Chuyện bị kỷ luật của Tư

09:12, 25/12/2014

Tư xốc ba lô rảo bước, chiếc ba lô trên lưng nhẹ tênh, chỉ có bộ áo quần cũ, chiếc màn đơn rách, nắm cơm nắm với muối vừng, một chiếc sáo trúc, chiếc khăn bông quàng ở quai ba lô, một ruột nghé gạo, đặc biệt còn có chiếc kẹp rút dép bằng tre cật mà thời ấy, bất cứ ai đi dép lốp cao su quai xỏ cũng đều phải mang theo bên mình. Thiếu nó, khi dép bị tụt quai chỉ còn nước khóc.

(Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 1944 - 2014)
 
Tư xốc ba lô rảo bước, chiếc ba lô trên lưng nhẹ tênh, chỉ có bộ áo quần cũ, chiếc màn đơn rách, nắm cơm nắm với muối vừng, một chiếc sáo trúc, chiếc khăn bông quàng ở quai ba lô, một ruột nghé gạo, đặc biệt còn có chiếc kẹp rút dép bằng tre cật mà thời ấy, bất cứ ai đi dép lốp cao su quai xỏ cũng đều phải mang theo bên mình. Thiếu nó, khi dép bị tụt quai chỉ còn nước khóc.
 
Trước cảnh trời mây non nước hữu tình, Tư thấy lòng vui phơi phới. Anh vừa đi vừa khẽ hát những ca từ vừa lõm bõm học được, những bài ca từ Việt Bắc mới lan truyền tới liên khu: “…Ôi! Còn đâu đây sắc chàm pha màu gió/ Đau lòng bao năm sống lầm than đây đó/ Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng/ Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng…”. Rồi anh lại chuyển qua: “Chiều nay trên chiến khu trong rừng chiều/ Tiếng suối reo, đạn bay vèo…”. Tư cứ hát những ca từ lộn xộn, bài nọ xọ bài kia và cứ thế…, anh rảo bước cho đến khi đến nơi cần đến.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Tư được chỉ định làm trạm trưởng một trạm trung chuyển quân khí, vật tư kỹ thuật và vũ khí từ đồng bằng lên rừng Trường Sơn để sản xuất, sửa chữa vũ khí tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài sau năm 1945.
 
Ngày ấy thiếu phương tiện vận chuyển, tất cả đều dựa vào đôi vai và đôi chân của lính công binh hoặc anh em dân quân. Rừng Trường Sơn cọp có đến hàng bầy, voi rừng, rắn rết, trăn gió, vắt rừng dày đặc lối đi. Vắt thường chui vào quần áo rồi bám vào chỗ kín trong người. Chúng chỉ nhả ra, lăn xuống đất khi đã hút no máu người.
 
Để tránh máy bay và thám báo mặt đất dòm ngó nên mọi công việc đều được tiến hành từ chập choạng tối hôm trước cho đến gần sáng hôm sau.
 
QB210 là mật danh một xưởng chế tạo vũ khí, một xưởng công binh thuộc Sở Quân khí liên khu được chỉ định đóng quân ở khu rừng phía tây Quảng Ngãi. Đường lên núi là đường mòn độc đạo, càng sâu vào rừng, đường càng khó đi, dốc đá cheo leo, hiểm trở, khe suối sâu hun hút.
 
Việc di chuyển công binh xưởng tiến hành hết sức khẩn trương vì quân Pháp bắt đầu lấn chiếm ra vùng tự do LK V với lại phải tổ chức chế tạo vũ khí cung cấp cho chiến trường ngay. Trạm trung chuyển do Tư phụ trách đặt ở xã Trà Phú (Trà Bồng, Quảng Ngãi). Nói là trạm, chứ thật ra chỉ là một mốc giới được xác định của cung vận chuyển. Đó là một cây đa cổ thụ đứng cạnh đường. Ngay gốc đa đặt một cái bàn mộc: nơi làm việc của “đại bản doanh” trung chuyển và, trước mắt Trạm cũng chỉ có một mình Tư chịu trách nhiệm. “Hàng hóa” vận chuyển đến đấy đều được ngụy trang, giấu kín hai bên đường. Xẩm tối lính công binh và dân quân phân công nhau vận chuyển đến trạm kế tiếp.
 
