tên Đa cho dễ gọi, với lại Đa là nhiều, là đầy đủ. Mong sau này nó có được cuộc sống sung túc đầy đủ hơn mình.
 
Cu Đa càng lớn càng nghịch ngợm. Nó được mọi người trong nhà chiều chuộng, ưu ái. Cái gì nó cũng được phần hơn. Từ quần áo đến tấm bánh nó đều được ưu tiên và lúc nào nó cũng được phần hơn các chị nó. Tóm lại nó là cục cưng vô giá của anh chị Đề La. Anh ra một mệnh lệnh cho mấy đứa chị nó: - Các con không được la rầy, đánh đập em Đa, nghe chưa!
 
Lúc rảnh rỗi anh còn dạy cho nó mấy đường quyền, đường võ. Mỗi khi tôi đến chơi, anh thường bảo cu Đa: 
 
- Con đi mấy đường quyền cho chú Quang xem đi!
 
Thằng cu Đa thật bạo dạn. Nó nhìn tôi rồi bước ra giữa nhà: Xuống tấn!
 
Hai chân nó dạng ra, đầu gối gập xuống vừa phải, lưng thẳng, mắt hướng về kẻ địch giả định, hai tay co lại vuông thước thợ kẹp sát hai bên sườn, tay nắm lại thành quả đấm, sẵn sàng xông vào đối thủ.
 
Động tác biểu diễn của nó thật dứt khoát, mạnh mẽ. Chưa hết, nó chuyển thế võ: Thu mình lại, tay trái đưa ra phía trước, co tay phải về giữa sát sườn, chân trước gập và chùng xuống, chân sau soãi ra. Nó sẵn sàng tung cú đá lợi hại… Những lúc trông cu Đa biểu diễn võ thuật như thế anh vui lắm. Gương mặt anh rạng rỡ hẳn lên.
 
- Con nhớ nhé! Trước hết phải xuống tấn. Xuống tấn là chủ động đề phòng và sẵn sàng tấn công kẻ thù.
 
Đa biểu diễn xong đường quyền, nó khép hai chân, chấp tay, cúi người chào theo lối võ hiệp.
 
Anh đứng lên xoa đầu thằng Đa rồi bế thốc nó lên, nựng:
 
- Cục cưng của ba biểu diễn hay lắm, giỏi lắm! 
 
Tôi cũng khen cháu, vì ở tuổi cháu mà thuộc được những đường quyền như vậy cũng đáng khen lắm chứ. Nhưng tôi linh cảm và e ngại về sau…
 
Cục cưng của anh chị Đề La cứ thế lớn lên, vừa học chữ vừa học võ. Anh còn gửi nó cho một thầy võ nổi tiếng để dạy võ cho nó. Việc dạy võ và học võ ngày nay cũng có chút khác xưa. Ngày xưa, việc thu nhận môn sinh, các thầy võ xem xét kỹ lắm. Việc có nên truyền quyền cước, võ thuật cho môn sinh nào đó là việc phải cân nhắc kỹ. Nếu không, dạy võ thuật côn quyền cho đứa thủ ác sẽ gây họa cho bàn dân thiên hạ, đứa có tính khoe khoang hiếu thắng thì ít ra cũng gây ẩu đả thương tích cho người khác.
 
Thầy võ còn dạy nó rằng: Khi đứng trước đối thủ không nên nóng nảy, bộp chộp ra đòn ngay mà phải quan sát xem đối thủ là hạng người nào (xem sắc thái mặt họ). Nếu là đứa thủ ác, không hạ nó ngay ắt nó sẽ giết mình, lúc ấy phải ra đòn chí tử và cực nhanh để nó không kịp ra tay gây tội ác. Còn với kẻ vì tức giận, vì bị khích bác mà muốn động thủ thì chỉ nên ra đòn cảnh cáo. Cậu nghe rõ chưa? Võ là Đức. Học võ là để phòng thân chứ không phải cậy có võ rồi gây tai ương cho người khác.
 
Thấm thoát cu Đa đã trở thành một trang niên thiếu có cơ thể khỏe mạnh, cơ bắp cuồn cuộn, đẹp mã. Anh chị Đề La mừng lắm. Lúc có khách đến thăm chơi cũng đem nó ra khoe, thậm chí khen với khách trước mặt nó. Thế là cu cậu ngày càng phổng mũi và ngày càng muốn nổi trội trong đám bạn bè. Anh chị Đề La còn bận lo làm ăn, lo kiếm tiền nuôi bốn đứa con đang ăn học. Anh phó mặc chuyện học hành của nó cho thầy cô, cho trường và lũ bạn bè của nó. Biết vậy, đôi lúc tôi lựa lời khuyên anh chị nên quan tâm đến việc học hành của cháu. Nghe tôi khuyên, anh bảo:
 
- Thì được cái nọ phải mất cái kia. Được đường võ thì mất đường văn, với lại học hành cho lắm rồi liệu có tìm được việc làm không hay lại lông nhông ngoài đường cũng thế thôi!..
 
