"Phong cấp thiên cao viên khiếu ai / Chử thanh sa bạch điểu phi hồi / Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ / Bất tận trường giang cổn cổn lai"
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ chữ Hán “Đăng sơn” trong Chiến dịch Biên giới 1950.
Bài thơ “Đăng sơn” có quan hệ liên văn bản (1) (intertesctualité) với bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão (1255-1320):
Hoành sóc giang sơn các kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết vũ hầu (2)
(Tỏ nỗi lòng
Cầm ngang cây dáo (3) (trấn giữ) non sông đã mấy thu,
Ba quân như tỳ, hổ mà khí của chúng nuốt trâu (4).
Làm trai chưa trả xong nợ công danh,
Thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu (5))
Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ hấp thu và biến đổi câu thơ thứ hai của Phạm Ngũ Lão - câu thơ khẳng định, ca ngợi sức mạnh của quân đội Việt Nam thời đại nhà Trần trước quân Nguyên Mông lúc bấy giờ là kẻ thù số một của nhân loại.
Bài thơ “Đăng sơn” còn có quan hệ liên văn bản với bài thơ “Đăng cao” của Đỗ Phủ (712-770) - thi thánh nhà Đường ở Trung Hoa.
Phong cấp thiên cao viên khiếu ai
Chử thanh sa bạch điểu phi hồi
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai
Vạn lý bi thu thường tác khách
Bách niên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi
(Gió gấp, trời cao, vượn hú buồn,
Bến trong, cát trắng, chim bay về.
Lá cây rụng ào ào xuống nơi vô biên
Sông dài chảy cuồn cuộn về chốn bất tận
Vạn dặm thu sầu (ta) thường ở đất khách
Một đời bệnh nhiều, một mình lên đài (cao).
Gian nan, khổ hận (khiến tóc ta nhuốm bạc như) sương dày,
Uống cho đến say khướt, (ta) mới dừng chén rượu đục.)
Bài thơ này có thể được ngắt thành năm bài thơ tứ tuyệt nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ hấp thu và biến đổi bài thơ tứ tuyệt đầu tiên:
“Phong cấp thiên cao viên khiếu ai
Chử thanh sa bạch điểu phi hồi
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai”
Nghĩa là Người chỉ hấp thu và biến đổi ý tưởng “đăng cao viễn vọng” (lên cao, thấy xa) (6) của vị thi thánh đời nhà Đường nước láng giềng Trung Hoa.
Tích hợp (intégrer) sự hấp thu và biến đổi câu thơ “Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu” của Phạm Ngũ Lão cùng sự hấp thu và biến đổi ý tưởng “đăng cao viễn vọng” của Đỗ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài thơ tứ tuyệt luật đường “Đăng sơn”:
Huề trượng đăng sơn quan trận địa
Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân
Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân
(Lên núi
Chống gậy lên núi quan sát mặt trận,
Vạn trùng núi chen vạn trùng mây
Khí mạnh của bộ đội chính nghĩa nuốt sao Ngưu sao Đẩu,
Thề diệt quân xâm lược sói lang).
Bài thơ “Đăng sơn” thể hiện nội dung hiện đại trong cốt cách cổ điển (7).
“Thi trung hữu họa”. Bài thơ “Đăng sơn” được thể hiện như một bức tranh trên đó vị chỉ huy tối cao của chiến dịch chống gậy lên núi, nơi “vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân”, ở đó Chủ tịch Hồ Chí Minh thị sát mặt trận, thấy rõ “khí mạnh của bộ đội chính nghĩa nuốt sao ngưu, sao đẩu” (8) khi nhìn lên bầu trời; thấy rõ bộ đội ta đánh đuổi “sài lang xâm lược quân” lúc Người hạ sự viễn vọng xuống mặt đất. Nét vẽ của họa sĩ - nhà thơ làm nổi bật không gian rộng lớn từ mặt đất đến bầu trời, cái không gian xảy ra cuộc giao chiến giữa bộ đội chính nghĩa - quân đội nhân dân Việt Nam - với các đội quân xâm lược khổng lồ đến từ các cường quốc thực dân, đế quốc phương Tây. Trong cuộc giao chiến đó, khó khăn chồng lên khó khăn, thử thách chất lên thử thách, trường kỳ chiến đấu nối dài trường kỳ chiến đấu, nhưng quân đội ta sẽ lớn lên như Phù Đổng, đủ sức “thôn ngưu đẩu” (nuốt sao ngưu, sao đẩu) - ngưu đẩu là hai ẩn dụ về hai đội quân kế tiếp nhau xâm lược Việt Nam...
