Múa dân gian trong các lễ hội truyền thống của người K'Ho

05:11, 12/11/2014

Những điệu múa dân gian của người K'Ho có từ lâu đời và nó không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của người K'Ho. Bởi nó gần như là nghi thức bắt buộc, các điệu múa ở đây mang đậm ý nghĩa tâm linh nhằm tạ ơn Yàng và các thần linh đã phù hộ cho buôn làng cây lúa tốt tươi, kho lúa đầy bồ, cuộc sống bình yên...

Những điệu múa dân gian của người K’Ho có từ lâu đời và nó không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của người K’Ho. Bởi nó gần như là nghi thức bắt buộc, các điệu múa ở đây mang đậm ý nghĩa tâm linh nhằm tạ ơn Yàng và các thần linh đã phù hộ cho buôn làng cây lúa tốt tươi, kho lúa đầy bồ, cuộc sống bình yên...
 
Lễ đâm trâu
Lễ đâm trâu
 
Với quan niệm vạn vật hữu linh, thần linh luôn có mặt ở khắp nơi chi phối đến đời sống của con người. Vậy nên, người K’Ho thường tổ chức rất nhiều lễ cúng trong năm với sự tham gia đông đảo của cộng đồng, nhằm tạ ơn Yàng và các thần linh đã phù hộ cho buôn làng năm qua vụ lúa bội thu, kho lúa đầy bồ, cuộc sống bình yên và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt sẽ đến trong mùa rẫy sau. 
 
Trong các lễ hội truyền thống của người K’Ho, không thể thiếu được những điệu múa dân gian, ngoài ý nghĩa tâm linh, các điệu múa dân gian trong các lễ hội của người K’Ho còn có tính cộng đồng rất cao mà hầu như người nào cũng biết và ưa thích. 
 
Trong những dịp lễ hội, khi tiếng cồng chiêng trầm hùng vang lên, các cô gái K’Ho duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống, uyển chuyển với những động tác nhịp nhàng, đơn giản mà độc đáo đã tạo nên một vẻ đẹp đầy quyến rũ, mộc mạc, hoang dã, gần gũi với thiên nhiên của người thiếu nữ miền sơn cước. Những chàng trai lưng trần đóng khố, lộ rõ thân hình cường tráng của người con trai núi rừng, với những nhịp điệu khỏe khoắn, dứt khoát thể hiện một sức sống mãnh liệt. 
 
Các vũ điệu của người K’Ho cũng gắn liền với âm nhạc cồng chiêng và trống. Với tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng cả núi rừng, âm thanh đó như muốn lôi cuốn người xem hào hứng nhập cuộc vui, mọi người không phân biệt già trẻ, gái trai, bất kỳ ai đi tham dự lễ hội đều có thể múa nếu thích. Một trong những yếu tố thu hút người tham gia vòng múa là sự dân dã, dễ múa và đầy sức quyến rũ. Tất cả mọi người quây quần nắm tay nhau tạo thành vòng tròn nhảy múa di chuyển xung quanh cây nêu đâm trâu hoặc đống lửa. Với những bước nhảy uyển chuyển theo điệu nhạc đã đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, cứ như thế vòng múa ngày càng nới rộng. Đặc biệt, sự nhún nhảy của những người chơi nhạc cụ đã tạo nên sự rạo rực, tăng thêm sức sôi động của không khí ngày hội, khiến cho lễ hội thêm phần hấp dẫn.
 
Có thể nói những điệu múa dân gian độc đáo của người K’Ho đã thể hiện tâm tư, tình cảm và với khát vọng vươn tới những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống, giúp họ thêm gắn bó, yêu thương lẫn nhau,… Nó là mối giao cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, là hơi thở cuộc sống và là tâm linh của cộng đồng người K’Ho. 
 
Trải qua thăng trầm của lịch sử, các điệu múa đã có sự thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, song các điệu múa dù ở thời kỳ nào vẫn được coi như một sinh hoạt tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiểu số và gần như là linh hồn của các lễ hội. 
 
Ngày nay, nhóm người K’Ho Lạch đang sinh sống tại các bản làng dưới chân núi Langbiang đã lập nên những đội múa gồm các thành viên trong cùng dòng tộc, nhằm gìn giữ và phát huy những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình và giới thiệu cho du khách khi đến Đà Lạt hiểu rõ hơn về con người và vùng đất nơi đây, góp phần làm phong phú thêm loại hình dịch vụ du lịch của tỉnh nhà. Và nếu du khách một lần được đến với bản làng quen thuộc của người K’Ho Lạch dưới chân núi Langbiang, bên ánh lửa hồng với những chóe rượu cần, trong tiếng cồng chiêng vang vọng cả khu rừng, hòa mình với không gian lãng mạn và đầy huyền bí ấy, du khách sẽ được tham gia những điệu múa dân gian độc đáo của cư dân nơi đây để xua tan đi mọi ưu phiền, bận rộn trong cuộc sống hàng ngày. Hy vọng với hương vị của núi rừng và những tình cảm chân chất, mộc mạc của con người Tây Nguyên, tất cả như muốn níu chân những du khách khi một lần đến đây.
 
THANH BÌNH