Ngay sau lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11, tôi vội vàng xuống Bảo Lộc để kịp dự buổi khai trương Trung tâm Lapensée Piano Center do nhạc sĩ Ái Lan - Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lâm Đồng, tổ chức dàn dựng, giảng dạy, đào tạo và cùng các nhạc sinh biểu diễn…
Ngay sau lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11, tôi vội vàng xuống Bảo Lộc để kịp dự buổi khai trương Trung tâm Lapensée Piano Center do nhạc sĩ Ái Lan - Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lâm Đồng, tổ chức dàn dựng, giảng dạy, đào tạo và cùng các nhạc sinh biểu diễn. Căn phòng nằm trên gác, thoáng, rộng, khá ấm cúng - một địa điểm lý tưởng dành cho âm nhạc thính phòng. Men theo hai dãy ghế ở giữa tôi chọn cho mình chỗ ngồi thích hợp - thật kỳ lạ khi liếc mắt nhìn quanh chứng kiến cảnh đầy ắp khán giả. Già, trẻ, lớn, bé, gái, trai, ai ai cũng lịch thiệp quí phái, bình thản lặng thinh, chăm chút dõi theo từng búp tay hồng lướt trên phím đàn dương cầm Khúc Luân vũ, Marche Turque, Marches Militaires, River Flow in You... Những trích đoạn giao hưởng của các nhạc sư lừng danh thế giới: Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert… Dưới ánh đèn vàng mãn nhãn, không gian loang màn sương xanh, thanh âm từ cây đàn Piano - Yamaha cứ thế chao, cứ thế liêu xiêu đêm Ngoạn Thạch Quán - 98 Lương Thế Vinh, TP. Bảo Lộc.
|
Song tấu |
Piano, loại nhạc cụ kinh viện, tác phẩm soạn cho dương cầm là thể thức hàn lâm, không dễ một sớm một chiều để trở thành nghệ sĩ. Muốn là một Pianit thực thụ bắt buộc người chơi phải khổ luyện thường xuyên, năng khiếu bẩm sinh, nhanh thính giác, nhạy linh hồn. Môi trường đào tạo phải tốt: Phòng riêng, cách âm, biệt lập. Trang thiết bị đính kèm: CD, VCD, DVD. Sách vở, tài liệu máy đập nhịp (Metrónol), các loại đàn, lớn, nhỏ, rộng dài đủ kích cỡ cho mọi lứa tuổi.
Âm nhạc là một ngành nghề cao thượng, được trời đất ban, loài người hấp hồn - sáng tạo, cộng đồng nâng niu - giữ gìn. Việc thành lập Trung tâm dương cầm Lapensée để phát triển tài năng là một hành động đẹp, đáng trân trọng cần được ghi nhận. Riêng về phần này tôi thấy nhạc sĩ Ái Lan trọn tình nương náu nhiều năm qua, tạo dựng nhiều thế hệ, nhiều nhạc sinh ở huyện, thị, thành phố. Nhiều em khá nổi danh, thành tài đi khắp vùng miền đất nước, thậm chí còn vươn xa xa nữa. Cuối thập niên 80, những chương trình “Cây đàn em yêu. Hạt sương mai…”, được Đài PT-TH Lâm Đồng - HTV phối hợp thực hiện, học viên nhiệt tình, phụ huynh, người yêu nhạc cổ điển đánh giá cao. Ái Lan là con thứ trong một gia đình dòng dõi truyền thống ở cố đô Huế, có điều kiện tiếp cận âm nhạc từ nhỏ, may mắn được rèn luyện học tập ở những thành phố có bề dày văn hóa, chiều sâu nghệ thuật cổ điển Tây phương như: Đà Nẵng, Sài Gòn. Vào năm 1994, không hiểu cơ duyên nguyên cớ gì Ái Lan lại chuyển qua sáng tác. Có lẽ ấp ủ đã lâu, bấy nhiêu năm thai nghén, gặp giai đoạn thăng hoa, Ái Lan liền cho ra đời một số ca khúc đáng kể, bời bời cảm nhận. Xuất bản Album: Trách chi cơn mưa chiều, Tình ca Ái Lan 1, 2, 3… Nhiều ca sĩ nổi tiếng góp mặt, Ái Lan ra Hà Nội diễn xướng, xuống Sài Gòn tổ chức đêm nhạc với anh Trịnh Công Sơn. Sau đó về Huế qua Đà Nẵng phát hành. Truyền hình địa phương, Trung ương đều đều lên sóng tạo hiệu ứng “Tình ca Ái Lan” ngày ấy. Chính những hoạt động tích cực như thế, năm 1997 Ái Lan được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam và năm 2000 nằm trong Ban Chấp hành Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lâm Đồng. Từ giữa mùa thu 2007, do hoàn cảnh cuộc sống, Ái Lan ngậm ngùi ngưng hoạt động, mãi đến đầu xuân 2012 chất nghệ sĩ thức dậy, Ái Lan mới mở lớp dạy đàn trở lại. Thời gian này, Ái Lan chăm chút từng giây, từng phút, thường xuyên trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô giáo; khảo cứu, học hỏi muôn phía, nhiều nguồn. Tháng 11/2014 vận đến, Ái Lan quyết định ra mắt Trung tâm Lapensée Piano Center.
