Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên xưa, vẻ đẹp của người phụ nữ phải là vẻ đẹp toát lên từ sự khỏe mạnh của cơ thể với bầu ngực căng tròn đầy sức sống hứa hẹn cho sự sinh sôi, phát triển tự nhiên của giống nòi. Điều này đã được thể hiện khá rõ nét trong phục sức và cách làm đẹp của người Tây Nguyên, đặc biệt là ở phụ nữ.
Theo quan niệm của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên xưa, vẻ đẹp của người phụ nữ phải là vẻ đẹp toát lên từ sự khỏe mạnh của cơ thể với bầu ngực căng tròn đầy sức sống hứa hẹn cho sự sinh sôi, phát triển tự nhiên của giống nòi. Điều này đã được thể hiện khá rõ nét trong phục sức và cách làm đẹp của người Tây Nguyên, đặc biệt là ở phụ nữ.
|
Người Mạ trong trang phục truyền thống |
Phục sức của phái đẹp Tây Nguyên khá đặc biệt và độc đáo so với các dân tộc vùng miền khác ở Việt Nam, nó vừa phô diễn vẻ đẹp của cơ thể theo kiểu “Tốt khoe, xấu che” vừa kết hợp với những loại trang sức gây ấn tượng và hấp dẫn đối với người khác phái.
Trước đây, hầu hết phụ nữ các dân tộc ở Tây Nguyên chỉ quấn váy (ùi) tới nửa bắp chân và để trần từ phần ngực trở lên. Dái tai được xuyên lỗ và căng to bằng vòng cắt ra từ cây lồ ô, ngà voi hoặc đeo những vòng đồng lớn. Quanh cổ được quấn các chuỗi hạt mã não, hạt bạc hoặc hạt cườm nhiều màu, tay đeo vòng đồng bản rộng. Đặc biệt, hai chân đeo vòng đồng xoắn dạng lò xo dài ôm quanh cổ và bắp chân. Loại vòng này thường chỉ đeo chủ yếu trong các dịp lễ hội của buôn làng để khi nhảy múa sẽ tạo thêm âm thanh vui nhộn và đồng thời cũng nhằm thu hút và gây sự chú ý của mọi người xung quanh.
Tuy có quan niệm chung về cái đẹp và phục sức nhưng trang sức của phụ nữ các dân tộc ở vùng Bắc và Nam Tây Nguyên cũng có một số khác biệt. Hầu hết trang sức của các phụ nữ ở Bắc Tây Nguyên thường có dáng chắc khỏe, trang trí hoa văn khá cầu kì và thiên về sử dụng các vật liệu bằng đồng. Đặc biệt là các vòng đồng đeo ở tai và cổ tay. Ngược lại, các phụ nữ ở vùng Nam Tây Nguyên lại ưa dùng lồ ô và ngà voi để căng tai hơn. Các loại vòng đồng đeo tay, chuỗi hạt đeo cổ của họ cũng nhỏ và thanh mảnh hơn nhiều.
Đến giai đoạn đầu thế kỷ XX với sự phát triển đi lên của xã hội cũng như sự giao lưu mạnh mẽ với các dân tộc ở các vùng miền khác, quan niệm về cái đẹp của người Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi. Phục sức của họ cũng trở nên đơn giản và kín đáo hơn. Từ đây phụ nữ các dân tộc Tây Nguyên đã xuất hiện trong trang phục với đầy đủ váy áo. Chiếc áo đầu tiên của họ được làm khá đơn giản từ một tấm vải dệt gập đôi, khâu kín hai bên hông để hở phần nách. Trang sức cũng không còn sử dụng nhiều và cầu kì như trước.
Hiện nay, những trang phục, trang sức truyền thống của phụ nữ Tây Nguyên chủ yếu chỉ còn được lưu giữ ở trong các bảo tàng, nhà truyền thống. Đồng bào Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi trong cách ăn mặc để tiện lợi và phù hợp với thời hiện đại. Hầu hết nam, nữ đều mặc quần áo như người Kinh, trang phục truyền thống chỉ còn được sử dụng làm đồ sính lễ trong cưới hỏi và các dịp lễ hội của cộng đồng. Những bộ váy áo của phụ nữ cũng đã được cắt may theo lối cách tân đẹp đẽ hơn, phù hợp với thời hiện đại.
ĐOÀN BÍCH NGỌ