Ngày 10/11/2014, tại TP. Tuy Hòa (Phú Yên), đã diễn ra Tọa đàm khoa học chuyên đề "Văn hóa với phát triển bền vững ở Tây Nguyên", do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Phương Đông và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức.
Ngày 10/11/2014, tại TP. Tuy Hòa (Phú Yên), đã diễn ra Tọa đàm khoa học chuyên đề “Văn hóa với phát triển bền vững ở Tây Nguyên”, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Phương Đông và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức. Đây là diễn đàn khoa học lần thứ tư về văn hóa Tây Nguyên liên tiếp được tổ chức trong 2 năm (2013 và 2014)…
Tham gia tọa đàm lần này có 150 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành thuộc các Viện nghiên cứu, Viện Văn học nghệ thuật Dân gian, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Tổng cục Du lịch, Bộ VH, TT&DL, Ủy ban Dân tộc, Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam,… và đại biểu trí thức là người dân tộc thiểu số đến từ 09 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Phước, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Kon Tum, Đăk Nông).
|
Múa dân gian của đồng bào K'Ho. Ảnh: PHAN NHÂN |
Trong một ngày làm việc, có 12 tham luận và hơn 10 phát biểu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đại biểu trí thức các dân tộc thiểu số đã trình bày. Mở đầu chương trình là tham luận “Văn hóa Tây Nguyên” của GS.TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam có tính khái quát toàn bộ về điều kiện tự nhiên, con người, bản sắc văn hóa và những vấn đề mang tính cốt lõi nhất của cộng đồng người Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên. Là người tham gia soạn thảo Đề án Cồng chiêng Tây Nguyên để đề nghị UNESCO công nhận “Di sản văn hóa truyền khẩu và kiệt tác phi vật thể nhân loại” (ngày 25/11/2005), nhưng ông thấy buồn và cho rằng, chức năng ngôn ngữ của cồng chiêng là nối kết với thần linh - chức năng văn hóa; song hiện nay chức năng này đang mất dần. Mối quan hệ giữa văn hóa với du lịch ở Tây Nguyên thiếu thống nhất, thậm chí văn hóa dân tộc bị “bóc lột”, bị lợi dụng để kinh doanh, thương mại… Nữ tiến sĩ người dân tộc Ê Đê - Buôn Krông Tuyết Nhung (Trường ĐH Tây Nguyên) đến với diễn đàn khoa học lần này với tham luận “Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phát triển bền vững”. Tham luận nêu vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa Tây Nguyên quyết định đến sự phát triển bền vững của Tây Nguyên; tuy nhiên, theo chị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa Tây Nguyên hiện đang dần bị phá vỡ bởi nhiều tác động từ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và ý thức của con người…
Nhiều tham luận và các ý kiến phát biểu tập trung bàn về tính đặc thù của văn hóa Tây Nguyên. Văn hóa Tây Nguyên được hình thành từ khá sớm (khoảng 400 năm; trong khi văn hóa khu vực Trung Bộ và Nam Bộ hình thành khoảng 300 năm, Bắc Bộ hơn 1.000 năm). Văn hóa Tây Nguyên phong phú, đa dạng và gắn chặt với RỪNG, văn hóa Tây Nguyên là văn hóa làng bản, văn hóa lễ hội. Văn hóa Tây Nguyên gắn chặt với tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng các dân tộc bản địa. Tây Nguyên hiện nay có hơn 5 triệu dân, ngoài cộng đồng các tộc người bản địa, tình trạng di cư tự do từ các vùng miền khác đã làm cho dân tộc Tây Nguyên bị pha trộn. (Tỷ lệ người dân tộc tại chỗ Tây Nguyên từ chỗ chiếm 90% dân số, đến nay chỉ còn chiếm khoảng 20 - 23% dân số trong cộng đồng). Nhiều nhà khoa học đã đưa ra những luận điểm từ sự pha tạp, xáo trộn về dân cư dẫn đến “pha tạp” về văn hóa ở Tây Nguyên. Đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu, lý giải thấu đáo… Bên cạnh đó, hàng loạt thực trạng khác cũng đang đặt ra trước những thử thách bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên, đó là: Văn hóa Tây Nguyên ngày càng bị mai một, rừng bị tàn phá “Mất rừng là mất văn hóa”; quy mô làng bản ở Tây Nguyên không còn như xưa (Nhà rông, nhà dài, nhà sàn…ngày càng mất dần đi); thế hệ trẻ không còn tha thiết với văn hóa truyền thống dân tộc; văn hóa cồng chiêng bị thương mại hóa; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang bị thu hẹp dần…
Điều đặc biệt so với ba lần hội thảo trước, tọa đàm khoa học về văn hóa Tây Nguyên được tổ chức trước đó là số đại biểu tham gia, trình bày tham luận chiếm phần lớn là trí thức người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Các trí thức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa… là người dân tộc thiểu số bản địa ở các tỉnh trong khu vực (Êđê, M’Nông, Gia rai, Ba Na, Kơ Ho, Mạ, Striêng…) trình bày, phát biểu ý kiến, nêu chính kiến của “người trong cuộc” đối với lĩnh vực văn hóa đặc thù đang được Đảng, Nhà nước, ngành Văn hóa rất quan tâm. Một số tham luận tiêu biểu được quan tâm như: “Văn hoá Tây Nguyên với du lịch” (của Linh Nga Niê Kdăm, Dân tộc Êđê, Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Tây Nguyên); “Văn hóa Tây Nguyên với phát triển bền vững: (TS Yghi Niê - người Êđê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Đăk Lăk); “Thực trạng và một số giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của người Eđê M’Dhur ở Phú Yên” (của Bác sĩ Lơ Mu Tu, dân tộc Êđê - Phó Bí thư Huyện ủy Sông Hinh - Phú Yên); “Giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên với phát triển bền vững” (TS. Buôn Krông Tuyết Nhung)… Đặc biệt, tham dự tọa đàm khoa học có ý nghĩa này, Lâm Đồng có 2 tham luận được trình bày thu hút sự quan tâm của đại biểu: “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng ở Lâm Đồng - Thực trạng và giải pháp” (Ths. Bon Yo Soan, dân tộc Ko Ho, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng); “Thực trạng văn hóa dân tộc Mạ hiện nay tại huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng” (của K’Wi, người dân tộc Mạ - Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm, Lâm Đồng)…
Thành công của diễn đàn khoa học lần này là đã thu hút đông đảo hơn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có nhiều tâm huyết với văn hóa Tây Nguyên; đặc biệt, đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo quản lý là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đã trực tiếp tham gia và phát biểu tham luận, chứng kiến của mình. Đây là “hơi thở”, là mạch nguồn, tư liệu quý để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa, tham mưu, hoạch định các chiến lược phát triển văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số của nước ta nói riêng; tiếp tục nghiên cứu, phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 33- NQ/TW, ngày 9/6/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về văn hóa…
THANH DƯƠNG HỒNG