Tư được Ủy ban hành chính lâm thời giới thiệu đến ở nhà má Phổ (ngày ấy QĐND chưa có doanh trại như bây giờ, mọi ăn ở dựa vào nhân dân) để tiện đi về giải quyết công việc. Nhà má Phổ chỉ cách đường chừng trăm thước. Nhà rộng lại biệt lập nên rất tiện cho công việc của Tư.
 
Lúc rảnh rỗi Tư thường “Dân vận”: lợp lại mái nhà tranh thủng lỗ chỗ, giọt nắng nhảy múa trên nền nhà bằng đất nện, giúp má việc vặt trong nhà hay công việc đồng áng, gánh mạ ra ruộng, quơ nắm củi mang về... Vì thế má Phổ càng thương.
 
Má thương thằng Trai con đẻ của mình bao nhiêu thì thương thằng Tư bấy nhiêu. Tư ngày càng gắn bó với gia đình má. Tư và thằng Trai luôn quấn quýt bên nhau như ruột thịt. Trông hai con thương nhau má rất mừng.
 
... Hôm ấy, thằng Trai đi làm rẫy, mãi đến chiều tối nó mới mò về, quần áo bê bết đất cát, rách nát nhiều chỗ. Người cũng đầy vết cào xước, rớm máu. Má vội dắt nó đi rửa ráy, thay quần áo, giã lá thuốc đắp lên chỗ rỉ máu trên người. Má lo lắm. Nó là chỗ dựa khi tuổi già xế bóng. Nói dại, nếu nó có làm sao thì má chết mất. Tối ấy, thằng Trai ngã bệnh, lên cơn sốt cao, người nóng hầm hập. Thời ấy ở nông thôn mọi thứ đều thiếu thốn. Má nóng ruột, mong thằng Tư chóng về.
 
Gần nửa đêm, xong công việc, Tư mới về đến nhà. Má mừng lắm.
 
- Con ơi! Con giúp má. Thằng Trai, em con, nó đi rẫy về quần áo gai cào rách, da thịt cũng vậy. Má rửa ráy cho nó, cho húp tý cháo rồi nó nằm đắp chăn rên hừ hừ, người nóng như than hồng. Má chẳng biết nó gặp chuyện gì trên núi. Nó đang sốt cao nên  má cũng chưa kịp hỏi han gì. Con ơi! Con hãy ráng giúp má, cứu em!
 
- Má đừng quá lo. Để con xem đã.
 
Tư lật chăn, sờ trán và tay chân thằng Trai. Nó sốt thật. Người nó như lửa. Tư nghĩ, có thể nó bị rắn độc cắn, cọp đuổi hay giẫm đạp phải gai mục ngâm bùn lâu nên nhiễm vi trùng uốn ván hoặc nó trúng gió? Phải đưa nó đi trạm xá y tế huyện ngay, để chậm sẽ rất nguy hiểm.
 
- Má à! Bây giờ phải đưa thằng Trai đến trạm xá huyện ngay, để trễ sợ nguy. Trạm xá huyện chỉ cách vài cây số.
 
- Nhưng đưa em đi bằng cách gì, đêm hôm khuya khoắt, trời lại đang mưa phùn lất phất, đường sá lầy lội khó đi thế này?
 
- Con sẽ cõng em đi. Má đừng lo.
 
- Má nghe con. Con ráng giúp má. Má chỉ có mình nó.
 
- Con biết mà. Má yên tâm.
 
Tư quấn cái chăn mỏng giữ ấm, che gió cho thằng Trai, Tư cõng nó trên lưng, vừa đi vừa chạy đến mờ sáng hôm sau mới đến trạm xá huyện.
 
Sau khi thăm khám cho nó, bác sĩ bảo:
 
- Không sao! Đây chỉ là cơn sốt ác tính. Uống thuốc sẽ khỏi, nhưng phải tiêm thuốc chống uốn ván vì những vết xước rớm máu ở lòng bàn chân có thể bị nhiễm trùng.
 
Thằng Trai uống, tiêm thuốc xong, đang nằm thiêm thiếp thì má Phổ cũng vừa kịp đến nơi.
 
Nghe Tư thuật lại mọi chuyện, má mừng lắm và luôn mồm cảm ơn bác sĩ.
 