- Úi! Bây giờ muốn được làm công chức nhà nước thì phải thi tuyển, phải có bằng cấp chứ không như ngày xưa. Anh chị mà không lo thì sau này ân hận đấy.
 
- Cái đó chú khỏi lo đi. Trong thời buổi này anh nghiệm ra ba loại người sau đây dễ có cơ hội tiến thân hơn người khác. Một là phải có chức, có quyền, thân thế, quen biết. Hai là phải có nhiều tiền, “có tiền mua tiên cũng được”. Ba là phải có sức mạnh. Anh không chấp nhận thuyết người ta tát má bên trái thì chìa nốt má bên phải cho họ tát tiếp, phải ăn miếng trả miếng ngay tức khắc. Họ đánh mình thì mình đánh trả. Không ai bắt nạt được mình.
 
- Ôi! Lý lẽ như anh là kiểu lấy oán trả oán, chỉ mua thù chuốc hận mà thôi. Như thế không ổn đâu. Với lại cháu Đa còn nhỏ chưa đủ trí khôn để hiểu mọi việc phức tạp của cuộc sống mà anh nhồi nhét ba mớ lý lẽ đó, e rằng có ngày mang tai họa.
 
Với lối suy nghĩ đó anh đã vô tình để mặc cho thằng con phát triển theo bản năng. Học tập thì kém nhưng lại thích gây gổ. Ở tuổi người lớn chưa ra người lớn, trẻ con không ra trẻ con lại có năm ba miếng võ, thằng Đa luôn ngứa ngáy chân tay. Thế là…
 
Hôm ấy, đứa bạn gái của nó bị một bạn trai chọc quê, tức thì nó nhảy vào ra tay yêng hùng hảo hớn, đánh cho bạn kia hộc máu mũi, tím bầm khóe mắt. Đám học sinh vây quanh hò reo, khích bác nhưng không cu cậu nào xông vào can ngăn hai bạn cả, mãi khi thấy người lớn đến chúng mới tản ra. Chuyện nhỏ thành lớn.
 
Được tin anh Đề La và tôi chạy đến nơi, rẽ đám đông vây quanh bế cháu bị đánh đi cấp cứu, chịu mọi phí tổn về thuốc men. Anh còn phải đích thân đến xin lỗi nhà trường, thầy cô và gia đình cháu bị đánh. Cũng còn may, gia đình cháu ấy cũng là gia đình tử tế hiền lành với lại cũng chẳng có thương tích gì trầm trọng nên họ thông cảm bỏ qua.
 
Xong đâu đấy anh quay về nhà, gọi thằng Đa:
 
- Ai bảo mày đánh đấm hả? Ba đã dặn, học xong là phải về nhà ngay kia mà! Anh nổi cáu giang tay định tát nó, nhanh như chớp thằng Đa chuyển thế đứng, xuống tấn, vung tay ngang trán, định gạt cái tay của ba nó. Ghê chưa!
 
Bỗng, anh nghĩ thế nào, bỏ tay xuống, mặt hầm hầm.
 
- Ai bảo mày gây gổ, đánh đấm chứ? Giờ phải chịu tiền thuốc men và bao nhiêu phiền phức khác. May mà nhà trường chưa đuổi học!
 
- Thì ba dạy con là phải ăn miếng trả miếng mà!
 
- Trời ơi là trời. Đấy là ba bảo để phòng thân. Hắn chọc quê con bé kia thì liên quan gì đến mày chứ? Mày mà cứ thế thì có ngày chết đấy con ạ!
 
Hai bố con anh đứng giữa nhà, mặt mày căng thẳng. Tôi bước ra nắm tay thằng Đa dắt ra sau nhà:
 
- Cháu không được cãi lại ba cháu. Trong việc này, cháu là người có lỗi. Cháu nên vào xin lỗi ba cháu!
 
 Nó bước vào nhà, nói lí nhí:
 
- Con xin… xin lỗi ba!
 
Lúc này, anh Đề La đã nằm vật ra xa lông, đầu óc mệt mỏi, căng thẳng. Cũng may là chị Đề La không có nhà, chứ nếu chị có mặt lúc này thì chẳng biết sự thể sẽ đi đến đâu, vì thằng Đa là cục cưng còn quý hơn vàng của chị mà. 
 
Cháu Đa tuy là đứa háo thắng nhưng cũng là đứa biết phục thiện, nó hứa:
 
- Từ nay cháu sẽ cố gắng học tập tốt, không làm điều gì bậy bạ để ba mẹ cháu và chú phải phiền lòng nữa!
 
- Cháu có đủ dũng cảm nhận khuyết điểm, đến xin lỗi bạn ấy, các bạn trong lớp, thầy cô và nhà trường không?
 
- Cháu hứa mà!
 
Đấy, cái chuyện cục cưng, “văn - võ” nhớ đời của vợ chồng anh Đề La là thế đấy! 
 
Truyện ngắn: NGUYỄN TÙNG CHÂU