"… Họ đã ngấm vào tôi, tôi hóa thân thành họ… tôi muốn giữ họ bên mình, như là số phận, như là triết lý sống, như là minh chứng về các lẽ nhân ái và lãng mạn mà tôi hằng đeo đẳng…" - Đó là lời tâm sự rất thật của nhà báo, "cây" phóng sự Đỗ Doãn Hoàng - Báo Lao Động trong cuốn sách "Họ vẫn sống trong tôi". Tôi may mắn có lẽ là người đầu tiên được nhận cuốn sách anh tặng trong chuyến công tác tại Đà Lạt, khi nó vừa mới ra lò được 2 ngày, cuốn sách còn nóng hổi và thơm nguyên mùi giấy mực.
“… Họ đã ngấm vào tôi, tôi hóa thân thành họ… tôi muốn giữ họ bên mình, như là số phận, như là triết lý sống, như là minh chứng về các lẽ nhân ái và lãng mạn mà tôi hằng đeo đẳng…” - Đó là lời tâm sự rất thật của nhà báo, “cây” phóng sự Đỗ Doãn Hoàng - Báo Lao Động trong cuốn sách “Họ vẫn sống trong tôi”. Tôi may mắn có lẽ là người đầu tiên được nhận cuốn sách anh tặng trong chuyến công tác tại Đà Lạt, khi nó vừa mới ra lò được 2 ngày, cuốn sách còn nóng hổi và thơm nguyên mùi giấy mực.
|
Ảnh bìa cuốn sách “Họ vẫn sống trong tôi” của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng |
Kỷ niệm 20 năm làm báo, Đỗ Doãn Hoàng (anh viết báo từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường - Phân viện báo chí & tuyên truyền - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) anh lại cho bạn đọc thưởng thức tập ký chân dung ăm ắp nhựa sống. Mỗi trang sách mở ra một cuộc đời - một số phận - một chân dung nhân vật. Bằng lối viết giản dị, anh đã đưa bạn đọc tới những góc khuất cuộc đời, ở những nẻo đường xa xôi của Tổ quốc với những phận người nghiệt ngã, có khi là bi thương, chua xót… nhưng tựu chung lại, tôi thấy một trái tim nhân hậu, một cái nhìn nhân văn ở anh qua các phận người ấy. Cái mới luôn hiện hữu trong từng tác phẩm, tác giả luôn gợi mở tạo nên một suy nghĩ tốt đẹp, mở ra một cánh cửa tươi sáng cho dù nhân vật đó có lầm lỗi, cơ hàn… đến mức nào. Như nhà báo Trần Đức Chính nhận định về anh: “Tôi đồng ý với Đỗ Doãn Hoàng rằng: một cách nhìn nhân văn, văn chương; một lối tiếp cận mang đậm cá tính và trách nhiệm xã hội của người cầm bút trong một phóng sự báo chí luôn đáng đọc hơn rất nhiều so với các đoạn văn lấy sự dụng công để khỏa đi cái bi kịch nhạt nhẽo, hay thiếu những chân trời lạ của người cầm bút. Bởi không có sự sáng tạo nào vượt được chính bản thân cuộc sống với những thân phận Người…!”. Ai đó nói Doãn Hoàng hơi “ngoa ngôn”, nhưng tôi lại thấy đó chính là cái tài trong anh. Con người chất phác, giản dị, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình - ấy là cái cốt cách cần có của bất cứ ai đã trót dấn thân vào nghiệp báo. Trân trọng và nể phục sức sáng tạo không ngừng nghỉ trong anh, điều mà bất cứ một nhà bào trẻ nào cũng hằng mong ước: 38 tuổi đời, 20 năm tuổi nghề đã xuất bản 20 cuốn sách gồm các thể loại báo chí, văn chương. Trong đó có 17 cuốn ghi chép - phóng sự - bút ký như: “Trần gian còn một thứ nghề”, “Ký sự đồng rừng”, “Nhìn ngược từ nóc nhà Đông Dương”, “Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha”, “Nến cong và lửa thẳng”, “Săn Cave”, “Người đàn bà tử tế”, “Cánh chim rừng không mỏi”, “Tôi thật thà với chính tôi”, “Những thây người mang hình dầu hỏi”, “27 phóng sự Đỗ Doãn Hoàng”, “Trong thế giới người điên”, “Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng (in chung với Huỳnh Dũng Nhân)… Tạp văn “Tình cơm bụi” (in chung với em trai Đỗ Doãn Phương - Phó Tổng Biên tập Báo Thể thao - Văn hóa - TTXVN), tập truyện ngắn “Thung lũng đá mồ côi” , tập truyện vừa “Búi thông thơ dại”… Doãn Hoàng đã 2 lần đoạt giải báo chí quốc gia, gần 20 giải thưởng báo chí, văn chương, điện ảnh và phim tài liệu. Ngoài ra, một giảng viên Doãn Hoàng môn phóng sự, bút ký, phóng sự điều tra ở một số trường đại học, cao đẳng, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương nhiều năm qua đã được các bạn trẻ ngưỡng mộ. Với lối giảng dạy mộc mạc, dễ tiếp thu, một người thầy dày dạn kinh nghiệm và lăn lộn thực tế, sống chết với nhân vật trong từng tác phẩm báo chí của mình, đã thực sự gây ấn tượng mạnh với sinh viên báo chí hiện nay.
Đọc “Họ vẫn sống trong tôi” tôi như được trở về với kỷ niệm xưa, với những chân dung người thầy vô cùng yêu thương, gần gũi của bao thế hệ sinh viên báo chí chúng tôi. Như nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng viết: “… Mỗi câu chuyện của Đỗ Doãn Hoàng như một lối rẽ trên mặt đất. Và dù tôi bước theo bất cứ lối rẽ nào, tôi cũng gặp một đời sống với những thân phận cùng nỗi buồn của kiếp người bị thời gian che phủ đang từ từ hiện ra trên từng trang sách…”. Với tôi, một người em, một người đồng hương, đồng nghiệp, dõi theo bước chân anh đi từ thời ấu thơ đến giờ, tôi vẫn thấy một Doãn Hoàng lãng tử, hào sảng, nhưng chân chất, hồn hậu như chính những con người quê tôi họ vẫn từng sống như thế. Chính cái chân thành, sâu sắc ấy nó đã khiến anh đọng sâu trong lòng độc giả, những người hằng mến mộ anh.
NGUYỆT THU