Khi đã đỡ sốt, tỉnh lại, Trai kể: Nó đang chăm chú phát cỏ, bỗng phát hiện cách nó chừng vài ba thước một con rắn hổ mang chúa to lớn, đang vươn cao bành cổ, phun phì phì hướng về phía nó như nó đang chuẩn bị một cú đớp chí mạng. Thế là nó quẳng cây rựa chạy thục mạng chẳng kể gì gai góc. Đôi lần nó vấp ngã, đứng dậy lại chạy.
 
May mà giống rắn hổ mang không biết đuổi theo người. Nó gặp rắn là còn may. Mấy hôm nay dân làng đã được cảnh báo: rừng động, rừng đang có bầy cọp kéo về. Dân làng không được lên rẫy, lên nương. Nếu nó gặp bầy cọp đói đó thì coi như cầm chắc cái chết.
 
Má Phổ nghe con kể mà thấy ớn lạnh. Má luôn miệng: Ơn Phật!
 
Chuyện thằng Trai đến đây coi như đã yên, nhưng Tư bắt đầu gặp khó.
 
Chẳng là Tư cõng thằng Trai chạy trong đêm, mệt và mất ngủ, làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ nên kiệt sức, đổ bệnh nằm luôn tại bệnh xá không kịp báo cáo cấp trên. (Ngày ấy thông tin liên lạc thật khó khăn, chứ không như bây giờ). Công việc ở trạm bị dồn ứ. Máy móc, thiết bị, vũ khí không ai phân loại, điều phối, thứ nào chuyển trước, thứ nào chuyển sau. Đường dây vận chuyển bị rối. Cấp trên phải tức tốc cử người thay thế và cử người truy tìm Tư. Đơn vị nghi ngờ Tư đào ngũ. Tội đào ngũ thời ấy có thể phải ra tòa án binh. Tư bị cách chức Trạm trưởng và điều ngay lên Trường Sơn sau khi khỏi bệnh. Má Phổ không hề hay biết việc Tư bị kỷ luật vì, sau khi thằng Trai khỏi bệnh, má đưa nó về nhà ngay. Má gửi Tư cho bệnh xá, nhờ bệnh xá chăm nom. Má sẽ quay lại.
 
Về đến đơn vị, Tư bị cảnh cáo và đình chỉ việc xem xét kết nạp Đảng. Thời ấy việc được xem xét kết nạp Đảng hết sức khó khăn và vô cùng quan trọng đối với lứa tuổi thanh niên tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng.
 
Trong cuộc họp, Tư có giãi bày hoàn cảnh lúc ấy, nhưng đơn vị chưa thể thẩm tra, công việc đang rất khẩn trương. Thời chiến, kỷ luật quân đội rất nghiêm. Tư buồn nên cũng chẳng thư từ gì cho má Phổ biết và vì anh cũng không muốn má phải lo lắng, phiền lòng. Vì thế, càng lâu ngày má Phổ càng cảm thấy không yên lòng. Tại sao từ ngày ấy nó chẳng thư từ gì cho má? Nó đã cứu con má trong cơn thập tử nhất sinh, nếu không có nó thì con má…!
 
Càng nghĩ, má càng quyết tâm tìm cho ra sự thật.
 
Để biết được tin tức của Tư, lúc ấy chỉ có mỗi cách là hỏi thăm các anh lính công binh thỉnh thoảng ngang qua con đường độc đạo ấy. Ai muốn lên núi, xuống biển đều phải qua con đường đó. Vì thế, má dựng ngay một “nếp quán bên đường” ngay chỗ cây đa Tư đặt trạm trung chuyển. Chiếc quán đơn sơ hầu như không có hàng họ gì ngoài mấy nải chuối chín, ít bánh kẹo, diêm, thuốc lá... và một ấm trà nóng. Quán chỉ là cái cớ để má có điều kiện gặp gỡ mọi người qua lại lần dò tin tức của Tư. Đặc biệt má chú ý đến các chú bộ đội Cụ Hồ, các chàng lính trẻ, lính công binh ghé quán.
 