Nhìn lại đêm diễn trên gác Ngoạn Thạch Quán, chương trình thể hiện một bức tranh suối nguồn muôn vị, vô biên cảm xúc, tình yêu neo đậu, cảnh vật bừng hoang, cây lá, phiến đá góc tối chuyển hóa. Tiếng hát lanh lảnh khu vực note cao, dấu hóa lặng trầm âm mờ đoạn cuối. Khúc mở màn (Ouverture) thật ấn tượng, một bản hợp ca A cappela chắt chiu nghệ thuật nhà thờ. Dẫu rằng ở đây giọng các cháu chưa hẳn tuyệt hay, cú pháp phối bè chồng âm chưa tròn mạch điệu. Nhưng quãng cung cao thấp, nhịp phách bổng trầm các cháu biểu hiện tràn trề chuẩn hóa. Ngón đàn măng non thơm tho, bàn tay mềm mại diệu kỳ, các nhạc sinh: Song Nghi, Hải Anh, Minh Thư, thiên thần nhí Tuệ Minh - cô bé có bím tóc gợn, ánh mắt trong, trước lúc ra diễn vẫn còn nhõng nhẽo bố mẹ. Bản Sonatine cung Đô trưởng (C), Tuệ Minh độc thoại chững chạc, vừa rải hợp âm (Arpege) cả khán phòng nín thở. Riêng tôi thật sự ngỡ ngàng và bàng hoàng trước vẻ hồn nhiên - tài năng của cháu, tôi ghìm lòng tự hỏi: Không hiểu thế nào? Chẳng biết làm sao? Một cháu gái chưa tròn sinh nhật lần 7 mà xử lý tác phẩm của nhà soạn nhạc Beethoven gọn gàng, mạch lạc, điêu luyện, quyến rũ đến vậy. Tôi nhắm mắt nghiền ngẫm tận hưởng, rồi mơ tưởng phương trời nào đó, chợt ngàn xưa ùa về, xa xăm khơi gợi chuyện tình chàng nghệ sĩ phong trần phiêu sương, tài hoa vĩ đại, tham vọng sự nghiệp, đồ sộ tác phẩm, nhưng trong đời sống số phận lại bi thương xót đắng, nguy nan lạ lùng.
|
Hợp ca A cappella |
Chương trình lần lượt với những màn song tấu, biến tấu, độc tấu qua bàn tay vàng Hải Uyên, Hải Nguyên, Phúc Ân, Thư Kỳ, Hạnh Nguyên, Hoài Bão, Ngọc Thiện, Kim Ngân, Ngọc Hân gồm các trích đoạn chuyển soạn, Symphonie, Rondo, Sonata, giai phẩm Le Cocou (Daquin), Le Beau Danube Bleu (Johan Strauss II)… Mỗi em mỗi vẻ tính cách khác biệt tạo bức tranh đa màu động tĩnh. Sau cùng là học viên Thùy Lan, cánh én đầu đàn đĩnh đạc tấu khúc Fantaisie Impromptu của F. F. Chopin, giai điệu tiết tấu tác phẩm này rất khó, kỹ thuật chạy ngón đều đặn đôi tay, hai bên phải trái đan xen liên tục, thường dùng cho anh chị chính quy sinh viên nhạc viện. Thùy Lan cô con gái nựng của nhạc sĩ Ái Lan tuổi trăng chưa tròn, học Piano mới mười bốn tháng lẻ bảy ngày, thế mà ngẫu hứng từ trên xuống dưới, đủ đầy cách phiêu. Chợt nghe mùa đông rưng rưng bên khe cửa, tôi bỗng chớp mắt… Hình ảnh một Chopin lãng tử, Chopin hào hoa, chàng thi sĩ dương cầm với những bản Nocturque, Valse, Mazurka, Ballade… Mềm lòng ngấm say rót tận đáy tim gan. Âm nhạc của ông là tinh hoa nền cổ điển Tây phương, nhuần nhụy thủ pháp, gọi lửa tâm hồn, sâu nặng quê hương, yêu thiên nhiên nhân loại, quý văn hóa dân tộc. Chopin phóng khoáng. Chopin hợp phức thả vào trường phái lãng mạn những giai thoại vô cùng triết lý, buồn mê, tình tự, siêu thoát… Cuối cùng chương trình như một bản Rondo xoay vòng, phần kết thúc chủ đề tái hiện “Vì thế giới hôm nay và ngày mai”. Hợp ca do cô giáo và tập thể học viên Trung tâm Lapensée Piano Center trọn tình gói lại hoàn hảo. Trước khi chia tay, khán giả và diễn viên rạng ngời bên nhau tùy hứng, bập bùng nhịp lửa, ngửa nghiêng men trái Buffet. Già, trẻ, lớn, bé, gái, trai, ai ai cũng phủ choàng hương hoa dầm dề suối nhạc.
Đêm dần sáng đậm đặc, dưới bóng trăng khuya bồn chồn, qua vườn trà vá víu, tôi ngồi bên trong bần thần như gã mộng du, chiếc xe bỗng ngược hướng quay về Đà Lạt, tôi lại cười thầm hạnh phúc, ngâm dài tự sướng vì tin rằng một sớm mai kia bình yên chân trời thật hiền, tài năng trẻ sẽ bừng phát, tiếp nối sự nghiệp dâng hiến nghệ thuật, để môi trường âm nhạc đời đời nguyên trong chòng chành dưỡng chất. Tiếng réo gọi đây đó mơ màng rừng núi tôi ngoảnh lại. Phía sau lưng thác Đamri tua tủa từng sợi cấu thành hợp thanh, chùm năm nhịp ba chìm vào B’Lao trắng trời Bảo Lộc.
NS ĐÌNH NGHĨ