Hai câu thơ
“Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu
Thệ diệt sài lang xâm lược quân”
Nói lên đề xuất sáng suốt, đúng đắn của định hướng, sự dự báo chính xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tạo dựng sức mạnh phi thường của Quân đội Nhân dân Việt Nam và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do. Qua đó, ngược lên hai câu thơ đầu, người đọc thức nhận rõ hơn bao giờ hết thiên tài, sự nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Bốn câu thơ hô ứng nhau, như một bàn tay vừa nắm chặt giữ chắc sự đề xuất, sự định hướng, sự dự báo, vừa bung mở cho sự tưởng tượng bay bổng của nhà thơ và chân trời đón đợi (horizon d’attente) của độc giả…
Hãy soi những hình ảnh được thể hiện trong bốn câu thơ ấy vào lịch sử 30 năm (1945-1975) của nhân dân Việt Nam chống Pháp và Mỹ.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Ông từ Điện Biên Phủ trở lại chiến khu Việt Bắc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người ân cần dặn dò: Chiến thắng Điện Biên Phủ hết sức to lớn, nhưng mới là bước đầu, còn phải đánh Mỹ. Ông nhấn mạnh: Chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nói được như thế… Qua điều này, hai ẩn dụ trong bài thơ “Đăng sơn” là “ngưu đẩu” được giải mã và độc giả cảm nhận rằng câu thơ “Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu” là dự báo một cách tinh tế, nghệ thuật về sức mạnh phi thường của quân đội và nhân dân Việt Nam trước các đội quân xâm lược phương Tây.
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm Mậu Thân 1968 đã buộc Mỹ phải chấm dứt lần thứ nhất cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân chống miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán Paris về Việt Nam. Dự báo về kết quả của hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Mỹ phải thất bại trên bầu trời Hà Nội thì mới chịu ký vào Hiệp định Paris về Việt Nam. Quả thế, tháng 10/1972, Mỹ phản bội chữ ký tắt của mình vào văn bản dự thảo của hiệp định đó. Chiến thắng 12 ngày đêm tháng 12/1972 của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” của nhân dân Việt Nam phá tan cuộc tập kích bằng pháo đài bay B.52 của Mỹ xuống Thủ đô Hà Nội, buộc Mỹ phải cầm bút ký vào Hiệp định Paris về Việt Nam, 1/1973, thừa nhận độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, công việc nội bộ của Việt Nam do người Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài. Mỹ phải cút khỏi Việt Nam chỉ còn tính tháng; ta đánh cho ngụy nhào cũng chỉ còn tính vài năm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2 tháng 9 năm 1969. Trong “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Người khẳng định: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dù còn phải kinh qua nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn; đó là điều chắc chắn. Ngày 30/4/1975, ngày lịch sử vinh quang ấy đã đến. Lúc bấy giờ, nước ta “có vinh dự là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ”. (9)
Soi bài thơ “Đăng sơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 30/4/1975, ngày kết thúc “Chiến dịch Hồ Chí Minh” người Việt Nam có thể hào hứng viết:
“Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai” (10)
Đà Lạt, 9/2014
Chú thích:
(1)
Liên văn bản (intertesctualité): Văn bản văn học chỉ là sự hấp thu và chuyển hóa các văn bản văn học có trước.
(2)
Tại biên giới phía bắc, quân Nguyên Mông ráo riết chuẩn bị xâm lược lần thứ hai nước Đại Việt. Phạm Ngũ Lão đã trứ tác bài thơ “Thuật hoài” trong bối cảnh chưa lâm trận đó.
(3)
Tôi viết “dáo” để phân biệt với “giáo” trong giáo dục, tuyên giáo, giáo huấn.
(4)
Sự mạnh mẽ, hung dữ của trâu húc trâu khiến Phạm Ngũ Lão đã lấy hình ảnh trâu làm ẩn dụ cho sự hung dữ độc ác, xảo quyệt của quân Nguyên Mông.
(5)
Vũ hầu, tức Khổng Minh Gia Cát Lượng người rời “thảo lư” ra phò tá Lưu Bị khôi phục nhà Hán.
(6)
Ý tưởng “đăng cao viễn vọng” của Đỗ Phủ được Hồ Chí Minh hấp thu và biến đổi trong bài thơ “Ức cố nhân”, năm 1943, sau khi Người vừa mới ra khỏi nhà tù của chế độ Trung Hoa dân quốc phản động.
(7)
Các nhà nghiên cứu người nước ngoài nhận xét như vậy những bài thơ được Hồ Chí Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác bằng chữ Hán.
(8)
“Thôn ngưu đẩu” (nuốt sao ngưu, sao đẩu) lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Việt Nam. Trong văn hóa xưa của nước ta, không một tác giả văn học nào dám viết “thôn ngưu đẩu” bởi người ta nghĩ rằng ngưu, đẩu là hai ngôi sao trong 28 ngôi sao thiêng liêng, cao quý. Chính vì lẽ đó mà vua Lê Thánh Tông đã lấy 28 vì sao ấy (nhị thập bát tú) làm biểu trưng cho 28 thành viên của hội Tao đàn do nhà vua đứng đầu. “Thôn ngưu đẩu” trong bài thơ “Đăng sơn” là nét văn hóa mới của thời đại Hồ Chí Minh - văn hóa soi đường cho quốc dân đi, như chính Người đã khẳng định sau Cách mạng tháng Tám 1945.
(9)
“Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”
(10) “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Lê Chí Dũng