Má Phổ luôn tâm niệm, má đang mắc một món nợ quá lớn dù đó là con cái trong nhà cũng cần phải được “ân đền nghĩa trả”. Đó là đạo lý làm người. Má còn sống thì quyết tìm gặp cho được thằng Tư, má có chết mới yên lòng.
 
Thời ấy nhân dân LK V tự giác giữ bí mật cơ quan, đơn vị bộ đội nghiêm ngặt, ai nấy đều thực hiện “ba không”: không biết, không nghe, không thấy. Vì thế, nên qua một năm “bám quán” mà má vẫn chưa “moi” được tin tức gì về Tư. Má bắt đầu dao động, chán nản. May thay, má gặp được người làm nghề sơn tràng mách cho biết có gặp mấy anh lính công binh nơi khu rừng nọ và dặn má chớ nói với ai!
 
Khi có được thông tin, má vội vàng đóng cửa quán, khăn gói tìm đường đến trạm giao liên đơn vị Tư đặt ở cửa rừng.
 
Người trưởng trạm sau khi rót nước mời má Phổ:
 
- Thưa bác! Bác có việc gì cần mà phải lặn lội đường sá xa xôi đến đây cho vất vả?
 
- Đúng! Má có vất vả thật mới tìm được đơn vị của con, cũng tức là đơn vị của thằng Tư, con má. 
 
Má mong gặp nó lắm. Rồi má giãi bày chuyện xảy ra tối hôm ấy tại nhà má, chuyện thằng Trai bị sốt ác tính, nếu không có thằng Tư cõng nó vừa đi vừa chạy trong đêm mưa gió để đến trạm cấp cứu của huyện thì con má chắc sẽ không sống được. Cái ơn cứu mạng ấy má phải trả. Đấy là “tình quân dân cá nước”. Tại sao lâu nay nó im hơi lặng tiếng, không ghé về thăm má và em nó?
 
- Thưa bác! Thế mà anh Tư chưa báo cáo rõ ràng chuyện này. Cháu sẽ báo cáo ngay cho thủ trưởng cháu biết để có thể xem xét lại quyết định kỷ luật anh ấy. Giúp đỡ nhân dân trong lúc khó khăn là nghĩa vụ của bộ đội chúng cháu. Cứu sống một mạng người là chuyện lớn. Tình quân dân như cá với nước. Quân đội chúng cháu từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Vì thế, việc làm của anh Tư là việc đáng được khen ngợi. Tuy vậy, kỷ luật quân đội rất nghiêm, bác thông cảm. Sau này bác sẽ rõ. Giờ bác cứ về nghỉ. Nhất định đơn vị cháu sẽ xem xét lại việc này.
 
- Chuyện của thằng Tư sau này thế nào con “tư” cho bác cái giấy để bác biết, với lại bác tha thiết mong thủ trưởng đơn vị của cháu cho nó nghỉ mấy ngày phép để nó về thăm má và em nó. Bác mong gặp nó lắm. Mong cháu thưa giùm.
 
Chiến thắng giòn giã ở mặt trận Mang Đen, Mang Cụt Tây Nguyên “bay” về đơn vị, điện khen của bộ tham mưu liên khu, viết: Trong chiến công to lớn ấy có sự đóng góp quan trọng về vũ khí của đơn vị Tư chế tạo. Trong niềm hân hoan của toàn đơn vị, Tư được thưởng đặc cách mấy ngày nghỉ phép để về thăm má và em.
 
Hôm ấy, nhà má Phổ vui lắm, nhiều người ra vào như nhà đang có tiệc cưới. Chẳng là ngày Tư về, má làm một mâm cơm, trước là cúng tổ tiên phù hộ, sau là mừng thằng Trai con má tai qua nạn khỏi. Thằng Tư, đứa con bộ đội của má được xóa kỷ luật lại còn được khen thưởng. Má mời bà con, họ hàng làng xóm đến chia vui. Ai cũng mừng cho má.
 
Bữa cơm hôm ấy có Na, cô gái xinh đẹp con bà hàng xóm cứ nhìn Tư với ánh mắt rạng rỡ. Đã đôi lần má “bắt gặp” nó nhìn Tư đăm đắm, quyến rũ đầy ma lực… Má mơ một ngày đẹp trời sẽ đến với con má, thằng Tư.
 
Truyện ký: NGUYỄN TÙNG CHÂU