Vài nét về tuyển tập văn học nghệ thuật B'Lao

09:11, 06/11/2014

Đầu tháng 11 năm 2014, anh chị em văn nghệ sĩ xứ trà B'Lao ra mắt tuyển tập văn học nghệ thuật B'Lao (222 trang, khổ 16x24cm, Nhà Xuất bản VHVN TP.HCM cấp giấy phép ngày 14/8/2014).

Đầu tháng 11 năm 2014, anh chị em văn nghệ sĩ xứ trà B’Lao ra mắt tuyển tập văn học nghệ thuật B’Lao (222 trang, khổ 16x24cm, Nhà Xuất bản VHVN TP.HCM cấp giấy phép ngày 14/8/2014).
 
B’Lao, vương quốc trà, vùng đất cuối cùng ở Nam Tây Nguyên. Tính từ đầu thế kỷ thứ XX, tên gọi này bao gồm từ Bảo Lâm kéo dài về phía đông nam đến một phần của huyện Tánh Linh và Định Quán. Nay B’Lao chỉ còn là tên một phường ở thành phố trẻ Nam Lâm Đồng. 
 
B’Lao chính thức mang tên Bảo Lộc vào tháng 8 năm 1958. Sau ngày đất nước thống nhất, Bảo Lộc lần lượt tách để thành lập các huyện mới. Đến nay, thành phố có quy mô 232,37km2 với số dân trên 150 ngàn người. Như vậy, dù nhập hay tách B’Lao vẫn là xứ sở của trà xanh mây trắng, một địa danh trải dài đến tận Đồng Nai, vẫn còn vương vấn trong tâm thức những người đã từng sống ở đây từ đầu thập niên 20 thế kỷ XX đến tận bây giờ.
 
Trong quá trình phát triển, B’Lao là điểm đến của nhiều dân cư vùng miền. Đọc hết tuyển tập B’Lao, mới nhận ra trong từng trang giấy tỏa ra bóng dáng vùng miền. Các cây viết gốc Huế: Hoàng Ngọc Châu, Lê Quang Kết, Hương Thủy, Nguyễn Mạnh Quý… dù đã sống ở B’Lao gần cả đời người nhưng khi đặt bút hình ảnh của sông Hương núi Ngự lại tìm về trong tâm thức. Anh Nguyễn Khương Trung, nhà văn được mệnh danh “Người ghi chép vùng quê” đã dùng hết khả năng và nhận xét tinh tế của mình để giới thiệu vùng châu thổ sông Hồng. Các nhà thơ xứ Quảng: Minh Phúc, Trần Quang Ngân, Phạm Ngọc Nam lại nhớ về sông Trà, núi Ấn. Nhạc sĩ Phó Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng phụ trách phía Nam Trần Hữu Đông, nhạc sĩ Bùi Ngọc Hùng, Nguyễn Thanh Hùng, Thanh Quãng, Trần Khánh Nam, Thu Hường, Dương Chức Thanh… những người con sinh ra hoặc lập nghiệp tại xứ chè đã dành cả đời mình đưa hồn đất vào âm nhạc. Bên cạnh những cây bút hấp dẫn bạn đọc như: Vũ Đình Cảnh, Minh Nguyệt, Nguyễn Xuân Tùng, Phùng Chí Cường, Lý Thanh Hải, Hà Bình Minh…, còn có những người mà tôi thật sự trân trọng là các nhà nhiếp ảnh. Từ hương hoa B’Lao đã chắp cánh trở thành những nhà nhiếp ảnh có thương hiệu quốc gia quốc tế như: Văn Thương, Thiết Dũng, Bá Hảo, Hồng Quang, Vũ Thị Tịnh, Thái Bình Minh, Phạm Quang Rạng… hoặc các họa sĩ Lê Hoàng, Xuân Tuấn. Trong số ấy, Võ sư Ninh Thế Hùng - người sinh ra tại B’Lao đã dồn hết tâm lực đời người trong những chuyến đi điền dã, lao vào các thư viện, gặp gỡ các vị tiền bối để viết nên B’Lao đất và người từ những ngày thành lập đến tận bây giờ… Ngoài ra, một điểm tựa của các anh em là kỹ sư, nhà thơ, nhà văn kiêm Chi hội trưởng Khuất Thanh Chiểu. Anh Chiểu không những là cây bút có thương hiệu mà còn là nhà tổ chức, luôn động viên anh em sáng tác về mảnh đất nơi nuôi mình và con cháu lớn lên. Và tôi - người viết bài này đã sống ở sơn nguyên B’Lao đến nửa đời người vẫn chưa hiểu hết. Hàng tháng vẫn mang gùi, phóng xe máy xin đi theo các anh em với ước mong làm thư ký cho bạn bè để viết về xứ trà B’Lao trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế. 
 
Tuyển tập văn học nghệ thuật B’Lao ra đời vào những ngày cuối năm 2014, tuy chưa tập hợp đầy đủ hơi thở của cộng đồng dân cư ở xứ trà, nhưng là một sự cố gắng hết sức của các anh chị em văn nghệ sĩ Bảo Lộc.
 
TRẦN ĐẠI