Khúc quân hành người lính...

08:12, 18/12/2014

Hành trang người lính thật bình dị "Chiếc ba lô đựng những gì - Mà đi cuối đất mà đi cùng trời", với mái tăng "bầu trời vuông", với cánh võng bạt ru hai đầu đất nước. Từ chiếc mũ nan, áo trấn thủ từ thuở vệ quốc đoàn đến vành mũ tai bèo lá sen, đôi dép lốp cao su ngàn dặm của anh giải phóng quân...

Có một tấm ảnh chụp cách đây 70 năm tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng) trở thành một hiện vật lịch sử quý giá, đó là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ, được thành lập dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vũ khí thô sơ. Tấm ảnh đen trắng mộc mạc nhưng vẫn ngời lên khí thế quyết chiến, quyết thắng. Lá cờ đỏ sao vàng ngày ấy xuất hiện trong trận đánh đầu tiên: Phai Khắt, Nà Ngần, đã tung bay trên nóc hầm tướng Đờ - cát của chiến dịch Điện Biên Phủ và rực rỡ trên dinh Độc Lập ngày 30/4 toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Suốt chặng đường dài lịch sử người lính mang theo khúc quân hành “Đâu có giặc là ta cứ đi”, là điệp khúc điệp trùng những đoàn quân ra trận “Lớp cha trước lớp con sau - Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu).
 
Hành trang người lính thật bình dị “Chiếc ba lô đựng những gì - Mà đi cuối đất mà đi cùng trời”, với mái tăng “bầu trời vuông”, với cánh võng bạt ru hai đầu đất nước. Từ chiếc mũ nan, áo trấn thủ từ thuở vệ quốc đoàn đến vành mũ tai bèo lá sen, đôi dép lốp cao su ngàn dặm của anh giải phóng quân. Từ “Áo anh rách vai - Quần tôi có vài miếng vá - Miệng cười buốt giá - Chân không giày” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu đến “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (Thơ Hữu Thỉnh) và “Phi đội ta xuất kích”... quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng chính quy với bao binh chủng hiện đại nhưng trái tim người lính thuần Việt thì vẫn thế, vẫn vẹn nguyên nhịp đập tin cậy yêu thương thật tinh tế và nhạy cảm biết bao: “Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng - Nghe lăn tăn những tiếng chim xuống hầm” trong thơ của anh lính trẻ Hoàng Nhuận Cầm. Người lính vẫn mộng mơ “Đầu súng trăng treo” hay “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”...
 
Không có quân đội nào mà người lính được mang tên “Anh bộ đội Cụ Hồ” như quân đội Việt Nam ta. Hình ảnh Bác - vị tổng chỉ huy tối cao với bộ quân phục giản đơn “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Lời thơ chúc Tết của Bác như một mệnh lệnh tiến công: “Tiến lên - toàn thắng ắt về ta” và niềm cảm hứng thi ca đến với Người cũng bắt đầu từ “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao”. Có thể nói ít có tình cảm quân dân nào gắn bó như cá với nước của quân đội ta từ “Tấm áo mẹ vá năm xưa” đến lá thư nhà “Thư người hậu phương gánh gạo đưa chồng - Hai vai khó nhọc - Viết gửi cho ta ngổn ngang từng nét - Như gồng như gánh dân công” (Thơ Chính Hữu). Cái khoảng cách giữa chiến trường và hậu phương được rút ngắn lại bởi người lính: “Từ nhân dân mà ra - Vì nhân dân mà chiến đấu”. Bước chân các anh đi qua bao làng quê vẫn một màu xanh quân phục thật bền bỉ. Màu xanh ấy lẫn vào bao cánh rừng với cành lá ngụy trang: “Mùa xuân người cầm súng - Lộc biếc ngời trên lưng” của nhà thơ Thanh Hải được nhạc sĩ Trần Hoàn chắp cánh bay xa như một thông điệp ươm những màu hi vọng xanh non của tình yêu cuộc sống. Nhịp hành khúc “Vì nhân dân quên mình - Vì nhân dân hi sinh” là bài hát đầu tiên khi nhập ngũ. Người lính hát hòa mình vào những người lính khác, hành khúc ấy nối dài thêm những hành khúc khác “Đêm trước núp trong lùm bắn tỉa - Sớm sau dàn trận chính quy - Đến trận bão hiệp đồng cả nước - Mỗi sư đoàn mang gió lốc bay đi” trong nhịp điệu thơ hào hùng của người lính thi sĩ Phạm Ngọc Cảnh. 
 
Người lính trong thời bình vẫn chắc tay súng, đổ mồ hôi trên thao trường, trên các công trường xây dựng, ngoài đảo khơi xa, nơi biên cương Tổ quốc. Hành trang của người lính mang theo vẫn là khúc quân hành: “Đời mình là một khúc quân hành - Đời mình là bài ca chiến sĩ” của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền vọng mãi theo điệp trùng những đoàn quân bởi “Mãi mãi lòng chúng ta - Ca bài ca người lính - Mãi mãi lòng chúng ta - Hát mãi khúc quân hành ca...”.
 
Tản văn: NGUYỄN NGỌC PHÚ